Một số biện pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên trường Đại học Hồng Đức

pdf
Số trang Một số biện pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên trường Đại học Hồng Đức 4 Cỡ tệp Một số biện pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên trường Đại học Hồng Đức 3 MB Lượt tải Một số biện pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên trường Đại học Hồng Đức 0 Lượt đọc Một số biện pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên trường Đại học Hồng Đức 34
Đánh giá Một số biện pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận môn Pháp luật đại cương theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên trường Đại học Hồng Đức
4.1 ( 14 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 7/2019, tr 290-293 MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIỜ THẢO LUẬN MÔN PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC Phan Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Hồng Đức Ngày nhận bài: 08/7/2019; ngày chỉnh sửa: 18/7/2019; ngày duyệt đăng: 24/7/2019. Abstract: This article discusses the theory, the role of the group discussion method in teaching the subject General Law. On the basis of analizing and evaluating the situation of applying the method of discussion in teaching and study the General Law subject today, then, we propose some measures to improve the discussion quality in teaching General Law under the credit system at Hong Duc University. Keywords: Group discussion, General Law, credit system training. 1. Mở đầu Trong xu thế hội nhập, phát triển của giáo dục đại học, những năm gần đây, Trường Đại học Hồng Đức đã áp dụng chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, độc lập và sáng tạo của người học. Trong quá trình giảng dạy, có nhiều phương pháp được vận dụng và mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, không có phương pháp nào là tối ưu để lĩnh hội được tri thức mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Với yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học, các phương pháp học tập cũ đang dần bộc lộ những hạn chế và gây nhiều khó khăn trong quá trình lĩnh hội của sinh viên (SV), bản thân phương pháp tự học cần phải có sự kết hợp với các phương pháp học tập khác để mang lại hiệu quả cao hơn. Một trong số các phương pháp mới được sử dụng trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ là phương pháp thảo luận nhóm. Là giảng viên (GV) bộ môn Luật của Trường Đại học Hồng Đức, chúng tôi được giao nhiệm vụ giảng dạy các học phần trong đó có học phần Pháp luật đại cương cho hệ đại học và cao đẳng. Qua quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của phương pháp thảo luận trong đào tạo theo tín chỉ. Bởi vậy, việc không ngừng nâng cao hiệu quả của các giờ học thảo luận là một yêu cầu cấp thiết đối với các chương trình đào tạo theo tín chỉ nói chung và đối với môn Pháp luật đại cương nói riêng tại Trường Đại học Hồng Đức. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vai trò của phương pháp thảo luận nhóm trong chương trình giảng dạy môn Pháp luật đại cương Thảo luận là sự bàn bạc, trao đổi hay tranh luận trong một nhóm hoặc giữa các nhóm với nhau để làm sáng tỏ và đi đến thống nhất trong nhận thức, hành động nhằm giải quyết một vấn đề nào đó mà mọi người cùng quan tâm. Thảo luận nhằm làm sáng tỏ kiến thức, tìm hiểu chân lí, tìm cách vận dụng chân lí vào thực tiễn. Thông qua thảo luận, SV có điều kiện, môi trường để thể hiện