CHỨC NĂNG DU LỊCH

doc
Số trang CHỨC NĂNG DU LỊCH 10 Cỡ tệp CHỨC NĂNG DU LỊCH 77 KB Lượt tải CHỨC NĂNG DU LỊCH 4 Lượt đọc CHỨC NĂNG DU LỊCH 47
Đánh giá CHỨC NĂNG DU LỊCH
4.4 ( 17 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

1.1.1. Du lịch và các chức năng của du lịch 1.1.1. Khái niệm du lịch. Hoạt động du lịch đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Ngày nay, trên phạm vi toàn thế giới, du lịch đã thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hoá – xã hội và hoạt động du lịch đang được phát triển một cách mạnh mẽ. Theo Hội đồng Lữ hành và Du lịch quốc tế (WTTC – World Travel and Tourism Council), du lịch là một ngành kinh tế lớn nhất thế giới, vượt cả ngành sản xuất ô tô, thép, điện tử và nông nghiệp. Nhiều quốc gia trên thế giới đã coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Mặc dù hoạt động du lịch đã xuất hiện từ lâu và phát triển với tốc độ nhanh, song cho đến ngày nay khái niệm du lịch vẫn chưa có sự thống nhất. GS. TS Berneker – một chuyên gia hàng đầu về du lịch thế giới đã nhận định: “Đối với du lịch, có bao nhiêu tác giả nghiên cứu thì có bấy nhiêu định nghĩa”. Điều này không sai, vì mỗi hoàn cảnh khác nhau (về thời gian và không gian), mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau, mỗi người có cách hiểu khác nhau về du lịch. Sau đây, chúng ta có thể đề cập tới một số khái niệm tiêu biểu về du lịch. Năm 1811, định nghĩa về du lịch lần đầu tiên xuất hiện tại nước Anh: “Du lịch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết và thực hành của các cuộc hành trình với mục đích giải trí”. Theo ông Kuns (người Thụy Sỹ): “Du lịch là hiện tượng những người ở chỗ khác, ngoài nơi ở thường xuyên, đi đến bằng các phương tiện giao thông và sử dụng các xí nghiệp du lịch”.Năm 1930, Clusman (người Thụy Sỹ) cho rằng “Du lịch là sự chinh phục không gian của những người đến một địa điểm mà ở đó họ không có chỗ cư trú thường xuyên”.Hai GS. TS Hunziker và Kraf là những người đặt nền móng cho lý thuyết cung du lịch đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch là tập hợp các mối quan hệ và các hiện tượng phát sinh trong các cuộc hành trình và lưu trú của những người ngoài địa phương, nếu việc lưu trú đó không thành cư trú thường xuyên và không liên quan đến hoạt động kiếm lời”. Ông Michael Coltman (người Mỹ) cho rằng: “Du lịch là sự kết hợp và tương tác của 4 nhóm nhân tố trong quá trình phục vụ du khách bao gồm: du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, cư dân sở tại và chính quyền nơi đón khách du lịch”. Có thể thể hiện các mối quan hệ tương tác đó bằng sơ đồ sau: Tháng 6 – 1991, tại Otawa (Canada) diễn ra Hội nghị quốc tế về thống kê du lịch cũng đưa ra định nghĩa: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên (nơi ở thường xuyên của mình), trong một khoảng thời gian ít hơn đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng đến thăm”. Dưới góc độ địa lí du lịch, Pirogionic (1985) cho rằng “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan với sự di chuyển và lưu trú tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức – văn hoá hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hoá”. Tại điều 10 của Pháp lệnh Du lịch Việt Nam (1999), thuật ngữ “du lịch” được hiểu như sau: “Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”. Thông qua một số định nghĩa trên, có thể nói rằng du lịch là một dạng hoạt động đặc thù, gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể hết sức phức tạp. Hoạt động du lịch vừa có đặc điểm của ngành