Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non

pdf
Số trang Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non 8 Cỡ tệp Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non 411 KB Lượt tải Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non 1 Lượt đọc Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non 49
Đánh giá Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non
4.2 ( 5 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6BC, pp. 202-209 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0128 BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ DIỄN ĐẠT CHO TRẺ KHUYẾT TẬT TRÍ TUỆ HỌC HÒA NHẬP Ở MẦM NON Nguyễn Thị Hoa Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Những khó khăn do khuyết tật trí tuệ (KTTT) mang lại khiến trẻ KTTT bị thiếu hụt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngôn ngữ. Trẻ KTTT học hòa nhập thường chưa có đủ kĩ năng ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ diễn đạt để tham gia một cách đầy đủ vào các hoạt động học tập và vui chơi. Việc phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ KTTT học hòa nhập ở mầm non là rất cần thiết. Ở bài viết này chúng tôi sẽ trình bày kết quả đánh giá sự phát triển ngôn ngữ diễn đạt của một trẻ KTTT học hòa nhập ở mầm non và các biện pháp GV đã sử dụng, từ đó đưa ra những biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ. Từ khóa: Trẻ khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ diễn đạt, mầm non hòa nhập. 1. Mở đầu Một trẻ được xác định là bị KTTT khi trẻ đó có ba đặc điểm sau: hoạt động trí truệ dưới mức độ trung bình, hạn chế ít nhất hai trong số mười hành vi thích ứng và tật của trẻ xuất hiện trước 18 tuổi [5]. Phát triển ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ KTTT tuổi mầm non là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều cha mẹ, giáo viên và những người làm việc trong lĩnh vực này. Đã có một số nghiên cứu về vấn đề ngôn ngữ của trẻ KTTT trên thế giới như: Studying the Language Development of Children with Intellectual Disabilities của tác giả Leonard Abbeduto và Andrea McDuffie, năm 2012 [7]; Language development in children with mental retardation của tác giả Gauri Pruth, năm 2009... Tại Việt Nam, các nghiên cứu về ngôn ngữ của trẻ mầm non như: Luận văn thạc sĩ năm 2012, Một số biện pháp tổ chức hướng dẫn trò chơi đóng kịch nhằm phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo lớn 5-6 tuổi của tác giả Đào Thị Thu Huyền [1]; Đề tài cấp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2011, Hệ thống hóa lí luận về sự tương tác giữa mẹ và bé đối với việc phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non của tác giả Đinh Thanh Tuyến [4],. . . Các nghiên cứu đi tìm hiểu sâu về vấn đề ngôn ngữ của trẻ KTTT chưa có nhiều, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở các khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. Vì vậy việc nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phát triển ngôn ngữ của trẻ KTTT là rất cần thiết. Ngày nhận bài: 23/5/2015 Ngày nhận đăng: 11/8/2015 Liên hệ: Nguyễn Thị Hoa, e-mail: nguyenthihoa2983@yahoo.com 202 Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non 2. 