sự hiểu biết, năng lực đánh giá vấn đề cũng như thực hành ứng xử. Vai trò của phương pháp thảo luận nhóm trong hệ thống đào tạo tín chỉ được thể hiện trên những khía cạnh sau: - Thảo luận là cơ hội để SV rèn luyện tư duy độc lập, phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng lập luận logic, cùng nhau đối thoại để giải quyết một vấn đề lí luận hoặc thực tiễn đặt ra. SV được tập duyệt nghiên cứu tài liệu, nâng cao năng lực tự học, khuyến khích tính độc lập, tự chủ trong học tập. Nếu trong phương pháp dạy học truyền thống, cơ hội để SV trao đổi với nhau rất ít thì trong thảo luận nhóm, mọi thành viên được tự do phát biểu quan điểm của mình về chủ đề thảo luận, từ đó phát triển tư duy độc lập và trao đổi lẫn nhau trong nhóm. SV bước đầu biết phân tích, phê phán, lập luận, dẫn chứng để bảo vệ ý kiến trong quá trình thảo luận. Vì vậy, có thể nói phương pháp thảo luận nhóm có chức năng nhận thức hết sức quan trọng. Ngoài ra, thảo luận còn tạo điều kiện cho những SV khá, giỏi cũng như SV trung bình, kém có cơ hội cùng nhau tham gia vào hoạt động học tập, hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau trong quá trình học tập. - Trong thảo luận nhóm, SV luôn có sự bàn bạc, tranh luận để tìm ra chân lí dựa trên những nguồn thông tin mà mọi thành viên trong nhóm tìm hiểu. Vì vậy, sản phẩm của nhóm là sản phẩm của trí tuệ tập thể, tập hợp sự sáng tạo của nhiều người. Từ đó, giúp SV hiểu và nhớ kiến thức lâu hơn, thậm chí khai phá được những khía cạnh mới đối với các vấn đề khoa học trong chương trình giảng dạy. - Quá trình thảo luận giúp phát triển kĩ năng làm việc nhóm cho SV, rèn luyện tinh thần hợp tác, đồng thời 290 Email: phanhuyen23@gmail.com VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 7/2019, tr 290-293 tăng cường trách nhiệm của cá nhân trong nhóm, rèn luyện khả năng biết lắng nghe, tăng năng lực diễn đạt, sự tự tin thể hiện, khả năng hòa nhập, thích nghi,... Đây là những kĩ năng mềm hết sức cần thiết, có tính ứng dụng cao cho công việc sau này khi họ tham gia vào thị trường lao động. - Học tập trong môi trường nhóm sẽ thúc đẩy sự tích cực học tập của cá nhân, tạo sự gắn kết trong một cộng đồng. Làm việc theo nhóm sẽ góp phần xây dựng tinh thần đồng đội, mối quan hệ tương hỗ giữa các thành viên trong nhóm đồng thời tạo nên sự gắn kết trong một cộng đồng nhằm hướng đến một mục tiêu chung. Trong khi làm việc nhóm, những mâu thuẫn sẽ nảy sinh, khiến SV phải giải quyết “xung đột”. Từ đó, họ sẽ có khả năng giải quyết những mâu thuẫn, thuyết phục người khác trong những hoàn cảnh có thể bắt gặp trong cuộc sống sau này. Tinh thần học hỏi và khả năng lắng nghe người khác cũng là điều mà SV sẽ học hỏi được. Những kĩ năng này rất quan trọng khi SV bước ra môi trường làm việc và sẽ là tiền đề tốt để các em biết cách làm việc trong một môi trường tập thể. Đối với môn Pháp luật đại cương, với đặc thù là một môn học mang tính đại cương, trang bị cho SV những hiểu biết cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật, vừa mang tính lí luận, vừa mang tính thực tiễn sống động thì vai trò của giờ học thảo luận càng thể hiện sâu sắc. Thông qua giờ thảo luận, những khái niệm trừu tượng của môn học như “Nhà nước”, “pháp luật”, “quan hệ pháp luật”... được gắn kết với hiện thực xã hội hết sức sinh động, thể hiện được tính vận dụng cao, tạo sự hứng thú cho SV đối với môn học. Thêm vào đó, thông qua giờ thảo luận, SV ít nhiều được tiếp cận với lối tư duy pháp lí đòi hỏi