Trao đổi về vị trí pháp lý của cán bộ kỹ thuật hình sự trong hoạt động khám nghiệm hiện trường

pdf
Số trang Trao đổi về vị trí pháp lý của cán bộ kỹ thuật hình sự trong hoạt động khám nghiệm hiện trường 5 Cỡ tệp Trao đổi về vị trí pháp lý của cán bộ kỹ thuật hình sự trong hoạt động khám nghiệm hiện trường 245 KB Lượt tải Trao đổi về vị trí pháp lý của cán bộ kỹ thuật hình sự trong hoạt động khám nghiệm hiện trường 0 Lượt đọc Trao đổi về vị trí pháp lý của cán bộ kỹ thuật hình sự trong hoạt động khám nghiệm hiện trường 22
Đánh giá Trao đổi về vị trí pháp lý của cán bộ kỹ thuật hình sự trong hoạt động khám nghiệm hiện trường
4.4 ( 7 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

TRAO ĐỔI VỀ VỊ TRÍ PHÁP LÝ CỦA CÁN BỘ KỸ THUẬT HÌNH SỰ TRONG HOẠT ĐỘNG KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG ... HOÀNG VĂN TRƯỜNG* Khám nghiệm hiện trường là hoạt động tố tụng hình sự gồm nhiều hoạt động khác nhau với sự tham gia của nhiều thành phần, lực lượng khác nhau. Trong đó, lực lượng Kỹ thuật hình sự đóng vai trò là nhà chuyên môn giúp Điều tra viên nghiên cứu, phát hiện, thu thập, đánh giá các dấu vết, vật chứng tại hiện trường để kịp thời khai thác các thông tin từ dấu vết, vật chứng, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng xây dựng các giả thuyết điều tra, mô hình đối tượng hoặc cung cấp các thông tin để truy bắt đối tượng phạm tội theo dấu vết nóng. Từ khóa: Khám nghiệm hiện trường, Cán bộ Kỹ thuật hình sự. Ngày nhận bài: 15/6/2020; Biên tập xong: 09/7/2020; Duyệt đăng: 15/01/2021 Crime scene examination is a criminal procedure activity that includes various activities of many forces. Whereby, forensic science technicians work as specialists to assist Investigators in researching, detecting, collecting and evaluating traces, evidence at the crime scenes as well as to support Investigation Agency to quickly make hypothesis investigation, object models or provide information to seek criminals by new traces. Key words: Crime scene examination, Forensic science technicians. K hám nghiệm hiện trường là một hoạt động tố tụng hình sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 cũng như nhiều văn bản pháp luật khác. Theo cơ sở pháp lý này, hoạt động khám nghiệm hiện trường được chủ trì tiến hành bởi Điều tra viên và có sự tham gia tiến hành của các thành phần khác, trong đó có lực lượng Kỹ thuật hình sự. Trên thực tế, lực lượng Kỹ thuật hình sự là lực lượng nòng cốt trong hoạt động khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý hiện hành vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa thỏa đáng về vị trí pháp lý của lực lượng Kỹ thuật hình sự. Bài viết phân tích những hạn chế, bất cập về vị trí pháp lý của lực lượng Kỹ thuật hình sự trong hoạt động khám nghiệm hiện trường, đồng thời đề xuất một số hướng khắc phục nhằm xác định rõ vị trí pháp lý và nâng cao vị thế của lực lượng này góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. 42 Khoa học Kiểm sát Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 201 BLTTHS năm 2015, chủ thể tiến hành khám nghiệm hiện trường là Điều tra viên. Khi khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải sử dụng tất cả các biện pháp, phương pháp, phương tiện được pháp luật cho phép để “phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án”. Với quy định trên, đối với những vụ án mà hiện trường xảy ra ở không gian không rộng, hệ thống dấu vết, vật chứng đã rõ, dễ phát hiện và thu giữ thì Điều tra viên có thể thực hiện tốt việc khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, đối với những vụ án phức tạp, hiện trường rộng, có nhiều dấu vết, vật chứng khác nhau, đặc biệt là các dấu vết tồn tại dưới dạng ẩn, vi vết hoặc những dấu vết cần phải áp dụng các phương pháp có tính chuyên * Thiếu tá, Tiến sĩ, Phòng Khám nghiệm hiện trường, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an Số 01 - 2021 HOÀNG VĂN TRƯỜNG môn sâu để phát hiện, thu giữ thì Điều tra viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi khám nghiệm hiện trường. Mặc dù khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015 đã quy định “có thể mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm” để người có chuyên môn có thể tư vấn cho Điều tra viên áp dụng các phương pháp, phương tiện phù hợp nhằm phát hiện, thu giữ dấu vết, vật chứng tại hiện trường, song việc “mời người có chuyên môn” lại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của Điều tra viên khi chủ trì tiến hành khám nghiệm hiện trường. Bởi lẽ, luật quy định Điều tra viên “có thể” mời chứ không “bắt buộc” phải mời “người có chuyên môn” để giúp Điều tra viên khám nghiệm hiện trường. Mặt khác, việc “mời người có chuyên môn” đến hiện trường cũng chỉ “tham dự việc khám nghiệm”, tức là vai trò của “người có chuyên môn” chỉ dừng ở mức độ tư vấn cho Điều tra viên chứ không trực tiếp thực hiện các thao tác phát hiện, thu giữ dấu vết, vật chứng giúp Điều tra viên. Quy định này có thể khẳng định vị trí và vai trò của Điều tra viên đối với công tác khám nghiệm hiện trường. Điều tra viên đóng vai trò là người tiến hành tố tụng nên việc phải trực tiếp thực hiện các biện pháp theo quy định để thu thập chứng cứ chứng minh và làm sáng tỏ bản chất vụ phạm tội xảy ra, trong đó có tiến hành khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, khám nghiệm hiện trường không chỉ là một hoạt động tố tụng hình sự mà còn là một biện pháp khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ của ngành Công an trong việc thu thập chứng cứ. Đối tượng của khám nghiệm hiện trường cũng có những đặc thù nhất định, đó là những dấu vết, vật chứng, đồ vật, dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ việc phạm tội. Những đối tượng này cần phải áp dụng những phương pháp, phương tiện đặc thù mới có thể phát hiện, thu lượm, bảo quản, đánh giá đảm bảo khai thác các thông tin có giá trị Số 01 - 2021 tốt nhất cho điều tra, xử lý vụ phạm tội xảy ra. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy, phần lớn Điều tra viên khi khám nghiệm hiện trường đều không trực tiếp thực hiện các hoạt động trên mà do “người có chuyên môn” là cán bộ Kỹ thuật hình sự thực hiện. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 201 BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này”. Quy định này có nghĩa Điều tra viên sẽ là người chụp ảnh, vẽ sơ đồ, viết biên bản khám nghiệm hiện trường khi tiến hành khám nghiệm hiện trường. Điều tra viên cũng có thể phân công cho cán bộ điều tra thực hiện các công việc trên theo quy định tại Điều 38 BLTTHS năm 2015. Như vậy, có thể thấy toàn bộ các hoạt động tại hiện trường đều do Điều tra viên, cán bộ điều tra thực hiện, hay nói cách khác là những thành phần có chức danh tố tụng thực hiện. Cán bộ Kỹ thuật hình sự không thuộc thành phần tham gia khám nghiệm cũng như không có chức danh tố tụng để thực hiện các hoạt động khám nghiệm hiện trường theo quy định của BLTTHS. Tuy nhiên, thực tiễn khám nghiệm hiện nay cho thấy, các hoạt động tại hiện trường như: Phát hiện, thu giữ dấu vết, vật chứng, dữ liệu điện tử, chụp ảnh hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường, viết biên bản khám nghiệm hiện trường, hoàn thành báo cáo khám nghiệm hiện trường là do cán bộ Kỹ thuật hình sự thực hiện theo quy định tại Quyết định số 57/2001/ QĐ-BCA(C11) ngày 06/02/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Công an nhân dân trong khám nghiệm hiện trường. Việc cán bộ Kỹ thuật Khoa học Kiểm sát 43 TRAO ĐỔI VỀ VỊ TRÍ PHÁP LÝ CỦA CÁN BỘ KỸ THUẬT HÌNH SỰ... hình sự thực hiện các hoạt động khám nghiệm hiện trường đã giúp phát hiện, thu lượm có hiệu quả các loại dấu vết, vật chứng tại hiện trường vì họ là những người có chuyên môn sâu về lĩnh vực hiện trường và dấu vết, sử dụng thành thạo các phương pháp, phương tiện để phát hiện, thu lượm dấu vết, vật chứng tại hiện trường. Cùng với đó, hồ sơ khám nghiệm hiện trường cũng được xây dựng đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an để giúp cho việc nghiên cứu, khai thác thông tin từ hồ sơ hiện trường đối với việc điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo thuận lợi, khách quan, đúng pháp luật. Theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tại Hội nghị tổng kết công tác Kỹ thuật hình sự năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 cho thấy, năm 2019, lực lượng Kỹ thuật hình sự toàn quốc đã tham gia khám nghiệm hiện trường 83.446 vụ, việc các loại. Trong đó, Viện Khoa học hình sự tham gia khám nghiệm 197 vụ, việc (chiếm 0.2%), Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh khám nghiệm 7.771 vụ, việc (chiếm 9.0%), lực lượng Kỹ thuật hình sự cấp huyện khám nghiệm 75.478 vụ, việc (chiếm 90.8%). Việc khám nghiệm hiện trường có sự tham gia của cán bộ Kỹ thuật hình sự đã giúp công tác khám nghiệm có chất lượng hơn, đi vào chiều sâu, tỷ lệ phát hiện dấu vết, vật chứng đã từng bước được nâng lên. Theo đó, kết quả khám nghiệm phát hiện dấu vết là 38.957 vụ (đạt tỷ lệ 47.0%), xác định tính chất vụ việc là 73.955 vụ việc (đạt tỷ lệ 89.0%), xác định đối tượng gây án là 14.055 vụ (đạt tỷ lệ 17.0%), truy bắt đối tượng theo dấu vết nóng là 1.867 vụ (đạt tỷ lệ 2.0%), xác định công cụ, phương tiện gây án là 13.540 vụ (đạt tỷ lệ 16%)1. Kết quả đó đã cho thấy vai trò không thể thiếu của lực lượng Kỹ Tài liệu Hội nghị Tổng kết công tác Kỹ thuật hình sự năm 2019 và triển khai công tác năm 2020. 1 44 Khoa học Kiểm sát thuật hình sự trong khám nghiệm hiện trường phục vụ điều tra, xử lý tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Mặc dù cán bộ Kỹ thuật hình sự chỉ “có thể được mời tham dự khám nghiệm” với vai trò là “người có chuyên môn” nhưng thực tiễn đã cho thấy vai trò không thể thiếu của cán bộ Kỹ thuật hình sự trong các cuộc khám nghiệm hiện trường. Cán bộ Kỹ thuật hình sự không chỉ là “người có chuyên môn có thể được cơ quan tiến hành tố tụng mời tham dự” mà thực tế đang là những người trực tiếp tiến hành các hoạt động phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, đánh giá dấu vết, vật chứng, dữ liệu điện tử tại hiện trường; là người trực tiếp tiến hành vẽ sơ đồ, chụp ảnh hiện trường, mô tả hiện trường theo quy định của pháp luật. Nếu cán bộ Kỹ thuật hình sự có chức danh là Giám định viên hoặc Kỹ thuật viên được mời giúp Điều tra viên khám nghiệm hiện trường thì vai trò tư vấn của Giám định viên, Kỹ thuật viên có thể được xem là “là người có chuyên môn tham dự cuộc khám nghiệm”. Tuy nhiên, các cuộc khám nghiệm hiện trường trên thực tế đa số đều do cán bộ Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện. Những cán bộ này phần lớn chưa được bổ nhiệm chức danh Giám định viên, Kỹ thuật viên nên có thể thấy rõ sự bất cập giữa thực tiễn và quy định của pháp luật về “người có chuyên môn tham dự khám nghiệm” đối với cán bộ Kỹ thuật hình sự. Bởi lẽ, nếu cán bộ Kỹ thuật hình sự chưa được bổ nhiệm các chức danh Giám định viên, Kỹ thuật viên mà “được mời tham dự khám nghiệm hiện