2.1. Nội dung nghiên cứu Ngôn ngữ và đặc điểm ngôn ngữ diễn đạt của trẻ khuyết tật trí tuệ lứa tuổi mầm non 2.1.1. Các khái niệm cơ bản Ngôn ngữ là hệ thống các kí hiệu có cấu trúc, có nguyên tắc và có ý nghĩa được con người sử dụng trong giao tiếp [3]. Hành vi ngôn ngữ (speech acts): Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm sau: Hành vi ngôn ngữ là những hành động được thể hiện qua các phát ngôn. Ngôn ngữ diễn đạt là việc sử dụng từ, câu, điệu bộ, chữ viết để thể hiện ý nghĩa và thông điệp đến người khác. Ngôn ngữ diễn đạt bao gồm các kĩ năng như gọi tên đồ vật, mô tả hành động hoặc sự kiện, đặt các từ cạnh nhau thành câu theo đúng trật tự ngữ pháp, kể lại câu chuyện, trả lời câu hỏi... [9]. Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt là cách làm, cách tiến hành để giải quyết các nhiệm vụ nhằm giúp trẻ KTTT có được các kĩ năng ngôn ngữ diễn đạt và sử dụng chúng trong các tình huống thực tế. 2.1.2. Đặc điểm ngôn ngữ diễn đạt của trẻ khuyết tật trí tuệ lứa tuổi mầm non Trẻ KTTT lứa tuổi mầm non có những đặc điểm về mặt ngôn ngữ diễn đạt sau đây: - Về vốn từ: Trẻ KTTT có vốn từ nghèo nàn hơn, việc ghi nhớ và tiếp nhận từ hạn chế, vốn từ tích cực chưa nhiều. Khi nói trẻ KTTT chủ yếu sử dụng danh từ, các em ít sử dụng tính từ, động từ và liên từ. - Về lời nói: Việc phân biệt âm thanh cũng như việc hình thành lời nói ở trẻ KTTT xuất hiện rất chậm, ngôn ngữ của trẻ nghèo nàn và sai sót. Trẻ KTTT có thể có những bất thường trong sự phát triển ngôn ngữ diễn đạt như: không phát ra âm, phát âm thiếu, nhầm lẫn từ, nói lắp, chỉ nói ở nhà mà không nói ở trường,... - Về cấu trúc câu: Câu nói của trẻ KTTT chủ yếu là cấu trúc câu đơn giản, thường là câu ngắn 2- 3 từ, các em ít dùng những câu phức tạp, câu có liên từ, khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn tả ý kiến bản thân và hay trả lời cộc lốc. Các em thường rất khó khăn trong việc chọn lựa từ để thể hiện những ý nghĩ có các sắc thái khác nhau, không sử dụng đúng các từ phân loại như con, cái,... - Về độ lưu loát của câu nói: Do hạn chế về vốn từ, khả năng xử lí thông tin nên khi nói trẻ KTTT thường phải mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, lựa chọn từ ngữ... do đó, câu nói của các em thường thiếu sự trôi chảy, thậm chí có sự ngắt quãng khi nói. - Về việc sử dụng các hình thức phi ngôn ngữ khác: Trẻ KTTT ít khi dùng ngôn ngữ lời nói cũng như các hình thức phi ngôn ngữ khác như ánh mắt, nét mặt, cử chỉ điệu bộ... để thể hiện nhu cầu và ý kiến bản thân. Nhiều trẻ KTTT chỉ nhắc lại câu nói của người khác [5]. - Kaplan& Sadock (1998) chỉ ra rằng mức độ rối loạn về ngôn ngữ diễn đạt của trẻ KTTT là 3-10% trong tổng số trẻ KTTT [8]. 203 Nguyễn Thị Hoa 2.2. Kết quả đánh giá ngôn ngữ diễn đạt của một trẻ khuyết tật trí học hòa nhập ở mầm non 2.2.1. Kết quả đánh giá sử dụng bảng kiểm ngôn ngữ Portage Họ và tên trẻ: Nguyễn Bảo T; Tuổi: 6; Lớp: C3 (4-5 tuổi); Trường Mầm non A. Dạng và mức độ khuyết tật: KTTT mức độ trung bình. Để đánh giá ngôn ngữ diễn đạt của T, chúng tôi sử dụng Bảng kiểm ngôn ngữ trong chương trình giáo dục sớm Portage, kết hợp với quan sát, kiểm tra trực tiếp và phỏng vấn giáo viên, mẹ của trẻ. Bảng kiểm này bao gồm 6 mức độ: Mức độ 1 (0-1 tuổi), mức độ 2 (1-2 tuổi), mức độ 3 (2-3 tuổi), mức độ 4 (3-4 tuổi), mức độ 5 (4-5 tuổi) và mức độ 6 (5-6 tuổi). Thực tế qua quan sát, phỏng vấn giáo viên và mẹ của T, chúng tôi nhận thấy T đã đạt được những hành vi ngôn ngữ (HVNN ) ở mức độ 1 và mức độ 2. Do đó, chúng tôi tiến hành đánh giá ngôn ngữ của T từ mức độ 3 trở đi và sẽ ngừng đánh giá nếu T không thực hiện được nhiều HVNN ở mức độ tiếp theo. Trong mỗi mức độ, chúng tôi tiến hành đánh giá tất cả các HVNN với các nội dung: Lời nói ban đầu - Các