Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và vấn đề tiếp tục hoàn thiện

pdf
Số trang Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và vấn đề tiếp tục hoàn thiện 8 Cỡ tệp Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và vấn đề tiếp tục hoàn thiện 143 KB Lượt tải Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và vấn đề tiếp tục hoàn thiện 0 Lượt đọc Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và vấn đề tiếp tục hoàn thiện 7
Đánh giá Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và vấn đề tiếp tục hoàn thiện
4.3 ( 6 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và vấn đề tiếp tục hoàn thiện Nguyễn Thị Lan* Khoa Luật, ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam Nhận ngày 28 tháng 3 năm 2016 Chỉnh sửa ngày 25 tháng 5 năm 2016; Chấp nhận đăng ngày 23 tháng 6 năm 2016 Tóm tắt: Bài viết giới thiệu những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; phân tích và đề xuất một số ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định này. Từ khóa: Hôn nhân và gia đình, Bộ luật hình sự năm 2015. 1. Đặt vấn đề quy định tội phạm và hình phạt để trừng trị và đấu tranh với những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại đến các quan hệ xã hội này. Theo đó, bất kỳ chủ thể nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm hại đến các quan hệ HNGĐ đã được quy định là tội phạm trong Bộ luật hình sự (BLHS) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự một cách tương xứng. Các BLHS Việt Nam sau nhiều lần pháp điển hóa đều dành riêng một nhóm điều luật quy định về các tội xâm phạm chế độ HNGĐ, trong đó mới nhất là BLHS năm 2015 với những nội dung được cập nhật, hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội hơn so với BLHS năm 1999. Bên cạnh ưu điểm của việc đã khắc phục được một số nhược điểm của BLHS năm 1999 và sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm chế độ HNGĐ, thì dưới góc độ khoa học, tác giả cho rằng các quy định này vẫn còn tồn tại một vài điểm cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội. ∗ Quan hệ hôn nhân và gia đình (HNGĐ) có nguồn gốc từ tự nhiên và là sự tất yếu của quy luật phát triển, được hình thành và phát triển nhờ vào bản năng sinh tồn của loài người với mục đích duy trì nòi giống. Hiện tượng xã hội mang đặc tính tự nhiên này vốn dĩ luôn tồn tại trong lịch sử phát triển của loài người với tư cách là một yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vì thế, khi xuất hiện, nhà nước đã dùng chính sách và pháp luật can thiệp vào quá trình phát triển HNGĐ theo hướng dần tiến bộ, phù hợp với quy luật tự nhiên và bảo đảm lợi ích của giai cấp thống trị bằng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất là hình phạt. Hầu hết các nhà nước trên thế giới xưa và nay, trong đó có Việt Nam, đều bảo vệ các quan hệ HNGĐ ở mức độ cao bằng cách _______ ∗ ĐT.: 84-4-37547512 Email: nxiaolan@yahoo.com 26 N.T. Lan / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 2. Những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình Nghiên cứu và so sánh các quy định của BLHS năm 1999 và 2015 cho thấy những quy định của BLHS năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ HNGĐ đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện và tiến bộ hơn nhiều so với BLHS năm 1999. Cụ thể như sau: Thứ nhất, vấn đề khách thể loại của các tội xâm phạm chế độ HNGĐ đã được xác định một cách đúng đắn hơn. Theo đó, một số tội có khách thể trực tiếp bị tội phạm xâm hại không phải là quan hệ HNGĐ đã được bỏ ra khỏi chương Các tội xâm phạm chế độ HNGĐ. Cụ thể là tội đăng ký kết hôn trái pháp luật là một trong các tội xâm phạm chế độ HNGĐ trước được quy định tại Điều 149 BLHS năm 1999 thì nay đã không còn được coi là tội xâm phạm chế độ HNGĐ nữa mà được chuyển sang Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Theo