trường” với vai trò là “người có chuyên môn” thì không thể thuộc bất cứ một thành phần nào để có thể “tham gia”, “tham dự” khám nghiệm hiện trường được chứ chưa nói đến được trực tiếp tiến hành các hoạt động khám nghiệm hiện trường như thực tế hiện nay. Hơn nữa, nhiều cán bộ Kỹ thuật hình sự được mời “tham dự” khám nghiệm hiện Số 01 - 2021 HOÀNG VĂN TRƯỜNG trường đang công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự (PC09) hoặc Đội (Tổ) Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện mới có trình độ trung cấp, đào tạo ngoài ngành Công an. Nếu xét về trình độ văn bằng so với các thành phần được pháp luật quy định trong khám nghiệm hiện trường như Điều tra viên, Kiểm sát viên là không tương xứng nhưng vẫn phải đóng vai là “người có chuyên môn” để giúp cho các Điều tra viên thực hiện các hoạt động khám nghiệm hiện trường. Như vậy, cho dù có thể cán bộ Kỹ thuật hình sự là “người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực nhất định”, song không thể không có chức danh mà lại trực tiếp tiến hành rất nhiều hoạt động khám nghiệm hiện trường (phát hiện, thu giữ dấu vết, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử, chụp ảnh, vẽ sơ đồ…) là không hợp lý. Từ những phân tích trên đây, có thể thấy quy định của pháp luật về thành phần tham gia, tham dự khám nghiệm hiện trường so với thực tiễn công tác này đang còn nhiều bất cập. Quyết định số 57/2001/ QĐ-BCA(C11) ngày 06/02/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Công an nhân dân trong khám nghiệm hiện trường không thể có giá trị pháp lý cao hơn so với quy định của BLTTHS. Hơn nữa, Quyết định này ban hành từ năm 2001, tức là từ trước khi có BLTTHS năm 2003 và nay là BLTTHS năm 2015 nên có thể thấy rõ bất cập của Quyết định số 57 về công tác khám nghiệm hiện trường trong lực lượng Công an nhân dân. Chính vì vậy, để khắc phục những bất cập nêu trên và khẳng định vị trí pháp lý của cán bộ Kỹ thuật hình sự trong công tác khám nghiệm hiện trường, tác giả đề xuất sửa đổi theo ba hướng sau: Hướng thứ nhất, chỉnh sửa khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015, trong đó quy định rõ sự tham gia của cán bộ Kỹ thuật hình sự, cụ thể: Bổ sung cụm từ “có sự tham gia của cán bộ Kỹ thuật hình sự” vào Số 01 - 2021 sau cụm từ “Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến” thành: “Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến và có sự tham gia của cán bộ Kỹ thuật hình sự; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm”. Quy định như trên sẽ phù hợp với thực tiễn hiện nay, Điều tra viên vẫn là người chủ trì khám nghiệm và cán bộ Kỹ thuật hình sự là người được Điều tra viên phân công thực hiện một số hoạt động khi khám nghiệm hiện trường như: Phát hiện và thu giữ dấu vết, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử; vẽ sơ đồ, chụp ảnh, ghi biên bản khám nghiệm hiện trường. Việc quy định như vậy cũng sẽ không tác động lớn đến các văn bản có liên quan quy định về khám nghiệm hiện trường, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Điều tra hoặc Kỹ thuật hình sự, đồng thời khẳng định rõ vai trò, vị trí pháp lý của cán bộ Kỹ thuật hình sự để làm căn cứ cho việc xây dựng chức danh cho hoạt động này cũng như chế độ chính sách phù hợp. Hướng thứ hai, giữ nguyên quy định tại Điều 201 BLTTHS năm 2015 nhưng cần quy định rõ hơn về sự tham dự của “người có chuyên môn” khi được mời “tham dự” khám nghiệm hiện trường. Để cán bộ Kỹ thuật hình sự vẫn tham gia khám nghiệm hiện trường như hiện nay theo chức năng, nhiệm vụ đã được ban hành thì cần chỉ rõ “người có chuyên môn” phải có chức danh nhất định, đó là Giám định viên Kỹ thuật hình