người mẹ tốt hơn là người thầy tốt: phần 1 - nxb văn học

pdf
Số trang người mẹ tốt hơn là người thầy tốt: phần 1 - nxb văn học 227 Cỡ tệp người mẹ tốt hơn là người thầy tốt: phần 1 - nxb văn học 867 KB Lượt tải người mẹ tốt hơn là người thầy tốt: phần 1 - nxb văn học 0 Lượt đọc người mẹ tốt hơn là người thầy tốt: phần 1 - nxb văn học 0
Đánh giá người mẹ tốt hơn là người thầy tốt: phần 1 - nxb văn học
5 ( 12 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Đang xem trước 10 trên tổng 227 trang, để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

NGƯỜI MẸ TỐT HƠN LÀ NGƯỜI THẦY TỐT Chia sẻ ebook : Chiasemoi.com Tác giả Tác giả vừa là một người mẹ tốt vừa là một người thầy tốt, cuốn sách này chú trọng kết nối giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình, vì cảm thấy giáo dục gia đình không được coi trọng và không đúng cách nên đã đặt tên cho cuốn sách là “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”. Một cuốn sách dũng cảm, có tư tưởng, đầy trí tuệ, là một cuốn sách giáo khoa về giáo dục gia đình hiếm có, đã dám nhìn thẳng vào vấn đề giáo dục, lại đào sâu suy nghĩ; có quan niệm giáo dục độc đáo, có trí tuệ giáo dục, và quan trọng nhất vẫn là tràn đầy tình yêu thương. Cuốn sách này có thể dành cho các phụ huynh đọc, thầy cô giáo đọc, một người quan tâm tới giáo dục như tôi cũng có thể rút ra rất nhiều điều bổ ích từ cuốn sách này. Học giả nổi tiếng, giáo sư Đại học Bắc Kinh Tiền Lý Quần Lời giới thiệu Cảnh giới tuyệt diệu của giáo dục - Tận tâm nhưng không để dấu vết Chu Húc Đông Tôi quen biết Doãn Kiến Lợi khi cô ấy đến Đại học Sư phạm Bắc Kinh học thạc sĩ, khi đó Học viện Giáo dục trực thuộc Đại học Bắc Kinh vừa mới phân thầy hướng dẫn cho những thạc sĩ giáo dục bọn họ. Cô ấy đã lựa chọn giáo dục giáo viên(1) làm phương hướng nghiên cứu của mình, mà một trong những phương hướng nghiên cứu của tôi vừa hay cũng là lĩnh vực giáo dục giáo viên này, chúng tôi đã quen biết nhau như thế. ___________________ (1) Giáo dục giáo viên: tức bồi dưỡng và huấn luyện giáo viên. Tác phẩm đầu tiên của Doãn Kiến Lợi mà tôi đọc chính là thơ của cô ấy. Lần đầu gặp mặt, cô ấy đã tặng một tập thơ của mình cho tôi. Thơ của cô ấy rất hay, đọc xong tôi cảm nhận được cô ấy là một người rất tinh tế, viết lách tốt, nhưng cũng khiến cho tôi hơi lo lắng. Một “nhà thơ” có thể tĩnh tâm để nghiên cứu một vấn đề, và dùng ngôn ngữ học thuật hoàn toàn khác với ngôn ngữ văn học để hoàn thành luận văn của mình không? Thực tế đã chứng minh sự lo lắng của tôi là thừa thãi, cô ấy không chỉ là một người tràn đầy thi cảm mà còn là một nghiên cứu sinh hết sức thực tế. Luận văn của cô ấy rất công phu, viết cũng rất quy phạm, thể thiện được quan điểm riêng của mình. Đồng thời, trong thời gian viết luận văn, một chuyên đề khác của cô ấy còn đạt giải nhì trong cuộc thi về học thuật lần đầu tiên dành cho nghiên cứu sinh của Học viện Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Những điều này đã khiến tôi thêm tin tưởng vào năng lực nghiên cứu học thuật của cô ấy. Sau khi Doãn Kiến Lợi lấy được học vị thạc sĩ từ trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, bắt đầu bận rộn công tác; nhưng hàng năm vào dịp ngày Nhà giáo cô ấy luôn liên lạc với tôi. Điều khiến tôi bất ngờ là trước ngày Nhà giáo năm nay, cô ấy đã mang tới bản thảo cuốn sách mới của mình. Hai mươi mấy vạn chữ, dường như tôi đã đọc liền một mạch. Trước đây tôi cũng đã đọc rất nhiều sách vở thịnh hành trong xã hội có liên quan đến phương diện giáo dục, nhưng cũng chỉ tiếp