Người thầy

pdf
Số trang Người thầy 14 Cỡ tệp Người thầy 259 KB Lượt tải Người thầy 0 Lượt đọc Người thầy 2
Đánh giá Người thầy
4.3 ( 16 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Đang xem trước 10 trên tổng 14 trang, để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

FRANK McCOURT NGƯỜI THẦY (Trích đoạn) Bánh mỳ kẹp biết bay và chuyện hẹn hò với cừu (*) Chúng đến kia rồi. Mà tôi chưa sẵn sàng. Tôi sẵn sàng thế nào được chứ? Tôi là thầy giáo mới, còn đang tập sự mà. Ngay ngày đầu tiên trong đời thầy giáo của mình, suýt nữa tôi bị sa thải vì ăn chiếc bánh mì kẹp của một cậu học sinh trung học. Ngày thứ hai tí nữa tôi bị sa thải vì nói đến khả năng kết bạn với cừu. Ngoài ra chẳng có gì đặc biệt đáng nhớ trong ba mươi năm tôi dạy các lớp trung học ở thành phố New York. Tôi vẫn thường ngờ vực không biết mình có ở đúng chỗ hay không. Cuối cùng tôi tự hỏi làm sao mình đã trụ nổi lâu nhường ấy. Đó là tháng Ba năm 1958. Tôi ngồi trên bục giảng trong một phòng học còn vắng hoe của trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee vùng Staten Island, thành phố New York. Tôi tẩn mẩn nghịch mấy thứ đồ nghề mới của mình: năm tập kẹp giấy màu vàng, mỗi tập cho một lớp; một cuộn dây chun bở rạn, một tập giấy kẻ dòng nâu nâu từ thời Thế chiến, lem nhem vết những thứ đã tạo ra nó; một miếng bọt lau bảng cũ mèm; một xấp thẻ màu trắng tôi sẽ lần lượt nhét vào các khe trong cuốn Sổ Điểm danh màu đỏ trầy xước để giúp tôi nhớ tên hơn một trăm sáu mươi em, trai và gái, của năm lớp khác nhau, ngày ngày ngồi thành hàng lối trước mặt mình. Trên thẻ này tôi sẽ ghi điểm chuyên cần, đi muộn của chúng và đánh những dấu nhỏ khi các cô cậu bé làm điều sai quấy. Người ta dặn tôi dùng bút đỏ ghi những việc sai quấy này, nhưng nhà trường không cấp phát, thành ra bây giờ tôi phải làm đơn xin hoặc tự bỏ tiền ra mua, vì bút đỏ dùng ghi những việc sai quấy là vũ khí mạnh nhất của thầy giáo. Ngoài ra tôi còn phải mua đủ thứ nữa. Nước Mỹ thời Eisenhower có phồn vinh, nhưng sự phồn vinh này không nhỏ giọt xuống tới các trường học, tới những ông thầy mới vào nghề cần học cụ cho việc giảng dạy thì lại càng không. Hiệu phó phụ trách hành chính có công văn nhắc nhở mọi giáo viên về tình trạng tài chính khó khăn của thành phố và khuyến cáo tiết kiệm trong việc sử dụng học cụ. Sáng hôm ấy tôi phải quyết định. Chỉ một phút nữa thôi tiếng chuông sẽ rung lên. Chúng sẽ ùa vào lớp và chúng sẽ nói gì khi thấy tôi ngồi thừ trên bục nhỉ? Này, xem kìa. Ông ấy trốn tránh. Chúng thạo bắt thóp thầy giáo lắm. Ngồi thừ trên bục nghĩa là anh sợ, hoặc lười. Anh dùng bục giảng làm hàng rào chắn. Tốt nhất là anh hãy ra ngoài kia và đứng trước mặt chúng. Hãy đón nhận hậu quả. Tỏ ra là đấng nam nhi. Chỉ một sai sót trong ngày đầu sẽ phải mất nhiều tháng ròng