Ma Thổi Đèn II: Tập 1 - Mộ Hoàng Bì Tử

pdf
Số trang Ma Thổi Đèn II: Tập 1 - Mộ Hoàng Bì Tử 237 Cỡ tệp Ma Thổi Đèn II: Tập 1 - Mộ Hoàng Bì Tử 3 MB Lượt tải Ma Thổi Đèn II: Tập 1 - Mộ Hoàng Bì Tử 1 Lượt đọc Ma Thổi Đèn II: Tập 1 - Mộ Hoàng Bì Tử 7
Đánh giá Ma Thổi Đèn II: Tập 1 - Mộ Hoàng Bì Tử
4.9 ( 11 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Đang xem trước 10 trên tổng 237 trang, để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

vietmessenger.com Thiên Hạ Bá Xướng Ma Thổi Đèn II Tập 1 - Mộ Hoàng Bì Tử MỤC LỤC 1. Mùa đông đói kém 2. Mộ Hoàng Bì Tử 3. Bẫy đêm 4. Truyền thuyết gấu 5. Cắt tay móc mật 6. Quỷ nha môn 7. Lão điếu gia 8. Thòng lọng 9. Cắt gạch mộ 10. Lá thư đến từ thảo nguyên 11. Khu vực cấm 12. Khắc Luân Tả Kỳ 13. Ruồi trâu 14. Mất tích 15. Con du diên 16. Canh cá 17. Động Bách Nhãn 18. Tranh khắc rồng 19. Dẫn hồn kê 20. Quái lâu 21. Hung thiết 22. Ngọn đèn lẻ loi 23. Người thứ năm 24. Trăn vảy gấm 25. Âm hồn bất tán 26. Cương thi 27. Quy miên địa 28. Túi đồ kiểu Nga 29. Cốc tai Molotov 30. Tinh biến 31. Cái hang kinh hoàng 32. Thuật đọc tâm 33. Cổ vật nghìn năm 34. Phiên hiệu số "0" 35. Xác chết trong hầm đất 36. Phòng cấm 37. Mặt nạ 38. Chất chống thối rữa 39. Tủ cất giữ tiêu bản 40. Thủ cung sa 41. Lão Dương Bì, kẻ trộm mộ 42. Đường không lối về 43. Mộng 44. Con đường tăm tối 45. Điện Diêm La 46. Giếng vàng 47. Thủy đảm 48. Thiệt lậu 49. Phần phong 50. Huyệt sâu tám thước 51. Sấm sét 52. Sinh ly tử biệt 53. Trùm trộm mộ phái Xả Lĩnh 54. Yêu hóa long Dịch giả: Lục Hương Giới thiệu nội dung Dò mồ đổ đấu kiếm vạn tiền... Ngoảnh đầu lại chỉ thấy toàn gió tanh mưa máu Tiếp tục bộ kỳ thư về nghề trộm mộ, một siêu phẩm kết hợp Mật mã Da Vinci và Tomb Raider để thống trị bảng xếp hạng sách Trung Quốc nhiều năm qua. Trước khi sang Mỹ, trong lúc sắp xếp hành trang, Hồ Bát Nhất nhặt ra được một quyển album, tiện tay mở xem, liền thấy một tấm ảnh cũ chụp mình và người bạn chí cốt Tuyền béo trên cao nguyên Nội Mông bao la. Những hồi ức của thời đứng trong đội ngũ thanh niên trí thức lên núi xuống đồng, nếm gió tuyết, luyện tim hồng, đấu trời đất, rèn cốt sắt ở vùng rừng núi Đại Hưng An Lĩnh lại hiện lên sống động trong tâm trí. Từ một chuyến vào núi bẫy chồn lại bắt được gấu dữ, những sự kiện dồn dập đã đưa hai thanh niên sùng sục máu phiêu lưu trong huyết quản lên cao nguyên Nội Mông xa xôi để lạc bước vào cấm khu - vùng rừng động Bách Nhãn, tương truyền là hang ổ của con yêu long màu đen, chiến đấu một mất một còn với con trăn vảy gấm hung dữ và những sinh vật kỳ dị khác, chạm đến bí mật còn kinh khủng hơn theo lời đồn và trong truyền thuyết, là nguyên nhân gây ra cái chết kinh hoàng của bao người... Giới thiệu tác giả Thiên Hạ Bá Xướng, tên thật là Trương Mục Dã, sinh năm 1978, quê ở Thiên Tân, Trung Quốc. Trương Mục Dã học hết lớp 11, rồi bỏ học, xuống phương Nam làm tạp vụ, học thêm ngành Trang trí, vào làm đài truyền hình, sau đó lại chuyển nghề, đi buôn quần áo, mở thẩm mỹ viện... cuối cùng thì cùng bạn bè mở một công ty Tài chính ở Thiên Tân, lấy sáng tác làm thú vui lúc rảnh rỗi. Anh bắt đầu viết Ma thổi đèn năm 2006, ngay sau khi đăng lên mạng đã thu hút đông đảo độc giả, ước tính có khoảng hơn 4 triệu người đọc; sau khi sách xuất bản, tính đến thời điểm đầu năm 2007 đã có khoảng 500.000 bản in được bán ra, đồng thời Ma thổi đèn cũng mở ra một dòng tiểu thuyết mới làm mưa làm gió trên các trang mạng Trung Quốc suốt ba năm từ 2006 tới 2008. Các tác phẩm trong cùng bộMa thổi đèn IIdo Nhã Nam xuất bản: - Mộ Hoàng Bì Tử - Quy Khư Nam Hải - Thi Vương Tương Tây - Vu Hiệp Quan Sơn Phi lộ Tổ tiên nhà tôi có một cuốn tàn thư, tên là Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật, do một vị Mô Kim hiệu úy tiền bối soạn ra. Nhờ cuốn tàn thư này, tôi đã trở thành một Mô Kim hiệu úy chuyên đi đổ đấu đào mộ, trải qua quãng thời gian xảy ra vô số sự việc, đồng thời cũng gặp được vô số người. Đối với tôi, mấy năm trải nghiệm ấy, có thể nói là: Nam hoang suýt chết không hối hận chuyến này kỳ tuyệt nhất bình sinh 1. Ngoảnh đầu nhìn lại cả chặng đường, chỉ thấy toàn gió tanh mưa máu, cũng may là rảo khắp núi xanh người vẫn chửa già 