sự. Khi đó, việc Giám Khoa học Kiểm sát 45 TRAO ĐỔI VỀ VỊ TRÍ PHÁP LÝ CỦA CÁN BỘ KỸ THUẬT HÌNH SỰ... định viên Kỹ thuật hình sự “tham dự” cuộc khám nghiệm sẽ giúp Điều tra viên nghiên cứu, đánh giá, phát hiện, thu giữ dấu vết, đồ vật, dữ liệu điện tử tại hiện trường. Đồng thời, có thể thực hiện chức năng “giám định tại hiện trường” theo quy định tại Điều 209 BLTTHS năm 2015 về tiến hành giám định. Theo đó, “việc tiến hành giám định có thể được thực hiện tại cơ quan giám định hoặc nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định…”. Nếu theo hướng này thì Giám định viên Kỹ thuật hình sự khi được mời tham dự khám nghiệm hiện trường sẽ là người làm công tác tư vấn cho Điều tra viên các hoạt động chuyên môn tại hiện trường. Nếu thực hiện việc giám định tại hiện trường thì vị trí pháp lý của Giám định viên Kỹ thuật hình sự trong khám nghiệm hiện trường đã được xác định phù hợp với các quy định của BLTTHS. Tuy nhiên, khi đó Điều tra viên sẽ phải là người trực tiếp tiến hành các hoạt động khám nghiệm như: Phát hiện, thu giữ dấu vết, tài liệu, dữ liệu điện tử; chụp ảnh, vẽ sơ đồ, ghi biên bản khám nghiệm hiện trường… Trong trường hợp này, cán bộ Kỹ thuật hình sự tham dự khám nghiệm hiện trường phải được bổ nhiệm chức danh Giám định viên Kỹ thuật hình sự. Điều này sẽ khó khăn đối với cán bộ Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện vì phần lớn đội ngũ cán bộ Kỹ thuật hình sự cấp huyện đều không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm Giám định viên kỹ thuật hình sự. Hướng thứ ba, xem xét đưa lực lượng khám nghiệm hiện trường thành bộ phận điều tra hiện trường (điều tra khoa học) như mô hình của rất nhiều quốc gia phát triển hiện nay. Bộ phận điều tra khoa học sẽ đảm nhiệm toàn bộ hoạt động điều tra tại hiện trường và đóng vai trò như “cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra”. Bộ phận này sẽ được tổ chức tại Viện Khoa học hình sự trên cơ sở của 46 Khoa học Kiểm sát Phòng Khám nghiệm hiện trường; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh trên cơ sở Đội Khám nghiệm hiện trường. Đối với cấp quận, huyện thì trên cơ sở của các Đội Kỹ thuật hình sự. Tuy nhiên, do hầu hết các vụ án, vụ việc xảy ra đều để lại hiện trường nên nếu thành lập Đội điều tra hiện trường có chức năng tổ chức điều tra tại hiện trường thì rất khó phân định chức năng với cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật như hiện nay. Nếu chuyển bộ phận này về cơ quan điều tra thì lực lượng Kỹ thuật hình sự chỉ tập trung vào hai chức năng là giám định kỹ thuật hình sự và tiến hành công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm. Tuy vậy, khi đó việc khám nghiệm hiện trường, thu dấu vết, đồ vật, dữ liệu điện tử; vẽ sơ đồ, chụp ảnh… sẽ có thể gặp khó khăn do liên quan đến trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ kỹ thuật hình sự sử dụng cho hoạt động này. Trong các hướng đã phân tích trên, tác giả cho rằng đi theo hướng thứ nhất có tính khả thi hơn cả vì không làm xáo trộn nhiều đến chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng theo mô hình hiện nay và cũng phù hợp với thực tiễn khám nghiệm hiện trường, đồng thời xác định đúng vị trí pháp lý của cán bộ Kỹ thuật hình sự trong công tác khám nghiệm hiện trường, góp phần thu thập chứng cứ để nhanh chóng điều tra và làm sáng tỏ bản chất các vụ phạm tội xảy ra./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự, NXB Công an nhân dân, Hà Nội. 2. Viện Khoa học hình sự (2020), Tài liệu Hội nghị tổng kết công tác Kỹ thuật hình sự năm 2019 và triển khai công tác năm 2020, Hà Nội. Số 01 - 2021
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.