xúc với mấy quyển, những thứ khẩu hiệu, vô thức tập thể(1) thực sự không hợp với gout của tôi. Nhưng tôi lại đọc liền một mạch cuốn sách này của Doãn Kiến Lợi. Không phải vì chúng tôi có quan hệ thầy trò mà chủ yếu vì sách của cô ấy viết rất dễ hiểu nhưng vô cùng chuyên nghiệp; sự sâu sắc về tư duy và sự đơn giản và điêu luyện trong thao tác của cô ấy đối với một số vấn đề về giáo dục trẻ em đã khiến tôi có cảm giác bừng ngộ. Ví dụ như phương diện trẻ em đọc sách, xây dựng văn hóa gia đình… __________ (1) Vô thức tập thể là khái niệm tâm lý học do nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung đưa ra. Doãn Kiến Lợi đã từng lập chí sẽ công tác trong trường tiểu học, cho rằng giáo dục tiểu học là quan trọng nhất. Cuối cùng vì rất nhiều nguyên nhân, nguyện vọng này đã không thành. Hiện tại, cô ấy dùng phương thức nghiên cứu và viết sách, hết sức truyền bá lý luận giáo dục. Cô ấy nói mục tiêu của mình chính là dùng tư tưởng giáo dục đúng đắn trực tiếp tác động tới các học sinh, nhưng không phải chỉ dừng lại ở sách vở hoặc bề mặt lý luận. Cho nên cô ấy viết cuốn sách này, lấy tư cách một phụ huynh và một nhà nghiên cứu để viết, dùng những hành vi đời thường để diễn giải những lý luận trừu tượng. Tôi cho rằng cuốn sách này chứa đựng những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, lại mang tính giáo dục; vừa có chiều sâu tư duy vừa dễ đọc dễ hiểu. Có thể làm được những điều đó thực không dễ dàng gì, mà lại vô cùng đáng quý. Nó có thể cung cấp cho những vị phụ huynh con đường nuôi dạy con trẻ hiệu quả và thực dụng. Sau khi đọc xong cuốn sách này, dường như nó đã ảnh hưởng tới thái độ và phương pháp giáo dục của tôi đối với con trai mình. Tôi đã sớm nghe nói rằng con gái của cô ấy rất xuất sắc, nhưng chỉ khi đọc tác phẩm này mới biết rằng sự xuất sắc của mỗi một đứa trẻ đều có ngọn nguồn. Từ cuốn sách có thể thấy được cô ấy đã hết lòng vì con gái như thế nào, và phương pháp giáo dục của cô ấy tự nhiên nhưng không để lại dấu vết ra sao - đây mới là giáo dục chân chính, là cảnh giới tuyệt diệu của giáo dục. Một phụ bếp tận tâm sẽ có thể trở thành một đầu bếp cao cấp, một người mẹ tận tâm cũng có thể trở thành một nhà giáo dục nhi đồng. Có đứa trẻ nào là không cần những người cha người mẹ có tố chất giáo dục đây? Tình hình phổ biến trong xã hội bây giờ lại ngược lại, phụ huynh đối với con cái hết lòng nhưng không dùng đúng phương pháp, chủ yếu quản giáo là chính, chỗ nào cũng can thiệp hết sức trầm trọng, cái mà trẻ lĩnh hội được chỉ là sự cưỡng chế, chứ không phải là giáo dục. Nếu như cuốn sách này có thể khiến các phụ huynh và thầy cô nhận thấy, khi đối diện với trẻ “tận tâm” như thế nào, khi dạy dỗ trẻ “không để dấu vết” ra sao, vậy thì đã làm được một chuyện vô cùng hữu ích. Ở đây phải nói rõ một điều rằng, cuốn sách của Doãn Kiến Lợi được đặt tên là “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” không hề có ý so sánh giữa người mẹ và người thầy. Trong trường học và trên giảng đường, người thầy là người dẫn đường, chỉ đạo cho con trẻ thậm chí còn là tấm gương và hình mẫu về hành vi, sự quan trọng của người thầy là lẽ đương nhiên, huống hồ tác giả vốn là một giáo viên dạy học đã lâu năm; tựa đề của cuốn sách chỉ là nói lên một đạo lý rất quan trọng nhưng thường xuyên bị xem nhẹ: Trong công cuộc giáo dục con trẻ, phụ huynh có một vai trò quan trọng, không thể thay thế. Là tác phẩm viết về giáo dục gia đình do một người mẹ am hiểu giáo dục, cuốn sách này thực sự đáng đọc. (Tác giả của lời giới thiệu là giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, thầy hướng dẫn của các nghiên cứu sinh) Lời tựa Khi trên tay chúng ta có khối ngọc Tôi đã từng đọc một câu chuyện ngụ ngôn. Một người nông dân có một khối ngọc, muốn điêu khắc nó thành một tác phẩm tuyệt đẹp, nhưng trong tay ông ta chỉ có một dụng cụ là cây cuốc. Chẳng mấy chốc, khối ngọc này đã biến thành khối ngọc nhỏ hơn, nhưng hình dạng của nó vẫn giống như hòn đá, đồng thời càng ngày càng mất đi giá trị. Các bậc phụ huynh trẻ cũng đã có được một khối ngọc - đứa con đáng yêu - kết quả sau nhiều năm là, một số người đã có được tác phẩm rất hài lòng, một số người nhìn sự thay đổi của khối ngọc và ngày càng thất vọng. Sự khác biệt giữa hai kết quả này, chính là do những người bố, người mẹ càng ngày càng thất vọng kia thường sử dụng cây cuốc để chế tác ngọc. Nhưng có ai nghĩ mình lại ngớ ngẩn như vậy? Con người thời hiện đại đều rất tự tin. Tôi có quen một anh bạn tiến sĩ, dù là trong lĩnh vực học thuật, công tác hay đối nhân xử thế anh đều rất xuất sắc. Đến tuổi trung niên mới sinh được một mụn con trai, anh yêu con hơn báu vật. Anh biết làm người quan trọng hơn làm học thuật, chính vì thế đặc biệt chú trọng đến vấn đề bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho con. Cậu con trai của anh vừa mới hai tuổi, thường xuyên tự chơi một mình, không để ý gì đến những lời hỏi chuyện của người lớn đối với cậu. Người bố cho rằng, ngay từ nhỏ cần dạy cho trẻ biết phép lịch sự, nhìn thấy con trai như vậy, rất sốt ruột, liền bước đến giằng lấy món đồ chơi con đang chơi, nghiêm giọng nói với con rằng, người lớn hỏi chuyện con, con buộc phải trả lời. Cậu bé không hề để tâm đến những lời dạy của bố, khóc một hồi, lần sau lại “tái phạm”; anh cứ kéo con ra khỏi trò chơi, giáo dục, phê bình con trẻ hết lần đến lần khác. Anh nói rất quả quyết rằng, tôi buộc phải sửa cho con trai tật xấu này. Vị tiến sĩ này không biết rằng, một đứa trẻ mới hai tuổi chưa hiểu khái niệm giao tiếp. Nói chuyện lịch sự với một đứa nhỏ như thế này, chẳng khác gì đàn gảy tai trâu, không những trẻ không hiểu, mà còn cảm thấy sợ. Điều quan trọng nhất là, đây là thời kỳ quan trọng để trẻ bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh, hiếu kỳ trước tất cả mọi thứ, một mẩu giấy nhỏ, nửa điếu thuốc lá cũng có thể khiến trẻ đam mê. Hoạt động phát triển trí tuệ, bồi dưỡng khả năng chú ý, phát triển niềm say mê cho trẻ đều không thể tách khỏi niềm “đam mê” đó. Những trò chơi nhìn có vẻ như vô vị này chính là “công tác chuẩn bị” của trẻ đối với công việc học tập, nghiên cứu đích thực trong tương lai. Thường xuyên phá rối con trẻ một cách vô cớ sẽ khiến trẻ mất đi sự chú ý, làm cho chúng sau này rất khó tập trung công sức để làm một công việc, đồng thời cũng mất đi niềm hứng thú nghiên cứu đối với sự vật. Ngoài ra, “giáo dục phép lịch sự” thường xuyên gây ra mối xung đột giữa bố mẹ và con cái, đồng thời còn khiến con trẻ không biết đâu mà lần trong vấn đề nhận thức, đảo lộn trật tự phát triển tâm lý bình thường của trẻ, khiến trẻ cảm thấy bực bội, đối địch với môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhân cách. Anh bạn tiến sĩ không nghi ngờ mình là một cao thủ điêu khắc ngọc, nhưng lại không biết rằng lúc này đây anh đang sử dụng cây cuốc - sai lầm trong giáo dục gia đình đã xuất hiện mà mọi người không để ý tới, khiến kết quả và nguyện vọng thường đi ngược với nhau, đây là điều khiến người ta cảm thấy đáng tiếc và đau lòng nhất. Mấy năm nay tôi được tiếp xúc với không ít bậc phụ huynh, chủ yếu là phụ huynh