tính chính xác, logic chặt chẽ, cụ thể, đồng thời mang tính phản biện cao góp phần phát triển tư duy và ý thức pháp luật của SV. 2.2. Thực trạng các giờ thảo luận môn Pháp luật đại cương tại Trường Đại học Hồng Đức Thực tế dạy học tại Trường cho thấy, việc áp dụng phương pháp thảo luận trong dạy và học môn Pháp luật đại cương nói riêng cũng như các học phần tín chỉ khác nói chung trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả hết sức tích cực. SV đã chuyển dần từ tâm thế học tiếp thu thụ động sang chủ động tiếp cận, khai thác kiến thức, nếu trước kia chỉ chủ yếu dựa vào giáo trình “học gạo” thì nay đã biết tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu khác nhau qua sách báo, mạng internet... Việc tiếp cận với nhiều nguồn thông tin giúp SV nâng cao được năng lực chọn lọc, đánh giá và tư duy đa chiều. Thông qua giờ thảo luận, mối quan hệ giữa SV và GV cũng trở nên thân thiện hơn, tạo không khí học tập dân chủ và cởi mở. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại những điểm bất cập làm giảm hiệu quả giờ thảo luận như: - Một số SV coi bài tập nhóm là công việc chung nên thường có tâm lí ỷ lại vào tập thể, thiếu tinh thần trách nhiệm, thờ ơ với nhiệm vụ chung của nhóm, coi đó “không phải việc của mình”. Bởi vậy, trong giờ thảo luận, những SV này thường lợi dụng môi trường làm việc nhóm để làm việc riêng, nói chuyện riêng,... gây mất trật tự, ảnh hưởng đến những SV khác. Thêm vào đó, thái độ thiếu tích cực của những SV này gây bức xúc cho những thành viên tích cực, dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, đôi khi làm giảm nhiệt huyết học tập của cả nhóm. - Trong quá trình thảo luận, có những SV tỏ ra rất gay gắt khi bảo vệ quan điểm của mình, đôi khi xuất phát từ tự ái cá nhân hoặc tâm lí đố kị, làm không khí thảo luận căng thẳng, nhiều khi làm vấn đề thảo luận bị chệch hướng. - Về cách thức tổ chức, hiện nay các nhóm đều phân công trách nhiệm, vai trò của từng vị trí trong nhóm với một tổ trưởng và một thư kí. Tổ trưởng là người có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hoạt động của nhóm. Tổ trưởng điều hành và tổ chức công việc cho cả nhóm. Để thực hiện được nhiệm vụ này cần rất nhiều kĩ năng. Người tổ trưởng phải có năng lực về học tập, linh hoạt và có trách nhiệm, được sự tín nhiệm của các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, các tổ trưởng tổ chức và điều hành nhóm còn thiếu khoa học, thiếu kế hoạch; phân công nhiệm vụ chưa phù hợp; chưa biết lắng nghe và tạo cơ hội cho người khác phát biểu ý kiến; chưa giải quyết được các tình huống xung đột xảy ra trong nhóm... Nhiều tổ trưởng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, không vạch ra được kế hoạch hoạt động cụ thể cho nhóm mà chỉ “làm cho có”, không lôi cuốn, thu hút được sự tham gia hiệu quả của các thành viên. Thậm chí, có những nhóm thực chất chỉ có tổ trưởng và thư kí làm bài tập nhóm và tham gia phát biểu, còn các thành viên khác hầu như không đóng góp gì cho hoạt động chung, dẫn đến chất lượng thảo luận nhóm rất thấp. - Vẫn có những GV chưa thực sự tích cực với phương pháp thảo luận, coi việc thảo luận chỉ là hình thức, điều hành thảo luận thiếu hiệu quả. Ngược lại, có GV lại quá áp đặt khi điều hành, khiến giờ thảo luận căng thẳng, nặng nề, thiếu đi không khí dân chủ, cởi mở, không phát huy được sự chủ động, sáng tạo của SV. - Việc bố trí nhóm thảo luận quá đông (thường trên 30 SV, có lớp lên tới xấp xỉ 60 SV) khiến việc điều hành thảo luận