Văn Nhất Đa – thơ và lí luận về thơ _2

pdf
Số trang Văn Nhất Đa – thơ và lí luận về thơ _2 7 Cỡ tệp Văn Nhất Đa – thơ và lí luận về thơ _2 202 KB Lượt tải Văn Nhất Đa – thơ và lí luận về thơ _2 0 Lượt đọc Văn Nhất Đa – thơ và lí luận về thơ _2 8
Đánh giá Văn Nhất Đa – thơ và lí luận về thơ _2
4.7 ( 9 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

Văn Nhất Đa – thơ và lí luận về thơ 1. Trong truyền thống văn học Trung Quốc thường xuất hiện loại hình tác giả: sáng tác kiêm lý luận. Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Bạch Cư Dị, Tào Tuyết Cần… là những tác giả như vậy. Các vấn đề lý thuyết có thể được các tác giả phát biểu trực tiếp, độc lập có thể được lồng ghép trong tác phẩm. Sáng tác của họ thường là để thể nghiệm những vấn đề lý thuyết mới. Văn Nhất Đa (1899 – 1946) – nhà thơ nổi tiếng của văn học Cận hiện đại Trung Quốc, là “chủ tướng của phái thi ca cách luật”(1), đồng thời cũng là “người đặt nền móng cho lý luận thi học hiện đại Trung Quốc”(2). Ông sáng tác không nhiều nhưng có ảnh hưởng lớn tới đương thời. Bài thơ đầu tay Bờ Tây (Tây ngạn – 1920), ít người biết đến. Phải đến khi Nến đỏ (Hồng chúc - 1923) ra đời, văn đàn Trung Quốc mới thực sự xôn xao. Năm 1928 với sự xuất hiện của tập thơ Nước tù đọng (Tử thủy) càng khẳng định tầm vóc thơ ca của Văn Nhất Đa. Đối với triết học, văn học cổ điển Trung Quốc, ông cũng dành rất nhiều công sức nghiên cứu. Từ Chu dịch, Trang tử đến Kinh thi, Sở từ, Đường thi… ông đều đưa ra những kiến giải sâu sắc và mới mẻ. Văn Nhất Đa đã nghiên cứu những di sản cổ điển nước nhà trong hoàn cảnh mới của đất nước và bằng tầm nhìn của một trí thức có điều kiện am hiểu rộng rãi văn hóa phương Tây. Do vậy mục đích của ông không phải là ca ngợi văn hóa tinh thần Hoa Hạ mà cùng với những khẳng định tinh hoa còn chỉ ra những vết thương và bóng tối của một dân tộc, mong muốn dân tộc mạnh mẽ đi lên. Những tập bình luận văn học của ông như Nghiên cứu ngọn nguồn luật thi (Luật thi để nghiên cứu - 1921), Bình luận đêm đông (Đông dạ bình luận - 1922), Cách luật thơ (Thi đích cách luật – 1926), Ý nghĩa mới của văn học cổ điển (Cổ điển tân nghị - 1928)… được đánh giá cao. Khi du học Mỹ (1922 – 1925), ông học tại Học viện Nghệ thuậtChicago. Trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật, Văn Nhất Đa từng tham gia vào nhiều tác phẩm điện ảnh với tư cách là nhà soạn kịch, nhà đạo diễn, nhà thiết kế sân khấu, diễn viên… Văn Nhất Đa là một tài năng nhiều mặt. Riêng lĩnh vực văn học, ông là tác giả tiêu biểu cho loại hình tác giả văn học Trung Quốc Cận đại – một giai đoạn chuyển mình đầy khó khăn của văn học Trung Quốc trước sự xâm nhập của văn hóa phương Tây. 2. Đóng góp lớn nhất của Văn Nhất Đa đó là thơ và lý luận về thơ. Thơ và lý luận về thơ của ông đã phản ánh đầy đủ tư tưởng và tâm hồn ông. Cũng như nhiều nhà thơ lớn khác, trước hết ở ông cũng là những suy ngẫm về vai trò, sứ mệnh của thi nhân, cũng là sứ mệnh của thi ca đối với đời sống. Nến đỏ là một tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả. Lấy cảm hứng từ hình ảnh “ngọn nến” trong câu thơ nổi tiếng của Lý Thương Ẩn “Lạp cự thành hôi lệ vị can” (Nến thành tro bụi rồi, nước mắt mới khô – Vô đề), Văn Nhất Đa đã xây dựng thành một biểu tượng về nhà thơ. Trước hết, nhà thơ phải có trái tim thiết tha, hồng