của những em được coi là “có vấn đề”. Từ những ví dụ khác nhau tôi đã phát hiện ra một hiện tượng chung là: Những lỗi nhỏ mà bố mẹ vô tình mắc phải, tích tụ theo tháng ngày, dần dần sẽ hình thành nên một vấn đề lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến con trẻ, gây ra nỗi đau sâu sắc cho trẻ, thậm chí còn bóp méo tâm hồn trẻ. Không phải tình yêu của bố mẹ không bao la, mà chỉ là do họ không biết rằng một số cách làm của mình là sai lầm. Phương Tây có câu ngạn ngữ nói rằng: “Con đường vào địa ngục có những lúc do những ý đồ tốt tạo ra”. Đúng vậy, có ý đồ giáo dục của bậc phụ huynh nào là không tốt? Khi ý đồ tốt và kết quả khiến người ta phải thất vọng tạo nên sự đối nghịch lớn, rất nhiều bố mẹ đều trách móc con mình, nói con trẻ không có chí tiến thủ, ngay từ lúc sinh ra đã là một khúc gỗ mục không thể điêu khắc - đây là cách nói rất hồ đồ - nếu vấn đề bắt nguồn từ chính bản thân con trẻ, gọi là những cái bẩm sinh, thì bản thân trẻ biết phải làm thế nào - điều này giống như việc một người có đôi mắt quá nhỏ không thể trách được mình; nếu vấn đề chỉ có thể thông qua biện pháp tự nhận thức mình, tự thay đổi mình để giải quyết, thì cái gọi là chức năng của “giáo dục” sẽ nằm ở đâu? Cũng có người đổ lỗi một số vấn đề gặp phải trong giáo dục cá thể cho các nhân tố vĩ mô như “xã hội”, “chính sách”, “thời đại”. Thói quen đổ lỗi này, điển hình nhất là vài năm gần đây, bất luận trong trường cấp một, cấp hai hay cấp ba, xảy ra chuyện tiêu cực gì, mọi người đều đi tìm nguyên nhân trong “thể chế giáo dục”, đến cuối cùng, về cơ bản mọi gậy gộc đều được giáng vào vấn đề “thi đại học”. Thi đại học - chính sách giáo dục công bằng nhất ở Trung Quốc hiện nay đã biến thành kẻ chịu tội thay, trở thành “kẻ tội đồ” của mọi vấn đề giáo dục. Trên thế giới không có thể chế giáo dục của quốc gia nào tuyệt vời đến mức có thể giải quyết từng vấn đề cá nhân cho mỗi học sinh. Mỗi đứa trẻ đều là một thế giới riêng biệt, sự trưởng thành của trẻ được quyết định bởi “môi trường giáo dục nhỏ” mà bố mẹ và thầy cô giáo những người tiếp xúc với em hàng ngày tạo dựng cho em. Trạng thái sinh thái của môi trường nhỏ này mới là nhân tố mang tính quyết định, ảnh hưởng thực sự đến quá trình trưởng thành của trẻ. Với vai trò là người quan trọng nhất, người tiếp xúc sớm nhất, dài nhất với trẻ, bố mẹ là người quan trọng để tạo dựng lên “môi trường nhỏ” - trong cuộc sống thường nhật, trong mỗi chuyện nhỏ, bố mẹ định hướng cho trẻ như thế nào, giải quyết mối quan hệ với con trẻ như thế nào, gần như mỗi chi tiết đều hàm chứa một yếu tố giáo dục nào đó. Trình độ xử lý chi tiết tạo nên sự khác biệt giữa việc bố mẹ cầm cây cuốc hay dao khắc trong tay - nó khiến thế giới và tương lai của con trẻ hoàn toàn khác nhau. Trong cuốn sách này, tôi đã đề cập đến rất nhiều chi tiết, vấn đề mà trẻ gặp phải trong quá trình trưởng thành, và cũng đã đưa ra rất nhiều phương pháp. Cho dù những “phương pháp” này khác nhau đến đâu, thực ra chúng đều được xây dựng trên một số phương châm giáo dục chung. Cố nhiên, “phương pháp” là rất quan trọng, nhưng phương pháp dù nhiều đến đâu cũng không thể giải quyết được mọi vấn đề mà một người gặp phải trong quá trình giáo dục; phương châm giáo dục đúng đắn giống như một chiếc chìa khóa vạn năng, có thể mở ra mọi ổ khóa. Nhìn từ bề ngoài, các bài viết trong cuốn sách này đều đề cập một cách độc lập về một vấn đề nào đó, nhưng trên thực tế mọi quan điểm và phương pháp đều có tính thống nhất về mặt logic. Sau khi bạn đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ có được một khuôn khổ tương đối rõ nét - về cơ bản bạn sẽ biết phải làm gì, “phương pháp” cũng đến bên bạn một cách rất tự nhiên. Hy vọng cuốn sách này hữu ích cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là những bậc phụ huynh trẻ. Bồi dưỡng tốt một đứa trẻ không những là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với gia đình mà cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm với sự phát triển của dân tộc và xã hội tương lai. Phương pháp giáo dục đúng đắn là một con dao khắc xinh xắn; phương pháp giáo dục sai lầm là một cây cuốc - khi trong tay chúng ta có một khối ngọc, chúng ta buộc phải thực hiện đúng. Lời người dịch Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi được dịch cuốn Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt của tác giả Doãn Kiến Lợi. Trong quá trình dịch, tôi chỉ tiếc rằng mình không được đọc cuốn sách này sớm hơn bởi nếu được đọc sớm hơn, tôi sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con của mình. Nhưng vẫn còn may mắn bởi con của tôi còn khá bé, hai cháu đang ở độ tuổi cần đặc biệt lưu ý dạy dỗ, và cuốn sách này đã đem lại cho tôi nhiều kiến thức bổ ích. Tôi có thể cam đoan rằng, đây là cuốn sách mà tất cả những người bố, người mẹ có con trong độ tuổi từ sơ sinh đến khi mười tám tuổi và các giáo viên nên đọc. Cuốn sách gồm bảy chương, mỗi chương có một chủ đề, từ các góc độ tình yêu, việc học hành, thói quen, trí tuệ của người làm bố làm mẹ, chuyện nhỏ trong giáo dục gia đình, những sai lầm trong giáo dục..., tác giả đã trình bày cho chúng ta một số nguyên tắc giáo dục gia đình rất mới mẻ, khiến chúng ta học hỏi và ngộ ra rất nhiều điều tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại rất ít người làm được xung quanh vấn đề giáo dục con trẻ. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra rất nhiều quan điểm mà khi suy ngẫm tôi cảm thấy rất tâm đắc, ví dụ như trong vấn đề đọc sách của con, cách đọc sách tốt là đọc chữ, cách đọc sách xấu là đọc tranh. Hoặc quan điểm không nên vạch rõ ranh giới giữa các môn tự nhiên và các môn xã hội. Trên thực tế, giữa nhóm ngành tự nhiên và nhóm ngành xã hội không có ranh giới, mà ngược lại, hai nhóm ngành này luôn hỗ trợ cho nhau. Để con học lệch là một điều rất đáng tiếc, ảnh hưởng rất xấu đến tương lai của con sau này. Hoặc như vấn đề nên nhìn nhận thế nào về thành tích học tập của con, tác giả đã đưa ra một quan điểm rất đáng để các bậc phụ huynh phải suy nghĩ: Điểm tối đa là giới hạn cao nhất của thành tích, rất nhiều bậc phụ huynh yêu cầu con phải thi đạt điểm mười, điều này chỉ khiến con trẻ luôn cảm thấy mình là kẻ thất bại. Khi con đạt điểm tám hoặc chín, bố mẹ cũng đã có thể khen ngợi trẻ. Phụ huynh không nên quá coi trọng điểm số của trẻ, điều này sẽ ảnh hưởng đến động cơ học tập của trẻ. Điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ là thói quen ham đọc sách và niềm hứng thú trong học tập. Muốn làm được điều này, tác giả nhấn mạnh nên để trẻ được học trong bầu không khí thoải mái, tuyệt đối không nên dùng việc học để trừng phạt con trẻ, định hướng cho trẻ cảm nhận được niềm vui trong học tập, ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Tác giả đã nắm bắt được tâm lý của trẻ, vận dụng phương pháp “tư duy trái chiều”, đề ra rất nhiều phương pháp ngược hẳn với cách làm theo thói quen của chúng ta như không kèm con học mới bồi dưỡng cho con phương pháp học tập tốt; phạt con, không cho con làm bài tập; học tập
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.