Báo cáo "Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay "

pdf
Số trang Báo cáo "Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay " 8 Cỡ tệp Báo cáo "Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay " 173 KB Lượt tải Báo cáo "Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay " 0 Lượt đọc Báo cáo "Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay " 1
Đánh giá Báo cáo "Một số vấn đề về hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay "
4 ( 13 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

nghiªn cøu - trao ®æi PGS. TS. TrÇn V¨n §é * 1. Đặt vấn đề Quyền lực nhà nước và giám sát thực hiện quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, trong đó có các nhà khoa học pháp lí. Thực hiện quyền lực nhà nước như thế nào? giám sát việc toà án thực hiện quyền lực đó ra sao là những nội dung chính của vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết. Nếu như việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước (trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng) nhìn chung đã được khẳng định thì việc tổ chức giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước lại chưa được nghiên cứu và khẳng định một cách thấu đáo về khoa học, chưa được chứng minh rõ ràng về thực tiễn. Những vấn đề như bản chất hoạt động giám sát quyền lực là gì? Ai là người thực hiện việc giám sát? Các hình thức và nội dung giám sát như thế nào... để quyền lực nhà nước không đi chệch bản chất nhân dân, để hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước đạt hiệu quả, khoa học... đang là những nội dung cần được nghiên cứu và giải quyết về mặt lí luận hiện nay. Quyền tư pháp là một bộ phận quyền lực nhà nước. Cũng như quyền lực nhà nước nói chung, việc thực hiện quyền tư pháp cũng cần được giám sát. Tuy quyền lực nhà nước 24 là thống nhất nhưng mỗi loại quyền lực cũng có những điểm đặc thù và được tổ chức thực hiện bằng các hình thức và biện pháp khác nhau. Và vì vậy, giám sát việc thực hiện các loại quyền lực đó cũng có những điểm đặc trưng riêng. Hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước và giám sát thực hiện quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề rất rộng, đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và kĩ càng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một loại hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước là hoạt động tư pháp và một trong những hình thức giám sát hoạt động đó là kiểm sát hoạt động tư pháp. 2. Quan niệm về hoạt động tư pháp Trước năm 2002, pháp luật nước ta quy định các viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tố chức và cá nhân, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trong thời kì này, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp được coi như một bộ phận của kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung (kiểm sát chung) nên việc xác định thế nào là hoạt động tư pháp và từ đó thế nào là kiểm sát * Tòa án quân sự trung ương T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 nghiªn cøu - trao ®æi hoạt động tư pháp chưa được đặt ra một cách cấp thiết. Thậm chí, trong một số công trình nghiên cứu, một số tác giả cho rằng không thể phân biệt rạch ròi chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của viện kiểm sát các cấp. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) và các văn bản pháp luật khác quy định chức năng của viện kiểm sát đã có sự thay đổi căn bản. Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì các viện kiểm sát chỉ có hai chức năng độc lập là: 1) Thực hành quyền công tố; 2) Kiểm sát các hoạt động tư pháp. Còn chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung được bãi bỏ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc làm sáng tỏ thế nào là hoạt động tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định phạm vi, nội dung hoạt động của viện kiểm sát các cấp theo pháp luật hiện hành. Trong khoa học pháp lí cho đến nay hầu như chưa có ai đề cập một cách cụ thể, rõ ràng đến vấn đề thế nào là hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, cũng đã có những công trình nghiên cứu đến khía cạnh này hay khía cạnh khác của hoạt động này. Theo GS. TSKH. Đào Trí Úc thì hoạt động tư pháp là hoạt động áp dụng pháp luật trên cơ sở có những sự kiện pháp lí xảy ra dẫn đến những vấn đề có tính chất như là xung đột hay những quan hệ pháp lí cần giải quyết, đó là hoạt động phán xử; đó là tất cả các hoạt động liên quan đến xét xử.