Quyết định số: 343/QĐ-BGTVT

pdf
Số trang Quyết định số: 343/QĐ-BGTVT 27 Cỡ tệp Quyết định số: 343/QĐ-BGTVT 634 KB Lượt tải Quyết định số: 343/QĐ-BGTVT 0 Lượt đọc Quyết định số: 343/QĐ-BGTVT 4
Đánh giá Quyết định số: 343/QĐ-BGTVT
4.3 ( 6 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Đang xem trước 10 trên tổng 27 trang, để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 343/QĐ-BGTVT Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2014 QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỌC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Căn cứ Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (số 302-CTr/BCSĐ ngày 18/11/2013) thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 48/ĐHGTVT-ĐN ngày 22/01/2014 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản như sau: I. QUAN ĐIỂM 1. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng về Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 2. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo một cách hệ thống, đồng bộ, từ cấp đơn vị lên cấp Trường, ở tất cả các bộ phận. Trong quá trình đổi mới, Trường sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu và phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. 3. Tập trung phát triển và đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao đối với những ngành đào tạo truyền thống của Trường, đầu tư và mở những chuyên ngành mới phục vụ cho sự phát triển của ngành Giao thông vận tải và cả nước. 4. Chiến lược phát triển Trường phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thay vì tăng số lượng sinh viên. Chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống quản lý và công tác giáo dục đào tạo của Trường. 5. Tích cực, chủ động xã hội hóa giáo dục và đào tạo, tạo nguồn lực để phát triển Trường. 6. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. II. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 a) Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành về Giao thông vận tải của khu vực phía Nam và cả nước. b) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp, thi, kiểm tra, đánh giá), các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. c) Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân). Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội. d) Chuyển nền giáo dục phát triển chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu về số lượng nhân lực của xã hội; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa giáo dục. đ) Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống giáo dục mở; hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập; thực hiện xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. e) Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ Giao thông vận tải và quốc gia; trong đó, có một số ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. g) Ưu tiên đầu tư mở rộng và xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng diện tích đất đai của Nhà trường, định hướng phát triển về Đồng Nai trong kế hoạch dài hạn giai đoạn 2020-2030. h) Tăng cường nguồn lực về tài chính bằng việc mở rộng xã hội hóa, phát huy và khơi dậy mọi tiềm năng về hoạt động chuyển giao khoa học-công nghệ, dịch vụ, tư vấn, giám sát, lao động sản xuất... của các khoa chuyên ngành; tiếp tục thành lập mới các viện, công ty, trung tâm trực thuộc phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; có chính sách thu hút đầu tư từ xã hội cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của Nhà trường. 2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 a) Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học; nâng cao chất lượng và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của ngành Giao thông vận tải. Đến năm 2020, trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của ngành Giao thông vận tải ở khu vực phía Nam. b) Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đại học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và từng bước phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2015, Trường được kiểm định và đạt các tiêu chí kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2017, đáp ứng các tiêu chí kiểm định của quốc tế. c) Tăng cường hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế, liên doanh liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực hành, tạo cho sinh viên khả năng dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Đến năm 2020, đảm bảo 98% sinh viên có việc làm trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp. d) Quy hoạch hợp lý mạng lưới các cơ sở đào tạo của Trường theo định hướng có trọng tâm để từ đó xác định các bước đầu tư thích hợp phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học trong 5 năm tới; chuyển đổi mục đích sử dụng của một số cơ sở hiện có để chuẩn bị nguồn lực nhằm phát triển và mở rộng quy mô trường. Đến năm 2015, hoàn thành việc