Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12

pdf
Số trang Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12 23 Cỡ tệp Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12 205 KB Lượt tải Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12 0 Lượt đọc Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12 0
Đánh giá Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12
4.7 ( 9 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Đang xem trước 10 trên tổng 23 trang, để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

UỶ BAN THƯỜNG VỤ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM QUỐC HỘI Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------- ---------------- Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011 Nghị quyết số: 1020/2011/UBTVQH12 NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ VIỆC TỔ CHỨC CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2011 - 2016 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10; - Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 12/2003/QH11; - Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 63/2010/QH12, QUYẾT NGHỊ: Điều 1. Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử, ứng cử theo quy định tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và năm 2010 (sau đây gọi chung là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội) và Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2010 (sau đây gọi chung là Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) được thực hiện như sau: 1. Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi là ngày bầu cử) đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định (ngày 22/5/2011). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm sau. 2. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Điều 2. Lập danh sách cử tri và niêm yết danh sách cử tri Việc lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri theo quy định tại các điều 22, 24 và 27 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, các điều 23, 24 và 28 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau: 1. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri quy định tại khoản 8 của điều này thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký thường trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi đó; 2. Trong thời gian lập danh sách cử tri, những người có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan có thẩm quyền ở nơi cư trú cũ thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới để tham gia bầu cử, cụ thể như sau: thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp tỉnh được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú đến đơn vị hành chính cấp tỉnh khác thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội. 3. Sinh viên, học sinh, học viên có sổ tạm trú ở các trường chuyên nghiệp, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi học tập, công tác hoặc nơi đóng quân để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. 4. Cử tri là người lao động tại các khu công nghiệp tập trung, các doanh nghiệp có đăng ký tạm trú, lưu trú thì được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. 5. Kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm việc, đi thăm người thân, đi du lịch ở nơi nào thì xuất trình với Uỷ ban nhân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi mới đến Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác" do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri, tham gia bỏ phiếu ở nơi đó và được tính vào tổng số cử tri ở nơi mới đến. Nếu họ chưa có Thẻ cử tri, Giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác" thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mới đến yêu cầu những người này liên hệ với Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc chỉ huy đơn vị nơi lập danh sách cử tri trước ngày niêm yết danh sách cử tri để nhận Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác" để được bầu cử ở nơi mới đến. Nếu thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện thì được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp tỉnh thì được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú đến đơn vị hành chính cấp tỉnh khác thì được bầu đại biểu Quốc hội. 6. Công dân Việt Nam công tác, lao động, học tập, du lịch, thăm người thân hoặc định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ, thì đến Uỷ ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri để được bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú); được bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú). 7. Đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri và cấp giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác". 8. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 25 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều 3. Về việc ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân Công dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 2, Điều 3 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Điều 2, Điều 3 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không quá hai cấp; nếu đã ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp. Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 31 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều 4. Về việc kê khai tài sản, thu nhập khi ứng cử Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại mục 4 chương II của Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13 tháng 11 năm 2007 của Thanh tra Chính phủ. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử là tài liệu trong Hồ sơ ứng cử. Điều 5. Căn cứ tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân 1. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi đơn vị hành chính được tính trên cơ sở dân số theo quy định tại Điều 9 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Số liệu dân số do Cục Thống kê cung cấp tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2010. 2. Đối với các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 9 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có từ ba mươi đơn vị hành chính trực thuộc trở lên được bầu trên bốn mươi đại biểu; số lượng cụ thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Điều 6. Đơn vị bầu cử Đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) được xác định là huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), liên huyện hoặc liên xã; đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), liên xã hoặc liên thôn; đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã được xác định là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khối phố (gọi chung là thôn, tổ dân phố), hoặc liên thôn, liên tổ dân phố. Trường hợp thành lập hai đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở một đơn vị hành chính huyện, xã hoặc ở một thôn, tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân cấp bầu cử có trách nhiệm xác định ranh giới rõ ràng, hợp lý giữa các đơn vị bầu cử để tổ chức thực hiện bầu cử thuận lợi. Điều 7. Số người ứng cử ở đơn vị bầu cử 1. Số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử được thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 63/2010/QH12. Trường hợp Hội đồng bầu cử quyết định xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội làm cho số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử không nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, thì Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi thống nhất với Uỷ ban bầu cử, chọn người có tín nhiệm cao nhất và đạt trên năm mươi phần trăm số phiếu tín nhiệm trong số người còn lại ở danh sách đã hiệp thương lần thứ ba để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định; nếu trong danh sách hiệp thương lần thứ ba không có người đạt yêu cầu trên thì Uỷ ban bầu cử báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định việc chuyển người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử có số dư nhiều nhất trong cùng tỉnh, thành phố đến đơn vị bầu cử không có số người ứng cử nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu. Trong trường hợp không chọn được người có tín nhiệm cao nhất trong danh sách đã Hiệp thương lần thứ ba và không thể chuyển người ứng cử từ đơn vị bầu cử khác đến thì Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định. 2. Số người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Trường hợp Uỷ ban bầu cử quyết định xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân làm cho số người trong danh sách ứng cử ở đơn vị bầu cử không nhiều hơn hai người so với số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, thì Uỷ ban bầu cử sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chọn người có tín nhiệm cao nhất và đạt trên năm mươi phần trăm số phiếu tín nhiệm trong số người còn lại ở danh sách đã hiệp thương lần thứ ba để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu trong danh sách hiệp thương lần thứ ba không có người đạt yêu cầu trên thì Uỷ ban nhân dân cấp bầu cử quyết định việc giảm số đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử khuyết người ứng cử, trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; đối với đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ phê chuẩn. Điều 8. Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau: 1. Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết, thì Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội. 2. Trường hợp người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này mà người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý như sau: a) Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; b) Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi trao đổi ý kiến với Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu. Điều 9. Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại Điều 31 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau: Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết, thì Uỷ ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều 10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân 1. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 49 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau: a) Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Hội đồng bầu cử. Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Hội đồng bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theoquy định của pháp luật. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Hội đồng bầu cử. Quyết định của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng. b) Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Hội đồng bầu cử ngưng việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo mới về người ứng cử và khiếu nại, kiến nghị về sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được tiếp nhận trước thời điểm này vẫn tiếp tục được xem xét, giải quyết. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết. c) Không xem xét, giải quyết đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới. d) Hội đồng bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn không đồng ý đến Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá mới để giải quyết theo thẩm quyền. 2. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại Điều 43 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau: a) Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử. Ban bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại với Uỷ ban bầu cử. Quyết định của Uỷ ban bầu cử là quyết định cuối cùng. b) Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử ngưng việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo mới về người ứng cử và khiếu nại, kiến nghị về sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được tiếp nhận trước thời điểm này vẫn tiếp tục được xem xét, giải quyết. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì Uỷ ban bầu cử quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết. c) Không xem xét, giải quyết đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới. d) Uỷ ban bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn không đồng ý đến Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới để giải quyết theo thẩm quyền. Điều 11. Vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương nào thì thực hiện quyền vận động bầu cử ở địa phương đó. Điều 12. Mục đích, yêu cầu vận động bầu cử 1. Việc tổ chức vận động bầu cử có mục đích sau đây: a) Tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu; b) Tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. 2. Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.