rất khó khăn, khó phát huy tối đa công suất làm việc của mỗi nhóm, GV khó giám sát được hoạt động thảo luận, lớp dễ mất trật tự, giảm hiệu quả thảo luận. 291 VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 7/2019, tr 290-293 - Cơ sở vật chất phục vụ cho thảo luận cũng chưa thực sự đầy đủ. Các phòng thảo luận đều không có máy chiếu, micro, do đó việc thảo luận hoàn toàn được trình bày “chay”, thiếu tính trực quan sinh động, SV cũng không có cơ hội làm quen với kĩ năng trình chiếu slide cho bài thuyết trình của mình. 2.3. Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giờ thảo luận theo tín chỉ môn Pháp luật đại cương cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức Trước thực trạng nêu trên, chúng tôi đề xuất một số biện pháp với mong muốn góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của giờ học thảo luận môn Pháp luật đại cương tại Trường: - Về phía GV: Ngoài việc chuẩn bị giáo án, tài liệu trước khi lên lớp, GV cần tìm hiểu thêm các thông tin có tính cập nhật, “thời sự” liên quan đến nội dung thảo luận, có tính thực tiễn vận dụng. Thêm vào đó, GV có thể chuẩn bị một số câu hỏi để phát vấn SV trong giờ thảo luận. Câu hỏi phát vấn có thể dưới các dạng như: dạng thứ nhất là những câu hỏi đào sâu vấn đề, gợi sự so sánh, đối chiếu giúp SV nắm chắc và mở rộng hơn kiến thức, phát triển tư duy đa chiều; dạng thứ hai là những câu hỏi yêu cầu SV vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn; dạng thứ ba là những câu hỏi trắc nghiệm ngắn giúp SV phát triển khả năng đánh giá, lựa chọn và lật lại vấn đề. Những câu hỏi này vừa giúp đào sâu thêm kiến thức bài học, vừa tạo không khí hào hứng sôi nổi cho buổi học. Để giờ thảo luận diễn ra hiệu quả, vai trò điều hành thảo luận của GV rất quan trọng, nhất là trong những buổi đầu thảo luận. Do đó, GV nên thiết kế kịch bản về các vấn đề thảo luận cho từng buổi thảo luận, xác định vấn đề trọng tâm của buổi thảo luận, qua đó phân bổ thời lượng hợp lí cho các hoạt động thảo luận. Trong buổi thảo luận, GV nên tạo điều kiện tối đa để SV làm chủ được hoạt động thảo luận, tạo tinh thần chủ động tự giác và không khí sôi nổi cho SV. GV không “chỉ huy” mà giữ vai trò người điều hành diễn đàn, tham dự, hướng dẫn, đạo diễn, nhận xét và tổng kết thảo luận. Vào đầu buổi thảo luận, GV cần xác định rõ cho SV những nhiệm vụ, mục tiêu cần đạt được của buổi thảo luận, phân công nhiệm vụ cho các nhóm và xác định khoảng thời gian hợp lí để các nhóm làm việc nhóm. Trên cơ sở lắng nghe các nhóm trình bày báo cáo, bổ sung góp ý, chất vấn, đối thoại, tranh luận những vấn đề đã trình bày tại buổi thảo luận, GV cần khẳng định những nội dung đúng, sửa chữa những nội dung chưa đúng hoặc “chốt” nội dung của vấn đề, dùng nó như một phương tiện để chuyển tải nội dung cốt lõi của chủ đề thảo luận. GV có thể đánh giá, cho điểm phần chuẩn bị trình bày, thảo luận của từng nhóm hoặc từng SV, cho điểm khuyến khích những SV tích cực thảo luận, trả lời câu hỏi phát vấn; đồng thời có thể trừ điểm những SV có những biểu hiện tiêu cực, thiếu ý thức thảo luận. Với cơ chế “có thưởng, có phạt” như vậy sẽ thúc đẩy và kích thích sự chủ động, tích cực của SV trong giờ thảo luận, tạo không khí cạnh tranh, sôi nổi, hào hứng. Kết thúc buổi thảo luận, GV tổng kết, đánh giá chung, khuyến cáo những vấn đề trọng tâm cần lưu ý và có thể đặt câu hỏi gợi mở liên quan đến nội dung thảo luận để SV về suy nghĩ nhằm khắc sâu thêm kiến thức. Nếu điều kiện cho phép, GV có thể