xây dựng cơ sở tại Quận 12; tới năm 2017, hoàn thành việc chuyển đổi cơ sở Quận 2 và triển khai xây dựng cơ sở tại Đồng Nai, tới năm 2030, hoàn thành việc xây dựng cơ sở tại Đồng Nai. đ) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội để đầu tư phát triển trường theo tinh thần Quyết định số 945/QĐ-BGTVT ngày 11/4/2013 và Quyết định số 1528/QĐ-BGTVT ngày 05/06/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, phát huy các thế mạnh về hợp tác quốc tế sẵn có của Trường. Mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín trên thế giới, tập trung hợp tác với các nước phát triển về giáo dục như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Hà lan, Đức v.v... Đến năm 2015, hoàn thành việc thành lập các Viện mới và hoàn thành việc chuyển các trung tâm hiện có sang hình thức xã hội hóa. Đến năm 2014, thành lập Trung tâm lưu trữ, tính toán và xử lý dữ liệu đạt chuẩn quốc tế; đến năm 2020, hoàn thành việc xã hội hóa tất cả các đơn vị đào tạo chất lượng cao, liên kết quốc tế và các đơn vị dịch vụ trong toàn Trường. e) Mở rộng liên doanh, liên kết và hợp tác với các đơn vị sản xuất trong các ngành Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng, Dầu khí ... thông qua việc phối hợp trong các dự án nghiên cứu, ứng dụng và cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho các đơn vị này. Đến năm 2020, đảm bảo đủ địa bàn thực tập có chất lượng cho tất cả sinh viên học tập tại Trường. g) Liên tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế thị trường nhằm cạnh tranh ưu thế trong thị trường giáo dục, việc làm, tư vấn và hoạt động dịch vụ. Trong năm 2014, hoàn thành việc tích hợp hệ thống quản lý đào tạo các hệ chính quy, vừa làm vừa học và cao học, hoàn thiện lại trang web của Trường. Tới năm 2015, xây dựng hệ quản lý chương trình đào tạo từ xa và tới năm 2020, hoàn thành toàn bộ việc tin học hóa trong quản lý tất cả các hoạt động của Trường. h) Tăng cường đội ngũ các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường tri thức và khoa học công nghệ trong và ngoài nước trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21. Tiếp tục chú trọng đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, tăng cường đội ngũ giảng viên, đặc biệt là tăng tỉ lệ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; thu hút giảng viên giỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Nhà trường. Đến năm 2015, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên đạt 80%, trong đó trình độ tiến sỹ đạt 13%; đến 2020, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên đạt 90%, trong đó đạt trình độ tiến sỹ 20%. Cán bộ quản lý: 80% có trình độ tiến sĩ, sử dụng thành thạo 01 ngoại ngữ trong giao tiếp và làm việc với khách quốc tế, sử dụng thành thạo máy vi tính trong công tác quản lý. Cán bộ phục vụ: 80% có trình độ đại học, cao đẳng; sử dụng thành thạo máy vi tính trong công tác quản lý, phục vụ. i) Rà soát lại quy mô đào tạo của các ngành trên cơ sở nhu cầu xã hội và người học, dừng đào tạo những ngành có ít nhu cầu từ xã hội và người học. Tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống và có thế mạnh của Trường để tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong nước và khu vực ASEAN; phát triển thêm các chương trình đào tạo những ngành dự báo có nhu cầu cao từ xã hội, lưu ý thích đáng đào tạo cho dịch vụ công (Metro, đường sắt trên cao, quy hoạch đô thị, kinh tế biển....) đi đôi với việc đẩy mạnh đào tạo chiếm lĩnh thị trường lao động kỹ thuật cao và từng bước chiếm lĩnh thị trường lao động hàng hải quốc tế. Đến năm 2015 có ít nhất 03 ngành được đào tạo chương trình chất lượng cao, tới năm 2017 có thêm ít nhất 03 ngành khác và tới năm 2020 tất cả các ngành đều có chương trình đào tạo chất lượng cao. 3. Tầm nhìn đến năm 2030 a) Đến năm 2030, phấn đấu để Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ uy tín trong ngành Giao thông vận tải, trong nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. b) Nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học tại Trường đáp ứng nhu cầu xã hội trong và ngoài nước. Phát triển thương hiệu ra thế giới. Bảo đảm chất lượng giáo dục, tăng cường nghiên cứu khoa học. c) Tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến đẩy mạnh hợp tác các chương trình liên kết đào tạo tiên tiến, chất lượng cao. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; thực hiện các chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia như đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển, giao thông đô thị... Mở rộng, phát triển các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập, tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học. d) Ưu tiên đầu tư mở rộng và xây dựng cơ sở vật chất; mở rộng diện tích đất đai của Nhà trường tại cơ sở đào tạo ở Đồng Nai trong đoạn 2020-2030. III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN 1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo - Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối mới căn bản, toàn diện liền giáo dục và đào tạo trong Nhà trường, tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình và xã hội có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho sinh viên. - Đổi mới công tác thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của xã hội đối với việc đối mới giáo dục trong Nhà trường. - Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong Trường đối với cả cán bộ, giảng viên và sinh viên, cấp ủy Trường và các chi bộ trực thuộc phải thực sự đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ, dựa vào đội ngũ giảng viên, viên chức và học sinh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể để xây dựng Nhà trường. - Trường tổ chức xây dựng quy hoạch dài hạn phát triển nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, cơ cấu ngành nghề, trình độ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đào tạo theo kế hoạch được giao hàng năm. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: - Quán triệt Nghị quyết 29 và Chương trình hành động của Ban Cán sự Bộ Giao thông vận tải và kế hoạch hành động của Đảng ủy trường, bao gồm: + Quán triệt đối với Lãnh đạo Nhà trường theo kế hoạch của Ban Cán sự Đảng Bộ và Đảng ủy Khối trong tháng 12 năm 2013; + Quán triệt Nghị quyết đối với đảng viên và cán bộ, giảng viên trong tháng 12 năm 2013 và tháng 01 năm 2014; + Quán triệt Nghị quyết đối với sinh viên trong tháng 02 năm 2014. - Xây dựng Quy chế quản lý cấp trường đồng bộ, cụ thể hóa quy chế; - Trong tháng 2 và tháng 3 năm 2014, tổ chức cho cán bộ, giảng viên sinh hoạt và viết thu hoạch đánh giá nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, người học là chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo; - Trong suốt nhiệm kỳ của Đảng ủy và các nhiệm kỳ tiếp theo, tăng cường công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong Nhà trường, trước hết là trong đội ngũ giảng viên; - Đảng ủy trường đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo trong Nhà trường. Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ, dựa vào đội ngũ giảng viên, viên chức và học sinh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và cán bộ, giảng viên, công nhân viên để xây dựng Nhà trường. 2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học a) Đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra các ngành: - Đổi mới đào tạo, hoàn thiện chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học, đáp ứng yêu cầu xã hội; - Cập nhật chuẩn đầu ra các ngành đào tạo. Triển khai thí điểm chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với chuẩn đầu ra (CDIO), tổ chức rút kinh nghiệm và xem xét áp dụng đối với những ngành khác. Sửa đổi và cập nhật chuẩn đầu ra phù hợp với chương trình đào tạo đã hoàn thiện; - Mở rộng xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao theo hướng tiếp cận công nghệ và thành tựu tiên tiến để sinh viên ra trường giỏi cả về chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ; - Nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của sinh viên, khuyến khích giảng viên chuyên môn giảng dạy theo chuyên đề bằng tiếng Anh; - Mở thêm các ngành đào tạo sau đại học, nâng quy mô đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Tập trang đầu tư đào tạo các ngành mũi nhọn phục vụ cho ngành Giao thông vận tải gồm: + Hàng hải: Lái tàu thủy, Máy tàu thủy, Đóng tàu và công trình nổi, Điện - Điện tử viễn thông; + Kinh tế: Kinh tế vận tải biển, Kinh tế xây dựng, Logistics, Quản trị kinh doanh, Khai thác đường sắt đô thị; + Công trình: Đường sắt Metro, Quy hoạch giao thông, Quản lý dự án; + Cơ khí: Cơ khí ô tô, Cơ khí tàu hỏa, Cơ khí chế tạo máy, Cơ-Điện tử; + Môi trường: Kỹ thuật môi trường; + Du lịch khách sạn; + Công nghệ thông tin. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: - Năm 2014: Hoàn thành việc xây dựng lại các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của các chương trình tiên tiến trên thế giới. Tận dụng chương trình hợp tác đào tạo sẵn có bậc đại học và sau đại học với các trường đại học của Vương quốc Anh và các nước tiên tiến, cập nhật và chỉnh sửa phù hợp với điều kiện Việt Nam; - Năm 2015: Trên cơ sở mục tiêu đối mới đào tạo, các khoa xác định lại chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn; - Từ năm 2015 đến 2017: Hoàn thiện đề cương chi tiết và hệ thống bài giảng chú trọng vào nâng cao năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới cho sinh viên; - Tăng cường dạy ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ đến 2020 của Chính phủ đảm bảo bồi dưỡng đạt chuẩn cho giảng viên và năng lực sử dụng của người học. Bổ sung học phần tiếng Anh chuyên ngành, tăng số giờ thực hành tiếng, khuyến khích sinh viên học và đạt