2, giờ đây tôi sắp sửa cáo biệt cái nghề Mô Kim hiệu úy rồi. Trước khi sang Mỹ, trong lúc sắp xếp hành trang, tôi nhặt ra được một quyển album, tiện tay mở xem, liền thấy một tấm ảnh cũ, cảnh nền phía sau là cao nguyên Nội Mông bao la, tôi và Tuyền béo trong ảnh đội mũ lệch, vai vắt túi quân dụng. Giờ nhìn lại cũng hơi tức cười, nhưng hồi đó tôi chẳng hề có cảm giác gì, còn thấy thế mới đúng mốt. Sau khi chụp hình lưu niệm, tôi và những người bạn trong tấm ảnh này lập tức đi sâu vào thảo nguyên rộng lớn, tôi vẫn nhớ rất rõ, dạo đó chúng tôi phải đến Hulunber 3 săn lùng một con yêu long màu đen... Chương 1 Mùa đông đói kém Mùa thu năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn lửa bỏng dầu sôi. Thời điểm đó, tôi là một trong vô vàn các thanh niên trí thức lên núi xuống đồng, quán triệt chỉ thị tối cao của Đảng: thanh niên trí thức về nông thôn, nếm gió tuyết, luyện tim hồng, đấu trời đất, rèn cốt sắt, được tổ chức Thanh niên phân về tham gia đội sản xuất ở khu vực miền núi Đại Hưng An Lĩnh. Thời gian thấm thoắt, loáng cái đã trôi được mấy tháng, cảm giác hưng phấn và mới mẻ lúc vừa lên núi sớm đã bay sạch sành sanh, thay vào đó là cuộc sống tẻ nhạt lặp đi lặp lại hết ngày này đến ngày khác. Khe núi nơi tôi đóng quân bé tẻo teo bằng lòng bàn tay, tổng cộng chỉ có hai ba chục hộ dân, mấy trăm dặm xung quanh dường như đều là rừng nguyên sinh tuyệt nhiên không có dấu chân người. Dân làng này ở núi ăn núi, ngoại trừ mấy mẫu ruộng khai khẩn ở nơi bằng phẳng, trồng dăm thứ lương thực ăn hàng ngày, thực phẩm còn lại chủ yếu đều vào trong núi kiếm. Trên núi có đầy hoẵng, hươu bào, thỏ rừng, gà rừng, lại còn cả mộc nhĩ, nấm hương trong rừng, toàn thứ ngon lành béo bổ, muốn ăn no ăn ngon là chuyện nhỏ. Có điều mùa đông năm đó tuyết trên núi rơi quá sớm, gió Tây Bắc đột nhiên tăng cường, tiết trời bất ngờ trở lạnh chỉ trong thời gian rất ngắn. Mắt thấy tuyết lớn sắp sửa bịt kín cả lối vào núi đến nơi, mà chưa ai kịp chuẩn bị dự trữ lương thực cho mùa đông. Mùa thu những năm trước, người miền núi đều nhân lúc lợn rừng, thỏ rừng đang béo ú cố săn bắt thật nhiều, xẻ thịt hong gió phơi khô cất đi, dùng để vượt qua mùa đông tàn khốc dài đằng đẵng của vùng Đại Hưng An Lĩnh. Thời tiết bất thường mười năm không gặp này nói đến là đến, mới giữa thu, một trận tuyết lớn đã trút xuống, rồi gió Tây Bắc ào ào thổi về. Các hộ đi săn không khỏi cuống cả lên, vội vác súng dắt chó săn, chen nhau đổ lên núi săn bắn dự trữ cho mùa đông giá rét. Các hộ đi săn phải tranh thủ từng khắc một, dồn hết nhân lực đi bẫy cáo, bắn thỏ, kẻo để muộn thêm chút nữa, bão tuyết trong núi mà nổi lên rồi thì đừng hòng còn săn bắn được gì nữa. Cả làng đang phải đối mặt với một mùa đông đói rét khủng khiếp. Tuyền béo là chiến hữu được phân về đây cùng tôi, dạo này đang rỗi việc ngứa ngáy hết cả tay chân, suốt ngày hậm hực sao không có sự vụ gì náo loạn lên một chút. Cậu ta thấy cánh thợ săn lập nhóm lũ lượt vào núi đi săn thì khoái chí ra mặt, xoa tay xoa chân bàn bạc với tôi, tính sẽ theo đám thợ săn vào núi tóm mấy con gấu nâu mang về. Nhiệt tình của tôi với chuyện đi săn trong núi, đặc biệt là hứng thú với những trò vừa phải đấu trí vừa phải đấu sức như trò "bẫy cáo", chẳng mảy may kém Tuyền béo một li một tấc nào, có điều lúc bình thường cũng không sẵn cơ hội để mang súng dắt chó vào rừng chơi một phen cho thỏa. Nhưng tôi cũng đoán chắc mười mươi, ông bí thư chi bộ sẽ không cho chúng tôi tham dự lần hành động này. Một là vì đám thanh niên trí thức chúng tôi chân ướt chân ráo tới đây chưa được nửa năm đã quậy tơi bời vô số bận, làm ông bí thư già nổi sung, quyết định phải đặc biệt để mắt chiếu cố tới bọn tôi. Dạo gần đây, nhiệm vụ ông phân cho bọn tôi nếu chẳng phải đi giẫy cỏ mộ, thì cũng là ngồi canh đống gỗ của lâm trường, toàn mấy việc phải ngồi một chỗ chán chẳng buồn chết. Hai là chuyến đi săn để dự trữ cho mùa đông này là việc lớn trong làng. Đây là hành động tập thể, cần có kinh nghiệm phong phú và sự phối hợp chặt chẽ giữa các thợ săn, để lũ thanh niên trí thức ẽo ợt từ thành phố đến tham gia, chẳng may có sơ suất gì, cả làng sẽ phải ôm bụng đói qua cả mùa đông rét mướt, trách nhiệm này