mới vớt vát lại nổi. Đám trẻ đang vào lớp kia đều độ choai choai, mười sáu tuổi, từ vườn trẻ tới giờ là mười một năm. Các thầy đến rồi các thầy đi, đủ loại: già, trẻ, nghiêm, hiền. Lũ trẻ quan sát, săm soi, đánh giá. Chúng hiểu ngôn ngữ của cơ thể, sắc thái giọng nói, thái độ của anh nói chung. Chúng chẳng cần phải ngồi ì ra trong phòng vệ sinh hay căng tin bàn tán về những điều này. Chúng chỉ tiếp thu qua mười một năm, rồi truyền lại cho những thế hệ sau. Coi chừng cô Boyd đấy, chúng kháo nhau. Coi chừng bài làm ở nhà, cha nội, coi chừng bài làm ở nhà, cô sửa lỗi đấy nhé. Cô chấm bài đấy! Cô không có chồng, thành ra chẳng có việc gì khác để làm. Cố tìm thầy cô có gia đình với con cái mà ghi tên học, họ không còn thì giờ để mà ngồi ì ra chấm bài hay đọc sách. Nếu cô Boyd thường xuyên nằm ngửa ra thì cô sẽ không cho nhiều bài làm đến thế đâu. Cô toàn ngồi nhà với con mèo, nghe nhạc cổ điển và chấm bài, làm tình làm tội bọn mình. Cô không giống mấy thầy cô khác. Họ cho mình cả đống bài làm, rồi ngoặc một cái coi như xong, chẳng buồn liếc mắt. Mình có cóp cả trang Kinh thánh cũng vẫn được họ phê “Giỏi”. Cô Boyd thì không thế. Ngay từ đầu cô đã bắt thóp được mình rồi. Charlie này, cô xin lỗi, em tự làm bài này ư? Mình sẽ phải thú thật, không, không phải mình tự làm; cha nội ơi, thế là chết mất ngáp. Đến lớp sớm thế này là sai lầm, vì ta có quá nhiều thì giờ để ngẫm nghĩ về những chuyện sẽ phải đối mặt. Gan trời ở đâu ra, khiến tôi tự thị rằng đủ bản lĩnh trị đám choai choai Mỹ? Tại ngu xuẩn. Gan ở đấy mà ra chứ đâu. Đang là kỷ nguyên Eisenhower và báo chí tường trình về nỗi buồn chán to lớn của thanh thiếu niên Mỹ. Chúng là “Những đứa con lạc loài của những đứa con lạc loài của Thế hệ lạc loài”. Phim ảnh, ca nhạc, sách vở kể cho chúng ta về nỗi buồn chán của chúng: Kẻ nổi loạn vô cớ, Học đường-Chốn rừng xanh, Chuyện khu phố phía Tây, Bắt trẻ đồng xanh_(1). Chúng đưa ra những tuyên ngôn làm ta tuyệt vọng. Cuộc đời vô nghĩa. Người lớn rặt một đám bề ngoài giả dối. Thế thì sống để làm gì? Chúng chẳng có gì để chờ mong, chẳng có nổi một cuộc chiến tranh chúng dự phần để tàn sát đám thổ dân những xứ sở xa xôi, rồi đeo huân chương khập khiễng đi diễu hành trên đại lộ Broadway dưới mưa hoa giấy cho đàn bà con gái chiêm ngưỡng. Chẳng ích gì nếu chúng than thở với các ông bố mới vừa tham chiến xong, hay với các bà mẹ đã phải làm thân chinh phụ suốt thời gian chồng chiến đấu nơi xa. Các ông bố nói, Này, câm miệng đi. Đừng quấy rầy tao. Mông tao găm cả đống mảnh đạn đây này, tao không rỗi hơi cho cái trò than van chê bai của mày, trong khi bụng mày no phưỡn ra, tủ áo quần thì nhồi đầy ắp. Chúa ạ, bằng tuổi mày tao đã phải nai lưng lao lực ở bãi đồng nát, rồi làm phu khuân vác bến tàu để có thể gửi con lừa đần độn là mày vào