động từ, tính từ và chuỗi 2 từ, Lời nói ban đầu - Câu hỏi, Lời nói ban đầu - Cấu trúc câu, kĩ năng lắng nghe và chú ý, kĩ năng bắt chước, trò chơi và sách tranh, kĩ năng đáp lại lời nói. Tuy nhiên trong phạm vi báo cáo này chúng tôi chỉ đưa ra các kết quả đánh giá và bình luận về các nội dung đánh giá ngôn ngữ diễn đạt của T. Kết quả đánh giá ngôn ngữ diễn đạt của T thể hiện như sau: Bảng 1. Kết quả đánh giá chung mức độ 3 Mức độ Thực hiện được Thực hiện được với sự gợi ý hoặc nhắc lại hướng dẫn Không thực hiện được ngay cả với sự gợi ý hoặc hướng dẫn Số HVNN 26 8 16 Tỉ lệ % 52 16 32 Bảng kiểm mức độ 3 bao gồm 50 HVNN. Qua đánh giá, T có thể thực hiện được 26 HVNN (chiếm 52%), thực hiện được với sự gợi ý hoặc nhắc lại hướng dẫn là 8 HVNN (chiếm 16%) và không thực hiện được 16 HVNN (chiếm 32%) ngay cả khi được gợi ý hoặc hướng dẫn. Như vậy T mới đạt được mức độ ngôn ngữ trung bình ở mức độ 3. Điều này đòi hỏi GV và cha mẹ cần lựa chọn biện pháp phù hợp hơn để phát triển ngôn ngữ cho T. Kết quả mô tả cụ thể từng nhóm kĩ năng thể hiện như sau: Bảng 2. Kết quả đánh giá Lời nói ban đầu - Các động từ, tính từ và chuỗi 2 từ Mức độ Thực hiện được Thực hiện được với sự gợi ý hoặc nhắc lại hướng dẫn Không thực hiện được ngay cả với sự gợi ý hoặc hướng dẫn Số HVNN 8 1 3 Tỉ lệ % 67,0 8,0 25,0 N104: Sử dụng những tính từ thường gặp. T biết và gọi tên được một số màu sắc cơ bản. Tuy nhiên T mới chỉ trả lời được câu hỏi về màu sắc: (tên đồ vật) màu gì? T chỉ trả lời màu của đồ vật đó mà chưa biết trả lời đầy đủ cấu trúc (tên đồ vật) + màu sắc như: Cái cốc màu xanh... Các tính từ khác T chưa biết. N105: Gọi tên hành động. T có thể nói tên một số hành động quen thuộc. VD: ăn, tắm, trượt,... Đó là những hành động diễn ra với T hàng ngày. N106: Trả lời câu hỏi (Tên) đang làm gì?. T có thể gọi tên 1 số hành động quen thuộc như: 204 Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non đi, ngồi, đứng, học bài, ăn cơm, uống nước... Khi chúng tôi hỏi T: Con đang làm gì với các tình huống tương ứng thì T có thể trả lời được với những hành động quen thuộc như: học bài, uống nước, ăn kẹo, đi chơi... N119: Kết hợp danh từ, động từ, tính từ thành chuỗi 3 từ: T chưa thực hiện được N132: Nói về những bức tranh phức tạp. T chưa thể nói về những bức tranh phức tạp với những mô tả như trong gợi ý đánh giá đưa ra như: tranh vẽ cảnh đường phố. Với các tranh T mới chỉ nói được tên đồ vật, sự vật quen thuộc với câu 1-2 từ. Bảng 3. Kết quả đánh giá Lời nói ban đầu - Câu hỏi Mức độ Thực hiện được Thực hiện được với sự gợi ý hoặc nhắc lại hướng dẫn Không thực hiện được ngay cả với sự gợi ý hoặc hướng dẫn Số HVNN 2 1 4 Tỉ lệ 28,6 14,3 57,1 N117: Trả lời câu hỏi "Ở đâu?". T có thể trả lời được câu hỏi ở đâu với các từ, vị trí quen thuộc. VD: Chúng tôi hỏi: "Quyển sách ở đâu?". T trả lời: "Tủ"... N124: Trả lời câu hỏi mình là trai hay gái: T chưa nhận biết được giới tính, con cũng chưa trả lời được câu hỏi mình là trai hay gái mặc dù được người lớn gợi ý và con cũng đã bắt chước trả lời câu hỏi này nhiều lần. N133: Hỏi "Cái gì đây/kia?". T thể hiện thiếu động cơ trong việc khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Con chưa biết đưa ra câu hỏi (tất cả các dạng câu hỏi) để hỏi thêm thông tin. N139: Dùng tên gọi để trả lời câu hỏi "Ai?": T có thể trả lời được câu hỏi này với những người thân quen. VD: Chúng tôi chỉ vào cô giáo và hỏi "Ai đây?" T trả lời: Cô Hằng. Hoặc "Ai đưa T đi học". T trả lời: Mẹ Hương. Bảng 