tươi như nến. Hồng chúc a! Giá dạng hồng đích chúc! Thi nhân a! Thổ xuất nễ đích tâm lai tỉ tỉ, Khả thị nhất ban nhan sắc? (Nến đỏ! Sao lại đỏ đến thế! Hỡi nhà thơ! Anh hãy lấy trái tim so. Có phải chung sắc đỏ?) Sứ mệnh của nhà thơ là phải biết tự đốt cháy mình để đem lại ánh sáng, đem lại những thức nhận cho cuộc đời. Đó là sự hy sinh tất yếu và cao cả: Hồng chúc a! Kí chế liễu, tiện thiêu trước! Thiêu ba! Thiêu ba! Thiêu phá thế nhân đích mộng, Thiêu phí thế nhân đích huyết Dã cứu xuất tha môn đích linh hồn, Dã đảo phá tha môn đích giam ngục! (Nến đỏ! Tạo ra rồi thì phải đốt! Đốt lên! Đốt lên! Đốt tan đi giấc mộng thế nhân. Đốt sôi bầu máu nóng của họ. Cũng là cứu cho linh hồn của họ. Cũng là phá bỏ tối tăm của họ!). Hai hình ảnh trung tâm của bài thơ: trái tim cháy (tâm hỏa) và tro của trái tim (hôi tâm) là những khái quát trừu tượng giàu chất triết lý. Đốt cháy hình hài để thắp sáng linh hồn; đốt cháy cũng thật đớn đau “rơi một giọt lệ, nguội một chút lòng”, nhưng đó lại là sự hủy diệt để mang lại sự sống: Hồng chúc a! Lưu bãi! Nễ chẩm năng bất lưu ni? Thỉnh tương nễ đích chi cao, Bất tức địa lưu hướng nhân gian Bồi xuất úy tạ đích hoa nhi, Kết thành khoái lạc đích quả tử! (Nến đỏ ơi! Hãy rơi đi! Vì sao thôi rơi lệ? Xin hãy đem màu mỡ. Không ngừng chảy vào nhân gian. Bón cho đóa hoa an ủi. Kết thành những quả hân hoan). Quan niệm của Văn Nhất Đa ở thời kỳ này đậm chất kinh điển. Văn học phải có khả năng cảm hóa, cải thiện cuộc sống vốn là tinh thần của lý luận thơ ca cổ điển Trung Quốc. Song, ở Văn Nhất Đa ý nghĩa mở rộng hơn, biểu hiện niềm tin sâu sắc vào sức mạnh nghệ thuật, sự tự nguyện hiến dâng hết mình cho nghệ thuật của thi nhân. Trong bài Thi nhân (Nhà thơ), ông không còn quá nồng nhiệt đề cao sứ mệnh của nhà thơ mà chấp nhận vai trò “bên lề” thế giới của thi nhân; giống như hơi nóng trong mùa hè, tuyết giữa ngày xuân. Ông chỉ khẳng định ý nghĩa của thơ ca đối với bản thân nhà thơ. Thơ là phần thưởng cao quý dành cho nhà thơ. Thơ là thế giới để ngưỡng vọng, hướng tới. Trong thư gửi Lương Thực Thu (1923) ông tâm sự: “Hai chữ “văn học” trong quan niệm của tôi là tín ngưỡng, là mơ tưởng, là lý tưởng… chứ không phải vẻn vẹn chỉ là một công cụ để trút hết nỗi buồn của tôi”(3). Đến Khẩu cung (Lời khai), tác giả dành nói về sự phức tạp, đa chiều của tâm hồn nhà thơ. Trong con người nhà thơ có phần lớn những phẩm chất thuần túy, dễ dàng được đồng cảm, chấp nhận. Như tình yêu đối với sự kiên trinh của viên đá trắng, yêu thiên nhiên thơ mộng với tùng xanh, biển rộng; yêu hoàng hôn với cánh dơi chiều; yêu người anh hùng và những ngọn núi cao; yêu lá cờ tổ quốc và muôn loài hoa cúc… Nhưng đó không phải là tất cả. Còn một phần riêng, có thể rất khác thường cùng tồn tại: Khả thị hoàn hữu nhất cá ngã, nễ phạ, bất phạ? Thương dăng tự đích tư tưởng, lạp ngập thống lý ba. (Nhưng mà hãy còn có một cái Tôi, anh có sợ chăng? Tư tưởng – tựa con ruồi, lồm cồm bò trong thùng (rác). Hệ thống cách nhìn của Văn Nhất Đa cho thấy từ những tiền đề cổ điển ông đã hướng đến hình mẫu của một nhà thơ hiện đại; từ sự hòa tan tuyệt đối cái “tôi” đến phơi bày, khẳng định cá tính. Đó cũng là chuyển biến tất yếu của tác gia Cận đại Trung Quốc. 3. “Thi duyên tình” là một phương diện quan trọng của lý luận thơ ca truyền thống Trung Quốc. Quan