trường học. Lo nặn lô mụn trứng cá chết tiệt của mày đi và làm ơn để yên cho tao đọc báo. Bọn thiếu niên buồn chán đến mức chỉ còn cách lập thành băng đảng đánh nhau với các băng đảng khác, không phải kiểu ẩu đả như trong các bộ phim dựng những mối tình bất hạnh, có đệm nhạc ai oán làm nền, mà đả thương trí mạng trong tiếng gào thét chửi rủa, bọn gốc Ý, bọn Mỹ da đen, bọn gốc Ireland, Puerto Rico đâm chém hay phạng nhau bằng dao, xích, gậy bóng bầu dục trong Central Park và Prospect Park và cỏ ở đây nhuốm máu của chúng, máu thì luôn đỏ bất kể gốc gác từ đâu. Rồi giá sử có giết chóc thì công luận liền phẫn nộ và lên án, rằng nếu nhà trường và thầy cô làm đúng phận sự thì sẽ không xảy ra những chuyện kinh hoàng kia. Có những nhà ái quốc còn tuyên bố, Nếu lũ trẻ này thừa thì giờ và sức lực để choảng nhau, sao không gửi chúng ra nước ngoài đánh bọn Cộng sản khốn kiếp, nhân thể giải quyết vấn nạn này một lần cho dứt điểm luôn? Trường hướng nghiệp bị lắm người khinh rẻ, xem là bãi rác cho bọn học sinh không đủ trình độ để vào trường trung học bình thường. Đúng là kênh kiệu rởm. Công luận chẳng cần biết rằng có hàng nghìn thanh niên thiết tha trở thành thợ cơ khí ôtô, thợ làm đẹp, thợ máy, thợ điện, thợ thiếc và thợ mộc. Những thanh niên này không muốn bận tâm rối trí về cuộc Cải cách Tôn giáo(1)_, về cuộc Chiến tranh năm 1812(2)_, về Walt Whitman, về thú thưởng thức nghệ thuật, hay đời sống tình dục của loài ruồi giấm. Nhưng được thôi, cha nội ơi, nếu ép thì chúng tôi sẽ học mà. Chúng tôi sẽ ngồi nghe giảng những chuyện chẳng hề liên quan gì tới cuộc sống của mình. Chúng tôi sẽ làm việc trong phân xưởng của nhà trường là nơi chúng tôi học biết về thế giới hiện thực, chúng tôi sẽ cố đúng mực với thầy cô, để biến khỏi đây sau bốn năm. Thoát nợ! Lũ chúng đấy. Cánh cửa lớp bật mạnh vào tấm nẹp để phấn chạy suốt bên dưới bảng, làm bụi phấn bay mù. Vào lớp là cả một vấn đề to tát. Sao chúng không thể đi vào lớp một cách bình thường, chào thầy cô rồi ngồi vào chỗ? Không. Phải xô đẩy chen lấn cơ. Một đứa làm bộ lên giọng đe dọa “Ê, liệu hồn đấy” thì liền có đứa khác đáp “Sao nào?”. Chúng chửi nhau, phớt lờ hồi chuông thứ nhì, chúng nấn ná mãi mới chịu ngồi xuống cho. Được đấy, cưng. Coi kìa, có ông thầy mới trên kia kìa, thầy mới thì biết mẹ gì. Sao? Chuông reo à? Thầy à? Lính mới tò te. Lão nào thế? Cần quái gì biết! Chúng nói chõ qua lớp, vươn người trên những chiếc ghế mà với chúng là quá nhỏ, duỗi dài chân, rồi cười toáng lên khi có ai vấp phải. Chúng nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, ngó nghiêng lá cờ Mỹ phía trên đầu tôi hay những bức chân dung mà cô Mudd, nay đã về hưu, treo trên tường, chân dung của Emerson, Thoreau, Whitman, Emily Dickinson và Ernest Hemingway - ông ta đến đây bằng cách nào nhỉ? Đó