chẳng ai gánh nổi cả, nên tuyệt đối không thể nào mạo hiểm. Chúng tôi đỏ mắt nhìn các nhà chọn ra những tay săn cường tráng nhất, tổ chức thành "Đội chiến đấu", dẫn theo đàn chó săn hùng dũng kéo vào núi, đạp tuyết trắng thẳng tiến lên tuyến đầu săn bắn. Trong lòng tôi quả thực đã sốt ruột lại còn tức anh ách, dù biết căn bản chẳng có tí hy vọng nào, nhưng tôi vẫn ôm một tia hy vọng đi tìm ông bí thư nì nèo. Chỉ xếp cho bọn thanh niên trí thức chúng tôi mấy việc chi viện hậu cần thôi cũng được, cứ bắt ở lại trong làng mãi thế này, không bức bối đến phát rồ lên mới lạ. Tuyền béo dẫn chỉ thị tối cao của Mao chủ tịch ra nhấn mạnh với bí thư chi bộ: "Chúng cháu đều từ ngũ hồ tứ hải đến, vì mục đích chung mà tập hợp lại với nhau ở đây. Cháu đại biểu cho năm thanh niên trí thức này, thật lòng thỉnh cầu bác, dù thế nào cũng phải cho chúng cháu tham gia vào dòng thác đấu tranh cách mạng nhằm săn bắn dự trữ lương thực cho mùa đông này..." Ông bí thư già không đợi Tuyền béo ta dứt lời, dùng ngay một câu chỉ thị tối cao khác bóp chết lời thỉnh cầu của chúng tôi: "Đừng có lằng nhằng, mấy thằng nhãi các cậu? Mao chủ tịch không phải để các cậu lấy ra hù dọa tôi đâu nhé..., phải rồi ... Người còn nhấn mạnh phải chống tự do chủ nghĩa, phải phục tùng sự sắp xếp của tổ chức. Bận rày người làng đều đi săn, ở nhà rặt đàn bà con nít người già yếu bệnh tật, các cậu nhìn tuyết rơi xem, ngộ nhỡ có con gấu chó nào chưa tích đủ mỡ cho mùa ngủ đông mò đến thì phiền to đấy. Thôi quyết như vậy đi, thanh niên trí thức các cậu, một nửa ở lại canh giữ thôn làng, còn Bát Nhất và Tuyền béo, bảo Yến Tử dẫn hai đứa đến lâm trường, vừa vặn đổi cho ông Cao Sơn về đây. Tôi nói các cậu biết, mấy ngày tôi vắng mặt cấm có được quậy phá, nghe chưa." Quả nhiên không ngoài dự đoán của tôi, về mặt đường lối chẳng còn gì để thỏa hiệp với điều chỉnh nữa rồi. Đã nói đến nước này, tôi cũng đành bó tay. Nhưng trong bụng vẫn ngấm ngầm suy tính, ra mạn gần lâm trường có thể rình cơ hội đi bắt cáo, dù sao cũng đỡ chán hơn ở lại làng đảm nhiệm "công tác tư tưởng". Nghĩ vậy, tôi liền từ biệt ba bạn thanh niên trí thức còn lại, xốc bó chăn đệm lên lưng, cùng Tuyền béo theo chân Yến Tử đến lâm trường bên dưới ngọn Đoàn Sơn canh mấy đống gỗ. Trong làng có mấy nhà được chọn làm "nhà thanh niên", thanh niên trí thức về tham gia lao động sản xuất được phân ở cố định trong mấy nhà đó, còn cơm thì cứ lần lượt đến các hộ gia đình ăn chung, gặp gì ăn nấy. Cô nàng Yến Tử này là "chủ nhà" của tôi và Tuyền béo, cũng là tay thợ săn cừ khôi, ông bí thư phân công cô nàng dẫn chúng tôi đi trông giữ lâm trường chủ yếu là vì lo nhỡ đâu chúng tôi gặp phải dã thú tấn công. Yến Tử mất cơ hội vào nơi săn bắn, chẳng phàn nàn câu nào. Âu cũng bởi đám thanh niên trí thức bọn tôi biết nhiều hiểu rộng gấp mấy lần dân miền núi, đặc biệt là hai thằng trên thông thiên văn dưới tường địa lý lại bốc phét thành thần như tôi với Tuyền béo. Những lúc đi với thanh niên trí thức, cô có thể nhân đó tìm hiểu thêm về thế giới bên ngoài vùng núi rộng lớn mà từ nhỏ cô chưa từng rời khỏi này. Vậy là Yến Tử khoác súng săn, chỉ mang thêm mấy thứ đồ dùng thiết yếu, cùng tôi và Tuyền béo xuất phát luôn. Từ làng đến lâm trường phải vượt một rặng núi, vòng qua hai cái đèo, đường đi khá xa. Dọc đường gió Tây Bắc cứ thổi vù vù, cuốn tuyết đọng trên tán cây bay mù trời. Lại còn bầu trời dù đang giữa ban ngày ban mặt vẫn cứ xám xìn xịt, khiến người ta chẳng thể phân biệt được có phải tuyết vẫn đang rơi hay không. Tôi đã chụp cái mũ da chó kín mít, nhưng bị gió quất cho một hồi đâm ra tê dại hết cả đầu. Có điều nghe Yến Tử kể, thời tiết như thế vẫn chưa là gì, ở vùng núi này, đến tháng Chạp cuối đông, tuyết trong rừng ngập tận thắt lưng, lội tuyết cực kỳ tốn sức, chỉ cần đi một quãng ngắn thôi đã ướt đẫm mồ hôi rồi. Nhưng tuyệt đối không được nghỉ, chỉ cần dừng bước xả hơi, gió lạnh thấu xương phắt qua một cái, mồ hôi khắp người sẽ đóng thành băng ngay lập tức. Những người chưa nếm qua mùa đông trong núi sâu thì không tưởng tượng nổi đâu, đáng sợ nhất phải kể đến "bạch mao phong" mà dân vùng núi vừa thoáng nghe đã tái mét cả mặt. "Bạch mao phong", chính là gió cuốn