các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nâng chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ từ TOEIC 400 lên TOEIC 450 (đến năm 2015) và TOEIC 500 (đến nam 2020); - Từ năm 2014: + Tổ chức đào tạo và mở thêm 03 chuyên ngành đào tạo chất lượng cao (CLC) trên cơ sở các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến, tăng dần số lượng sinh viên theo chương trình CLC và giảm dần sinh viên theo chương trình đào tạo đại trà. Mỗi năm mở ít nhất 2 chương trình CLC; + Rà soát lại quy mô đào tạo của các ngành trên cơ sở của nhu cầu xã hội và người học, dùng đào tạo những ngành có ít nhu cầu từ xã hội và người học. Tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống và có thể mạnh của trường để tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trong nước và khu vực ASEAN; phát triển thêm các chương trình đào tạo những ngành dự báo có nhu cầu cao từ xã hội; + Đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đại học và sau đại học theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học. Xác định rõ mục tiêu đào tạo của từng chuyên ngành phải vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới; - Năm 2015: + Hoàn thiện thí điểm xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành “Đường sắt - Metro” theo hướng tiếp cận với chuẩn đầu ra (CDIO), tổ chức tổng kết thí điểm đúc rút kinh nghiệm; + Mở ngành Kỹ thuật Môi trường; + Trên cơ sở kinh nghiệm của chuyên ngành Đường sắt - Metro, xem xét xây dựng lại chương trình đào tạo của các chuyên ngành khác theo hướng tiếp cận với chuẩn đầu ra (CDIO); - Năm 2014-2019: Ưu tiên phát triển đào tạo sau đại học các ngành nghề đang có nhu cầu cao từ xã hội, lưu ý thích đáng đào tạo cho dịch vụ công theo đơn đặt hàng (Metro, đường sắt trên cao, kinh tế biển ...) đi đôi với việc đẩy mạnh đào tạo chiếm lĩnh thị trường lao động kỹ thuật cao và từng bước chiếm lĩnh thị trường lao động hàng hải quốc tế. Mở rộng hơn nữa các ngành nghề đào tạo, tập trung phát triển các ngành đáp ứng nhu cầu xã hội thuộc các lĩnh vực: công trình, giao thông, tài chính ngân hàng, môi trường...; - Cơ cấu ngành, nội dung, chương trình đào tạo sau đại học 2014-2030: + Năm 2015: Đào tạo 07 chuyên ngành cấp IV trình độ thạc sĩ và 03 chuyên ngành cấp IV trình độ tiến sĩ; mở mới dần các ngành theo từng năm; + Năm 2020: Đáp ứng 09 chuyên ngành cấp IV trình độ thạc sĩ và 05 chuyên ngành cấp IV trình độ tiến sỹ thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; + Năm 2030: Thực hiện đa dạng hóa các ngành đào tạo khác như chú trọng đến các ngành liên quan đến công trình, quy hoạch giao thông, kinh doanh, môi trường với 12 chuyên ngành cấp IV trình độ thạc sĩ và 07 chuyên ngành cấp IV trình độ tiến sĩ; + Phát triển quy mô tuyển sinh hàng năm. Duy trì và phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, cân đối trên cơ sở phát huy tiềm năng hiện có và nhu cầu xã hội, kết hợp với việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. - Tầm nhìn 2030: + Tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, đào tạo theo nhu cầu xã hội và đào tạo nhân tài (elite education); + Nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của sinh viên đáp ứng nhu cầu hội nhập. Nâng chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ từ TOEIC 450 lên TOEIC 500. Tăng cường dạy thêm 1 ngoại ngữ nữa cho sinh viên: Tiếng Trung/ tiếng Hàn Quốc/ tiếng Nhật...; + Ưu tiên phát triển các ngành nghề đang có nhu cầu cao từ xã hội, đi đôi với việc đẩy mạnh đào tạo chiếm lĩnh thị trường lao động kỹ thuật cao và từng bước chiếm lĩnh thị trường lao động quốc tế trên biển. Tăng cường công tác sàng lọc, tuyển chọn đồng thời cũng tạo cơ hội cho mọi người được vào học theo năng lực bản thân ở các cấp độ khác nhau; + Tiếp tục triển khai các chương trình đã liên kết và tích cực tìm kiếm các đối tác có thế mạnh về đào tạo sau đại học trên thế giới và khu vực. b) Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học: * Cải thiện chất lượng giảng dạy trong và ngoài trường: - Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, giảm quy mô lớp học; tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện tốt công tác kiểm định từ khâu tự đánh giá, kiểm định và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; - Năm 2015 đến 2017: Xây dựng lại bộ đề cương bài giảng chi tiết đáp ứng với yêu cầu giảng dạy theo phương pháp tích cực để giúp giảng viên chuyển đổi nhanh phương pháp giảng dạy mới; - Từ năm 2014: + Triển khai tự đánh giá và kiểm định trường đại học, tái kiểm định trường theo quy định, từng bước kiểm định chương trình đào tạo, phấn đấu đến năm 2020 có 80% số chương trình đào tạo được kiểm định, tới 2025 có 100% số chương trình được kiểm định; + Đổi mới phương thức quản lý, chính sách điều hành để có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho giảng viên (tăng lương, bằng khen, phần thưởng...); + Triệt để ứng