là hình bìa tạp chí Life; đâu đâu cũng thấy tấm hình này. Chúng dùng dao vạch lên mặt bàn tên tắt của mình, hay những tuyên ngôn tình yêu qua trái tim với mũi tên xuyên qua, bên cạnh những vết vạch của các bậc cha anh từ nhiều năm trước. Vài mặt bàn cũ bị khoét sâu đến nỗi nhìn thấy cả đầu gối chúng qua những lỗ hổng mà xưa kia vốn là những trái tim và họ tên. Những đôi trai gái ngồi bên nhau, tay nắm tay, vừa thủ thỉ vừa nhìn sâu vào mắt nhau, trong lúc ba thằng con trai tựa lưng vào tủ vừa cất giọng trầm, nam trung và nam cao hát nghêu ngao, trời đất ơi, vừa búng tay, cho thiên hạ thấy chúng là những kẻ choai choai đang biết yêu. Mỗi ngày năm lần chúng ùa vào lớp như thế. Năm lớp, mỗi lớp từ ba mươi đến ba mươi lăm học sinh. Choai choai cả ư? Ở Ireland, chúng tôi thấy chúng trên phim Mỹ, luôn buồn rầu và cáu kỉnh, toàn lái xe đi lòng vòng, nên thắc mắc sao chúng lại buồn rầu và cáu kỉnh như vậy nhỉ. Chúng được nuôi ăn no, mặc đẹp, có tiền túi, vậy mà vẫn láo xược với mẹ cha. Ở Ireland bấy giờ không có thứ choai choai này, ít nhất trong thế giới của tôi. Ta là trẻ con. Ta đi học tới năm mười bốn tuổi. Hỗn láo với mẹ cha sẽ bị ăn dây lưng vào mồm văng tới tận cuối phòng ấy chứ. Ta lớn lên, làm thợ, lấy vợ, chiều thứ Sáu quất một chầu bia rồi tối hôm ấy cưỡi vợ để chị chàng vừa đập bầu xong lại phải mang bầu mới. Sau vài năm ta sẽ di cư sang Anh, đi cày ở những công trình xây dựng hay đăng lính vào quân đội Hoàng gia, chiến đấu bảo vệ Đế chế. Chuyện với chiếc bánh mì kẹp là do một cậu tên Petey hỏi, Có đứa nào muốn lấy miếng bánh mì kẹp pho mát này không? Mày giỡn à? Má mày hẳn phải ghét mày thậm tệ nên mới làm chiếc bánh mì kẹp thế này cho mày mang đi. Petey ném cái túi giấy nâu đựng chiếc bánh mì kẹp vào đứa vừa châm chọc tên Andy, cả lớp ồ lên cười. Đánh nhau đi, đánh nhau đi, chúng gào lên. Đánh nhau đi, đánh nhau đi. Túi giấy rơi xuống đất, giữa tấm bảng và hàng ghế đầu, nơi Andy ngồi. Tôi bước ra từ sau bàn viết, lần đầu tiên trong đời thầy giáo của mình tôi lên tiếng: Này. Bốn năm đào tạo ở Đại học New York mà tôi chẳng biết nói gì hơn một tiếng “này”. Tôi lặp lại lần nữa: Này. Chúng phớt lờ tôi. Chúng đang mải khích hai con gà chọi đánh nhau để câu giờ, hầu làm tôi quên chuyện dạy. Tôi lại gần Petey nói câu đầu tiên với tư cách ông thầy: Thôi ném bánh mì ngay. Petey và cả lớp sửng sốt. Ông thầy này, một lính mới, vừa cản một đám sắp sửa đánh nhau ra trò. Thầy cô mới thường bo bo thủ phận hoặc cho mời ngay hiệu trưởng hay hiệu phó, mà ai cũng biết còn lâu các vị này mới thèm tới. Nghĩa là trong khi chờ đợi chúng cứ tha hồ đấm nhau. Với lại, chúng biết làm gì với một ông thầy bảo chúng đừng ném bánh mì nữa, trong khi bánh đã bị ném rồi còn đâu? Từ cuối phòng Benny gọi với lên: Thầy ơi, nó đã ném rùi mà. Bảo