sử dụng máy chiếu hoặc các thiết bị hỗ trợ nghe nhìn để đưa ra hay giải quyết vấn đề thảo luận dưới dạng thực tiễn sinh động, tạo hứng thú cho SV trong quá trình thảo luận. Trong quá trình điều hành thảo luận, bên cạnh việc tạo không khí dân chủ, cởi mở, GV cũng cần có sự bao quát, giám sát lớp thảo luận để ngăn chặn hiện tượng SV lợi dụng môi trường thảo luận làm việc riêng, nói chuyện riêng. Nếu không khí tranh luận trở nên căng thẳng, gay gắt thì GV cần có sự điều chỉnh kịp thời để buổi thảo luận đi đúng hướng với tinh thần cởi mở, dân chủ. - Về phía SV: SV là “trung tâm”, là “nhân vật chính” của buổi thảo luận, do đó, để giờ thảo luận diễn ra hiệu quả, vai trò tích cực của SV là hết sức quan trọng. Mỗi SV cần xác định một tâm thế nghiêm túc khi tham gia hoạt động thảo luận, coi đây là một hoạt động học tập, nghiên cứu tích cực chứ không phải “vừa học, vừa chơi”, phát huy tinh thần hết mình vì tập thể, khắc phục tâm lí ỷ lại, thiếu trách nhiệm với công việc chung của nhóm. Bên cạnh đó, SV cần vượt qua tâm lí tự ti, e ngại để bộc lộ chính kiến cá nhân của mình, không ngại tranh luận, phản biện, đồng thời cũng chịu khó lắng nghe, tích cực học hỏi với tinh thần cởi mở, nghiêm túc. Về tổ chức hoạt động nhóm, GV cần có sự định hướng cho các nhóm trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động nhóm phù hợp, “tập huấn” cho các tổ trưởng phương pháp điều hành hoạt động của nhóm để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận, GV có thể yêu cầu các thành viên nhóm luân phiên chịu trách nhiệm trình bày nội dung thảo luận và phản biện các ý kiến trao đổi của các nhóm khác. Điều này khắc phục tình trạng ỷ lại cho tổ trưởng hoặc một vài thành viên chủ chốt của nhóm tham gia thảo luận, đòi hỏi tất cả các thành viên đều phải tích cực tham gia và coi hoạt động nhóm là nhiệm vụ của mình. - Về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy: Cơ sở vật chất phục vụ cho các giờ thảo luận hiện nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu việc dạy và học. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động thảo luận, đặc biệt tạo điều kiện cho SV được làm quen với 292 VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 7/2019, tr 290-293 phương pháp thuyết trình sử dụng slideshow, thiết nghĩ, việc trang bị thêm máy chiếu phục vụ cho buổi thảo luận là cần thiết. Việc cho phép sử dụng máy chiếu sẽ tạo điều kiện cho cả GV và SV trong việc đưa ra vấn đề thảo luận cũng như trình bày các bài tập nhóm dưới dạng trực quan sinh động, tạo sự hứng thú, nâng cao hiệu quả học tập. - Về việc bố trí nhóm thảo luận: Nhóm thảo luận không nên quá đông, với cơ cấu một nhóm nhỏ từ 6-8 SV, nhóm lớn từ 20-30 SV là hợp lí, vừa phát huy hiệu quả làm việc nhóm, vừa đảm bảo khả năng giám sát của GV trong giờ thảo luận. 3. Kết luận Có thể nói, các giờ học thảo luận có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo theo tín chỉ ở Trường Đại học Hồng Đức. Trong quá trình học tập, để đạt được hiệu quả trong việc tiếp thu, lĩnh hội tri thức thì yêu cầu quan trọng là mỗi SV phải tìm tòi và trang bị cho mình những phương pháp học tập phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lí của bản thân và kiến thức của từng môn học. Phương pháp học tập tích cực chính là “chìa khóa” giúp SV có kết quả cao, hình thành cách tư duy hệ thống và cách giải quyết vấn đề thực tiễn một cách khoa học nhất. Việc nâng cao chất lượng giờ thảo luận đối với môn Pháp luật đại cương nói riêng cũng như các môn học tín chỉ nói chung là việc làm không thể chỉ trong “ngày một, ngày hai” mà cần tiến hành thường xuyên, từng bước tiến tới chuẩn hóa trong phương thức đào tạo tín chỉ ở bậc đại học, cao đẳng, nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của thời kì CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Tài liệu tham khảo [1] Lê Minh Toàn (chủ biên, 2014). Pháp luật đại cương. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. [2] Lê Văn Minh (chủ biên, 2016). Pháp luật đại cương. NXB Hồng Đức. [3] Nguyễn Văn Cư - Nguyễn Duy Nhiên (đồng chủ biên, 2008). Dạy và học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông - Những vấn đề lí luận và thực tiễn. NXB Đại học Sư phạm. [4] Hà Thế Ngữ (2001). Giáo dục học - Một số vấn đề lí luận và thực tiễn. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] Lê Văn Giạng (2001). Những vấn đề cơ bản của khoa học giáo dục. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. [6] Nguyễn Thị Tuyết Vân - Vũ Thị Lan Hương (2016). Một số kinh nghiệm giảng dạy học phần Pháp luật đại cương trong các trường đại học. Tạp chí Giáo dục, số 385, tr 60-62. [7] Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Đinh Thị Thu Hương (2017). Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy học phần “Pháp luật đại cương” tại Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 4, tr 43-46; 37. [8] Vũ Thị Hồng Vân (2016). Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học - Một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số định kì tháng 3, tr 59-61. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VỀ VẤN ĐỀ… (Tiếp theo trang 308) 3. Kết luận “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” không chỉ là một tác phẩm lí luận mà còn là một bản tuyên ngôn chính trị trình bày cô đọng, súc tích, có hệ thống nhiều vấn đề lí luận cơ bản, khoa học và cách mạng của những người vô sản. Bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn luôn là cơ sở lí luận khoa học, “ngọn cờ tư tưởng”, “ngôi sao dẫn đường” và “kim chỉ nam” cho phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi mọi áp bức, khổ đau trên toàn thế giới. Đúng như C. Mác đã khẳng định: “… sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” [6; tr 111]. Trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo hiện nay, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vẫn là cuốn sách gối đầu giường của những người cộng sản chân chính và nhân loại tiến bộ. Tài liệu tham khảo [1] C. Mác - Ph. Ăngghen (1970). Tuyển tập, tập 2. NXB Sự thật. [2] C. Mác - Ph. Ăngghen (1995). Toàn tập, tập 4. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. [3] C. Mác - Ph. Ăngghen (1980). Tuyển tập, tập 1. NXB Sự thật. [4] V.I. Lênin (1974). Toàn tập, tập 1. NXB Tiến bộ, Mátxcơva. [5] Lịch sử phép biện chứng mác xít từ khi xuất hiện Chủ nghĩa Mác đến giai đoạn Lênin (bản dịch tiếng Việt, 1986). NXB Khoa học xã hội. [6] C. Mác - Ph. Ăngghen (2004). Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (tái bản). NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. [7] Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2002). Vấn đề về tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. [8] Nguyễn Hồng Dương (2004). Tôn giáo trong mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam. NXB Khoa học xã hội. [9] Đặng Nghiêm Vạn (2005). Lí luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. 293
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.