tuyết bay, những cơn trốt xoáy trắng bạc đó lợi hại còn hơn đao kiếm, sức người căn bản không chịu đựng nổi. Vì vậy các hộ săn bắn vùng núi này đều lo chuẩn bị thức ăn từ trước, đến lúc trời đông tháng giá chỉ ngồi lỳ trên cái kháng 4 đất trong nhà cho qua hết mùa đông. Đi gần hết ngày mới đến được lâm trường, chỗ này ở sát vùng núi Đoàn Sơn hay có gấu người xuất hiện. Một con sông chảy qua giữa vùng lưng rậm đồng tuyết, vừa khéo tách đôi khu vực núi và rừng ra làm hai. Trên núi Đoàn Sơn cây cối um tùm, chẳng thiếu thức ăn, nên lũ gấu người trên ấy chẳng mấy khi mất công vượt sông sang khu rừng bên này làm gì. Còn đám thợ săn cũng chẳng dại vô cớ đi chọc vào lũ thú hung tàn thành tinh được mệnh danh là Vua của núi rừng ấy. Đến mùa xuân nước lên, người ta buộc gỗ khai thác được ở lâm trường làm bè thả trôi theo dòng nước xuống hạ du. Ở hạ du sông có một tuyến đường sắt và một đoàn xe lửa nhỏ, chuyên dùng để vận chuyển gỗ. Quang cảnh ở đây rất giống với Giáp Bì câu được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lâm hải tuyết nguyên 5. Ở miền Đông Bắc, quả đúng có một nơi tên là Giáp Bì câu thật. Nhưng lâm trường ở ngọn núi Đoàn Sơn này cũng có một cái tên khá oách, Mộ Hoàng Bì Tử. Cái tên này thoạt nghe có vẻ rất thần bí, đến cả thợ săn lão thành như bố của Yến Tử cũng chẳng nổi được lai lịch của nó rốt cuộc là thế nào, chỉ bảo mạn gần đấy có rất nhiều hoàng bì tử. Hoàng bì tử hay hoàng đại tiên là cách gọi loài chồn vàng của người dân vùng này. Hồi xưa, hoàng đại tiên quậy rất ác, nhưng giờ thì chẳng ai nhắc đến nữa rồi. Tuy lâm trường núi Đoàn Sơn rất thô sơ, lại ở nơi hẻo lánh, nhưng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể thiếu nó được, vì vậy chúng tôi mới phải đội gió đạp tuyết đến đây canh gác. Có điều, nói thực một câu, mùa đông ở lâm trường cũng chẳng có việc gì ra hồn để mà làm cả, việc duy nhất cần xử lý, chỉ là qua một dạo nữa xuống dưới hạ du giúp người ta đưa gỗ lên chuyến tàu cuối rời khỏi đây mà thôi. Lâm trường này có một dãy nhà dựng bằng gỗ bạch dương, mùa xuân và mùa hè đều có công nhân lâm trường sống và làm việc. Vì năng lực vận chuyển có hạn, chặt nhiều cây cũng chẳng chuyển đi hết được, vì vậy cứ xong nhiệm vụ sản xuất, đến tầm tết Trung thu là bọn họ kéo nhau rời khỏi lâm trường về nhà ăn tết, khi ấy, lâm trường được giao về cho trại Cương Cương ở gần đấy nhất cử người đến coi sóc. Trước khi chúng tôi đến, lâm trường do ông lão Cao Sơn và cháu gái, một cô nàng tên là Họa Mi phụ trách coi quản. Theo phân công của bí thư chi bộ, chúng tôi phải đổi lượt cho họ về làng, nhưng lúc ba bọn tôi đến nơi, liền phát hiện lâm trường có gì đó rất không ổn. Căn nhà nhỏ của người gác rừng trống huếch trống hoác, tro than trong bếp lò lạnh ngắt lạnh ngơ, chẳng thấy bóng dáng hai ông cháu nhà họ đâu cả. Tôi không khỏi lấy làm lo lắng, vội cùng hai người còn lại chia nhau tìm khắp một lượt trong lâm trường, chẳng thấy tí tăm tích nào. Càng lúc càng lo sốt vó, tôi bảo Tuyền béo và Yến Tử: "Năm nay thời tiết lạnh nhanh quá, trước đấy cũng chẳng có dấu hiệu gì cả, sợ rằng bọn dã thú trong núi cũng phải tranh thủ săn bắt trước khi giá rét, liệu có phải hai ông cháu họ đã bị lũ ác thú kiểu như mèo rừng báo đốm gì đấy bắt đi rồi không nhỉ?" Chó săn trong làng đều bị dẫn vào núi đi săn cả, nên chúng tôi không mang theo con chó nào. Giờ đây gió tuyết mịt mùng, quanh ngọn Đoàn Sơn toàn núi cao rừng rậm, địa hình quá chừng phức tạp, tuyết xuống che phủ hết cả dấu vết của người và thú để lại, dẫu có cả trăm người đi lùng sục, cũng chưa chắc đã tìm ra bọn họ, càng huống hồ bây giờ chỉ có trơ ra ba mống bọn tôi. Tôi và Tuyền béo tức thì nghĩ ngay đến việc về làng gọi cứu viện, nhưng lại sực nhớ trong làng chẳng còn ai, nhất thời cũng bó tay không biết phải làm sao. Cũng vẫn là Yến Tử cẩn thận hơn, cô quan sát trong căn nhà gỗ nhỏ thật kỹ thêm lượt nữa, lương thực và thịt khô vẫn còn chút ít, súng săn và cái ống sừng trâu đựng hỏa được với đạn sắt của ông Cao Sơn thì không thấy đâu. Thợ săn rất giỏi quan sát dấu vết, Yến Tử không phát hiện có dấu tích nào của động vật trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn ghẽ đâu ra