(1) Theo PGS.TS. Võ Khánh Vinh thì quyền tư pháp và xét xử là những khái niệm cùng loại, gần giống nhau về nội dung nhưng T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 không đồng nhất với nhau. Xét xử là biểu hiện quan trọng của quyền tư pháp nhưng không đồng nhất với quyền tư pháp. Ngoài xét xử, thực hiện quyền tư pháp còn bao gồm những hoạt động khác như kiểm tra các quyết định và hoạt động của cơ quan nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn, giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật, tham gia vào quá trình hình thành đội ngũ thẩm phán, bảo đảm việc thi hành và chấp hành các bản án, các quyết định khác...(2) GS.TS. Hoàng Văn Hảo thì cho rằng ở Việt Nam, quyền tư pháp gồm hai nội dung là quyền thẩm phán và quyền kiểm sát; chế độ tư pháp khác với chế độ tố tụng. Và như vậy, hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động xét xử và hoạt động kiểm sát.(3) TSKH. Lê Cảm phân hoạt động tư pháp theo nghĩa rộng (bao gồm hoạt động xét xử của toà án, hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật và hoạt động của hệ thống bổ trợ tư pháp) và theo nghĩa hẹp (hoạt động xét xử của toà án theo tố tụng).(4) Ngoài ra, còn có những quan niệm khác về quyền tư pháp, về hoạt động tư pháp. Các quan niệm đó tựu trung lại thể hiện ở ba nhóm sau: - Loại quan niệm thứ nhất cho rằng hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan tư pháp. Quan niệm này bỏ qua một loại hoạt động của các cơ quan không được coi là cơ quan tư pháp nhưng lại thực hiện một số chức năng hoặc nhiệm vụ tư pháp như hải quan, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, các cơ quan khác thuộc Bộ công an, đơn vị bộ đội...; 25 nghiªn cøu - trao ®æi - Loại quan niệm thứ hai cho rằng hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Theo chúng tôi, quan niệm này lại hướng hoạt động tư pháp vào lĩnh vực hình sự mà bỏ qua các hoạt động khác. Hơn nữa, hoạt động liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử không chỉ liên quan đến các cơ quan tiến hành tố tụng mà cả các cơ quan, cá nhân khác; - Loại quan niệm thứ ba cho rằng tư pháp là xét xử; nhiệm vụ của tư pháp là áp dụng pháp luật vào các tranh chấp pháp lí hay các trường hợp cụ thể khác. Quan niệm này lại quá thu hẹp phạm vi hoạt động tư pháp trong điều kiện phân công thực hiện chức năng liên quan đến quyền tư pháp ở nước ta. Các văn kiện của Đảng ta thường đề cập công tác tư pháp chứ không phải là hoạt động tư pháp. Nghiên cứu tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, chúng tôi thấy rằng khái niệm công tác tư pháp rộng hơn, bao gồm cả thiết chế, tổ chức và hoạt động tư pháp. Hoạt động tư pháp chỉ là một bộ phận hợp thành của công tác tư pháp. Ngoài ra, cũng trong Nghị quyết, hoạt động tư pháp không chỉ là điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án mà còn bao gồm các hoạt động khác như giám định, luật sư, công chứng... Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết thì hoạt động tư pháp rộng hơn quan niệm phổ biến hiện nay (chỉ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án). Pháp luật nước ta không có khái niệm 26 hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, qua phân tích các quy định của pháp luật về chức năng của viện kiểm sát chúng ta cũng có thể nhận thấy được phạm vi hoạt động tư pháp được đề cập tương đối rõ ràng. Theo Điều 3 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân thì viện kiểm sát thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử các vụ án hình sự, kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành các bản án, quyết định của toà án nhân dân và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lí