nó đừng ném nữa làm gì. Béng chình ình trên sàn đấy thôi. Cả lớp cười ngất. Thật không còn gì trên đời ngớ ngẩn hơn một ông thầy bảo ta đừng làm gì đó, sau khi ta đã làm phéng đi rồi. Một đứa che miệng nói, Ngu qwá, tôi thừa biết nó ám chỉ tôi. Tôi chỉ muốn tống nó văng khỏi ghế ngồi, nhưng như thế sẽ chấm hết sự nghiệp nhà giáo của tôi. Với lại, bàn tay che miệng kia thật lớn quá đỗi, và cái bàn thì quá nhỏ so với thân thể của nó. Một đứa nào đó nói: Ê, Benny, bộ mày luật sư à? rồi cả lớp lại cười ồ. Đúng thế, đúng thế, chúng nói, rồi chờ xem phản ứng của tôi. Xem tay thầy giáo mới này sẽ làm gì? Các giáo sư về sư phạm ở Đại học New York chưa hề dạy chúng tôi cách giải quyết tình huống ném bánh mì. Họ giảng về lý thuyết và triết lý của giáo dục, về các mệnh lệnh đạo đức và luân lý, về sự tất yếu phải giải quyết đứa trẻ tổng thể, một cấu trúc hình thức, xin vui lòng, về những nhu cầu cảm thấy được của đứa trẻ, nhưng không hề giảng về những tình huống khó xử trong lớp học. Tôi có nên gọi: Này, Petey, lại đây nhặt bánh lên, kẻo biết tay tôi? Tôi có nên tự tay nhặt vất vào thùng rác để bày tỏ sự khinh bỉ những kẻ ném bánh mì kẹp trong khi khắp thế giới hàng triệu người đang đói khổ? Chúng phải hiểu tôi là sếp ở đây, rằng tôi khó chơi, rằng tôi không chấp nhận chuyện tầm bậy nào của chúng. Chiếc bánh mì kẹp, gói bằng giấy sáp, nằm ló khỏi bao phân nửa, mùi thơm báo cho tôi biết còn nhiều thứ nữa chứ không chỉ pho mát thôi. Tôi nhặt nó lên, tuột giấy gói. Không phải thứ bánh mì kẹp thông thường với thịt giữa hai lát bánh mì trắng vô vị kiểu Mỹ. Chiếc bánh mì này dày và nâu_(1), do một bà mẹ gốc Ý ở Brooklyn nướng, bánh đủ chắc để kẹp nhiều lát pho mát béo ngậy, lớp lớp cà chua, hành, tiêu, điểm thêm vài giọt dầu ô liu và nước sốt ngon mềm lưỡi. Tôi ăn chiếc bánh mì kẹp ấy. Đó là hành xử đầu tiên của tôi trong lớp. Cái miệng đầy bánh của tôi thu hút sự chú ý của cả lớp. Chúng trố mắt nhìn tôi, ba mươi bốn học sinh trai gái, sàn sàn mười sáu. Tôi có thể thấy nét thán phục nơi những đôi mắt, lần đầu tiên trong đời chúng một ông thầy đã nhặt bánh mì từ nền nhà lên rồi điềm nhiên ăn trước cả lớp. Thầy bánh mì kẹp. Thuở nhỏ ở Ireland chúng tôi từng hâm mộ một ông thầy ngày nào cũng gọt táo ăn, rồi thưởng cho những đứa học trò giỏi dây vỏ táo dài ngoằng. Còn lũ học sinh của tôi ở đây chăm chú nhìn dầu ô liu nhỏ từ cằm tôi xuống chiếc ca vát hai đôla mua ở hiệu Ông-Klein-ở-góc-phố. Cậu Petey nói: Ây, thầy ơi, bánh mì thầy xực là của em đấy. Cả lớp liền bảo: Im mồm. Mày không thấy thầy đang ăn sao? Tôi liếm mấy ngón tay, “ừm” một tiếng, rồi vo tròn bao lẫn giấy sáp búng vào sọt rác. Cả lớp hoan hô. Chúng nói: Wow, cực kỳ, chu cha. Thấy chưa. Thầy xực bánh mì. Thầy ném trúng sọt rác. Wow. Dạy học là vậy ư? Đúng thế, Wow. Tôi thấy