dụng phương pháp dạy và học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực; + Chuyển thực hiện chương trình giáo dục từ chủ yếu trên lớp học sang tổ chức đa dạng các hình thức thực hiện chương trình giáo dục; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học của người học. Coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; tăng cường áp dụng hình thức giáo dục từ xa có chất lượng; Tham gia vào mạng lưới giáo dục quốc gia, khu vực và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm đào tạo chất lượng. * Tăng cường mối liên hệ giữa dạy học và nghiên cứu khoa học: - Hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học cấp trường vào việc hỗ trợ dạy và học (như: xây dựng các mô hình thí nghiệm, thiết lập môi trường học tập, thiết kế chương trình đào tạo, đánh giá sinh viên); - Hỗ trợ các khoa tham gia nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng dẫn để các giảng viên hiểu được nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học là song hành; - Xây dựng năng lực nghiên cứu thông qua các liên kết giảng dạy - nghiên cứu như: + Thử nghiệm nghiên cứu hỗ trợ thông tin cho giảng dạy; + Khuyến khích “dạy học tạo cảm hứng nghiên cứu” (research-inspired teaching); + Phát triển kỹ năng nghiên cứu trong sinh viên, khuyến khích và hỗ trợ sinh viên công bố các công trình nghiên cứu. 3. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan a) Đổi mới hình thức tuyển sinh theo đề án của Bộ Giáo dục và đào tạo: Trong năm 2014 tập trung xây dựng đề án tuyển sinh riêng của Trường theo quy chế mới của Bộ Giáo dục đào tạo. Nghiên cứu hình thức xét tuyển và lựa chọn môn thi phù hợp với ngành nghề đang đào tạo trong trường nhằm chọn được người học phù hợp nhất với ngành nghề được đào tạo. b) Đổi mới việc đánh giá kết quả học tập: - Xây dựng đề án cải tiến nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả đào tạo chú trọng vào đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”; đánh giá được sự tiến bộ về phẩm chất và năng lực của người học; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của xã hội; - Tách việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo độc lập với giảng dạy. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ theo hướng cuốn chiếu, không trùng lặp với phương châm học là quá trình tích lũy kiến thức; kết hợp nhiều hình thức đánh giá khách quan công bằng; - Đánh giá kết quả đào tạo sau đại học theo hướng chú trọng đánh giá năng lực phân tích, phê phán, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, năng lực thực hành tương xứng với trình độ đào tạo, năng lực thích nghi với môi trường làm việc. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: - Năm 2014-2015: Chuẩn hóa hệ thống đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo tiêu chuẩn ISO. Xây dựng Hệ thống đánh giá kết quả học tập của sinh viên cùng các tiêu chí thực hiện; - Năm 2014-2016: Thực hiện điều tra rà soát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của sinh viên. Đổi mới việc khảo sát đánh giá của sinh viên đối với giảng viên, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập; - Năm 2015-2020: Đánh giá sinh viên theo quy trình và phù hợp với chương trình đào tạo. Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Đánh giá và phân tích chất lượng sinh viên dựa trên kết quả kiểm tra, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. c) Đổi mới việc đánh giá chất lượng đào tạo: - Nghiên cứu các hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế để vận dụng thực hiện đánh giá chương trình đào tạo của Trường theo tiêu chuẩn quốc tế khi có đủ điều kiện; - Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của bộ phận Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng đào tạo; - Nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên và sinh viên về bảo đảm chất lượng dạy và học. Xây dựng chương trình đào tạo thể hiện được sứ mệnh, giá trị và đặc thù của trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, xác định mục tiêu đào tạo và các kết quả đầu ra (learning outcomes) đối với sinh viên; - Nâng cao sự tham gia của cộng đồng (doanh nghiệp, giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, các nhà nghiên cứu, giáo sư...) và cả sinh viên vào việc xây dựng chương trình đào tạo từ cấp bộ môn, khoa lên cấp trường để đảm bảo có sự chia sẻ và hiểu biết rộng rãi về chất lượng đào tạo; - Tăng cường công tác sàng lọc, tuyển chọn đồng thời cũng tạo cơ hội cho mọi người được vào học theo năng lực bản thân ở các cấp độ khác nhau để nâng cao mặt bằng dân trí, đặc biệt chú ý đến công tác đào tạo các chuyên gia bậc cao. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: - Từ năm 2014, thực hiện tự đánh giá nội bộ và đánh giá ngoài Nhà trường theo đúng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; - Củng cố năng lực đội ngũ cán bộ kiểm định của Trường, thực hiện tự đánh giá nội bộ hàng năm, chuẩn bị tốt cho đợt tái kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2014 và 2019; - Đến năm 2016, đăng ký tham gia kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN), kiểm định thí điểm 4 chương trình đào tạo của Trường theo chuẩn của AUN (thuộc các chuyên ngành Lái, Máy, Công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng). 4. Thực hiện các nhiệm vụ đào tạo góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập - Khảo soát nhu cầu xã hội để xem xét dừng việc đào tạo những chương trình không còn nhu cầu, điều chỉnh những chương trình chưa phù hợp và xây dựng các chương trình mới đáp ứng nhu cầu của thực tế sản xuất và của người học. - Tập trung phát triển một số chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình kỹ sư tài năng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người học, tạo môi trường đào tạo chất lượng cao, từng bước hội nhập với giáo dục đại học khu vực và quốc tế. Đặt chỉ tiêu mỗi năm xây dựng 2 chương trình chất lượng cao. - Tập trung chỉ đạo chương trình chất lượng cao đảm bảo chất lượng đầu ra đồng thời xã hội hóa các chương trình đào tạo này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo toàn trường. - Xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng đảm bảo sự liên thông giữa các trình độ đào tạo, chú trọng xây dựng các chương trình theo hướng mở vừa làm vừa học giúp cho người học có hoàn cảnh khó khăn có thể vừa làm vừa học cho đến khi hoàn thành khóa học. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: - Xây dựng các chương trình đào tạo từ xa nhằm tạo điều kiện học tập cho các đối tượng có điều kiện khó khăn, các đối tượng vùng xa; - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, giảm tối đa việc di chuyển tập trung sinh viên song vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo; - Thực hiện các chương trình xã hội hóa đào tạo theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải; tiếp tục nghiên cứu để xã hội hóa sâu rộng hơn trong những năm tiếp theo để đến năm 2020 có 30% chương trình đào tạo được xã hội hóa; - Xây dựng các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu (4,5 - 5 năm đối với đại học và 2 năm đối với thạc sỹ) và định hướng ứng dụng - thực hành (4 năm đối với đại học và 1-1,5 năm đối với thạc sỹ); - Đa dạng hóa các phương thức đào tạo. Tới năm 2017, chuyển các hệ đào tạo theo niên chế sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế để tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động tham gia xây dựng, điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học; - Điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội và thời kỳ hội nhập. Hiện tại, trường đào tạo 28 chuyên ngành (trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư cho các ngành mới mở là: Quản trị logistics; vận tải đa phương thức; kinh tế giao thông; xây dựng đường sắt Metro; tự động hóa công nghiệp; quy hoạch giao thông...); - Điều chỉnh quy mô tuyển sinh hàng năm với phương châm duy trì và phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, cân đối trên cơ sở phát huy tiềm năng hiện có và nhu cầu xã hội, kết hợp với việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; - Mở mới dần các ngành theo từng năm để đến năm 2020 sẽ đáp ứng 30 chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đa dạng hóa các ngành đào tạo chú trọng đến các ngành liên quan đến quy hoạch, thiết kế công trình giao thông và môi trường. 5. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo coi trọng quản lý chất lượng - Hoàn thiện cơ cấu tổ chức Nhà trường theo đúng các qui định của pháp luật, thành lập và phát huy vai trò của Hội đồng trường. Thực hiện sự giám sát của các đoàn thể trong nhà trường và xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; - Đẩy mạnh việc tin học hóa trong quản lý, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị trong Nhà trường; - Tập trung chỉ đạo quản lý chất lượng đầu ra, quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; - Tăng cường thực hiện cơ chế người học, người sử dụng lao động và xã hội tham gia đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo trong nhà trường; tăng cường thực hiện cơ chế để nhà giáo, công nhân viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý Nhà trường. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: - Năm 2014: + Điều chỉnh và ban hành các quy chế để vận hành Nhà trường theo yêu cầu của quá trình đổi mới của Đảng và Nhà nước; + Thành lập Viện Đào tạo quốc tế trên cơ sở Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế; Viện Môi trường giao thông vận tải và Viện Đào tạo sau đại học. Đến 2020, Viện Đào tạo sau đại học được phép đào tạo cao học tất cả các ngành học và có 5 ngành được đào tạo trình độ tiến sĩ; + Thành lập Trung tâm lưu trữ, tính toán và xử lý số liệu để đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng thông tin hỗ trợ quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo của Trường; - Năm 2015: Thành lập Hội đồng trường sau khi Điều lệ Trường đại học mới được ban hành; - Năm 2015-2016: Xây dựng và hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn quản lý giáo dục Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh; - Năm 2017-2020: Thực hiện đánh giá thường niên hệ thống quản lý và cán bộ quản lý Nhà trường trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn quản lý giáo dục; - Tầm nhìn đến 2030: Thành lập Viện Hàng hải, sát nhập các trung tâm hàng hải trong Trường vào Viện. Viện Hàng hải được đặt tại cơ sở Đồng Nai sẽ trở thành trung tâm đào tạo tiên tiến của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 6. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo - Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong Nhà trường nhằm đảm bảo đủ chuẩn theo qui định. - Ưu tiên xét tuyển biên chế đối với các giảng viên có trình độ từ tiến sỹ trở lên để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp với nhiệm vụ của Nhà trường. - Ưu tiên nguồn thu để đầu tư nâng cao chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. - Tăng cường triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu; tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường. - Khuyến khích cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bằng các giải pháp hỗ trợ kinh tế, tạo điều kiện tham gia các chương trình, dự án, khóa học ở cả trong và ngoài nước. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: - Tiến hành rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả nhằm phục vụ kịp thời nguồn nhân lực cho sự phát triển nhanh của Nhà trường. Xây dựng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao. Phát triển theo hướng chất lượng, hội nhập, từng bước đạt trình độ khu vực và quốc tế; - Căn cứ vào số liệu tuyển sinh và dự báo tuyển sinh các ngành nghề của Trường, xác định số lượng giảng viên đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của Trường; - Căn cứ vào số lượng sinh viên dự kiến tuyển đến 2015, 2020 và 2030, Trường xác định quy mô phát triển nguồn nhân lực như sau: + Năm 2013, Nhà trường có 584 CBGV, trong đó có 437 cán bộ giảng dạy cơ hữu, tỷ lệ sinh viên trên một cán bộ giảng dạy là 24:1; + Năm 2015 là 1.000 CBGV, trong đó có 849 Cán bộ giảng dạy, tỷ lệ sinh viên trên một cán bộ giảng dạy là 22:1; + Năm 2020 là 1.180 CBGV, cán bộ giảng dạy là 980, tỷ lệ sinh viên trên một cán bộ giảng dạy là 20:1; + Năm 2030. tỉ lệ 18:1 cần có nguồn nhân lực là 1.400 cán bộ giảng viên (trong đó giảng viên là 1.200). - Các chỉ tiêu phấn đấu đối với giảng viên có trình độ sau đại học: + Năm 2015, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 80%, trình độ tiến sĩ đạt 13%; + Năm 2020: tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 90%, trình độ tiến sĩ đạt 20%; + Năm 2030, số lượng cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ phấn đấu đạt 45%. Đảm bảo chất lượng đội ngũ vừa đáp ứng nhịp độ tăng quy mô đào tạo hàng năm 5%. - Đảm bảo tỷ lệ giảng viên/ sinh viên theo quy chuẩn. Đào tạo đội ngũ kế cận có đủ đức, đủ tài, đảm bảo sự kế thừa và phát triển vững chắc để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược phát triển của Trường; - Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức cho các lĩnh vực hoạt động, phấn đấu đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. 7. Xây dựng chính sách, cơ chế quản lý tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo - Nhà trường tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo trọng điểm, ngành chất lượng cao, chuyên ngành thạc sỹ, tiến sỹ để đảm bảo nâng tầm của Nhà trường trong khu vực và quốc tế. - Minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết đào tạo, sử dụng nguồn lực Nhà trường bảo đảm sự hài hòa giữa các lợi ích với tích lũy tái đầu tư. - Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, xã hội hóa các chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để tổ chức đào tạo theo hình thức xã hội hóa. - Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo. - Từng bước hoàn thiện hệ thống trường lớp, đặc biệt là dự án cơ sở mới tại Đồng Nai, hiện đại hóa các cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng được qui mô và chuẩn mực theo qui định. * Kế hoạch, nội dung triển khai cụ thể: Thực hiện chính sách xã hội hóa đối với giáo dục đào tạo: - Giai đoạn 2014-2020: Trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa với các đề án đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương xã hội hóa gồm: + Hoạt động đầu tư xây dựng Ký túc xá Quận 12 (2013-2015); + Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế (2014); + Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học và Luyện thi ĐH (2014); + Cổ phần hóa Công ty tư vấn, ứng dụng KHCN GTVT (2014); + Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với: . Trung tâm Môi trường giao thông vận tải (2015); . Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giao thông vận tải (2015); . Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ giao thông vận tải (2015). + Liên doanh với các tổng công ty ngành Giao thông vận tải (2017); + Xã hội hóa ít nhất 30% chương trình đào tạo chính quy, tăng số lượng chương trình chất lượng cao lên 10 chương trình. - Tầm nhìn 2030: + Phát triển Viện Đào tạo quốc tế đạt chuẩn tiên tiến trên thế giới, có thể tiếp nhận sinh viên quốc tế học tại trường; + Xã hội hóa 1 phần Viện Hàng hải tại cơ sở Đồng Nai. Viện sẽ trở thành trung tâm đào tạo tiên tiến về hàng hải ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học: - Giai đoạn 2014-2020: + Thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng giai đoạn 1 dự án Xây dựng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Đồng Nai; + Hoàn thiện dự án Mở rộng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM tại cơ sở Quận 12; + Thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Ký túc xá Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức BOT, tại cơ sở Quận 12. - Giai đoạn 2020 đến 2030: + Thực hiện dự án đầu tư Xây dựng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Đồng Nai; + Mở rộng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Đồng Nai đạt yêu cầu theo quy định của Nhà nước về diện tích đất trên sinh viên; diện tích sàn xây dựng trên sinh viên, trên giảng viên. Giải pháp tổng thể về quy hoạch các cơ sở của Trường: - Giai đoạn trước mắt, chuyển đổi Cơ sở 2 (tại Cơ sở Quận 2) để xây dựng Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cơ sở Đồng Nai; - Định hướng chức năng khai thác và sử dụng chính của các Cơ sở: + Cơ sở tại Số 2 D3, Khu Văn Thánh Bắc, P.25, Quận Bình Thạnh, TP. HCM: Là trụ sở chính; đầu mối cho các giao dịch trong và ngoài nước; là nơi tập trung cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu và các liên kết đào tạo quốc tế...; + Cơ sở tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai: Là Cơ sở đào tạo phần lớn sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh về lý thuyết, thực hành, thực nghiệm cho sinh viên; tập trung các trung tâm lao động sản xuất của Trường...; + Cơ sở tại Phường 11, thành phố Vũng Tàu: Chủ yếu đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; tổ chức các khóa huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển... Tăng cường trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học: - Đầu tư phát triển để chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu mở rộng, quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh; - Xây dựng mô hình, cơ chế quản lý hệ thống cơ sở vật chất thích hợp với điều kiện cụ thể của Trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập; - Đề xuất chính sách cụ thể thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước. Tập trung vào dự án xây dựng Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Đồng Nai với mục đích dãn rộng cơ sở đào tạo và các công trình phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của nhà trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trường theo quy hoạch được phê duyệt; - Quy hoạch phát triển thư viện điện tử và mạng thông tin; - Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý, trang bị các phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, xây dựng được một số phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; - Củng cố, thành lập mới các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội; - Mở rộng các phòng làm việc, các phòng học, ký túc xá sinh viên, khu sinh hoạt văn hóa thể thao, thư viện, nâng cấp và đầu tư thêm trang thiết bị cho các xưởng thực tập, phòng thí nghiệm. 8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý - Tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Nhà trường. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa Nhà trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. - Xã hội hóa các hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, để có nguồn lực tập trung ưu tiên đầu tư phát triển khoa học chuyên ngành, khoa học mũi nhọn trong ngành Giao thông vận tải, đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao, cơ sở sản xuất thử nghiệm hiện đại trong Nhà trường. Có chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học. - Nghiên cứu thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ đăng ký và khai thác sáng chế, phát minh trong Nhà trường. - Luôn luôn cải tiến, đổi mới, cơ cấu tổ chức và quản lý để thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế thị trường nhằm cạnh tranh ưu thế trong thị trường giáo dục, tư vấn và hoạt động dịch vụ. - Mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học.
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.