đấy, hình như họ còn làm rất nhiều cơm nắm nữa, chắc không phải đã xảy ra chuyện gì bất trắc. Có lẽ ông Cao Sơn dẫn cô cháu gáí đi săn thỏ rồi cũng nên, hoặc cũng có thể ông già lo tuyết lớn bịt kín lối ra vào núi, không đợi chúng tôi đến đổi gác đã về làng trước luôn rồi. Ông già Cao Sơn này săn bắn mấy chục năm nay, kinh nghiệm đầy mình, tuổi tác tuy cao, thân thủ không được nhanh nhẹn như thuở trước, nhưng đã có khẩu súng săn bên mình rồi thì chỉ cần giữa đường không gặp phải gấu người cái vừa đẻ con, chắc cũng không có gì đáng ngại, Thấy trong lâm trường không có dấu vết lạ, ba đứa chúng tôi mới hơi yên tâm một chút. Dọc đường bị đói rét, khổ sở không sao tả xiết, lúc này có chuyện gì gấp gáp cũng cứ vứt hết sang một bên đã, nhiệm vụ cấp bách nhất trước mắt là phải sưởi ấm và nhét đầy cái bụng. Vậy là chúng tôi lật đật đốt lò, bỏ mấy cái bánh nướng lạnh ngắt cứng đơ lên mặt bếp nướng sơ sơ, ăn tạm chống đói. Ăn no xong thì trời cũng tối mịt, cả ba liền bắt đầu nói chuyện nhăng cuội cho đỡ buồn, thi nhau tán phét tán lác y như lúc thường. Tuyền béo kể chuyện thổ phỉ ở vùng Đông Bắc trước giải phóng, mấy chuyện này đều do ông già nhà cậu ta kể từ trước, tôi nghe không dưới chục lần rồi, nhưng Yến Tử mới được nghe lần đầu, nên có vẻ rất say sưa. Chỉ thấy Tuyền béo phun nước bọt tung tóe, vung chân vung tay kể chuyện: bọn thổ phỉ tụ tập thành băng đảng đi cướp của dân lành, ở vùng Đông Bắc còn gọi là "hồ phỉ" hay "hồ tử". Nghe nói bọn này không giống đám cướp đường ở nội địa, mà có hệ thống hẳn hoi, tổ sư là Mao Văn Long, tổng binh của Bì Đảo 6 cuối đời nhà Minh. Sau khi quan Hữu phó đốc giám ngự sử Viên Sùng Hoán lập kế giết chết Mao Văn Long, đám quan binh thủ hạ dưới trướng họ Mao liền tan rã lưu lạc đến các đảo ven biển hoặc trong núi sâu vùng Đông Bắc. Ban đầu, đám người này vẫn còn tự cho mình là quan binh nước Đại Minh, không làm những chuyện đánh cướp dân lành, nhưng trải qua trăm năm, cơ cấu tổ chức ngày một phức tạp hơn, dần dần đã trở thành lũ phỉ tàn ác vô lương, không chuyện gì là không dám làm. Mãi đến trước giải phóng, đám thổ phỉ này vẫn tôn thờ Mao Văn Long làm tổ sư gia. Các toán phỉ này, về sau còn được gọi là "liễu tử", tùy theo danh hiệu của tên cầm đầu mà tên của các toán phỉ cũng khác nhau, chẳng hạn như "Nhất Thiết Tiên", "Thảo Thượng Phi", "Tang Đại Đao", "Phượng Song Hiệp" vân vân... Trước giải phóng, thủ lĩnh của toán phỉ lớn nhất vùng Đông Bắc là một gã đầu trọc biệt hiệu là "Già Liễu Thiên" 7, thời trẻ vốn là võ tăng trong chùa, học được một thân công phu Thiết Bố Sam, nhưng sau khi hoàn tục, tóc hắn cũng không mọc lại được nữa. "Già Liễu Thiên" là kẻ lòng dạ tàn độc, hai tay đã nhuốm đầy máu tanh của cán bộ và quần chúng. Sau khi quân Nhật đầu hàng, vùng Đông Bắc tiến hành cải cách ruộng đất. Để bảo vệ thành quả cách mạng không bị lũ thổ phỉ phá hoại, Đông Bắc lập một toán quân tiễu phỉ, trải qua một loạt những cuộc chiến tàn khốc gian khổ tuyệt trần, cuối cùng đã diệt trừ sạch "bốn rường tám cột" trong toán phỉ do "Già Liễu Thiên" cầm đầu. "Bốn rường tám cột" là một dạng danh xưng trong nội bộ tổ chức bọn phỉ, ngoài đại đương gia được gọi là "Đại Quỹ", còn có "bốn rường", lần lượt là "Đỉnh Thiên", "Chuyển Giác", "Nghênh Môn", "Lang Tâm"; còn "tám cột" bao gồm: "Kê Kỳ", "Qua Tuyến", "Đổng Cục", "Truyền Hiệu", "Tổng Thôi", "Thủy Tướng", "Mã Hiệu", "Trương Phòng", đám này mà toi đời, thì cả toán thổ phỉ cũng coi như hoàn toàn tan rã. Trong nhóm "bốn rường tám cột" này, nhân vật quan trọng nhất là "Chuyển Giác", dân vùng Đông Bắc còn gọi là "Thông Toán tiên sinh". Y là quân sư của cả băng phỉ, chuyên dùng một số phương thuật mê tín để "đoán Bát môn", quyết định mọi hành động tiến thoái của cả băng phỉ. Quân sư tiêu đời, "Già Liễu Thiên" mất kẻ tâm phúc, trở thành "tư lệnh không quân" đúng nghĩa. Có điều, kẻ này vô cùng giảo hoạt, nhóm tiễu phỉ từ đầu chí cuối không làm sao bắt nổi, mấy lần liền đều để hắn chuồn mất ngay trước mắt. Một số dân địa phương mê tín đồn đại rằng, tên trùm phỉ này thời trẻ đã từng cứu mạng hoàng đại tiên, cả đời này được hoàng đại tiên bảo vệ, gặp nguy cấp có thể độn thổ bỏ trốn, dù có phái thiên binh thiên