kinh tế, lại có đặc điểm của ngành văn hoá – xã hội. 1.1.2. Các chức năng của du lịch. Du lịch có những chức năng nhất định. Có thể xếp các chức năng ấy thành 4 nhóm: xã hội, kinh tế, sinh thái và chính trị. 1.1.2.1. Chức năng xã hội. Thể hiện ở vai trò của du lịch trong việc giữ gìn, hồi phục sức khoẻ và tăng cường sức sống của nhân dân. Trong chừng mực nào đó, du lịch có tác dụng hạn chế các bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và khả năng lao động của con người. Các công trình nghiên cứu về sinh học khẳng định rằng, nhờ có chế độ nghỉ ngơi và du lịch tối ưu, bệnh tật của dân cư trung bình giảm 30%, bệnh đường hô hấp giảm 40%, bệnh thần kinh giảm 30%, bệnh đường tiêu hoá giảm 20% (Crirosep, Dorin, 1981). Thông qua hoạt động du lịch, đông đảo quần chúng nhân dân có điều kiện tiếp xúc với những thành tựu văn hoá phong phú và lâu đời của các dân tộc, từ đó tăng thêm lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết quốc tế, hình thành phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu lao động, tình bạn… Điều đó quyết định sự phát triển cân đối về nhân cách của mỗi cá nhân trong toàn xã hội. 1.1.2.2. Chức năng kinh tế.Chức năng này của du lịch thể hiện ở sự liên quan mật thiết với vai trò của con người như là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội. Hoạt động sản xuất là cơ sở tồn tại của xã hội. Việc nghỉ ngơi, du lịch một cách tích cực và được tổ chức hợp lý sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp. Một mặt nó góp phần vào việc phục hồi sức khoẻ cũng như khả năng lao động và mặt khác đảm bảo tái sản xuất mở rộng lực lượng lao động với hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngoài ra chức năng kinh tế của du lịch còn thể hiện ở khía cạnh khác. Đó là dịch vụ du lịch, một ngành kinh tế độc đáo, ảnh hưởng đến cơ cấu ngành và cơ cấu lao động của nhiều ngành kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, ngoại thương… và là cơ sở quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế phát triển. 1.1.2.3. Chức năng sinh thái. Tạo môi trường sống ổn định về mặt sinh thái. Nghỉ ngơi du lịch là nhân tố có tác dụng kích thích việc bảo vệ, khôi phục và tối ưu hoá môi trường thiên nhiên bao quanh, bởi vì chính môi trường này có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và hoạt động của con người. Việc đẩy mạnh hoạt động du lịch, tăng mức độ tập trung khách vào những vùng nhất định đòi hỏi phải tối ưu hoá quá trình sử dụng tự nhiên với mục đích du lịch. Lúc này đòi hỏi con người phải tìm kiếm các hình thức bảo vệ tự nhiên, đảm bảo điều kiện sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lí. Giữa xã hội và môi trường trong lĩnh vực du lịch có mối quan hệ chặt chẽ. Một mặt xã hội đảm bảo sự phát triển tối ưu của du lịch, nhưng mặt khác lại phải bảo vệ môi trường tự nhiên khỏi tác động phá hoại của các dòng khách du lịch và việc xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch. Như vậy, giữa du lịch và bảo vệ môi trường có mối liên quan gần gũi với nhau. 1.1.2.4. Chức năng chính trị. Chức năng chính trị của du lịch được thể hiện ở vai trò to lớn của nó như một nhân tố hoà bình, đẩy mạnh các mối giao lưu quốc tế, mở rộng sự hiểu biết giữa các dân tộc. Du lịch quốc tế làm cho con người sống ở các khu vực khác nhau hiểu biết và xích lại gần nhau. Mỗi năm, hoạt động du lịch có những chủ đề khác nhau, như “Du lịch là giấy thông hành của hoà bình” (1967), “Du lịch không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm của mỗi người” (1983)… kêu