niệm này nhằm nhấn mạnh yếu tố tình cảm là đặc trưng cơ bản của văn học. Thế nhưng, thi học cổ đại lại khẳng định “dùng tình tiết lý”, “tình theo lý về”. Văn Nhất Đa cho rằng tình cảm trong thơ cổ là tình cảm đã được tiêu chuẩn hóa, xã hội hóa, không phải là tình cảm tự nhiên. Ông xếp loại tình cảm đó vào “nhóm hai”. Bình luận về thơ của Du Bình Bá, ông có nhận xét tương tự: “… đa số là tình cảm dùng phương pháp lý trí để áp đặt, cho nên là tình cảm thuộc nhóm thứ hai”(4). Là nhà thơ theo khuynh hướng lãng mạn, Văn Nhất Đa tuyệt đối đề cao tình cảm tự nhiên, thuần túy chủ quan. Cũng như các nhà thơ lãng mạn Trung Quốc bấy giờ, Văn Nhất Đa phủ nhận yếu tố lý tính. Bài thơ đầu tay: Bờ Tây, ông đã dùng hai câu thơ của Keat (John Keats 1795- 1821) làm đề từ, khẳng định thế giới tâm hồn nhà thơ là thế giới tràn trề cảm xúc. Những bài thơ thời kỳ đầu của ông đều bộc lộ xúc cảm mạnh mẽ với vô số những dấu chấm cảm: A! Lãng mạn đích sinh hoạt a! Thị tả tại thủy diện thượng đích cá “ái” tự, Nhất bích tả trước, nhất bích một liễu Giảo động ta thống khổ để ba luân. (Sám hối) (Ôi! Cuộc sống mới lãng mạn làm sao! Giống như viết một chữ “yêu” lên trên mặt nước. Một mặt được viết, một mặt lại không; Làm khởi lên bao con sóng khổ đau). Con người khi đã sống thì phải sống với những vui sướng và khổ đau của cuộc đời như thế; nếu chết, cũng mong mỏi được chết trong dâng trào cảm xúc: Nhượng ngã yêm tử tại nễ nhãn tình để uông ba lý! Nhượng ngã thiêu tử tại nễ tâm phòng để dung tú lý! Nhượng ngã túy tử tại nễ âm nhạc để quỳnh dao lý! Nhượng ngã muộn tử tại nễ hô hấp để phức úc lý! (Tử) (Hãy để tôi chết đuối trong sóng nước mênh mang nơi đôi mắt anh! Để tôi bị thiêu cháy trong bầu máu nóng trái tim anh! Cho tôi say chết trong sự đắm say của âm nhạc anh! Cho tôi buồn chết trong cái nồng nàn của hơi thở anh!) Phong trào Ngũ Tứ thoái trào, một người từng trải như Lỗ Tấn cũng phải bàng hoàng. Nhóm thi sĩ trẻ từ phương Tây trở về tất yếu không khỏi hoang mang. Trong thơ ca của họ nổi lên làn sóng tình cảm, khai thác sâu hơn thế giới nội tâm, chăm chú lắng nghe hơn những vang động của cuộc sống dân tộc. Họ dùng phương thức trữ tình của chủ nghĩa lãng mạn để diễn tấu những phức điệu tâm hồn. Đề cao tình cảm tự nhiên cũng chính là bày tỏ tình cảm cá nhân thành thật. Và họ không phải chỉ luẩn quẩn trong những tình cảm cá nhân mà còn có nỗi đau vì tổ quốc bị khinh rẻ (Bài ca giặt áo), ngưỡng mộ vì lịch sử huy hoàng năm ngàn năm của tổ quốc (Quan niệm), tự hào vì tổ quốc tươi đẹp: Ngã yếu tán mỹ ngã tổ quốc đề hoa! Ngã yếu tán mỹ ngã như hoa đích tổ quốc! (Ức cúc) (Tôi phải ca ngợi hoa đẹp của tổ quốc tôi! Tôi phải ngợi ca tổ quốc tôi đẹp như hoa!) Do vậy, “trái tim” là hình ảnh thường gặp trong thơ của Văn Nhất Đa. Có trái tim cháy, trái tim hồng (Nến đỏ); có trái tim thống khổ bị vầng mặt trời đâm nát (Ngợi ca mặt trời); có trái tim nhảy múa, sôi trào (Đêm lặng)… lại có trái tim được thổ ra tự trong lòng nhà thơ (Phát hiện)… “Ngọn lửa” cũng là một hình tượng lớn trong thơ ông, góp phần làm tăng sức nóng cho nguồn mạch tình cảm. Đó là ngọn đuốc trong tay nhà thơ (Phát hiện), là luồng kim quang, tia lửa sáng (Quan niệm), là chảo lửa (Ngày tận thế), là ngọn núi lửa đang chờ phát nổ (Một lời, Kỳ tích)
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.