mình chẳng khác một người hùng. Tôi đã ăn miếng bánh. Tôi đã ném trúng sọt rác. Tôi cảm thấy sẽ làm được mọi chuyện với lớp học này. Tôi nghĩ tôi đã nắm được chúng trong tay. Quá tuyệt, ngoại trừ tôi không biết tiếp theo phải làm gì. Tôi đến đây để dạy học và tự hỏi làm cách nào chuyển từ tình huống bánh mì kẹp sang viết chính tả, văn phạm, tập làm văn hoặc bất cứ gì khác liên quan đến môn Anh văn tôi sắp dạy. Lũ học trò của tôi cười cho đến khi thấy khuôn mặt ông hiệu trưởng hiện ra nơi khung cửa. Cặp lông mày sâu róm nhướng lên giữa trán làm thành một câu hỏi. Ông mở cửa rồi làm hiệu gọi tôi ra. Ta trao đổi một chút được chứ, thầy McCourt. Petey thì thầm: Ê, thầy ơi. Đừng lo chuyện bánh mì. Đằng nào em cũng không muốn ăn mà. Lũ học trò nói: Đúng thế, đúng thế, theo cái lối cho thấy chúng đứng về phía tôi, nếu tôi gặp rắc rối với ông hiệu trưởng, kinh nghiệm đầu tiên của tôi về tình đoàn kết thầy-trò. Trong giờ học bọn chúng có thể mánh khóe và kêu ca này nọ, nhưng khi hiệu trưởng hay ai khác vừa xuất hiện là có ngay một liên minh tức thì, một chiến tuyến chặt chẽ. Ở bên ngoài hành lang, ông hiệu trưởng nói, thầy McCourt này, tôi chắc thầy hiểu không thể có chuyện thầy giáo đứng ăn trưa vào lúc chín giờ sáng trong lớp được, trước toàn thể học sinh nam nữ thế này. Giờ dạy đầu tiên của thầy mà thầy lại chọn bắt đầu bằng việc ăn chiếc bánh mì kẹp là sao? Như thế liệu có hợp lẽ không, anh bạn trẻ? Tập cho bọn trẻ nghĩ sai lệch không phải là cái lệ ở đây. Thầy hiểu chứ, hả? Thầy thử tưởng tượng xem trường ta sẽ gặp những chuyện gì nếu thầy cô cứ bỏ bê mọi chuyện, ăn bữa trưa ngay trong lớp, hơn nữa mới sáng ra, còn trong giờ điểm tâm. Chúng tôi đã gặp đủ chuyện bực mình với các em lén ăn vặt trong lớp sáng khiến gián diếc với bao loài gặm nhấm bò vào. Rồi chúng tôi phải tốn công sức đuổi sóc ra khỏi các phòng học ấy, chưa nói tới chuột bọ. Nếu chúng tôi không lưu tâm thì lũ học sinh, và cả một số thầy cô, đồng nghiệp của thầy, bạn trẻ ạ, sẽ biến ngôi trường này thành một cái căng tin khổng lồ ngay. Tôi những muốn nói rõ sự thật về ổ bánh mì kẹp và cách tôi xử lý tình huống tốt đẹp thế nào, nhưng biết đâu như thế chẳng sẽ kết thúc sự nghiệp mô phạm của tôi. Tôi muốn nói rằng: Thầy ạ, đó không phải bữa trưa của tôi. Đó là của một em đã ném một em khác, tôi nhặt lên vì chân ướt chân ráo tới đây, sự việc lại xảy ra trong lớp của tôi mà ở đại học người ta không dạy chúng tôi gì hết về bánh mì, ném bánh hay giải quyết bánh mì bị ném. Tôi biết tôi đã ăn ổ bánh mì kẹp ấy, nhưng tôi làm thế vì không biết nên làm gì khác, hoặc cũng để cho học sinh một bài học: chớ nên phung phí, và để chúng biết ai là người có trách nhiệm ở đây, hoặc, lạy Chúa, cũng có thể vì tôi đói thật, tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm vì tôi đâu muốn mất một chỗ làm ngon lành, song thầy phải nhìn nhận là lớp tôi hoàn toàn trật tự. Nếu đó chính là cách đúng đắn để thu hút sự chú ý của học sinh một trường hướng nghiệp, có lẽ thầy nên đặt mua cả núi bánh mì kẹp pho mát cho bốn lớp học khác mà tôi sẽ đứng lớp ngày hôm nay. Nhưng tôi không nói gì hết. Ông hiệu trưởng nói ông ta tới đây là để giúp đỡ tôi, vì: Hà hà, xem ra tôi sẽ cần nhiều hỗ trợ. Ông bảo, tôi công nhận, thầy gây được sự chú ý của cả lớp. Được! Nhưng thầy hãy thử xem có thể làm cách nào khác ít ấn tượng hơn không. Thầy thử dạy học xem nào. Thầy được nhận vào đây vì việc ấy đấy, bạn trẻ ạ. Để dạy học. Bây giờ thầy phải bù lại thời gian đã mất. Chỉ thế thôi. Không ăn trong lớp. Thầy cô hay học trò cũng vậy. Tôi đáp: Thưa thầy, vâng, rồi ông phẩy tay ra hiệu cho tôi quay vào lớp. Thầy hiệu trưởng nói sao? Lũ học trò hỏi. Thầy ấy bảo tôi không nên ăn trưa trong lớp vào lúc chín giờ sáng. Thầy đâu có ăn trưa. Thầy biết, nhưng thầy hiệu trưởng thấy thầy ăn bánh mì kẹp nên bảo thầy chớ làm thế nữa. Chu cha, thật bất công quá. Petey nói, Em sẽ kể với mẹ em thầy thích bánh mì mẹ em làm. Em sẽ kể thầy gặp bao chuyện bực mình vì bánh của mẹ em. Được thôi, Petey, nhưng đừng có kể em ném bánh đấy nhé. Không, không. Mẹ em giết em mất. Mẹ em người đảo Sicily(1) mà. Dân Sicily động tí là nổi giận ngay. Petey, hãy thưa với mẹ rằng thầy chưa từng được ăn ổ bánh mì kẹp nào ngon đến thế. OK. Mea culpa(2)._ Thay vì giảng bài, tôi lại đi kể chuyện. Gì cũng được, miễn sao chúng yên lặng và ngồi tại chỗ. Chúng nghĩ tôi đang dạy. Tôi nghĩ tôi đang dạy. Thật ra tôi đang học. Vậy mà anh tự xưng là thầy giáo ư? Tôi nào có tự xưng là gì đâu. Tôi hơn một ông thầy nhiều chứ. Nhưng cũng không bằng. Trong một lớp trung học anh thủ đủ mọi vai, là ông đội xếp, thầy rabbi_(1), là cái vai cho học sinh gục đầu vào khóc, nhà mô phạm nghiêm khắc, ca sĩ, học giả xoàng, thầy ký, trọng tài, gã hề, ông cố vấn, người giám sát ăn mặc, người soát vé xe, người biện hộ, triết gia, kẻ đồng lõa, vũ công clacket, chính trị gia, bác sĩ trị liệu, gã điên, cảnh sát giao thông, mục sư, mẹ-cha-anh-chị- cô-chú, nhân viên kế toán, nhà phê bình, nhà tâm lý, chiếc phao cấp cứu. Trong căng tin của giáo viên, các bậc kỳ cựu đã cảnh báo tôi: Con trai này, đừng kể cho chúng gì hết về bản thân. Chúa ơi, chúng là lũ trẻ ranh chết tiệt. Còn anh là thầy. Anh có quyền giữ kín đời tư của mình. Anh biết luật chơi quá rồi, phải không? Bọn nhóc đáng ghét đó ma giáo lắm. Chúng không phải, tôi nhắc lại không phải, là bạn của anh. Chúng đánh hơi được khi anh định dạy văn phạm hay thứ gì khác tới nơi tới chốn, và chúng sẽ làm anh lạc hướng cho mà xem, cưng ơi. Hãy cảnh giác. Chúng kinh nghiệm chuyện này đã mười một, mười hai năm rồi, chúng hiểu nằm lòng tất