tướng đến cũng chưa chắc đã tóm được. Có điều, thế gian lắm chuyện ly kỳ, thổ phỉ kỵ nhất chữ "chết", nhưng dù không bao giờ nhắc đến chữ này, vẫn chẳng thể thoát. Làm thổ phỉ nào có kết cục tốt đẹp, xưa vẫn có câu "tự tạo nghiệt, không thể sống", có lẽ "Già Liễu Thiên" tội ác ngập đầu, khí số đã tận, năm đó trong núi vừa khéo xảy ra một trận rét hiếm thấy, dân gian thường gọi những năm như thế là "tử tuế", hoàng đại tiên cuối cùng cũng không che chở nổi cho hắn. -------------------------------1 Hai câu trong bài Lục nguyệt nhị thập nhật dạ độ hải (Đêm ngày hai mươi tháng Sáu vượt biển) của Tô Đông Pha đời Tống, ý rằng chuyến đi miền Nam của ông dù cửu tử nhất sinh cũng không hối hận, vì những điều tai nghe mắt thấy trên đường đều hết sức kỳ lạ tuyệt vời, bình sinh mới gặp lần đầu. 2 Câu này nằm trong bài hợp xướng Thanh Bình Nhạc của Mao Trạch Đông. 3 Nay là thành phố cấp tỉnh lớn nhất Trung Quốc, thuộc khu tự trị Nội Mông Cổ. 4 Một loại giường đất, bên dưới là bếp lò sưởi ấm, thường thấy ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. 5 Tiểu thuyết của nhà văn Khúc Ba, nói về một nhóm bộ đội thuộc Liên quân Dân chủ Đông Bắc thực hiện nhiệm vụ tiễu phỉ. 6 Một hòn đảo nhỏ nằm ở cửa sông Áp Lục, gần Triều Tiên.< 7 Che cả trời. Chương 2 Mộ Hoàng Bì Tử Cái biệt hiệu "Già Liễu Thiên" này đại khái chắc là lấy từ ý: Hòa thượng che ô, vô pháp vô thiên mà ra. Dân gian đồn thời làm hòa thượng hắn từng cứu hoàng đại tiên, nên cả đời đều được lũ chồn lông vàng ấy bảo vệ, không ai đụng đến nổi. Chuyện này dĩ nhiên là nhảm, sự thực là hắn ta chẳng những chưa từng cứu con chồn vàng nào, mà còn hại chết vô số nữa là đằng khác. Khi đội tiễu phỉ truy kích, gặp đúng đợt tuyết rơi sớm, trời đất băng giá, cuói cùng đã tìm thấy xác hắn trong một hang tuyết. Tên trùm phỉ treo cổ tự sát trên một cành cây mọc chìa ra, đối diện xác hắn, một con chồn vàng nhỏ cũng bị treo cổ chết, tử trạng giống hệt nhau, cùng bị một sợi thừng nhỏ tròng siết ngang cổ. Một người một chồn, lưỡi lè mắt trợn, thi thể lạnh cứng. Tuyền béo ra vẻ huyền bí, kể rất sống động, lại còn giả bộ như người bị treo cổ lè lưỡi, dọa Yến Tử sợ xanh cả mắt. Tôi thì hết sức thờ ơ, dù sao cũng nghe Tuyền béo kể chuyện này không biết bao nhiêu lần rồi, vả lại cái chết của "Già Liêu Thiên" quá đỗi kỳ quặc. Nếu bảo hắn vì rơi vào cảnh cùng đường mạt lộ mà treo cổ tự vẫn hòng trốn tránh sự phán quyết của quần chúng nhân dân thì cũng khá có lý, nhưng con chồn vàng chết treo đối diện với hắn quả thực quá ly kỳ. "Già Liễu Thiên" là hạng thổ phỉ đạo tặc, có đức độ tài cán quái gì, nào phải hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh đâu, lẽ nào con chồn vàng kia muốn làm thái giám tuẫn táng cho hắn? Nhưng Yến Tử lại không nghĩ như tôi, cô nàng tin Tuyền béo sái cổ, vì vùng này cũng có vô số truyền thuyết tương tự. Tương truyền hoàng đại tiên chỉ bảo vệ cho một đời người, ai cứu hoàng đại tiên, tỷ dụ như giúp hoàng đại tiên vượt qua kiếp nạn gì đó, sẽ được hoàng đại tiên bảo vệ. Y muốn gì, lũ chồn vàng cũng sẽ đi trộm mang về cho, suốt đời suốt kiếp không phải lo cơm ăn áo mặc. Nhưng chỉ cần y dương thọ vừa tận, con cháu đời sau sẽ phải gánh hết họa hại của hoàng đại tiên. Những món đồ trước đây ăn trộm về cho nhà ấy, đều phải trả ngược lại bằng hết. Nhưng thế vẫn chưa xong, cuối cùng hoàng đại tiên còn phái một con chồn vàng nhỏ đến đổi mạng với hậu nhân của nhà ấy. Yến Tử cho rằng tên trùm phỉ "Già Liễu Thiên" này, chắc hẳn là tổ tiên đời trước đã được hoàng đại tiên bảo vệ, vì vậy đến đời hắn mới phải nhận lấy kết cục ấy. Thời trước giải phóng, trong làng cũng từng xảy ra chuyện như thế này. Một người tên là Từ Nhị Hắc, đời trước nhà anh ta được hoàng đại tiên bảo vệ. Năm đó, lúc cha Từ Nhị Hắc lâm chung, vừa mới chập tối, vô số chồn vàng đã vây trước cổng nhà chạy rần rần, như đang bàn bạc xem mấy ngày nữa sẽ mang họa gì đến cho nhà họ Từ vậy. Lũ chồn vàng này đúng là hiếp đáp người quá đáng, Từ Nhị Hắc nổi điên, vác bẫy đặt trước cửa, chỉ một đêm tổng cộng bắt được hơn hai chục con chồn vàng. Lúc ấy đang là ngày đông tháng giá, giọt nước nhỏ ra cũng đóng băng luôn. Từ Nhị Hắc liền rạch sống lưng của