gọi hàng triệu người quí trọng lịch sử, văn hoá và truyền thống của các quốc gia, giáo dục lòng mến khách và trách nhiệm của chủ nhà đối với khách du lịch, tạo nên sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các dân tộc. 1.1.3. Ý nghĩa kinh tế – xã hội của du lịch. Ngày 3 và 5 tháng 11 năm 1994 tại OSAKA (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng du lịch thế giới. Tại điểm 2 phần I của tuyên bố OSAKA khẳng định “Du lịch là nguồn lớn nhất tạo ra GDP và việc làm của thế giới, chiếm tới 1/10 mỗi loại, đồng thời đầu tư cho du lịch và các khoản thu từ thuế liên quan tới du lịch tương ứng cũng tăng cao. Những sự gia tăng này cùng với các chỉ tiêu khác của du lịch dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng một cách vững chắc và như vậy du lịch sẽ là đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI”. Sự phát triển của ngành du lịch có tác động rất mạnh tới cơ cấu ngành và cơ cấu lãnh thổ nền kinh tế của một số nước. Để nhận rõ vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội cần hiểu kĩ đặc điểm của tiêu dùng du lịch. Những đặc điểm quan trọng nhất là: - Nhu cầu tiêu dùng du lịch là những nhu cầu đặc biệt: nhu cầu hiểu biết kho tàng văn hoá, lịch sử, nhu cầu vãn cảnh thiên nhiên, bơi và tắm ở biển, hồ, sông… của con người. - Tiêu dùng du lịch thoả mãn các nhu cầu về hàng hoá (thức ăn, hàng hoá mua sắm, hàng lưu niệm…) và đặc biệt chủ yếu là nhu cầu về dịch vụ (lưu trú, vận chuyển hành khách, dịch vụ y tế, thông tin…). - Việc tiêu dùng các dịch vụ du lịch và một số hàng hoá (thức ăn) xảy ra cùng một thời gian và cùng một địa điểm với việc sản xuất ra chúng. Trong hoạt động du lịch không phải vận chuyển dịch vụ và hàng hoá đến cho khách hàng, mà ngược lại, tự khách du lịch phải tìm đến nơi có hàng hoá. - Việc tiêu dùng du lịch chỉ thoả mãn những nhu cầu thứ yếu, những nhu cầu không thiết yếu đối với đời sống con người (ngoại lệ, loại hình du lịch chữa bệnh, khi đó du lịch có ý nghĩa sống còn đối với người bệnh). - Tiêu dùng du lịch xảy ra thông thường theo thời vụ. Với các đặc điểm trên, các mối quan hệ trong tiêu dùng du lịch được phân làm 2 loại: + Thứ nhất là các mối quan hệ vật chất nảy sinh khi khách đến nơi du lịch và mua dịch vụ, hàng hoá ở đó bằng tiền tệ. Thứ hai là các mối quan hệ phi vật chất nảy sinh khi khách tiếp xúc với văn hoá, phong tục và tập quán của dân địa phương. Thông qua tiêu dùng, du lịch tác động mạnh mẽ lên lĩnh vực lưu thông, và do vậy gây ảnh hưởng lớn tới các lĩnh vực khác của quá trình tái sản xuất xã hội. Kinh tế du lịch gây biến đổi lớn trong cơ cấu cán cân thu chi của đất nước, của vùng du lịch. Đối với du lịch quốc tế, việc khách mang ngoại tệ đến đổi và tiêu ở khu du lịch làm tăng tổng số tiền trong cán cân thu chi của vùng và của đất nước. Còn đối với du lịch nội địa, việc tiêu tiền của dân ở vùng du lịch chỉ gây biến động trong cơ cấu cán cân thu chi của nhân dân theo vùng, chứ không làm thay đổi tổng số như tác động của du lịch quốc tế. Trong quá trình hoạt động, du lịch đòi hỏi số lượng lớn vật tư và hàng hoá đa dạng. Ngoài ra việc khách mang tiền kiếm ra từ nơi khác đến tiêu ở vùng du lịch góp phần làm sống động kinh tế ở vùng du lịch và ở đất nước du lịch. Du lịch góp phần huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân vào vòng chu chuyển, vì chi phí cho hành trình du lịch là từ tiền tiết kiệm của nhân dân. Thông qua lĩnh vực lưu thông mà du lịch có ảnh hưởng tích cực lên sự phát triển của nhiều ngành như