Bộ luật Dân sự năm 2015 và vấn đề di chúc chung của vợ, chồng

pdf
Số trang Bộ luật Dân sự năm 2015 và vấn đề di chúc chung của vợ, chồng 7 Cỡ tệp Bộ luật Dân sự năm 2015 và vấn đề di chúc chung của vợ, chồng 292 KB Lượt tải Bộ luật Dân sự năm 2015 và vấn đề di chúc chung của vợ, chồng 0 Lượt đọc Bộ luật Dân sự năm 2015 và vấn đề di chúc chung của vợ, chồng 9
Đánh giá Bộ luật Dân sự năm 2015 và vấn đề di chúc chung của vợ, chồng
4.8 ( 10 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

Tạp chí Khoa học - Trường ĐH Quy Nhơn, ISSN: 1859-0357, Tập 11, Số 4,Tập 2017, 11,Tr. Số127-133 4, 2017 BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015 VÀ VẤN ĐỀ DI CHÚC CHUNG CỦA VỢ, CHỒNG TRẦN THỊ HIỀN LƯƠNG Khoa Giáo dục chính trị và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Quy Nhơn TÓM TẮT Một trong những điểm mới nổi bật nhất trong Phần thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2015 là đã bỏ các quy định liên quan đến di chúc chung của vợ, chồng. Tuy nhiên, di chúc chung của vợ, chồng đã tồn tại trong tục lệ của nước ta từ rất lâu cũng như được ghi nhận khá ổn định trong luật pháp Việt Nam. Vậy việc lập di chúc chung của vợ, chồng có còn được thừa nhận theo luật pháp hiện nay hay không, và hướng giải quyết như thế nào nếu xảy ra tranh chấp về di chúc chung? Do vậy, việc bãi bỏ các Điều luật này cần phải được hiểu một cách đúng đắn, trên cơ sở có lý lẽ và quan điểm hợp lý. Từ khóa: Bộ luật Dân sự năm 2015; di chúc; di chúc chung của vợ, chồng. ABSTRACT Civil Code 2015 and the matter of joint husband, wife testaments One of the most salient points in the Inheritance Section of the Civil Code 2015 is the abolition of the articles about the joint husband-wife testament. However, joint testaments appeared long ago in our country and have been acknowledged rather stably in Vietnamese law. Therefore, according to the law in force, are joint husband-wife testaments still acknowledged? And how can disputes about joint testaments be resolved? For this reason, abrogating the articles needs to be understood thoroughly, with sound arguments and sound views. Keywords: Civil Code 2015, testament, husband-wife testament. 1. Đặt vấn đề Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 (sau đây gọi là Bộ luật Dân sự năm 2015), thay thế cho Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 (BLDS 2005). Bộ luật Dân sự năm 2015 được giới chuyên môn đánh giá rất cao về mục tiêu, quan điểm xây dựng; và Bộ luật được cho là đã có nhiều điểm đột phá quan trọng; những sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế của thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005. Một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự là thừa kế cũng được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn hiện nay, trong đó, thừa kế theo di chúc được quan tâm và có nhiều sự thay đổi hơn cả so với thừa kế theo pháp luật. Và theo tác giả bài viết, một điểm mới quan trọng trong Phần thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2015 là đã bỏ 03 điều luật liên quan đến di chúc chung của vợ chồng (Điều 663, Điều 664 và Điều 668) được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005. Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã không Email: tranthihienluong@qnu.edu.vn Ngày nhận bài: 25/6/2017; Ngày nhận đăng: 20/8/2017 127 Trần Thị Hiền Lương còn bất kỳ quy định nào về di chúc chung của vợ chồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm cho rằng nên có những quy định cụ thể, rõ ràng về di chúc chung của vợ chồng trong BLDS 2015 để việc thực hiện trên thực tế được khả thi và hợp lý, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể có liên quan, và tạo ra sự ổn định trong pháp luật, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Như vậy, để hiểu việc bãi bỏ các quy định về di chúc chung của vợ chồng trong BLDS 2015 như thế nào cho đúng là một vấn đề đáng quan tâm. Bởi vì, nếu không có quy định nào như thế thì chúng ta có thể hiểu rằng pháp luật không còn thừa nhận di chúc chung của vợ chồng hay không? Nếu những cặp