và giáo dục người chấp hành án phạt tù. Qua phân tích nội dung quy định trên của điều luật, chúng ta có thể có một số nhận xét như sau: - Hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong điều tra vụ án hình sự, hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án; - Ngoài hoạt động điều tra, người làm luật không đề cập chủ thể hoạt động trong xét xử và thi hành án. Tuy người ta vẫn thường hiểu hoạt động xét xử là của toà án, hoạt động thi hành án là của các cơ quan thi hành án; - Hoạt động của viện kiểm sát không phải là đối tượng kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Hay có thể nói cách khác, phải T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 nghiªn cøu - trao ®æi chăng hoạt động của viện kiểm sát không phải là hoạt động tư pháp. Rõ ràng, cho đến nay trong lí luận, trong hoạt động lập pháp và trong chỉ đạo hoạt động tư pháp chưa có quan điểm thống nhất về hoạt động tư pháp đang tồn tại các quan niệm hoặc là thu hẹp phạm vi hoạt động tư pháp; hoặc là lẫn lộn giữa hoạt động tư pháp với công tác tư pháp... Chúng tôi cho rằng để có quan niệm đúng đắn về hoạt động tư pháp và xác định chính xác phạm vi hoạt động tư pháp, chúng ta phải xuất phát từ nhận thức vấn đề về quyền tư pháp và tổ chức thực hiện quyền tư pháp trong điều kiện xuất phát điểm quyền lực nhà nước là tập trung trên cơ sở phân công thực hiện chức năng ở nước ta hiện nay. Theo quan điểm truyền thống trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay nếu lập pháp là ban hành luật, hành pháp là tổ chức thi hành các đạo luật được ban hành thì tư pháp là xét xử, hay nói rộng hơn, là giải quyết các tranh chấp pháp luật, các vi phạm pháp luật xảy ra trong xã hội. Để giải quyết các tranh chấp pháp luật, các vi phạm pháp luật thì ngoài toà án là cơ quan được giao chức năng thay mặt nhà nước ra các phán quyết còn có sự tham gia của nhiều cơ quan, thậm chí tổ chức và cá nhân khác. Không có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan điều tra, không có quyết định truy tố của viện kiểm sát thì không có xét xử vụ án hình sự; không có khởi kiện của nguyên đơn dân sự thì không có vụ án dân sự. Trong giải quyết vụ án hình sự, dân sự, kinh tế ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khác như hoạt động của các cơ quan T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 được giao thực hiện một số nhiệm vụ điều tra, hoạt tổ chức giám định tư pháp, cơ quan công chứng tư pháp, người bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi cho đương sự... có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cho phán quyết của toà án chính xác, khách quan. Vì vậy, việc thực hiện quyền tư pháp tức quyền thay mặt nhà nước (quyền lực nhà nước) phán quyết về xung đột pháp lí, vi phạm pháp luật là duy nhất của toà án nhưng hoạt động để đi đến phán quyết đó lại không chỉ riêng của toà án. Từ cách nhìn nhận trên, chúng tôi cho rằng hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp pháp lí, các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phán quyết của toà án và thi hành các phán quyết đó theo thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định. Từ góc độ chủ thể, hoạt động tư pháp là hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan tư pháp), các cơ quan thực hiện một số nhiệm vụ tố tụng, các cơ quan bổ trợ tư pháp (giám định tư pháp, công chứng tư pháp, luật sư); Từ góc độ nội dung, hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hoạt động xét xử vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hoạt động giải quyết các việc tranh chấp khác của toà án, hoạt động thi hành án. Từ quan niệm trên, theo chúng tôi đặc trưng của hoạt động tư pháp là: + Hoạt động đó gắn liền với tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật. Hoạt động tư pháp cụ thể chỉ phát sinh khi có vi phạm pháp luật; 27 nghiªn cøu - trao ®æi + Hoạt động tư pháp phải có tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Sự độc lập của hoạt động tư pháp đảm bảo cho xác nhận sự kiện pháp lí và phán quyết mang tính chính xác, khách quan. Việc từ trước đến nay chúng ta chỉ đề cập sự độc lập của toà án mà bỏ qua tính độc lập tương đối của các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào hoạt động tư pháp là trái với đặc trưng này; + Hoạt động tư pháp phải được điều chỉnh bằng thủ tục tố tụng công khai, rõ ràng, minh bạch.