đó hành vi thực hiện đăng ký kết hôn trái pháp luật sẽ là một trong những hành vi khách quan của tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật được quy định tại Điều 336 BLHS năm 2015. Sự sắp xếp này rất phù hợp vì đã phản ánh đúng khách thể đã bị hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật đã trực tiếp xâm hại, mặt khác lại tiếp thu được kinh nghiệm của nước ngoài trong việc xử lý hành vi nguy hiểm liên quan đến việc cho nhận con nuôi trái pháp luật. Thứ hai, BLHS năm 2015 đã phi tội phạm hóa đối với hành vi vi phạm chế độ HNGĐ nhưng thể hiện tính nguy hiểm không đáng kể và tội phạm hóa hành vi nguy hiểm xâm hại chế độ HNGĐ mới xuất hiện trong đời sống xã hội là một trong những điểm đáng ghi nhận trong lần pháp điển hóa này. Cụ thể là tội tảo hôn được quy định tại Điều 148 BLHS năm 1999 nhưng ở BLHS năm 2015 thì đã được phi tội phạm hóa do thực tiễn xử lý hình sự không mấy hiệu quả khi hành vi diễn ra quá phổ biến và trở thành tập quán của người dân. Đối với trường hợp này thì không nên xử lý hình sự mà cần phải tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo 27 dục và nâng cao ý thức pháp luật cho người dân kết hợp với những chính sách kinh tế-xã hội, đẩy mạnh phát triển đời sống và cải thiện trình độ dân trí... sẽ là những biện pháp phù hợp. Bên cạnh đó, hành vi cưỡng ép ly hôn hoặc cản trở ly hôn tự nguyện so với hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện thì mức độ nguy hiểm là tương đương do cùng vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện nên đã được tội phạm hóa bằng cách bổ sung thêm những hành vi này trong cấu thành tội phạm của Điều 181 về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện. Ngoài ra, hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi thể hiện tính nguy hiểm cao, xâm hại đến trật tự HNGĐ và kéo theo nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội cần thiết phải bị xử lý hình sự nên đã được quy định thành một tội danh độc lập tại Điều 187 BLHS năm 2015. Thứ ba, một số tội phạm đã được chia tách hoặc quy định thêm tình tiết tăng nặng định khung nhằm bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và nguyên tắc công bằng trong pháp luật hình sự. Cụ thể là tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng với những tình tiết cụ thể hóa hậu quả nghiêm trọng được phân chia cụ thể trong cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm tăng nặng sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật; tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được bổ sung thêm những tình tiết tăng nặng định khung nhằm đáp ứng yêu cầu phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng hành vi phạm tội cụ thể. Thứ tư, BLHS năm 2015 đã tăng cường bảo vệ quyền con người bằng cách chú trọng bảo vệ quyền của nhóm người yếu thế là trẻ em, phụ nữ có thai, người già yếu người khuyết tật và người mắc bệnh hiểm nghèo. Cụ thể, việc thực hiện hành vi phạm tội đối với nhóm người này được quy định là tình tiết tăng nặng định khung ở khoản 2 Điều 185 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Quy định này 28 N.T. Lan / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 là sự thể chế hóa tinh thần của Điều 14 Hiến pháp năm 2013 về tăng cường bảo vệ quyền con người. Thứ năm, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể hóa các dấu hiệu khách quan trong một số cấu thành tội phạm, đặc biệt là dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng trong các cấu thành tội phạm đều đã được diễn giải cụ thể trong điều luật thay vì phải được giải thích ở một văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, thủ đoạn phạm tội trong cấu thành tội phạm của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình cũng được mô tả cụ thể là hành vi đối xử tồi tệ hoặc hành vi bạo lực xâm