vợ chồng có tài sản chung muốn lập di chúc chung sau ngày 01/01/2017 thì có được hay không? Nếu được lập di chúc chung thì hướng xử lý như thế nào khi có tranh chấp về di chúc chung của vợ, chồng trong hoàn cảnh không có điều luật cụ thể quy định? Câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản vì BLDS 2015 chỉ đơn thuần không giữ lại các quy định về di chúc chung của vợ chồng đã tồn tại trước đó, nhưng không có quy định nêu rõ là cấm di chúc chung của vợ chồng. Từ đó, đòi hỏi cần phải lật lại vấn đề: BLDS 2015 không giữ lại các quy định về di chúc chung của vợ chồng là có hợp lý trong bối cảnh hiện nay hay không? 2. Lịch sử quy định pháp luật Việt Nam về di chúc chung của vợ chồng Vào thời kỳ phong kiến, trên thực tế di chúc chung của vợ, chồng khá phổ biến, xuất phát từ nguyên nhân hệ tư tưởng thời kỳ bấy giờ, đại đa số tài sản chung trong gia đình được định đoạt thông qua di chúc chung. Tuy nhiên, di chúc chung chưa được quy định trong pháp luật thừa kế trong thời kỳ này. Xem xét Bộ luật Hồng Đức và Luật Gia Long đều không thấy có quy định về di chúc chung của vợ, chồng [1]. Luật thực định thời cận đại cũng đã bắt đầu ủng hộ giải pháp mang tính luân lý đó. Tìm hiểu về di chúc chung của vợ chồng trong các Bộ Dân luật chế độ trước thì thấy có quy định về vấn đề này, như Điều 313 Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 (còn gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật, “hộ luật” một thuật ngữ được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam và đã được sử dụng để chỉ luật dân sự [2]), tương tự vấn đề cũng được quy định tại Điều 321 Dân luật Bắc Kỳ năm 1931, hay tại Điều 572 Dân luật Sài Gòn năm 1972 : “Chúc thư chỉ có thể do một người làm ra; hai người không thể cùng chung làm một chúc thư lợi tha hay lưỡng tương đắc lợi. Đặc biệt, trong trường hợp chúc thư do hai vợ chồng cùng làm để sử dụng tài sản chung, chúc thư được thi hành riêng về phần di sản của người chết trước, người sống vẫn có quyền hủy bãi hay thay đổi chúc thư về phần mình”. Pháp luật hiện hành của Nhà nước ta cũng thừa nhận vợ, chồng có quyền lập di chúc chung. Thông tư số 81-TANDTC về “Hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế” do Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 24/07/1981 đã từng nhắc đến di chúc chung của vợ, chồng, cụ thể: “Di chúc do hai vợ chồng cùng làm để định đoạt tài sản chung, nếu một người chết trước, thì chỉ riêng phần di sản của người đó được thi hành theo di chúc. Người còn sống có quyền giữ nguyên, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của mình”. Pháp lệnh của Hội đồng nhà nước số 44-LTK/HĐNN8 ngày 10/09/1990 về “Thừa kế” tuy không trực tiếp qui định về di chúc chung của vợ, chồng, nhưng cũng gián tiếp thừa nhận hiệu lực của di chúc chung, cụ thể tại khoản 1 Điều 23: “Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. 128 Tập 11, Số 4, 2017 Trong trường hợp di chúc lập chung, mà có người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần tài sản của người chết trước có hiệu lực”. Sau này, vấn đề di chúc chung của vợ, chồng cũng được qui định khá rõ trong BLDS 1995 [3]. Đến năm 2005, BLDS 2005 ban hành, thay thế cho BLDS 1995, thì các quy định về di chúc chung của vợ, chồng đã có nhiều sửa đổi, vấn đề này chỉ được quy định trong phạm vi 03 điều luật sau: Điều 663: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Điều 664 : “Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng 1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. 2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Điều 668: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. 