công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Du lịch luôn đòi hỏi hàng hoá có chất lượng cao, phong phú về chủng loại và về hình thức. Do vậy, du lịch góp phần định hướng cho sự phát triển của các ngành ấy trên các mặt: số lượng, chất lượng, chủng loại sản phẩm và việc chuyên môn hoá của các xí nghiệp trong sản xuất. Ảnh hưởng của du lịch lên sự phát triển của các ngành khác trong nền kinh tế quốc dân như thông tin, xây dựng, y tế, thương nghiệp, văn hoá… cũng rất lớn. Sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch của một vùng không chỉ thể hiện ở chỗ những nơi đó có tài nguyên du lịch, mà bên cạnh chúng phải có cả cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống giao thông vận tải, bưu điện, ngân hàng, mạng lưới thương nghiệp… Việc vận dụng đưa những nơi có tài nguyên du lịch vào sử dụng, kinh doanh đòi hỏi phải xây dựng ở đó hệ thống đường sá, mạng lưới thương nghiệp, bưu điện… qua đó cũng kích thích sự phát triển tương ứng của các ngành có liên quan. Ngoài ra, du lịch phát triển còn đánh thức một số ngành sản xuất thủ công cổ truyền. 1.1.3.1. Ý nghĩa về mặt kinh tế của phát triển du lịch. a. Ý nghĩa về mặt kinh tế của việc phát triển du lịch nội địa. Góp phần tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân (sản xuất đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật…), làm tăng thêm tổng sản phẩm quốc nội. Góp phần tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng. Nói cách khác, du lịch có tác động tích cực vào việc làm cân đối cấu trúc thu chi của nhân dân theo các vùng (thường các vùng phát triển mạnh du lịch lại là các vùng kém sản xuất ra của cải vật chất dẫn đến thu nhập của người dân tại các vùng đó từ sản xuất là thấp). Du lịch nội địa phát triển tốt sẽ củng cố sức khoẻ cho nhân dân lao động và do vậy góp phần làm tăng năng suất lao động xã hội. Ngoài ra du lịch nội địa giúp cho việc sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch quốc tế được hợp lý hơn. Vào trước và sau thời vụ du lịch, khi khách quốc tế vắng có thể sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật ấy vào phục vụ khách du lịch nội địa. b. Ý nghĩa của việc phát triển du lịch quốc tế chủ động. Việc phát triển du lịch quốc tế chủ động có tác động tích cực vào việc làm tăng thu nhập quốc dân thông qua thu ngoại tệ, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Cùng với hàng không dân dụng, kiều hối, cung ứng tàu biển, bưu điện quốc tế và các dịch vụ thu ngoại tệ khác, du lịch quốc tế hàng năm đem lại cho các quốc gia nhiều ngoại tệ. Ở các nước du lịch phát triển, thu nhập ngoại tệ từ du lịch chiếm tới 20% hoặc lớn hơn thu nhập ngoại tệ của đất nước. Ngoại tệ thu được từ du lịch quốc tế thường được các nước sử dụng để mua sắm máy móc, thiết bị cần thiết cho quá trình tái sản xuất xã hội, nhất là đối với các nước đang phát triển. Do vậy, du lịch quốc tế góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho đất nước. Du lịch là hoạt động xuất khẩu có hiệu quả cao. Tính hiệu quả trong kinh doanh du lịch thể hiện trước hết, du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ. Xuất khẩu du lịch có lợi hơn rất nhiều so với xuất khẩu ngoại thương. Trước hết một phần rất lớn đối tượng mua bán trong du lịch quốc tế là các dịch vụ (lưu trú, trung gian…). Do vậy, xuất khẩu bằng du lịch là xuất đa số dịch vụ, đó là điều mà ngoại thương không thể thực hiện được. Ngoài ra đối tượng xuất khẩu của du lịch quốc tế còn là các mặt hàng ăn uống, hoa quả, rau xanh, hàng lưu niệm… là những mặt hàng rất khó xuất theo đường