(5) Vì vậy, cho đến nay các hoạt động giám định tư pháp, công chứng tư pháp... vẫn chưa được quy định bằng các thủ tục tố tụng cần thiết làm cho các cơ quan, tổ chức này lúng túng trong thực hiện các hoạt động của mình. Nhiều trường hợp các hoạt động này lại được tổ chức thực hiện bằng các biện pháp quản lí hành chính như đối với cơ quan hành pháp, theo nguyên tắc hành chính mệnh lệnh hoặc chỉ huy phục tùng. Điều này hạn chế đến tính khách quan của hoạt động đó, gây khó khăn cho việc xét xử của toà án. 3. Quan niệm về kiểm sát hoạt động tư pháp Trong sách báo pháp lí nước ta cho đến nay chưa có ai đề cập bản chất của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Cũng có ý kiến cho rằng kiểm sát tư pháp là hoạt động đặc thù liên quan đến hoạt động tư pháp mà các lĩnh vực hoạt động nhà nước khác không có. Quan niệm như vậy là không chính xác, bởi vì để đảm bảo đúng hướng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, có hiệu quả và khoa học thì bất kì hoạt động nào của cơ quan nhà nước cũng phải được giám sát. Thực ra, chúng tôi cho rằng kiểm sát hoạt động tư 28 pháp là một trong những lĩnh vực giám sát nhà nước. Vì vậy, kiểm sát hoạt động tư pháp có đầy đủ các yếu tố chung của hoạt động giám sát đó. Đồng thời, kiểm sát hoạt động tư pháp cũng có những nét đặc thù xuất phát từ đặc thù của hoạt động tư pháp. Hoạt động giám sát được phân loại từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ cơ chế, tồn tại hai hình thức giám sát: Giám sát từ bên ngoài hệ thống (giám sát từ cơ quan nhà nước khác, giám sát xã hội...) và tự giám sát (tự kiểm tra) từ bên trong hệ thống. Ở mức độ quyền lực nhà nước, việc thực hiện từng quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) được giám sát bằng cơ chế phân công quyền lực và bằng xã hội. Đồng thời trong mỗi hệ thống lại có cơ chế giám sát riêng, đặc thù phù hợp với nhiệm vụ và tính chất hoạt động của hệ thống đó. Từ góc độ tính chất, giám sát được phân chia thành giám sát xã hội và giám sát nhà nước. Hoạt động của Nhà nước nói chung và các cơ quan nhà nước nói riêng được toàn xã hội giám sát bằng các hình thức rất phong phú. Hoạt động giám sát đó còn được các cơ quan nhà nước, cao nhất là Quốc hội đến các hội đồng nhân dân và các cơ quan giám sát chuyên trách thực hiện... Với tư cách là một dạng hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước, hoạt động tư pháp cũng chịu sự giám sát từ bên ngoài cũng như từ bên trong hệ thống tư pháp; chịu sự giám sát nhà nước và giám sát xã hội. Giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động tư pháp thể hiện chủ yếu ở: - Giám sát của toàn dân, toàn hệ thống chính trị; T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 nghiªn cøu - trao ®æi - Giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp thông qua nghe báo cáo, chất vấn; Giám sát từ bên trong hoạt động tư pháp thể hiện ở: - Cơ chế chế ước, kiểm tra tố tụng lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; - Cơ chế kiểm soát của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới trong mỗi hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng của cơ quan điều tra cấp trên đối với cơ quan điều tra cấp dưới, của viện kiểm sát cấp trên đối với viện kiểm sát cấp dưới, hoạt động giám đốc xét xử của toà án cấp trên đối với toà án cấp dưới...; - Hoạt động giám sát của một cơ quan được phân công đối với toàn bộ hoạt động tư pháp. Theo pháp luật hiện hành, chức năng năng này được gọi là kiểm sát tư pháp và được giao cho viện kiểm sát. Như vậy, theo nghĩa rộng, kiểm sát tư pháp cũng được hiểu là giám sát tư pháp là một bộ phận, một lĩnh vực của giám sát nhà nước trong lĩnh vực tư pháp. Trong các hình thức giám sát trên, các hình thức thứ nhất và thứ hai của hoạt động giám sát từ bên trong