3. Việc xây dựng một quy định đặc thù về di chúc chung của vợ, chồng có còn cần thiết trong khung cảnh hiện nay? 3.1. Sự bất cập trong các quy định về di chúc chung của vợ, chồng trong BLDS 2005 Di chúc chung của vợ chồng là hình thức di chúc phổ biến ở Việt Nam thời xưa vì quan niệm truyền thống của người Việt Nam vốn rất coi trọng đạo nghĩa vợ - chồng và luôn muốn củng cố tình thương yêu, đoàn kết trong gia đình. Khi già yếu, cha mẹ thường lập di chúc để phân chia tài sản giữa các con, đề phòng khi cha mẹ chết, các con có thể tranh cãi dẫn đến xung đột, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tiếng tăm dòng họ. Với mục đích như vậy, nhưng liệu các quy định về di chúc chung của vợ, chồng trong BLDS 2005 đã đảm bảo đạt được mục đích đó hay chưa? Di chúc chung của vợ, chồng không đơn giản mà trên thực tế khá rắc rối, có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp chưa tiên liệu được, thực tế đã nảy sinh nhiều vướng mắc pháp lý chưa có hướng gỡ [4]. BLDS 2005 chỉ dùng ba điều luật ngắn để điều chỉnh vấn đề này có thể nói là chưa tương xứng và không đủ liều lượng cần thiết, dẫn đến sự bất cập và thiếu nhất quán trong việc thực thi pháp luật về vấn đề liên quan. Việc này cũng giống như dùng chiếc áo trẻ em để mặc cho một cơ thể người lớn [5]. Cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các bất cập của những quy định cá biệt về di chúc chung của vợ chồng, thậm chí còn làm phá vỡ tính hệ thống của chế định quyền thừa kế. Cụ thể, Điều 663 BLDS 2005 qui định: “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Nhưng sẽ phức tạp, nếu vợ, chồng vừa có tài sản chung, vừa có tài sản riêng, mà họ lại muốn định đoạt cả hai loại tài sản này trong cùng một di chúc. Vậy thì phần di chúc định đoạt tài sản riêng có phải là một di chúc riêng; sau khi một bên vợ hoặc chồng chết, thì phần di chúc liên quan tới tài sản riêng của họ có hiệu lực hay chưa...? Mặt khác, Điều 668 BLDS 2005 quy định “di chúc chung vợ, chồng chỉ có hiệu lực khi cả hai người cùng chết hoặc khi người sau cùng chết”. Việc áp dụng đúng tinh thần quy định này thì sẽ làm triệt tiêu đi quyền tranh chấp thừa kế, yêu cầu phân chia di sản của những người đồng thừa 129 Trần Thị Hiền Lương kế khi một trong hai người lập di chúc còn sống vì nếu một bên vợ, chồng trong di chúc chung còn sống thì di chúc vẫn chưa có hiệu lực pháp luật. Trong thực tế quy định trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người còn sống, như trong trường hợp người còn sống gặp khó khăn, bệnh tật nhưng họ không thể bán phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của hai vợ chồng vì di chúc chung chỉ có hiệu lực vào thời điểm người thứ hai chết hoặc thời điểm cả hai vợ chồng cùng chết. Ví dụ, vợ chồng ông A và bà B lập di chúc chung để lại căn nhà đang ở cho chị C là con gái của hai người. Năm 2006, vợ ông qua đời và hai năm sau, ông A bị tai biến, nằm liệt tại chỗ. Việc chữa trị, chăm sóc ông rất tốn kém và chỉ do chị C chi trả. Điều này dẫn đến họ nợ nần nhiều, nên ông A và con bàn nhau bán nhà để trả nợ, còn lại mua một căn nhà nhỏ để sinh sống và dư một ít tiền làm vốn cho cô con gái. Nhưng khi người con đem hồ sơ nhà đất và tờ di chúc ra phòng công chứng khai nhận di sản thì bị từ chối vì di chúc chung chỉ có hiệu lực vào thời điểm người thứ hai chết hoặc thời điểm cả hai vợ chồng cùng chết. Như vậy, việc bán nhà hay thế chấp vay tiền ngân hàng đều không được. Ngoài ra, việc di chúc chung của vợ, chồng cũng làm hạn chế quyền định đoạt tài sản của mỗi bên. Cụ thể, một bên không thể sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc chung nếu vợ, chồng không đồng thuận, quy định tại khoản 2 Điều 664 BLDS 2005: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Điều này vô hình chung quy định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc này rất khó thực thi bởi khó đạt được sự đồng thuận của vợ chồng mọi lúc, thậm chí quy định này còn có thể làm mất đi quyền tự định đoạt tài sản của mỗi bên vợ chồng nếu nỗ lực của một bên để có được sự đồng thuận của bên kia không thành công. Các điểm nói trên chỉ là một vài vấn đề khó giải quyết về di chúc chung của vợ, chồng; ngoài ra trên thực tế còn khá nhiều vướng mắc, chẳng hạn, vợ, chồng có thể cùng nhau lập di chúc chung bằng miệng hay không? Theo Điều 651, việc lập di chúc miệng chỉ dành cho cá nhân: “Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”. Trong khi đó, muốn lập di chúc chung, vợ - chồng phải có sự bàn bạc và thống nhất ý chí chung trước khi cùng nhau