phạm thân thể. Việc quy định cụ thể các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm là một thay đổi rất tích cực, vừa bảo đảm nguyên tắc pháp chế của luật hình sự, vừa thuận lợi cho hoạt động áp dụng pháp luật hình sự. Thứ sáu, ngoài việc cụ thể hóa dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, BLHS năm 2015 cũng đồng thời quy định rõ trong cấu thành tội phạm của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng dấu hiệu không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án là dấu hiệu bắt buộc. Điều này bảo đảm việc định tội sẽ có căn cứ pháp lý rõ ràng và chính xác hơn so với hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTCVKSNDTC về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ 1 hôn nhân và gia đình” rằng: trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cần lưu ý, nếu đã có bản án, quyết định của Toà án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 BLHS năm 1999 về tội không chấp hành án. _______ 1 Sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01. 3. Tiếp tục hoàn thiện những quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình a. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181) Đề xuất hoàn thiện về mặt kỹ thuật lập pháp đối với Điều 181 BLHS năm 2015 về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện. Theo đó nên xóa bỏ từ “tiến bộ” sau cụm từ “hôn nhân tự nguyện” vì những lý do sau: 1) Mặc dù cả Hiến pháp năm 2013 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đều quy định hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng... là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ HNGĐ [1, 2]. Tuy nhiên, tác giả cho rằng từ “tiến bộ” xuất hiện trong các quy định của Hiến pháp và Luật Hôn nhân và gia đình với tư cách là một nguyên tắc thì đúng. Nguyên tắc cần thể hiện tính bao quát của một tư tưởng chủ đạo nào đó, sự ghi nhận tính tiến bộ trong hôn nhân là một nguyên tắc khẳng định tư tưởng tiến bộ sẽ chi phối mọi quy định liên quan đến hôn nhân. Nhưng trái lại, từ “tiến bộ” không nên lặp lại trong quy định của một cấu thành tội phạm vì luật hình sự quy định tội phạm và hình phạt cần phải cụ thể, rõ ràng và có căn cứ. Hơn nữa nếu làm như vậy, khi định tội danh sẽ bắt buộc phải chứng minh đó là hôn nhân tiến bộ. Để chứng minh thế nào là hôn nhân tiến bộ thì lại không đơn giản về mặt lý luận: các nước thường ủng hộ hôn nhân một vợ một chồng và coi đó là tiến bộ, nhưng một số nước theo đạo Hồi hoặc một số nước tư bản thì lại không khẳng định điều đó khi kinh Koran của đạo Hồi cho phép người đàn ông có thể lựa chọn từ một đến bốn vợ [3] và pháp luật một số nước tư bản cho phép kết hôn đồng giới tính [4]. Vậy sự “tiến bộ” có thể là đúng với người này nhưng không đúng với người khác, hoặc đúng với quốc gia này mà chưa chắc đúng với quốc gia khác. Ở Điều 181 BLHS năm 2015, nội dung quy định là cấm vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện nên thêm từ “tiến bộ” N.T. Lan / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 không giúp làm rõ cấu thành tội phạm mà còn có khả năng gây tranh cãi trong thực tiễn áp dụng pháp luật; 2) Sự xuất hiện của từ “tiến bộ” khiến cách diễn đạt về tên gọi của Điều 181 BLHS năm 2015 trở nên lủng củng: cản trở hôn nhân tự nguyện có phải là cản trở hôn nhân tiến bộ? Nếu hôn nhân nhất thiết phải vừa tự nguyện vừa tiến bộ thì sao khi ly hôn lại không tiến bộ mà chỉ tự nguyện?... Chính vì vậy, tên điều luật này nên sửa thành Tội vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện vừa bảo đảm ngắn gọn lại vừa hợp lý vì đã bao quát toàn bộ những hành vi cưỡng ép hoặc cản trở kết hôn, ly hôn. b. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182) Đề xuất bỏ dấu phảy (,) trong tên gọi của Điều 147 BLHS năm 1999 và tên gọi của Điều 182 BLHS năm 2015. Bởi lẽ một vợ một chồng là một cụm từ thể hiện một hình thức hôn nhân, một nguyên tắc, một chế độ hôn nhân và trong trường hợp này nó không nên và không thể bị ngăn cách bởi dấu phảy. Dấu phảy thường được sử dụng trong những trường hợp liệt kê nên sẽ khiến người ta liên tưởng rằng có chế độ một vợ, rồi lại có cả chế độ một chồng như thể hai chế độ này là hai chế độ độc lập và song song tồn tại. Điều này là bất hợp lý. Hơn nữa, tham khảo ngôn ngữ quốc tế phổ thông như Tiếng Anh thì một vợ một chồng được dịch thành một từ duy nhất là monogamy mà thôi. Hơn nữa, bản Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cả Luật Hôn nhân và gia đình các năm 2000, 2014, thì đều thống nhất sử dụng cụm từ “một vợ một chồng” chứ không phải “một vợ, một chồng” như cách quy định ở các đạo luật hình sự năm 1985, 1999, 2015 và ở Thông tư liên tịch số 01/2001 đã nêu. Thiết nghĩ, việc sử dụng ngôn từ trong các văn bản luật – đặc biệt lại là BLHS - cần phải thật chính xác và thống nhất trong toàn bộ hệ thống các văn bản pháp luật. Điều này không những thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật mà còn thể hiện trình độ lập pháp của một quốc gia[5]. 29 c. Tội loạn luân Về kỹ thuật lập pháp, kiến nghị việc quy định cụ thể dấu hiệu “thuận tình” trong mặt khách quan của tội này ngay tại điều luật cho rõ ràng thay vì sử dụng văn bản dưới luật để hướng dẫn. Thuận tình là dấu hiệu quan trọng và bắt buộc không thể thiếu trong cấu thành tội phạm thì cần phải do BLHS quy định chứ không nên được hướng dẫn bởi một văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, đề xuất phân hóa trách nhiệm hình sự giữa người bề trên với người bề dưới trong phạm vi những người có cùng dòng máu về trực hệ với tư cách là chủ thể của Tội loạn luân vì lý do người bề trên là người có kinh nghiệm và hiểu lẽ sống hơn, là người cần xử sự mẫu mực để làm gương cho những người nhỏ hơn trong gia đình, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi loạn luân nên đáng bị lên án mạnh mẽ hơn so với người bề dưới. Hơn nữa, người bề dưới do thứ tự vai vế trong gia đình nên thường dễ có tâm lý vâng lời và khuất phục, vì vậy nếu họ thực hiện hành vi loạn luân thì cần xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ và việc chia thành hai khung hình phạt cho tội loạn luân với ý nghĩa này sẽ công bằng và nhân đạo hơn. Ngoài ra, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của BLHS về tội loạn luân theo hướng khắc phục sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đó là sự chồng chéo giữa Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã với BLHS năm 1999. Theo đó, tại Điều 1 khoản 35 của Nghị định 67/2015/NĐ-CP đã bổ sung thêm điểm b vào khoản 2 Điều 48 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP với nội dung: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ. Tuy 30 N.T. Lan / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 nhiên, theo quy định tại Điều 150 BLHS năm 1999, hành vi giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ đã bị xử lý hình sự về tội loạn luân mà không cần kèm theo dấu hiệu chủ thể “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”. Vậy câu hỏi đặt ra là: “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng” với “giao cấu” khác nhau như thế nào mà có loại thì xử lý hành chính, có loại thì xử lý hình sự? Về mặt ngôn ngữ đúng là không thể đánh đồng “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng” với “giao cấu” được. Kết hôn chỉ việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận, chung sống như vợ chồng là việc nam nữ công khai xác lập quan hệ vợ chồng mà không cần pháp luật thừa nhận. Hai cụm từ này tuyệt nhiên không chứa đựng từ ngữ nào có nghĩa là giao cấu cả. Nghĩa là “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng” không thể là giao cấu được. Với lẽ đó thì rõ ràng “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người cùng dòng máu về trực hệ” không thể thỏa mãn cấu thành tội phạm của Tội loạn luân được, vì thế cần phải xử phạt bằng pháp luật hành chính. Luận chứng thứ nhất có thể cho rằng, chủ thể chỉ tổ chức việc kết hôn hoặc tổ chức đời sống chung và coi nhau như vợ chồng nhằm mục đích chia sẻ tâm tư tình cảm hoặc cùng xây dựng đời sống kinh tế chứ không thực hiện giao cấu. Luận chứng thứ hai bổ sung thêm: giao cấu nếu xuất phát từ nhu cầu của cả hai bên nam nữ thì rất khó chứng minh, họ mà không thừa nhận thì không thể chứng minh được, trong khi suy đoán vô tội là một nguyên tắc của tố tụng hình sự. Do đó cần phải xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ để ngăn chặn hành vi này. Như vậy, quy định của Nghị định 67/2015/NĐ-CP rất phù hợp để áp dụng xử lý hai loại hành vi loạn luân mà không xử lý được về hình sự là kết hôn và chung sống như vợ chồng. Tuy nhiên, dựa trên những lý luận về HNGĐ có thể khẳng định, quan hệ tính giao là khởi nguồn của hôn nhân, việc kết hôn và chung sống như vợ chồng thường không tách rời nhu cầu tình dục. Luận chứng thứ nhất ở trên không thuyết phục vì những người cùng dòng máu trực hệ đương nhiên có quyền tổ chức đời sống chung để chia sẻ tâm tư tình cảm và xây dựng đời sống kinh tế vì họ là những thành viên gần gũi nhất trong cùng một gia đình, thường sống chung dưới một mái nhà, vì thế đâu cần thiết phải kết hôn hay chung sống như vợ chồng mới chia sẻ tình cảm hay vun đắp đời sống kinh tế được? Việc xác lập quan hệ vợ chồng theo kiểu “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng” ấy là hành vi vô đạo đức, mang bản chất của sự loạn luân không thể bao biện được. Luận chứng thứ hai đã nêu cũng chưa đủ thuyết phục, đồng thời thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Vì thực chất hành vi kết hôn và chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ thậm chí còn thể hiện sự công khai phủ nhận các giá trị đạo đức, bất chấp quy định của pháp luật và coi thường dư luận xã hội. Hành vi trắng trợn này còn là cơ sở, là điều kiện cho hành vi giao cấu được thực hiện tự do và nhiều lần giữa những người này. Vậy đáng lẽ hành vi kết hôn và chung sống như vợ chồng với người cùng dòng máu về trực hệ phải được xem là có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi giao cấu giữa họ, và vì thế mà càng cần phải xử lý hình sự về tội loạn luân chứ không thể là xử phạt hành chính. Quy định rất mới của Nghị định 67/2015/NĐ-CP này đúng là đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người áp dụng pháp luật vì cứ chứng minh được hành vi giao cấu sẽ xử lý hình sự, không chứng minh được thì chuyển ngay sang xử phạt hành chính. Tuy nhiên, sự dễ dàng đó đang tạo cơ hội cho tội loạn luân ẩn náu trong một vỏ bọc vi phạm hành chính, đồng thời tạo kẽ hở cho việc thực hiện những hành vi tiêu cực, chẳng hạn như thay vì chứng minh tội phạm thì cơ quan chức năng xử phạt luôn hành chính nhằm mục đích vụ lợi. Kết quả là loại hành vi vốn được xếp là nguy hiểm nhất trong nhóm các tội xâm phạm chế độ HNGĐ lại không bị trừng trị thích đáng, tính nghiêm minh của pháp luật thì không được bảo đảm. N.T. Lan / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 Chính vì vậy, để khắc phục sự chồng chéo đã phân tích ở trên, cần bổ sung hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng của những người có cùng dòng máu về trực hệ vào trong mặt khách quan của tội loạn luân, đồng thời sửa đổi quy định của Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng không bổ sung điểm b vào khoản 2 Điều 48 của Nghị định 110/2013/NĐ-CP nữa. Theo đó, không xử phạt hành chính đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ mà sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những loại hành vi này [6]. d. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185) Kiến nghị bổ sung thêm đối tượng bị xâm hại có quan hệ anh chị em hoặc quan hệ cụ cháu với nhau. Trong đó anh chị em bao gồm cả anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng mẹ khác cha, anh chị em cùng cha khác mẹ và anh chị em nuôi. Đây cũng là những thành viên có quan hệ ruột thịt rất gần gũi và thường sống chung trong một gia đình cùng với ông bà, cha mẹ. Đối với những người anh chị em chưa kết hôn để lập gia đình riêng thì hành vi đối xử tồi tệ và bạo lực giữa họ với nhau hoàn toàn có thể xảy ra do có sự phân biệt con trong hay ngoài giá thú, phân biệt con chung với con riêng, phân biệt con nuôi với con đẻ, thậm chí hành vi vô đạo đức đó còn có thể xảy ra ngay giữa những thành viên là anh chị em ruột cùng cha mẹ với nhau nếu trong số họ có người bị kỳ thị giới tính, bị coi là mắc lỗi hoặc bị coi là vô dụng… Mặt khác, khi tuổi thọ dân số ngày càng cao thì việc cụ sống chung với cháu trong các gia đình là hiện tượng không hiếm gặp. Điều này cũng dễ nảy sinh hiện tượng cháu ngược đãi cụ già 31 yếu, ốm đau và không có khả năng tự mình sinh sống. Đây chính là biểu hiện của bạo lực gia đình đáng bị xử lý bằng luật hình sự và phải xử lý về tội xâm phạm chế độ HNGĐ chứ không phải về tội xâm phạm sức khỏe của người khác vì rõ ràng những người này có quan hệ gia đình ở phạm vi hẹp nhất. Trên cơ sở những kiến nghị trên, tác giả xây dựng mô hình lý luận của Chương Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình như sau (phần sửa đổi hoặc bổ sung là phần chữ có gạch chân): CHƯƠNG XVII CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH Điều 181. Tội vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng 1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 32 N.T. Lan / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Điều 183. (giữ nguyên) Điều 184. Tội loạn luân 1. Người nào kết hôn, chung sống như vợ chồng hoặc thuận tình giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. 2. Người phạm tội là người có cùng dòng máu trực hệ nhưng là bề trên thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ cụ, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình 1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể cụ, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo. Điều 186. (giữ nguyên) Điều 187. (giữ nguyên) Tài liệu tham khảo [1] Điều 36, Hiến pháp Việt Nam năm 2013. [2] Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014. [3] Đặng Thị Hồng Tuyến, Phạm Thùy Linh, Đạo Hồi và ảnh hưởng của nó tới quyền của phụ nữ ở một số quốc gia Hồi giáo châu Á. Bài viết đăng tại: hocvientuphap.edu.vn/desktops/news/download.as px?id=354 [4] Phúc Duy, Những nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Bài viết đăng tại: http://thanhnien.vn/the-gioi/nhung-nuoc-hopphap-hoa-hon-nhan-dong-tinh-31656.html [5] Nguyễn Thị Lan, Hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng dưới khía cạnh xã hội-pháp lý và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN – Chuyên san Luật học, số 1/2015. [6] Nguyễn Thị Lan, “Bàn về tội loạn luân và các trường hợp phạm tội có tính chất loạn luân trong luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN – Chuyên san Luật học, số 4/2015. N.T. Lan / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 32, Số 2 (2016) 26-33 33 The Provisions of the 2015 Penal Code for the Crimes of Violating Marriage and Family Regime and the Continuity to Improve the Law Nguyen Thi Lan VNU School of Law, 144 Xuan Thuy, Cau Giay, Hanoi, Vietnam Abtract: The article introduces the provisions of the 2015 Penal Code for the crimes of violating the marriage and family regime; analyzes and proposes some ideas to continue improving these provisions. Keywords: Marriage and family, 2015 Penal Code.
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.