hệ thống tư pháp là có hiệu quả cao. Chúng được bảo đảm thực hiện bằng các quy định tố tụng rõ ràng. Còn theo nghĩa hẹp thì kiểm sát tư pháp được hiểu là chức năng của viện kiểm sát đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong giải quyết các vụ việc xung đột và tranh chấp pháp luật. Hiện nay, trong lí luận cũng có quan điểm cho rằng “Để tiến tới nhà nước pháp quyền, toà án phải trở thành một cơ quan giám sát hoạt động của các cơ quan nhà T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 nước khác thông qua hoạt động xét xử”(6) và từ đó thực hiện nguyên tắc kiểm hiến bằng tư pháp. Chúng tôi nghĩ rằng quan điểm này cần được xem xét thêm với điều kiện để nó phù hợp với tính đặc thù của tổ chức nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quyền lực nhà nước là thống nhất có phân công thực hiện nhưng không phân lập; các cơ quan được phân công thực hiện quyền lực có phối hợp với nhau để thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Khi nghiên cứu chức năng kiểm sát tư pháp, theo chúng tôi cần tập trung giải quyết một số vấn đề lí luận và thực tiễn đặt ra sau đây: a. Xác định thẩm quyền, phạm vi, hình thức kiểm sát tư pháp - Về thẩm quyền, xuất phát từ quan niệm giám sát tư pháp theo nghĩa rộng thì chức năng kiểm sát (giám sát) tư pháp do Quốc hội, hội đồng nhân dân, các tổ chức, công dân và các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Còn xuất phát từ quan niệm kiểm sát tư pháp theo nghĩa hẹp thì kiểm sát tư pháp duy nhất thuộc viện kiểm sát. Phạm vi kiểm sát tư pháp là việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 3 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân 2002). Cũng cần lưu ý rằng theo quy định của pháp luật (Điều 1, Điều 3 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Điều 23 BLTTHS) thì phạm vi kiểm sát là việc chấp 29 nghiªn cøu - trao ®æi hành pháp luật. Tuy nhiên, để thể hiện đúng hơn bản chất của hoạt động tư pháp là áp dụng pháp luật vào trường hợp giải quyết tranh chấp cụ thể trên cơ sở tuân thủ thủ tục tố tụng quy định. Còn duy trì việc chấp hành pháp luật là thuộc chức năng hành pháp. Vì vậy, phải chăng mục đích của kiểm sát tư pháp phải là đảm bảo cho pháp luật được áp dụng thống nhất trong giải quyết các vụ án trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định. b. Phân biệt việc thực hành quyền công tố và việc kiểm sát tư pháp trong hoạt động thực hiện chức năng của viện kiểm sát Phải nói rằng cho đến nay pháp luật nước ta chưa có quy định thật rõ ràng để phân biệt hoạt động thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp, nhất là trong giải quyết các vụ án hình sự. Theo Điều 3 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì chúng ta khẳng định được một điều là thực hành quyền công tố của viện kiểm sát chỉ có trong giải quyết các vụ án hình sự. Còn trong giải quyết các vụ án, tranh chấp khác thì viện kiểm sát chỉ có chức năng kiểm sát. Để phân biệt thực hành quyền công tố với kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, theo chúng tôi phải xuất phát từ nội dung và thẩm quyền khi thực hiện các chức năng này. Công tố là buộc tội, đưa một người ra trước toà án để xét xử và bảo vệ sự buộc tội đó trước phiên toà. Để đưa một người ra xét xử trước toà án, cơ quan thực hành quyền công tố phải chứng minh được rằng người đó 30 có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi được BLHS quy định là tội phạm. Hoạt động công tố cũng phải bảo đảm để đưa người bị truy tố ra trước toà án xét xử. Như vậy, hoạt động công tố bao gồm khởi tố bị can, hoạt động điều tra, truy tố bị can ra trước toà án, tham gia phiên toà để bảo vệ việc truy tố (đọc bản cáo trạng, xét hỏi để buộc tội và luận tội cũng như tranh luận với người tham gia tố tụng khác) và nếu toà án xét xử không đúng với bản cáo trạng thì kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Hoạt động công tố sẽ bắt đầu từ khi bắt đầu quá trình điều tra (khởi tố vụ án) cho đến khi bản án, quyết định của toà án về vụ án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, hoạt động công tố còn bao gồm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm cho việc điều tra và đưa bị can ra xét xử trước toà án.