ngoại thương, muốn xuất khẩu chúng phải đầu tư nhiều chi phí cho việc đóng gói, bảo quản mà giá cả lại thấp. Việc xuất khẩu bằng du lịch quốc tế luôn đảm bảo doanh thu lớn hơn nhiều nếu cùng những hàng hoá đó đem xuất theo đường ngoại thương. Hàng hoá trong du lịch được xuất với giá bán lẻ, luôn bảo đảm cao hơn giá xuất theo đường ngoại thương là giá bán buôn. Xuất khẩu bằng du lịch quốc tế không tốn chi phí vận chuyển quốc tế, tốn ít chi phí đóng gói và bảo quản như xuất khẩu ngoại thương. Bên cạnh đó xuất khẩu bằng du lịch quốc tế còn tránh được nhiều rủi ro trên đường vận chuyển. Một lợi thế nữa của du lịch quốc tế là xuất khẩu theo đường này không tốn chí phí trả thuế xuất nhập khẩu. Trong ngoại thương có nhiều mặt hàng khi xuất khẩu sang nước khác phải trả thuế nhập khẩu vào nước đó, do vậy mất thêm nhiều chi phí. Du lịch không chỉ là ngành xuất khẩu tại chỗ, mà còn là ngành xuất khẩu vô hình hàng hoá du lịch. Đó là các cảnh quan thiên nhiên khí hậu và ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới, các phong cảnh đẹp, những giá trị của di tích lịch sử – văn hoá, tính độc đáo trong truyền thống phong tục, tập quán .v.v. không bị mất đi qua mỗi lần bán, thậm chí giá trị và uy tín của nó còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường, nếu như chất lượng cao và các loại dịch vụ ở đó du khách chấp nhận được. Sở dĩ có hiện tượng trên là do chúng ta bán cho du khách không phải là bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ bán các giá trị có khả năng làm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch được chứa đựng trong tài nguyên du lịch. Với hai hình thức xuất khẩu trên cho thấy hàng hoá và dịch vụ bán thông qua du lịch đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn, do tiết kiệm được đáng kể chi phí đóng gói, bảo quản, vận chuyển, thuế xuất nhập khẩu… đồng thời thu hồi vốn nhanh và lãi suất cao do nhu cầu du lịch là nhu cầu cao cấp và có khả năng thanh toán. Du lịch khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ cấu nền kinh tế thế giới nói chung và các nước nói riêng đang có xu hướng chuyển dịch ngày càng trở nên hợp lý hơn. Đó là sự tăng dần tỷ trọng ở lĩnh vực dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế. Các nhà kinh doanh đi tìm hiệu quả của đồng vốn thì du lịch là một lĩnh vực kinh doanh đầy hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác. Du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao, vì vốn đầu tư ít (so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải, xây dựng…), thời gian thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật không phức tạp. c. Ý nghĩa của việc phát triển du lịch quốc tế bị động. Du lịch quốc tế bị động khác hẳn với du lịch quốc tế chủ động. Nó là hình thức nhập khẩu đối với đất nước gửi khách đi ra nước ngoài (vì người dân đem tiền tệ ra nước ngoài tiêu). Bù đắp vào đó là hiệu quả (chủ yếu về mặt xã hội) của chuyến đi du lịch đối với người dân. Sau các chuyến đi, sức khoẻ của người dân được củng cố, khách đi du lịch nước ngoài mở rộng sự hiểu biết về mặt xã hội, nâng cao tầm nhìn và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Nếu đi du lịch kèm theo mục đích kinh doanh (ký kết hợp đồng, tìm kiếm thị trường, đầu tư…), dẫn đến du lịch quốc tế bị động có ý nghĩa gián tiếp về mặt kinh tế đối với đất nước. d. Các ý nghĩa khác về mặt kinh tế của việc phát triển hoạt động kinh doanh du lịch nói chung. Du lịch phát triển sẽ tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương có hoạt động du lịch từ các khoản trích nộp ngân sách của các cơ sở du lịch trực thuộc quản lý trực tiếp của các địa phương và từ các khoản thuế phải nộp của các doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn… Du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Trước hết hoạt động kinh doanh du lịch đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều ngành, yêu cầu về sự hỗ trợ liên ngành, là cơ sở cho các ngành khác (giao thông vận tải, tài chính, bưu điện, công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…) phát triển. Đối với nền sản xuất xã hội, du lịch còn mở ra thị trường tiêu thụ hàng hoá. Mặt khác, sự phát triển của du lịch tạo ra các điều kiện để khách du lịch tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng về sản xuất kinh doanh trong nước, tận dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành kinh tế khác. Việc phát triển du lịch ở những nơi vùng sâu vùng xa còn góp phần xoá đói giảm nghèo. 1.1.3.2. Ý nghĩa xã hội. Du lịch góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Theo thống kê năm 2000 của thế giới, du lịch là ngành tạo việc làm quan trọng. Tổng số lao động trong các hoạt động liên quan đến du lịch chiếm 10,7% tổng số lao động toàn cầu. Cứ 2,5 giây du lịch tạo thêm được một việc làm mới, hiện nay cứ 08 lao động thì có 01 người làm trong ngành du lịch. Theo dự báo của WTO, năm 2010 ngành du lịch sẽ tạo thêm khoảng 150 triệu việc làm, chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Du lịch góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế vùng có hoạt động du lịch và giảm quá trình đô thị hoá. Thông thường tài nguyên du lịch tự nhiên có ở các vùng hẻo lánh, xa xôi, vùng ven biển… Việc khai thác đưa những tài nguyên này vào sử dụng đòi hỏi phải đầu tư về mọi mặt giao thông, bưu điện, kinh tế, văn hoá – xã hội… Do vậy mà việc phát triển du lịch sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội ở những vùng đó, giảm đi sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng trong cả nước, đồng thời cũng góp phần làm giảm đi sự tập trung dân cư ở những trung tâm dân cư. Du lịch là phương tiện tuyên truyền quảng cáo có hiệu quả cho đất nước chủ nhà mà không phải mất tiền. Về phương diện kinh tế: là phương tiện tuyên truyền, quảng cáo hữu hiệu cho hàng hoá nội địa ra nước ngoài thông qua du khách. Khách hàng được làm quen tại chỗ với các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Một số sản phẩm làm cho du khách hài lòng, về nước, du khách tuyên truyền cho bạn bè, người thân… và nhiều khi bắt đầu tìm kiếm các mặt hàng đó ở nước mình và nếu không thấy, khách có thể yêu cầu các cơ quan ngoại thương nhập các mặt hàng đó. Về phương diện xã hội: là phương tiện tuyên truyền, quảng cáo hữu hiệu về các thành tựu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giới thiệu về con người, phong tục, tập quán… nơi họ đã đến. Thông qua du lịch con người được thay đổi môi trường, có ấn tượng và cảm xúc mới, thoả mãn được trí tò mò, đồng thời mở mang kiến thức, đáp ứng lòng ham hiểu biết, do đó góp phần hình thành phương hướng đúng đắn trong mơ ước sáng tạo, trong kế hoạch cho tương lai của con người – khách du lịch. Trong thời gian đi du lịch, khách thường sử dụng các dịch vụ, hàng hoá và thường tiếp xúc với dân cư địa phương. Thông qua các cuộc tiếp xúc đó, văn hoá của cả khách và người bản xứ được trao đổi và nâng cao. Du lịch còn làm phong phú thêm khả năng thẩm mỹ của con người khi họ được tham quan các kho tàng mỹ thuật của một đất nước. Du lịch còn là phương tiện giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn và nâng cao truyền thống của dân tộc. Thông qua các chuyến đi tham quan, nghỉ mát, vãn cảnh… người dân có điều kiện làm quen với cảnh đẹp, với lịch sử và văn hoá dân tộc, qua đó thêm yêu đất nước mình. Ngoài ra, việc phát triển du lịch còn có ý nghĩa lớn đối với việc khai thác bảo tồn các di sản văn hoá và dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề thủ công truyền thống, góp phần bảo vệ và phát triển môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội. 1.1.4. Một số mặt tiêu cực do tác động của du lịch: a. Về môi trường tự nhiên - Khách du lịch thường sử dụng nhiều nước, đồng thời lượng chất thải theo đầu người cũng thường lớn hơn dân địa phương. Điều đó tạo ra sự thiếu hụt về nguồn nước và gây ô nhiễm nguồn nước. Một du khách trung bình ở Barbados dùng một lượng nước gấp 08 lần một người dân địa phương. - Sự tập trung khách quá đông ở các bãi tắm ven biển vào mùa hè làm cho lượng rác thải tăng, môi trường nước ô nhiễm. Ngoài ra còn có thể làm tổn thương đến một số hệ sinh thái ven biển vốn nhạy cảm với tác động không hợp lý của con người. - Các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như các khu rừng nhiệt đới với nhiều loài động vật quý hiếm, các thác nước, hang động, các nơi có cảnh quan đẹp, du khách đến đông sẽ gây ra hiện tượng quá tải và dĩ nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nơi đó. - Cuộc sống và các tập quán của các động vật hoang dã có thể bị ảnh hưởng do lượng lớn khách du lịch đến đông vào các thời điểm quan trọng trong chu trình sống (di trú, kiếm ăn, sinh sản, làm tổ…) - Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói, tuy nhiên du lịch có thể gây ô nhiễm khí thông qua phát xả khí thải động cơ xe máy, ô tô và tàu thuyền khi vận chuyển khách. b. Về mặt nhân văn - Du lịch hoạt động mang tính thời vụ, các nhu cầu vào các thời kỳ cao điểm có thể vượt quá khả năng đáp ứng về dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng của địa phương sẽ gây ách tắc giao thông, thiếu hụt về nước, năng lượng… đồng thời tạo ra sự không ổn định về việc làm cho người lao động. - Việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí…) có thể là nguyên nhân của việc di chuyển chỗ ở và tái định cư ngoài ý muốn của người dân địa phương. - Các tác động do thiết kế, xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch có thể làm nảy sinh do sự thiếu hài hoà về cảnh quan và về văn hoá – xã hội. Các tác động tiêu cực của việc phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch lên các tài nguyên có giá trị thẩm mỹ cũng dễ nảy sinh. Việc xác định mức đóng góp của các cơ sở hoạt động du lịch cho việc sử dụng nước, dịch vụ thoát nước, vệ sinh môi trường… cũng dễ tạo nên mâu thuẫn đối với người dân địa phương. - Khách du lịch tập trung quá đông, dân cư địa phương sẽ bị cạnh tranh tiện nghi giao thông, giá cả… và sẽ xuất hiện cảm giác bực bội của dân địa phương đối với khách du lịch. - Các giá trị văn hoá truyền thống có thể bị xói mòn. Giá trị văn hoá truyền thống ở những miền núi cao thường khá đặc sắc nhưng rất dễ bị biến đổi do tiếp xúc với các nền văn hoá xa lạ, do xu hướng thị trường hoá các hoạt động văn hoá, do mâu thuẫn nảy sinh khi phát triển du lịch hoặc do tương phản về lối sống. - Ngoài ra còn nhiều tiêu cực khác như có khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm, các tệ nạn xã hội, gây rối trật tự an ninh xã hội, thậm chí còn gây bất ổn về chính trị…
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.