cả các thầy cô. Anh chỉ mới vừa nghĩ tới văn phạm hay chính tả là chúng biết liền, chúng liền giơ những tay bé nhỏ và làm ra vẻ rất quan tâm, hỏi hồi nhỏ anh chơi trò gì hay ai là nhân vật anh chuộng nhất trong trò chơi World Series vớ vẩn. Đấy đấy. Rồi anh sẽ mắc lỡm cho mà xem. Anh sẽ huyên thuyên mở hết lòng mình, rồi chúng về nhà mà vẫn chưa viết nổi một câu ra hồn, song lại kể cho bố mẹ về cuộc sống của anh. Không phải chúng quan tâm đâu. Chúng sẽ tiêu hóa những chuyện ấy, nhưng còn anh? Anh sẽ chẳng bao giờ thu lại được những mẩu đời anh từ đầu óc bé tí của chúng. Đời anh đấy, cha nội ơi. Là tất cả những gì anh có. Đừng kể gì cho chúng hết. Những lời khuyên kia thật phí hoài. Tôi tự mò mẫm học kiểu thử sai, và tự trả giá. Tôi đã phải tự nghiệm ra phương cách riêng để vừa làm người vừa làm thầy, đấy chính là nỗ lực của tôi suốt ba mươi năm cả trong lẫn ngoài những lớp học ở New York. Các học trò tôi đâu biết rằng người đàn ông đứng trước mặt chúng kia đang thoát xác khỏi lớp vỏ bọc của những câu chuyện Ireland lẫn giáo lý Cơ đốc, và rải những mẩu vỏ bọc ấy khắp mọi nơi. Cuộc đời tôi đã cứu cuộc đời tôi. Vào ngày thứ hai ở McKee, một cậu học sinh đã hỏi tôi một câu dẫn tôi về quá khứ và vạch đường cho tôi dạy suốt ba mươi năm sau đó. Tôi bị đẩy về quá khứ, chất liệu của đời tôi. Joey Santos kêu: Ô, thầy ơi... Em không được kêu như thế. Phải giơ tay xin phép đã. Dạ dạ, Joey đáp, nhưng... Chúng có cái lối nói “Dạ dạ” để anh hiểu rằng chúng tha cho anh đấy thôi. Bằng cái “Dạ dạ” ấy chúng nói với anh: Bọn em đang cố kiên nhẫn đấy, cho thầy một cơ hội đấy, ôi trời ạ, vì thầy chỉ là một thầy giáo mới. Joey giơ tay. Ô, thầy ơi... Gọi tôi là thầy McCourt. Dạ. OK. Thế thầy dân Ê cốt hay sao ạ? Joey là cái loa của lớp này. Lớp nào cũng có một cái loa - ngoài đứa hay mách lẻo, đứa làm hề, đứa đạo đức, đứa hoa khôi, đứa tình nguyện làm mọi việc, đứa nhà quê, đứa thông thái, cậu ấm bám váy mẹ, đứa thần bí, đứa ẻo lả, đứa si tình, đứa chê bai, đứa xuẩn ngốc, đứa cuồng tín tôn giáo nhìn đâu cũng chỉ thấy tội lỗi, đứa hay nghĩ ngợi ủ ê ngồi tận cuối lớp đăm đăm nhìn mặt bàn, đứa vui tính, đứa thánh thiện thấy điều thiện ở mọi tạo vật. Cái loa có nhiệm vụ đặt câu hỏi, bất cứ câu gì hòng lái thầy cô khỏi bài học nhàm chán. Tôi tuy là thầy giáo mới thật, nhưng không mắc lừa trò câu giờ của cậu Joey này. Trò này giống nhau trên toàn thế giới. Ở Ireland chính tôi cũng đã chơi thế rồi. Tôi từng là cái loa trong lớp ở Leamy’s National School. Thầy giáo viết một bài đại số hay chia động từ trên bảng, đám bạn liền thì thào: McCourt, hỏi bừa đi. Đánh lạc hướng ông thầy khỏi ba cái bài vớ vẩn ấy. Hỏi đi, hỏi đi. Tôi liền hỏi: Thưa thầy, hồi xưa người Ireland có môn đại số không ạ?
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.