(7) Với cách nhìn như vậy, chúng tôi cho rằng cần thực hiện điều tra dự thẩm trong tố tụng hình sự. Quy định của BLTTHS hiện hành về điều tra là chưa phù hợp. Cụ thể là: Từ góc độ thủ tục thì dường như các quy định về điều tra là theo hướng dự thẩm nhưng từ góc độ tổ chức cơ quan điều tra, mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát thì lại không phải như vậy. c. Quyền hạn của viện kiểm sát trong kiểm sát tư pháp Kiểm sát hoạt động tư pháp cần được hiểu là giám sát để hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, của những người tham gia tố tụng được tiến hành theo đúng pháp luật, nhất là pháp luật tố tụng đồng thời giám sát xem kết quả thực hiện chức năng đó có đúng không để trên cơ sở đó có các kiến T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 nghiªn cøu - trao ®æi nghị, kháng nghị cần thiết. Từ đây, nổi lên hai vấn đề: - Khi kiểm sát tư pháp, viện kiểm sát không tham gia vào quá trình tố tụng để giải quyết thực chất vấn đề. Viện kiểm sát chỉ “đứng từ ngoài nhìn vào” khi cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ tố tụng của họ. Vì vậy, cần xem xét lại các thủ tục tố tụng mà viện kiểm sát có thể trực tiếp can thiệp vào hoạt động tố tụng của các cơ quan khác như điều tra, chứng minh trong các vụ án không phải hình sự, kết luận trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động... trước khi toà nghị án...; - Khi thực hiện việc kiểm sát, viện kiểm sát chỉ ra các kiến nghị, kháng nghị với các cơ quan, tổ chức và cá nhân chứ không ra các quyết định. Bởi vì, viện kiểm sát chỉ kiểm sát chứ không thể làm thay. Việc quyết định về các vụ việc là thuộc chức năng của các cơ quan khác được pháp luật quy định. 4. Một vài kiến nghị Qua sơ bộ nghiên cứu về hoạt động tư pháp nêu trên, tuy chưa đầy đủ và thật thuyết phục nhưng cũng cho phép chúng tôi có một số kiến nghị như sau: 1. Hoạt động giám sát tư pháp là rất phong phú nhưng cũng có những nét đặc thù. Vì vậy, hình thức, nội dung giám sát đó từ phía xã hội, công dân và cơ quan nhà nước khác cũng như tự giám sát phải được quy định chặt chẽ, đảm bảo cho các cơ quan tư pháp (nhất là toà án) độc lập trong thực hiện chức năng tố tụng của mình; 2. Cần có quy định thủ tục tố tụng đầy đủ điều chỉnh hoạt động của các cơ quan tiến T¹p chÝ luËt häc sè 2/2004 hành tố tụng, các cơ quan thực hiện một số nhiệm vụ tố tụng và cả các cơ quan bổ trợ hoạt động tư pháp như giám định tư pháp, công chứng tư pháp... để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong các hoạt động của cơ quan đó; 3. Cần xem xét xây dựng tố tụng điều tra theo hướng dự thẩm trong tố tụng hình sự. Nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của viện kiểm sát (công tố) trong điều tra, truy tố, trong giải quyết vụ án hình sự, cơ quan công an chịu trách nhiệm duy trì trật tự, an toàn xã hội và giúp viện kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ điều tra mà thôi; 4. Cần xem xét lại vai trò của viện kiểm sát trong thủ tục tố tụng giải quyết các vụ án không phải hình sự để thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn chức năng, phạm vi, quyền hạn của việc kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực này./. (1). Xem: Đào Trí Úc, "Về vị trí, vai trò, đặc trưng và các nguyên tắc của hoạt động tư pháp", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 7/2003, tr.4; Báo pháp luật ngày 13/6/2003, tr.4. (2).Xem: Võ Khánh Vinh, "Về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 8/2003, tr.5. (3), (4).Xem: Báo Pháp luật ngày 13/6/2003, tr.4. (5).Xem: - Đào Trí Úc, tài liệu đã dẫn, tr. 4 -5; - Võ Khánh Vinh, tài liệu đã dẫn, tr.8 - 10. (6).Xem: Ngô Huy Cương, "Tổ chức tư pháp hướng tới nhà nước pháp quyền: một số vấn đề cơ bản", Tạp chí nhà nước và pháp luật, số 7/2003, tr.8, 11. (7). Vấn đề này cũng đã được khẳng định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (tài liệu đã dẫn). 31
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.