Báo cáo " Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài-một số vấn đề áp dụng pháp luật theo quy định tại phần 7 Bộ luật dân sự năm 2005 "

pdf
Số trang Báo cáo " Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài-một số vấn đề áp dụng pháp luật theo quy định tại phần 7 Bộ luật dân sự năm 2005 " 6 Cỡ tệp Báo cáo " Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài-một số vấn đề áp dụng pháp luật theo quy định tại phần 7 Bộ luật dân sự năm 2005 " 147 KB Lượt tải Báo cáo " Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài-một số vấn đề áp dụng pháp luật theo quy định tại phần 7 Bộ luật dân sự năm 2005 " 0 Lượt đọc Báo cáo " Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài-một số vấn đề áp dụng pháp luật theo quy định tại phần 7 Bộ luật dân sự năm 2005 " 7
Đánh giá Báo cáo " Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài-một số vấn đề áp dụng pháp luật theo quy định tại phần 7 Bộ luật dân sự năm 2005 "
4.6 ( 8 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

nghiªn cøu - trao ®æi ThS. NguyÔn B¸ B×nh * K hác với một số nước trên thế giới (như Ba Lan, Áo, Thuỵ Sĩ, Séc, Slovakia…), ở Việt Nam phần quy định về quan hệ dân sự theo nghĩa rộng (các quan hệ được coi là có tính chất dân sự như quan hệ dân sự truyền thống, quan hệ kinh tế - thương mại, quan hệ hôn nhân và gia đình, quan hệ lao động, quan hệ tố tụng dân sự) có yếu tố nước ngoài không được xác lập trong một đạo luật tư pháp quốc tế riêng mà tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Tuy vậy, các quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong Bộ luật dân sự (BLDS) luôn được coi là "phần hồn" của tư pháp quốc tế Việt Nam. Điều này càng trở nên hiện thực và không còn gì phải tranh luận thêm khi lần đầu tiên BLDS năm 2005 chính thức được thừa nhận một cách rõ ràng là "đạo luật mẹ" (điều chỉnh không chỉ các quan hệ dân sự truyền thống mà còn cả các quan hệ kinh tế - thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình). Vì lẽ đó, nghiên cứu các quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong BLDS năm 2005 được xem như nghiên cứu về cốt lõi của tư pháp quốc tế Việt Nam. Cũng giống như BLDS năm 1995, phần các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã được quy định tại Phần 7 BLDS năm 2005. Tuy nhiên, nếu như tại BLDS năm 1995 chỉ có 13 điều (trên tổng số 838 điều của Bộ luật) thì lần này số lượng điều đã được tăng thêm 7 điều (20 điều trên t¹p chÝ luËt häc sè 10/2006 tổng số 777 điều của Bộ luật). Để giải quyết các vấn đề cụ thể của tư pháp quốc tế như xung đột pháp luật về hợp đồng, về hôn nhân và gia đình, về sở hữu, thừa kế… thì vấn đề được coi là nền tảng và cần phải xác định một cách chuẩn xác đó là vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng. Dẫu rằng BLDS năm 2005 không có sự tăng lên về mặt số lượng điều luật quy định đối với vấn đề này nhưng nội dung quy định thì đã có những thay đổi nhất định so với BLDS năm 1995. Mặc dù BLDS năm 2005 được ban hành và có hiệu lực chưa lâu nhưng theo chúng tôi cần có những nhìn nhận mới về nội dung này cho phù hợp với lí luận cũng như đảm bảo sự dễ dàng và thống nhất trong áp dụng trên thực tế. Vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 759 BLDS năm 2005 như sau: " Điề u 7 59. Áp dụng pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế. 1. Các quy định của pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác. * Giảng viên Khoa luật quốc tế Trường Đại học Luật Hà Nội 3 nghiªn cøu - trao ®æi 2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. 3. Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 4. Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Cách quy định như trên của BLDS đặt ra một loạt các nội dung cần trao đổi và nhìn nhận lại sau: 4 - Thứ nhất, nhìn một cách tổng thể việc sử dụng ngôn từ là chưa có sự nhất quán. Cụ thể là, nếu như tên điều luật và ở khoản 1 sử dụng cụm từ "pháp luật dân sự Việt Nam" thì các khoản tiếp theo lại sử dụng một loạt các cụm từ khác nhau như "Bộ luật này", "Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" hay "pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Về mặt khoa học, chúng ta đều thừa nhận rằng khi pháp luật của một quốc gia được áp dụng để giải quyết quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia chứ không phải là một đạo luật hay một ngành luật cụ thể của quốc gia.