từng con chồn, cứ nguyên máu chảy ròng ròng như thế gí chặt xuống đường ray xe lửa bằng sắt của người Nhật Bản xây dưới chân núi. Máu nóng sau lưng lũ chồn chạm vào sắt thép lập tức đông cứng thành băng, mặc cho chúng giãy giụa thế nào cũng không thể giằng ra được. Đêm đó, Từ Nhị Hắc dính cả một chuỗi dài chồn vàng lên đường ray, đến rạng sáng, xe lửa chạy qua, toàn bộ hơn hai chục con chồn vàng bị nghiến nát be bét. Kết quả là chuốc vạ, trời vừa tối, xung quanh thôn làng, khắp rừng khắp núi dậy lên tiếng kêu gào khóc lóc của lũ chồn lông vàng, khiến bọn chó săn trong làng đều cúp đuôi nín bặt. Lúc tờ mờ sáng, có người trông thấy một đàn chồn lông vàng đông nghịt chạy sầm sập về rừng, kế đó lại có người phát hiện ra Từ Nhị Hắc đã treo cổ tự sát, tử trạng giống hệt tên trùm thổ phỉ trong câu chuyện của Tuyền béo. Tuyền béo và Yến Tử bắt được sóng của nhau, tán thỏa thê chuyện trên trời dưới đất. Bên ngoài vùng núi này, cuộc vận động rầm rộ ki 1 đang quét bay mọi thứ mê tín dị đoan, ngưu quỷ xà thần. Làn sóng vận động ấy lẽ đương nhiên cũng cuốn đến vùng núi Đại Hưng An Lĩnh, đến cả ông bí thư chi bộ già chỉ thuộc mặt có mười mấy chữ, cũng hễ bắt đầu buổi họp là vanh vách: "Đường lối cách mạng của Mao chủ tịch là đường sáng thênh thang ở giữa, bên trái có một cái hố là phái tả khuynh, bên phải có một cái hố là phái hữu khuynh, mọi người nhất định không thể đứng nhầm đội ngũ đi nhầm đường, bằng không chỉ sơ sẩy một chút thôi là lọt xuống hố ngay." Vì vậy, ba đứa bọn tôi tán phét mấy chuyện truyền thuyết dân gian trong căn nhà gỗ nhỏ này, cũng không khỏi có chút không hợp thời thế cho lắm. Chỉ có điều, núi cao hoàng đế ở xa, lại không có người ngoài, chúng tôi chỉ bàn chuyện gió trăng, không nói chuyện thế sự, so với thế giới bên ngoài kia thì nhẹ nhàng thoải mái hơn nhiều lắm. Yến Tử cũng đòi tôi có tin tức gì mới lạ thì kể cho cô nghe với, trời bên ngoài vừa tối vừa lạnh, ngồi trên kháng sưởi ấm tán gẫu đúng là hết sức khoan khoái, nhưng mấy tháng nay tôi cũng ru rú trong núi, lấy đâu ra chuyện mới, mấy tin tức cũ thì đều kể hết cả rồi. Tôi bèn nói với cô và Tuyền béo: "Hôm nay như phải tà ấy nhỉ, sao cứ nhai đi nhai lại mỗi chuyện lũ chồn vàng thế? Chẳng phải trên Đoàn Sơn có một nơi gọi là Mộ Hoàng Bì Tử à? Đó là chỗ tập trung chồn vàng, cách đây chẳng xa lắm. Tôi đến đây tham gia lao động sản xuất đã mấy tháng rồi, thế mà chưa bao giờ lên Đoàn Sơn cả, tôi thấy hay là chúng ta đừng chỉ nói mồm nữa, chi bằng dứt khoát tự lực cánh sinh, kiếm ăn kiếm mặc một phen đi. Đêm nay lên núi đặt bẫy, bắt sống mấy con chồn lông vàng về chơi cho vui, có được không?" Tuyền béo nghe thế thì sướng rơn, trong núi còn có trò gì vui hơn là bẫy chồn lông vàng với bẫy cáo nữa đâu, lập tức nhảy cẫng lên: "Hồ Bát Nhất cậu nói chỉ được cái đúng, giờ vẫn chưa đến tiết Tiểu Tuyết, chồn lông vàng không đáng mấy tiền, nhưng xách đến hợp tác xã mua bán đổi một cân kẹo hoa quả thì chắc chắn không thành vấn đề. Bao nhiêu ngày nay chúng ta không được cái kẹo nào vào mồm rồi, con bà nó, nếu mãi thế này, chắc tôi quên bà nó kẹo ăn vào cay cay hay mằn mặn mất. Chỉ biết nói không làm là quân bịp, chỉ làm không nói là thằng ngu, nói được làm được là tốt, ta cứ lấy hành động thực tế để chứng minh đi thôi..." Nói đoạn cậu ta ưỡn ngực nhảy tót xuống khỏi cái kháng đất, tiện tay vơ cái mũ da chó chụp lên đầu, hăm hăm hở hở muốn đi bẫy chồn lông vàng ngay. Yến Tử vội ngăn lại: "Không được đi không được đi, các anh lại muốn làm bậy rồi, bí thư chi bộ đã dặn, không được để các anh tự do đi quậy phá đâu, ba người chúng ta phải ở đây canh giữ lâm trường cho tốt." Tôi thầm tức cười, bí thư chi bộ thôn là chức quan bé bằng cái hạt vừng, lẽ nào ông ta nói ra là bọn tôi phải răm rắp phục tùng? Chức tước của ông già nhà tôi to hơn cái chức bí thư thôn ấy không biết bao nhiêu lần, mà ông ấy nói tôi đây còn chẳng thèm để vào tai nữa là. Ngoài Mao chủ tịch ra, tôi đây chẳng nghe lời ai hết. Cuộc sống trong núi đơn điệu như thế, khó khăn lắm mới nghĩ ra được chút trò vui, sao có thể dễ dàng bỏ lỡ. Có điều nghĩ vậy nhưng không thể nói trắng ra được, tôi làm ra vẻ thành khẩn nói với Yến Tử: "Quần chúng cách mạng