lập di chúc. Trong tình trạng bị cái chết đe dọa thì điều này là hạn hữu. Ngoài ra, một số tình huống có thể dẫn đến việc chấm dứt quan hệ vợ - chồng, hoặc chấm dứt tình trạng sở hữu chung đối với tài sản, hoặc trực tiếp làm chấm dứt di chúc chung; nhưng khi thực thi di chúc chung vì không được dự liệu của pháp luật nên không ai dám chắc là di chúc chung có đương nhiên bị mất hiệu lực hay không? Ví dụ như các bên vợ chồng ly hôn, chia tài sản chung trong khi hôn nhân đang tồn tại; một bên mất tích hoặc bị tòa án tuyên bố chết và người còn lại đã kết hôn với người khác, sau đó người bị tuyên bố chết còn sống trở về, nhưng không thể tái hợp quan hệ vợ chồng; hoặc sau khi có di chúc chung, vợ chồng lại định đoạt tài sản chung vào một mục đích khác, như tặng cho, bán... Như vậy, có thể thấy, các Điều 663, Điều 664, Điều 668 trong BLDS 2005 chưa giải quyết tốt các vấn đề pháp lý phức tạp về di chúc chung của vợ chồng. 130 Tập 11, Số 4, 2017 3.2. Cần hiểu việc bãi bỏ các quy định về di chúc chung của vợ, chồng như thế nào cho đúng Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, việc bãi bỏ các quy định về di chúc chung của vợ, chồng là do sự phức tạp trên thực tế dẫn đến khó giải quyết và kinh nghiệm pháp luật quốc tế cũng không có quy định về di chúc chung vợ chồng [6]. Cũng có ý kiến cho rằng, việc bãi bỏ trên tức là pháp luật không còn thừa nhận di chúc chung nữa, và như vậy là trái với Hiến pháp 2013... Hoặc là việc không quy định di chúc chung của vợ chồng trong BLDS 2015 vừa có thể giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn, vừa loại bỏ được bất cập về lý luận mà BLDS 2005 gặp phải [7]. Chúng ta thấy rằng, dù việc bỏ các quy định về di chúc chung xuất phát từ lý do gì, thì quan trọng hơn cả, đó là việc bỏ các quy định như vậy có giải quyết được các vấn đề đã và đang tồn tại hay không, nếu giải quyết được thì đó là quyết định hợp lý. Bởi vì, nếu bỏ các quy định này với lý do là phức tạp khó giải quyết trong thực tiễn thì có lẽ sẽ có rất nhiều quy định của BLDS 2005 cũng sẽ phải bỏ đi. Ở một góc độ khác, việc bỏ quy định về di chúc chung trong BLDS 2015 được giải thích rằng “hoàn toàn không có nghĩa là luật mới sẽ không thừa nhận giá trị của di chúc chung” [8]. Tác giả bài viết cho rằng quan điểm này là hợp lý. Vấn đề di chúc chung của vợ, chồng không nên hiểu theo cách là việc vợ, chồng cùng nhau phân định tài sản cho người thừa kế nữa, mà nên hiểu theo hướng tiến bộ hơn, đó là việc vợ và chồng, mỗi người có tư cách chủ sở hữu của riêng mình, kết hợp trong việc định đoạt tài sản sau khi chết bằng cách thể hiện ý chí cùng một lúc, trong cùng một văn bản. Với cách hiểu này, di chúc gọi là chung của vợ, chồng có thể được coi là hai di chúc của hai chủ thể, nhưng được ghi nhận trong cùng một bản viết và được điều chỉnh theo luật chung về di chúc, cũng như theo luật chung về thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu. Như vậy, vợ và chồng, mỗi người có thể đưa vào di chúc viết chung các nội dung định đoạt liên quan đến tài sản riêng của mỗi người, và các nội dung liên quan đến tài sản chung của cả hai người. Đối với việc định đoạt tài sản riêng trong di chúc thì mỗi người đều có quyền tự định đoạt, nhưng đối với tài sản chung, thì nội dung này trong di chúc tất nhiên phải có sự đồng thuận của vợ chồng, theo đúng nguyên tắc nhất trí trong quản lý tài sản chung, được thiết lập trong luật chung về quyền sở hữu, và việc sửa đổi nội dung này cũng phải có sự đồng thuận. Chính vì thế, BLDS năm 2015 bỏ quy định về di chúc chung của vợ chồng và đồng thời quy định đầy đủ hơn, rõ ràng hơn về sở hữu chung và các loại sở hữu chung, trong đó, “sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia [9]”, và “việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật [10]”. Ngoài ra, chế độ tài sản của vợ chồng còn được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được hình thành trên cơ sở luật định hoặc do vợ chồng thỏa thuận. Từ những luận điểm trên ta thấy rằng không cần có một quy định đặc thù về di chúc chung như trong BLDS 2005; và việc bỏ các quy định như vậy còn khắc phục được những vướng mắc pháp lý nảy sinh trong thực tế, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi của vợ, chồng còn sống trong việc định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của hai vợ chồng, vừa đảm bảo quyền lợi của những người thừa kế của vợ/chồng bên chết trước, vì họ không phải chờ đến thời điểm di chúc chung có hiệu lực thì mới được chia tài sản như trước đây nữa. 131 Trần Thị Hiền Lương 4. Kết luận Như vậy, dù hiện nay có các quan điểm khác nhau về việc bãi bỏ các quy định về di chúc chung của vợ, chồng; tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng không tồn tại một quy định có giá trị pháp lý cấm di chúc chung của vợ chồng khi họ định đoạt tài sản chung của họ, vì hiện nay vẫn không có một quy định minh thị về việc cấm lập di chúc chung. Nói cách khác, luật pháp vẫn thừa nhận di chúc chung của vợ, chồng. Nhưng nhìn nhận di chúc chung như thế nào? Chúng ta vẫn xem là một loại di chúc đặc thù cần có quy định riêng; hay nên nhìn nhận đó là hai di chúc của hai chủ thể, được ghi nhận trong cùng một bản viết và được điều chỉnh theo luật chung về di chúc thì vẫn cần có sự giải thích từ các nhà làm luật. Và tất nhiên, khi chưa có một sự giải thích rõ ràng cho vấn đề này thì những cặp vợ chồng có tài sản chung vẫn có quyền lập di chúc chung sau ngày 01/01/2017, nhưng nếu có tranh chấp xảy ra về bản di chúc chung này, thì hướng giải quyết sẽ như thế nào? Theo tác giả, sẽ có hai cách giải quyết tùy theo cách hiểu về loại di chúc này. Một là Tòa án khi tiếp nhận các vụ, việc liên quan đến di chúc chung của vợ, chồng nếu nhìn nhận theo hướng đây là hai di chúc của hai chủ thể, được ghi nhận trong cùng một bản viết và được điều chỉnh theo luật chung về di chúc thì Tòa án sẽ giải quyết theo luật chung về di chúc (đã nói rõ ở phần trên). Hai là, nếu Tòa án xem nó là một loại di chúc đặc thù, cần phải có những quy định riêng biệt, thì lúc này có thể hiểu chúng ta chưa có quy định hiện hành nào điều chỉnh về vấn đề này. Tuy nhiên, vì khoản 2 Điều 14 BLDS 2015 quy định rằng “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng”, nên Tòa án không được từ chối giải quyết tranh chấp với lý do chưa có quy định. Theo đó, khoản 2 Điều 5 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”; và Điều 6 quy định: “Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Như vậy, các quy định trên đã hướng Tòa án giải quyết vấn đề trên theo tập quán và áp dụng tương tự pháp luật, tức là Tòa án phải tạo lập ra án lệ để điều chỉnh trên cơ sở lẽ công bằng, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. 2. 3. 132 Đỗ Thu Hiền, Di chúc chung của vợ chồng theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Đại học quốc gia Hà Nội, (2010). Ngô Huy Cương (2016), Sự ảnh hưởng của pháp luật Pháp tới luật tư ở Việt Nam, Website: https:// thongtinphapluatdansu.edu.vn/2016/11/22/01-6/. Xem các Điều 666, Điều 667, Điều 671 BLDS 1995. Tập 11, Số 4, 2017 4. 5. 6. 7. 8 9. 10. Hoàng Yến (2016), Thực tiễn thi hành BLDS: Vợ chồng lập di chúc chung, nhiều rắc rối, Website: http://www.luatbinhtan.com/bai-viet/106/thuc-tien-thi-hanh-bo-luat-dan-su-vo-chong-lap-di-chucchung-nhieu-rac-roi.html Lê Minh Hùng, Một số bất cập trong việc thừa nhận quyền lập di chúc chung của vợ chồng, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Số 4, tr. 24, (2006). Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học những điểm mới của BLDS 2015, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, (2016). Hồng Phong (2016), Loại bỏ quy định liên quan đến di chúc chung của vợ chồng trong Bộ luật Dân sự 2015, Website: http://www.kiemsat.vn/loai-bo-quy-dinh-lien-quan-den-di-chuc-chung-cua-vochong-trong-bo-luat-dan-su-2015.html Nguyễn Ngọc Điện (2015), Tính hợp lý của việc không quy định di chúc chung của vợ chồng, Website: http://baophapluat.vn/tu-phap/tinh-hop-ly-cua-viec-khong-quy-dinh-di-chuc-chung-cuavo-chong-237927.html Khoản 1 Điều 213 BLDS năm 2015. Khoản 2 Điều 218 BLDS năm 2015. 133
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.