(1) Nguyên do dẫn đến sự không nhất quán trên có lẽ là bởi Việt Nam chưa có một đạo luật tư pháp quốc tế riêng biệt như một số quốc gia khác, trong khi chúng ta vẫn thiếu "một quyết sách rõ ràng" cho mong muốn biến phần 7 - BLDS thành "phần chung của tư pháp quốc tế Việt Nam"(2) và vấn đề "giới hạn hiệu lực của BLDS".(3) Hiện nay, phạm vi điều chỉnh của BLDS năm 2005 được xác định rất rộng: "BLDS quy định địa vị pháp lí, chuẩn mực pháp lí cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).(4) BLDS năm 2005 đã được xác định là "đạo luật mẹ",(5) thiết nghĩ chúng ta cũng nên mạnh dạn xác định phần 7 của BLDS năm 2005 như là một "đạo luật tư pháp quốc tế Việt Nam thu nhỏ", theo đó cần quy định một cách chuẩn xác về vấn đề này t¹p chÝ luËt häc sè 10/2006 nghiªn cøu - trao ®æi và cụm từ phù hợp nhất để thay thế cho các cụm từ nói trên là "pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". - Thứ hai, liên quan đến Điều 759, cần tìm hiểu thêm khoản 3 Điều 2 BLDS năm 2005: "BLDS được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác". Đây là quy định nằm trong phần "hiệu lực của BLDS", tuy nhiên nếu liên hệ với quy định tại Điều 759 thì rõ ràng là có sự trùng lặp.(6) Theo chúng tôi, để giữ nguyên tính chất đồng bộ của phần 7 BLDS năm 2005 - là phần đưa ra các quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và xét cả về bản chất thì phần quy định về hiệu lực của BLDS không nhất thiết phải đề cập cả vấn đề này. Do đó nên bỏ quy định tại khoản 3 Điều 2 BLDS năm 2005. - Thứ ba, về quy định tại khoản 1 Điều 759 BLDS năm 2005: "Các quy định của pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác". Theo chúng tôi, ngoài việc chúng ta cần thay cụm từ "pháp luật dân sự Việt Nam" bằng "pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" như đã phân tích ở trên, cũng nên có sự cân nhắc, xem xét cụm từ "trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác". Bởi vì với cách quy định như vậy có thể dẫn tới hai cách hiểu chính: Nếu hiểu rằng đây là một khoản quy định mang tính tổng quát(7) thì việc chỉ "trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác" là còn thiếu, bởi vấn đề đặt ra là các văn bản t¹p chÝ luËt häc sè 10/2006 quy phạm pháp luật khác như Luật hôn nhân và gia đình, Luật thương mại, Bộ luật lao động... và thậm chí văn bản dưới luật có "quy định khác" thì sao? Do đó, nếu theo cách hiểu này thì nên bỏ cụm từ "Bộ luật này" và chỉ để lại một cách bao quát là "trừ trường hợp có quy định khác". Nếu hiểu theo cách thứ hai, các trường hợp có "quy định khác" ở đây chính là các quy định tại khoản 2, 3, 4 tiếp theo.(8) Vậy thì trong bối cảnh mà yêu cầu pháp luật phải đảm bảo tính cụ thể, minh bạch được đặt lên cao hơn bao giờ hết, thiết nghĩ nên sửa lại là "trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này".(9) - Thứ tư, về việc áp dụng tập quán quốc tế được quy định tại khoản 4 Điều 759 BLDS năm 2005: "Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Với cách quy định này thì tập quán quốc tế chỉ có thể được áp dụng khi đảm bảo cả hai điều kiện cần và đủ: một là, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó không được pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và hợp đồng giữa các bên điều chỉnh; hai là, việc áp dụng và hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Với cách hiểu đó thì tập 5 nghiªn cøu - trao ®æi quán quốc tế chỉ được coi là giải pháp cuối cùng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, tự do thoả thuận luôn được coi là "nguyên tắc vàng" của hợp đồng dân sự - theo đó sự tự do ý chí của các bên chủ thể phải được tôn trọng một cách tối đa.