cơ bản đều đã được vận động đi lên núi chiến đấu với thiên nhiên, kiếm thức ăn dự trữ cho mùa đông giá lạnh cả rồi, lẽ nào chúng ta lại cứ ở mãi đây không ra sức ra công? Cô đừng coi thường lũ chồn vàng ấy, chúng tuy nhỏ nhưng cũng có vài lạng thịt với bộ da lông, chúng ta bẫy thêm vài con chính là góp thêm một viên gạch nhỏ vào công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa, chi viện cho cách mạng thế giới đấy." Yến Tử nghe mà mơ mơ màng màng, "góp một viên gạch nhỏ vào công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa" thì đúng là việc nên làm, nhưng gấu người trên núi Đoàn Sơn thì chẳng phải thứ cô dám tùy tiện dây vào. Các hộ săn bắn ở vùng này chẳng có vũ khí gì hiện đại, họ có ba phương pháp truyền thống: một là đặt bẫy, thường là bẫy kẹp hay bẫy thòng lọng, chuyên dùng để tóm một số loài thú vừa giảo hoạt lại chạy rất nhanh, như cáo, chồn lông vàng... chó săn chẳng thể nào làm gì được bọn này, chỉ có thể dùng trí đặt bẫy; cách nữa là cho chó săn truy đuổi, chó săn giỏi nhất chính là món bắt thỏ rừng; ba là dùng súng ống cung nỏ, trong đó súng săn bắn đạn sắt nhồi hỏa dược là thứ vũ khí chủ lực, nhồi thuốc sáng đen vào trước, rồi đặt dây dẫn hỏa, cuối cùng nhét viên đạn sắt vào, dùng que sắt nén thật chặt xuống, viên đạn bị ngòi dẫn hỏa giữ lại sẽ không tuột ra khỏi nòng súng, phải điểm hỏa bên trên rồi mới có thể phát xạ. Tốc độ nhồi thuốc chậm, xạ trình quá gần đều là những nhược điểm chí mạng, song dùng để bắn hương bào, hoẵng hoặc lợn rừng thì cũng khá thích hợp. Ba phương pháp này của thợ săn, duy nhất chỉ không thể đối phó được với bọn gấu người da thô thịt dày. Lần trước ở khe Lạt Ma gặp phải gấu người 2, suýt chút nữa là toi mạng, vì vậy lần này khi Yến Tử vừa nhắc đến gấu người, tôi cũng giật thót mình, nhưng liền sau đó lại nói ngay: "Làm gì mà phải sợ bóng sợ gió thế? Gấu người có phải đao thương bất nhập đâu, mà buổi tối bọn chúng đều rúc hết vào hang gấu rồi, chúng ta nhân lúc tối trời lên núi bẫy vài con chồn lông vàng rồi về ngay, mạo hiểm một chút có đáng gì, mà cũng đừng quên rằng đội ngũ của chúng ta là bất khả chiến bại đấy nhé." Tuyền béo đứng bên cạnh chân đã cuống lên giẫm bình bịch, một mực giục chúng tôi xuất phát ngay, làm cách mạng không phân sớm muộn, nhưng phải chớp thời cơ, nghe tôi khuyên giải một hồi, cuối cùng Yến Tử cũng đồng ý. Thực ra thì cô nàng cũng muốn đi bắt chồn lông vàng lắm chứ, chỉ có điều lời ông bí thư già ở trong cái làng này cũng tương đối có uy tín, cần phải có người làm công tác tư tưởng, giúp cô vượt qua chướng ngại tâm lý này là xong. Bên ngoài căn nhà gỗ rất lạnh, nhưng tuyết đã thôi rơi, vầng trăng lớn trắng nhợt nhạt, quầng trăng báo trước tuyết lớn sắp sửa ập đến. Gió núi thổi vù vù ngoài khe, ở xa thoạt nghe như thể ma núi đang thút thít than khóc ỉ ôi. Lúc ở làng đến lâm trường, tôi đã có ý muốn bắt vài con chồn lông vàng hoặc cáo, nên món gì cần mang đều có mang theo hết. Vậy là nhóm ba người chúng tôi nương theo ánh trăng đến bên bờ con sông cạnh lâm trường. Mặt sông đã đóng băng, trên mặt băng phủ tuyết, đứng sát bờ sông, cách lòng sông đến mười mấy mét vẫn nghe thấy tiếng nước chảy ùng ục dưới băng. Mới nửa mùa thu, đột nhiên đã có luồng không khí lạnh ập về, nên nước sông đóng băng nhưng chưa chắc, giẫm thẳng lên mặt băng để qua sông chắc chắn sẽ bị thụt chân rơi xuống. Bởi vậy, phương pháp an toàn nhất là giẫm lên những súc gỗ tròn bị đóng băng kẹt cứng giữa lòng sông. Ánh trăng chiếu lên nền tuyết, quầng sáng bàng bạc phủ khắp mặt đất, trên mặt sông gồ lên những khối gỗ dài, toàn bộ đều là gỗ súc chưa kịp vận chuyển xuống hạ du, tạm thời bị đông cứng ở đây. Giẫm lên trên đó, cho dù băng có nứt vỡ, lực nổi của gỗ cũng giúp ta không bị chìm xuống nước. Nhìn thì mặt sông có vẻ không rộng lắm, nhưng lúc phải qua sông mới phát hiện con sông này tuyệt đối không thể xem là nhỏ, ba chúng tôi kéo giãn cự ly, giẫm lên từng súc gỗ tiến về phía trước. Vì trời lạnh, mặc quần áo dày, bước chân cũng rất nặng nề, băng vụn dưới chân kêu loạt sà loạt soạt. Tuy là rất kinh rất hiểm, nhưng cũng chẳng hiểu tại sao, trong lòng bọn
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.