4. Kết quả đánh giá Lời nói ban đầu - Cấu trúc câu Mức độ Thực hiện được Thực hiện được với sự gợi ý hoặc nhắc lại hướng dẫn Không thực hiện được ngay cả với sự gợi ý hoặc hướng dẫn Số HVNN 4 2 5 Tỉ lệ 36,4 18,2 45,4 N136: Dùng từ "là" trong mẫu câu. T chưa biết dùng từ "là" trong mẫu câu. Khi được hỏi câu hỏi: Đây là cái gì? T chỉ trả lời tên đồ vật chứ không trả lời cả câu: Đây là (tên đồ vật). N138: Khi không thích hoặc muốn từ chối nói "không". T chưa biết dùng từ "không" để thể hiện không thích hoặc muốn từ chối. T thường khóc để thể hiện ý muốn này. VD: Cuối giờ kiểm tra, nhìn thấy mẹ đến đón, T khóc và không thực hiện yêu cầu của cô để thể hiện mong muốn được về nhà. N142: Dùng một số tên gọi trong lớp học. T có thể hiểu và dùng một số tên gọi trong lớp học như tên một số bạn, tên đồ dùng đồ chơi. VD: T nói tên 1 số bạn trong lớp với câu hỏi: Lớp con có bạn gì? 2.2.2. Đặc điểm ngôn ngữ diễn đạt của T Từ kết quả đánh giá ngôn ngữ của T, chúng tôi tổng hợp lại các vấn đề ngôn ngữ diễn đạt của T như sau: - T có thể gọi tên được một số đồ vật, hành động, tên người... quen thuộc. Tuy nhiên, vốn từ 205 Nguyễn Thị Hoa của T còn hạn chế so với độ tuổi. Vốn từ tích cực của T rất ít, chủ yếu là vốn từ tiêu cực. - Câu nói của T ngắn. Chủ yếu chỉ nói câu 1-2 từ. Con thường trả lời không đủ câu, trả lời cộc lốc. - T có thể trả lời được một số dạng câu hỏi như Ai? Cái gì? Ở đâu?, nhưng chỉ với những gì gần gũi và quen thuộc với T. - T có thể gọi tên được một số màu sắc, tuy nhiên con chưa biết kết hợp tính từ đó với danh từ khác để tạo thành câu có cấu trúc: (Tên đồ vật) + màu sắc. - T chưa biết đặt câu hỏi. - T chưa tự nói câu thể hiện nhu cầu bản thân mà chủ yếu mới chỉ nhắc lại câu nói dạng này. Con cũng chưa biết sử dụng từ "không" để thể hiện không thích hay không muốn. 2.2.3. Những biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt của giáo viên Qua thực tế quan sát các giờ học và giờ chơi của T tại lớp mầm non hòa nhập, chúng tôi có những nhận xét sau đây về các biện pháp GV đã sử dụng trong quá trình phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T: - T chưa được xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho phù hợp với mức độ của T. Các nội dung học tập của T được GV điều chỉnh ngay trên giờ học. Việc điều chỉnh nội dung phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T như xây dựng chủ đề phát triển ngôn ngữ diễn đạt, xây dựng trò chơi phát triển ngôn ngữ diễn đạt... cho T chưa được GV định hướng một cách rõ ràng. - Trong quá trình dạy học, GV đã sử dụng kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học khác nhau. Đặc biệt, với các nội dung phát triển ngôn ngữ, GV đã sử dụng được các phương pháp đặc thù như: đàm thoại, thuyết trình, trò chơi... Tuy nhiên, GV chưa có những điều chỉnh cho phù hợp với mức độ của T. - Trong mỗi giờ học, GV chỉ gọi T phát Biểu được 1 - 2 lần. Do vậy việc điều chỉnh và mở rộng câu nói cho T (hỗ trợ từ GV) còn ít. Các hỗ trợ từ phía các trẻ khác dành cho T cũng rất hạn chế. - Nhà trường, GV chưa tổ chức được giờ học cá nhân cho T và các trẻ có nhu cầu đặc biệt khác. Đây là hạn chế lớn ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T. 2.3. Đề xuất biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non Dựa trên kết quả đánh giá ngôn ngữ diễn đạt và khả năng của T trong việc tham gia các hoạt động ở lớp và ở nhà, chúng tôi đề xuất các biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T như sau: Biện pháp 1: Mở rộng vốn từ theo chủ đề Mục đích: Cung cấp thêm vốn từ cho T để việc diễn đạt lời nói được dễ hơn, câu nói được mở rộng hơn. Nội dung: Các chủ đề phát triển vốn từ hiện cần thiết với T đó là: Chủ đề tên hành động, chủ đề tên con vật, chủ đề tên đồ vật. Cách tiến hành biện pháp: Kết hợp với các chủ đề ở trường mầm non, GV lồng ghép các chủ đề này sao cho phù hợp. GV tổ chức các hoạt động nhằm mở rộng vốn từ cho T trong các tiết học nhóm tại lớp. Ngoài ra GV cũng cần hướng dẫn cha mẹ để họ có thể tổ chức hoạt động phát triển vốn từ cho T theo các chủ đề này theo hình thức cá nhân tại gia đình. Khi dạy trẻ các từ mới 206 Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non về tên con vật, tên đồ vật trong từng chủ điểm, cha mẹ và GV có thể sử dụng mở rộng vốn từ cho T liên quan đến các từ chỉ đặc điểm của đồ vật, con vật như: màu sắc, hình dáng, tác dụng.... của đồ vật, con vật. Biện pháp 2: Xây dựng mẫu câu và dạy trẻ tập nói theo mẫu Mục đích: Mở rộng câu nói cho T. Nội dung: Xây dựng mẫu câu 3-4 từ và dạy T tập nói mẫu câu đó gắn liền với văn cảnh. Cách tiến hành biện pháp: Kết hợp với biện pháp 1, cùng với việc cung cấp vốn từ theo chủ đề, GV và cha mẹ xây dựng câu 3-4 từ và hướng dẫn T bắt chước và tập nói theo câu 3-4. VD: Trong chủ điểm con vật, dạy T về con gà, ngoài dạy T từ "con gà", có thể làm mẫu để T bắt chước câu dài hơn như: "con gà trống", " gáy ò ó o"... Bên cạnh đó, cha mẹ nên tận dụng các tình huống trong cuộc sống hàng ngày để dạy T nói mẫu câu 3-4 từ. Biện pháp 3: Đàm thoại và sử dụng hệ thống câu hỏi đa dạng Mục đích: Tạo sự hứng thú và kích thích T nói với việc trả lời các loại câu hỏi khác nhau, tránh sự nhàm chán. Nội dung: Sử dụng các loại câu hỏi khác nhau như: Ai, cái gì, ở đâu, làm gì, câu hỏi lựa chọn một trong hai,... Cách tiến hành biện pháp: Kết hợp với biện pháp 2, trong quá trình dạy học trên lớp theo hình thức nhóm, GV nên thường xuyên đưa ra các loại câu hỏi khác nhau và khuyến khích T trả lời. Nếu như T chưa trả lời được thì GV nói mẫu câu trả lời để T bắt chước theo. Cố gắng làm mẫu câu 3-4 từ để mở rộng câu nói cho T, sau đó hướng dẫn T tự nói. Cha mẹ cũng nên tận dụng các tình huống trong cuộc sống để dạy ngôn ngữ diễn đạt cho T. VD: Trong giờ ăn, mẹ hỏi: "Con ăn cá hay ăn thịt" và hướng dẫn T trả lời đủ câu, VD: "Con ăn thịt" hoặc "Con ăn cá". Biện pháp 4: Sử dụng trò chơi phát triển ngôn ngữ diễn đạt Mục đích: Tạo ra sự hứng thú và kích thích trẻ nói. Nội dung: Một số trò chơi phát triển ngôn ngữ diễn đạt như: • Trò chơi 1: Làm quen. - Mục đích: Kích thích trẻ nói và mở rộng câu nói. - Chuẩn bị: 1 quả bóng loại vừa. - Cách tiến hành: Cho trẻ đứng thành vòng tròn, quả bóng được ném đến ai thì người đó phải nói tên, tuổi, địa chỉ nhà... (Nếu T chưa tự nói được thì GV làm mẫu câu nói. VD: Con tên là T, con 6 tuổi...) • Trò chơi 2: Ai nói đúng. - Mục đích: Kích thích T nói. - Chuẩn bị: Tranh về các đồ vật, con vật, đồ chơi... - Cách tiến hành: Mỗi trẻ lên bốc 1 bức tranh và nói về bức tranh đó. GV dành cho T phiếu bài tập phù hợp với T. Với trẻ của cả lớp, GV yêu cầu mô tả kĩ về bức tranh. Với T, GV yêu cầu con nói 1 câu 3-4 từ về bức tranh đó như ví dụ ở trên. Nếu T chưa nói được thì GV làm mẫu câu nói và yêu cầu T bắt chước. Ngoài ra có thể thiết kế và sử dụng các trò chơi khác để phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T. Cách tiến hành biện pháp: Ở lớp, GV có thể tổ chức trò chơi này để cả lớp cùng chơi và hướng