(10) Trên tinh thần đó các bên có quyền tự do thoả thuận về nội dung hợp đồng. Nội dung hợp đồng có yếu tố nước ngoài không chỉ là các điều khoản về quyền, nghĩa vụ các bên, đối tượng hợp đồng, giá cả... mà còn cả vấn đề pháp luật áp dụng. Thực tế là đoạn 2 khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 với quy định: "Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã cho thấy các bên trong hợp đồng hoàn toàn có quyền tự do thoả thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng, dĩ nhiên sự lựa chọn đó vẫn phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Xem xét trong tính tương quan với pháp luật nước ngoài, rõ ràng giống như pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế cũng là một loại nguồn luật của tư pháp quốc tế, vậy nên chăng chúng ta quy định cụ thể luôn trong luật về khả năng của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh? Theo chúng tôi điều này cũng hết sức phù hợp, góp phần đảm bảo tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật, khi mà tại Luật thương mại Việt Nam năm 2005 chúng ta đã có quy định cho thấy một cách rõ ràng về khả năng các bên 6 tham gia hợp đồng được phép thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế để điều chỉnh quan hệ giữa họ. Cụ thể là theo khoản 2 Điều 5 Luật thương mại Việt Nam năm 2005 quy định: "Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam". Nếu đi theo hướng bổ sung khả năng cho phép các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận áp dụng tập quán quốc tế thì có thể bổ sung cụm từ "tập quán quốc tế" vào sau cụm từ "pháp luật nước ngoài" ở đoạn 2 khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 nêu trên, theo đó đoạn 2 khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 trong trường hợp này sẽ là: "Pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". - Thứ năm, về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài được quy định tại khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 có một số vấn đề cần trao đổi như sau: + Quy định này vẫn chưa bao quát được hết các trường hợp pháp luật nước ngoài có thể được áp dụng. Theo khoản 3 thì pháp luật nước ngoài có thể áp dụng khi rơi vào một trong các trường hợp sau: - Được BLDS hoặc các văn bản pháp luật khác của Việt Nam quy định; - Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định; - Được các bên thoả thuận trong hợp đồng. t¹p chÝ luËt häc sè 10/2006 nghiªn cøu - trao ®æi Tuy nhiên, cần thấy rằng với tính chất là một loại nguồn của tư pháp quốc tế, tập quán quốc tế cũng có thể được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh. Trong khi có những tập quán quốc tế không chỉ quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự mà còn dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài nào đó. Nếu vậy, khi chúng ta áp dụng những tập quán quốc tế có dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài thì rõ ràng pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu tới sẽ được áp dụng. Qua việc phân tích này cho thấy rằng quy định tại khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 vẫn chưa cho thấy rõ trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng khi "tập quán quốc tế được các bên thoả thuận trong hợp đồng dẫn chiếu tới". Nếu liên hệ đến những quy định trước đây, cụ thể là theo Điều 4 Nghị định số 60CP ngày 6/6/1997 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của BLDS năm 1995 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định 60-CP): "Trong trường hợp BLDS, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia không quy định, hoặc hợp đồng dân sự không có thoả thuận về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, thì áp dụng tập quán quốc tế về chọn pháp luật áp dụng...". Quy định này cho thấy quan điểm đã từng tồn tại của pháp luật Việt Nam là pháp luật nước ngoài cũng có thể được áp dụng trên cơ sở "tập quán quốc tế về chọn luật áp dụng". Vậy thì xem xét trên cơ sở tính hợp lí của vấn đề và cả qua quá trình kiểm nghiệm thực tế áp dụng Nghị định 60t¹p chÝ luËt häc sè 10/2006 CP, nên chăng chúng ta "luật hóa" luôn nội dung quy định về khả năng pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu tới từ tập quán quốc tế đã được ghi nhận tại Nghị định 60-CP vào trong BLDS. + Với việc quy định tại đoạn 2 khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 là "Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thì câu hỏi đặt ra ở đây là nếu sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng không trái với pháp luật Việt Nam nhưng trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì sao? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế. Ví dụ, 1 công ti mang quốc tịch Anh (trụ sở ở Anh) kí hợp đồng với 1 công ti mang quốc tịch Việt Nam (trụ sở ở Việt Nam), trong hợp đồng thoả thuận pháp luật áp dụng cho nội dung hợp đồng là pháp luật Mĩ. Giả định rằng giữa Việt Nam và Anh có một điều ước quốc tế về vấn đề này trong đó quy định đối với hợp đồng giữa thương nhân hai nước thì pháp luật áp dụng để giải quyết cho nội dung hợp đồng là pháp luật nước kí kết có toà án thụ lí vụ việc. Vậy thì trong trường hợp này việc thoả thuận là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam (quy định tại Điều 769 BLDS năm 2005) nhưng nó lại trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (với quy định của điều ước thì rõ ràng không cho phép các bên thoả thuận về lựa chọn pháp luật). Theo quan điểm của chúng tôi, đoạn 2 khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 cần được sửa đổi, bổ sung theo 7 nghiªn cøu - trao ®æi hướng: "Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên". Vấn đề cuối cùng liên quan đến việc áp dụng pháp luật được nêu tại khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005 đó là dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba. Quan điểm khoa học và pháp luật thực định của Việt Nam là khi quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật của một nước nhất định là dẫn chiếu đến toàn bộ hệ thống pháp luật của nước đó, tức là bao gồm cả các quy phạm xung đột. Vì vậy, tất yếu có thể dẫn đến hiện tượng: Pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến pháp luật nước A nào đó nhưng pháp luật nước A lại dẫn chiếu ngược trở lại pháp luật Việt Nam (dẫn chiếu ngược) hoặc dẫn chiếu tiếp đến pháp luật của một nước B khác (dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba). Phương án xử lí đối với trường hợp dẫn chiếu ngược đã được quy định tại khoản 3 Điều 827 BLDS năm 1995, khoản 3 Điều 5 Nghị định 60-CP và đã được tiếp tục ghi nhận tại khoản 3 Điều 759 BLDS năm 2005. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba thì lại không hề có quy định trong BLDS năm 2005. Cần phải thấy rằng mặc dù trước đây vấn đề này không được quy định tại BLDS năm 1995 nhưng đã được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 60-CP, theo đó thì pháp luật nước thứ ba sẽ được áp dụng. Quy định đã có tại Nghị định 60-CP là hoàn toàn hợp lí cả về mặt lí luận và thực tiễn, vì thế có thể 8 khẳng định rằng việc không "luật hoá" quy định này và thể hiện rõ trong BLDS năm 2005 là sự thiếu hụt đáng tiếc và cần sớm có sự khắc phục để tránh việc lúng túng trong thực tiễn giải quyết vụ việc - giải pháp trước mắt cho vấn đề này có lẽ nên quy định rõ cách thức xử lí đối với trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba trong nghị định hướng dẫn thi hành BLDS năm 2005./. (1).Xem: Giáo trình tư pháp quốc tế, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Bá Diến chủ biên, Nxb. ĐHQG Hà Nội, tr. 85 - tr. 89. (2).Xem: TS. Đỗ Văn Đại đã gọi phần 7 với cái tên như vậy tại bài viết "Nên bổ sung vào phần 7 BLDS quy phạm áp dụng bắt buộc", Tạp chí NCLP số 1/2001, tr. 52; giới luật học ở Việt Nam hầu hết đều cho rằng phần 7 BLDS chính là những quy định nền tảng của tư pháp quốc tế Việt Nam. (3). Quan niệm BLDS chỉ điều chỉnh những vấn đề thuộc về dân sự, chứ không thể điều chỉnh các vấn đề pháp luật Việt Nam nói chung. (4). Đoạn 1 Điều 1 BLDS năm 2005. (5).Xem: TS. Đinh Trung Tụng, "Những nội dung cơ bản của BLDS năm 2005", kỉ yếu Chương trình tập huấn BLDS năm 2005 và Luật thương mại năm 2005 Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp - Vụ pháp luật dân sự - kinh tế - Bộ tư pháp, Hà Nội ngày 21/07/2005, tr. 6. (6). Xem nội dung khoản 1 và khoản 2 Điều 759 BLDS năm 2005 rõ ràng cũng thể hiện nội dung giống như tại khoản 3 Điều 2 BLDS năm 2005. (7). Quy định chung vậy, chỗ nào có sự khác biệt thì chỗ đó chính là "quy định khác". (8). Theo chúng tôi hiểu theo cách này sẽ chuẩn xác hơn. (9). Thực tế là tại Điều 766 BLDS năm 2005 về quyền sở hữu tài sản cũng đã được quy định theo hướng mới này (khác với quy định cũ của BLDS năm 1995). (10). BLDS năm 2005 tại Điều 4 đã nhấn mạnh hơn nữa quyền tự do này so với BLDS năm 1995, với quy định: "Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội". t¹p chÝ luËt häc sè 10/2006
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.