Quyết định số: 692/QĐ-TTg

pdf
Số trang Quyết định số: 692/QĐ-TTg 9 Cỡ tệp Quyết định số: 692/QĐ-TTg 135 KB Lượt tải Quyết định số: 692/QĐ-TTg 0 Lượt đọc Quyết định số: 692/QĐ-TTg 0
Đánh giá Quyết định số: 692/QĐ-TTg
4.7 ( 9 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ---- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2013 Số: 692/QĐ-TTg QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÓA MÙ CHỮ ĐẾN NĂM 2020” THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phê duyệt Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây: I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO 1. Nhà nước có trách nhiệm xóa mù chữ cho những người chưa biết chữ. Mọi công dân có trách nhiệm học để biết chữ. Các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác chống mù chữ. 2. Các địa phương sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có để thực hiện công tác chống mù chữ, đồng thời huy động các lực lượng xã hội tham gia dạy xóa mù chữ theo phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ. 3. Mở rộng độ tuổi xóa mù chữ. Chú trọng xóa mù chữ cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số và những người sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. II. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu đến năm 2015 a) Độ tuổi 15 - 60: Xóa mù chữ cho 800.000 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 96%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 90%; xóa mù chữ cho 250.000 người dân tộc thiểu số nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 86%. Trong độ tuổi 15 - 35: Xóa mù chữ cho 650.000 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 92%; xóa mù chữ cho 150.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 88%. b) Có 80% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ. c) Có 85% đơn vị cấp tỉnh, 85% đơn vị cấp huyện và 80% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2020. 2. Mục tiêu đến năm 2020 a) Độ tuổi 15-60: Xóa mù chữ cho 1.200.000 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 98%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 94%; xóa mù chữ cho 300.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%. Trong độ tuổi 15 - 35: Xóa mù chữ cho 350.000 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 99%. Trong đó, tỷ lệ người biết chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt 96%; xóa mù chữ cho 200.000 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 92%. b) Có 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ. c) Có 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2020. III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 1. Nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ a) Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng. b) Biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ (sách mỏng, tờ gấp, áp phích, băng rôn,…) c) Gắn kết tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương. d) Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chống mù chữ. 2. Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng a) Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - chống mù chữ của địa phương, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ. Ban chỉ đạo cấp tỉnh có kế hoạch phân công trách nhiệm cho những địa phương có điều kiện thuận lợi giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương còn nhiều người mù chữ. b) Tăng cường công tác điều tra để đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã; phân công cán bộ chủ chốt của các xã, thôn, bản vận động từng người mù chữ ra lớp học. c) Tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học. d) Điều chỉnh định mức chi cho công tác xóa mù chữ. Tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. đ) Xây dựng chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2020; quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn chống mù chữ. e) Xây dựng hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về công tác phổ cập giáo dục - chống mù chữ. Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác theo quy định. 3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chống mù chữ a) Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ. b) Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. c) Bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên dạy xóa mù chữ cho người khuyết tật. d) Xây dựng chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đối với những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia dạy xóa mù chữ. 4. Xây dựng chương trình, tài liệu xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng a) Đổi mới Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phù hợp với chương trình phổ thông sau năm 2015. Hướng dẫn thực hiện chương trình phù hợp với các vùng miền, các nhóm đối tượng. b) Biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy và học xóa mù chữ phù hợp với nhóm đối tượng người học: Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư vùng sông nước. c) Biên soạn học liệu nghe nhìn và ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin truyền thông hỗ trợ dạy, học xóa mù chữ. 5. Củng cố bền vững kết quả chống mù chữ, hạn chế mù chữ trở lại a) Tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt,... tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế mù chữ trở lại (tái mù chữ). b) Biên soạn tài liệu chuyên đề theo Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ nhằm giúp người mới biết chữ có tài liệu đọc hấp dẫn, thiết thực, trên cơ sở đó, duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ, đồng thời áp dụng những kiến thức vào thực tế cuộc sống, sản xuất. c) Tăng cường hoạt động của các thư viện xã; tổ chức mô hình thư viện di động để phục vụ người dân ở các vùng sâu, vùng xa. d) Tổ chức các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho những người mới biết chữ. 6. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ a) Tăng cường huy động giáo viên các trường tiểu học; cán bộ hưu trí; các hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tham gia dạy xóa mù chữ. Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. b) Huy động cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tham gia dạy các lớp xóa mù chữ ở khu vực biên giới, hải đảo. c) Huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, sách, vở hỗ trợ cho người dạy, người học xóa mù chữ. 7. Hợp tác quốc tế a) Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về công tác chống mù chữ, tiếp thu có chọn lọc các phương pháp xóa mù chữ hiện đại. b) Tham gia hội thảo, nghiên cứu học tập kinh nghiệm về công tác chống mù chữ tại một số nước có nhiều kinh nghiệm. IV. KINH PHÍ CỦA ĐỀ ÁN 1. Kinh phí thực hiện Đề án chủ yếu từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo. Việc quản lý và sử dụng kinh phí được thực hiện theo quy định hiện hành về sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo. 2. Huy động thêm nguồn lực của các tổ chức trong và ngoài nước, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Đề án. Việc quản lý và sử dụng kinh phí được thực hiện theo các quy định hiện hành. V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương a) Bộ Giáo dục và Đào tạo Là cơ quan thường trực Đề án có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các địa phương dự toán kinh phí hàng năm, từng giai đoạn; tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xây dựng các Chương trình phối hợp hành động để triển khai thực hiện công tác chống mù chữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính xây dựng chính sách, chế độ hỗ trợ người dạy và người học xóa mù chữ. Chủ trì biên soạn tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ. Xây dựng chương trình xóa mù chữ và tài liệu dạy, học theo chương trình xóa mù chữ, tài liệu dạy và học xóa mù chữ cho các nhóm đối tượng. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên dạy xóa mù chữ. Kiểm tra, giám sát tổng hợp tình hình thực hiện Đề án; định kỳ 6 tháng, hằng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan biên soạn tài liệu học tập chuyên đề về nông nghiệp và nông thôn để cung cấp cho các trung tâm học tập cộng đồng. Chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích những người chưa biết chữ ở nông thôn tích cực học xóa mù chữ. c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách đối với người khuyết tật học xóa mù chữ. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tổ chức các lớp học nghề đơn giản cho người mới biết chữ. d) Bộ Thông tin và Truyền thông Chủ trì chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền về công tác chống mù chữ lồng ghép với việc tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập. 2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - chống mù chữ các cấp. Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các ban ngành chức năng của địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn. Chủ động nghiên cứu, áp dụng những giải pháp chống mù chữ mang tính đặc thù của địa phương, phù hợp với các nhóm đối tượng. Theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương; định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác chống mù chữ tại các xã đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông địa phương tuyên truyền về công tác chống mù chữ, xây dựng xã hội học tập. Chỉ đạo điều tra, thống kê, cập nhật số liệu, duy trì hoạt động của hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về phổ cập giáo dục - chống mù chữ. Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người tham gia công tác chống mù chữ và hỗ trợ người học xóa mù chữ. Căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương để quyết định việc hỗ trợ ngân sách cho công tác chống mù chữ. 3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp a) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân công trách nhiệm và hướng dẫn các tổ chức thành viên xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp hành động để triển khai thực hiện công tác chống mù chữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đưa nội dung xóa mù chữ vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. b) Hội Khuyến học Việt Nam Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức các lớp học xóa mù chữ và các lớp chuyên đề để củng cố kết quả biết chữ. Tổ chức vận động các gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư tích cực vận động người chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ. Huy động học sinh các trường dân tộc nội trú tham gia xóa mù chữ ở địa phương trong thời gian nghỉ hè. c) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em gái về sự cần thiết phải biết chữ. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức điều tra, thống kê số phụ nữ, trẻ em gái không biết chữ; nghiên cứu các biện pháp vận động, tổ chức các hình thức học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng. Đề xuất với các cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái học xóa mù chữ; tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái sau khi học chữ được học nghề, làm nghề để củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ và ổn định cuộc sống của gia đình. d) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam vận động thanh, thiếu niên chưa biết chữ tham gia học xóa mù chữ; tổ chức phong trào học sinh, sinh viên tình nguyện dạy xóa mù chữ cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang đường phố. đ) Hội Nông dân Việt Nam Phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ ở nông thôn, vận động và tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho nông dân. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn tài liệu liên quan đến chuyên đề nông nghiệp và nông thôn để giảng dạy trong các trung tâm học tập cộng đồng, nhằm củng cố kết quả xóa mù chữ. Động viên nông dân học xóa mù chữ. Tổ chức các lớp học nghề đơn giản hỗ trợ nông dân học Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. e) Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ và giải pháp chống mù chữ phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội. Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Hội Khuyến học Việt Nam; - Hội Cựu giáo chức Việt Nam; - Hội Người cao tuổi Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KGVX (3b). Nguyễn Thiện Nhân DANH SÁCH 14 TỈNH CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI KHÓ KHĂN VÀ CÓ TỶ LỆ NGƯỜI MÙ CHỮ CAO (Ban hành kèm theo Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ) TT Tỉnh 1 An Giang 2 Bắc Kạn 3 Cao Bằng 4 Điện Biên 5 Gia Lai 6 Hà Giang 7 Kon Tum 8 Lai Châu 9 Lào Cai 10 Ninh Thuận 11 Sóc Trăng 12 Sơn La 13 Trà Vinh 14 Yên Bái
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.