dẫn T chơi. Ở nhà cha mẹ cũng có thể tổ chức các hoạt động này với sự tham gia của cả nhà. 207 Nguyễn Thị Hoa Sự phối hợp các biện pháp: Mỗi biện pháp có thể được tiến hành riêng lẻ hoặc có sự kết hợp giữa các biện pháp tùy vào điều kiện thực hiện. Để nâng cao hiệu quả phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T, GV và cha mẹ nên tiến hành với sự phối hợp linh hoạt các biện pháp trong quá trình tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ diễn đạt. Ngoài ra, GV và cha mẹ cũng nên thường xuyên trao đổi, kết hợp với nhau trong việc cùng tiến hành các biện pháp và đánh giá hiệu quả thực hiện các biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T. 3. Kết luận Phát triển ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ KTTT học hòa nhập ở mầm non là rất cần thiết. Có ngôn ngữ diễn đạt tốt sẽ giúp trẻ KTTT hòa nhập tốt hơn với môi trường học tập và vui chơi. Với trường hợp nghiên cứu trên, chúng tôi cho rằng GV và cha mẹ nên quan tâm và tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T thường xuyên với các biện pháp đã đề xuất trên góp phần nâng cao hiệu quả phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho T. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đào Thị Thu Huyền, 2012. Một số biện pháp tổ chức hướng dẫn trò chơi đóng kịch nhằm phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo lớn 5-6 tuổi. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [2] Nguyễn Xuân Khoa, 2004. Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [3] Nguyễn Thị Hồng Mát, 2002. Biện pháp phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 208 Biện pháp phát triển ngôn ngữ diễn đạt cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở mầm non [4] Đinh Thanh Tuyến, 2011. Hệ thống hóa lí luận về sự tương tác giữa mẹ và bé đối với việc phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non. Đề tài cấp trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [5] Nguyễn Thị Hoàng Yến, Đỗ Thị Thảo, 2010. Đại cương giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [6] Gauri Pruthi, 2009. Language development in children with mental retardation. National Council of Educational Research and Training. [7] Leonard Abbeduto, Sara T. Kover MS, Andrea McDuffie PhD, 2012. Studying the Language Development of Children with Intellectual Disabilities. Blackwwell Publishing. [8] Haris Memisevic, Selmer Hadzic, 2013. Speech and language disorder in children with intellectual disability in Bosnia and Herzegovina. Vol 24, No.2; doi 10.5463/DICD.v24i2.214. [9] http://www.childdevelopment.com.au/understanding-language/65. ABSTRACT Methods to help children with an intellectual disability in inclusive preschools develop the ability to speak expressively Children with intellectual disabilities have deficits in many domains and children with an intellectual disability in an inclusive setting do not have age appropriate language skills that they can use when learning and playing. Developing the ability to use language is essential and this is equally true for children with an intellectual disability in an inclusive preschool. In this article, we present an assessment of expressive language ability of one child in an inclusive preschool and we propose ways to develop his ability to use language more expressively. Keywords: Childrem with intellectual disability, Expressive language, Inclusive preschool. 209
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.