Báo cáo " DẠNG BỊ ĐỘNG VÀ VẤN ĐỀ CÂU BỊ ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (2)"

pdf
Số trang Báo cáo " DẠNG BỊ ĐỘNG VÀ VẤN ĐỀ CÂU BỊ ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (2)" 11 Cỡ tệp Báo cáo " DẠNG BỊ ĐỘNG VÀ VẤN ĐỀ CÂU BỊ ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (2)" 256 KB Lượt tải Báo cáo " DẠNG BỊ ĐỘNG VÀ VẤN ĐỀ CÂU BỊ ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (2)" 0 Lượt đọc Báo cáo " DẠNG BỊ ĐỘNG VÀ VẤN ĐỀ CÂU BỊ ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (2)" 8
Đánh giá Báo cáo " DẠNG BỊ ĐỘNG VÀ VẤN ĐỀ CÂU BỊ ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (2)"
4.2 ( 5 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Đang xem trước 10 trên tổng 11 trang, để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

DẠNG BỊ ĐỘNG VÀ VẤN ĐỀ CÂU BỊ ĐỘNG TRONG TIẾNG VIỆT (2)* Nguyễn Hồng Cổn Bùi Thị Diên 2.Vấn đề câu bị động trong tiếng Việt 2.1 Các quan niệm khác nhau vê câu bị động trong tiếng Việt Từ trước đến nay vấn đề dạng bị động nói chung và câu bị động trong tiếng Việt là một vấn đề gây nhiều sự tranh cãi nhất trong giới Việt ngữ học. Mặc dù hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng tiếng Việt không có dạng bị động với tư cách là một phạm trù hình thái học như trong các ngôn ngữ châu Âu, nhưng ý kiến của họ lại khác nhau khi nói đến sự tồn tại của câu bị động trong tiếng Việt. Tựu trung, có thể quy các ý kiến khác nhau về hai quan niệm: phủ nhận và thừa nhận sự có mặt của câu bị động trong tiếng Việt. 2.1.1 Quan niệm cho rằng tiếng Việt không có câu bị động: Một số nhà nghiên cứu (G. Cardier, M.B. Emeneau, Trần Trọng Kim...) cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, phân tích tính, động từ tiếng Việt không có các chỉ tố đánh dấu về ngôi, thời, thức, dạng..., nên không tồn tại câu bị động như các ngôn ngữ biến hình (tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v.). Để chuyển được một câu từ dạng chủ động sang dạng bị động thì các ngôn ngữ biến hình phải dùng đến sự biến đổi hình thái của động từ. Tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ không có hiện tượng biến hình từ nên không thể đáp ứng được tiêu chí hình thái học khắt khe này của dạng bị động với tư cách là một phạm trù ngữ pháp. Chủ trương không có sự đối lập của dạng chủ động và bị động trong các ngôn ngữ này, L.C. Thompson (1965: 217) cũng cho rằng những cấu trúc có được và bị chỉ là sự chuyển dịch tương đương từ những cấu trúc bị động trong ngôn ngữ Châu Âu. L.C. Thompson gọi đó là cách diễn đạt bị động logic chứ không coi chúng là một phạm trù ngữ pháp tách biệt. Ngoài tiêu chí hình thái học một số tác giả còn dựa vào đặc điểm tiếng Việt là một ngôn ngữ thiên chủ đề chứ không phải thiên chủ ngữ để phủ nhận sự có mặt của phạm trù bị động trong tiếng Việt. Họ cho rằng trong các ngôn ngữ thiên chủ đề thì không thể xuất hiện bị động bởi bị động là đặc trưng của các ngôn ngữ thiên chủ ngữ. Ý kiến này xuất phát từ luận điểm của Ch.N. Li và S.A. Thompson (1976) về sự đối lập giữa hai loại hình ngôn ngữ “thiên chủ ngữ” và “thiên chủ đề”. Các tác giả này cho rằng cấu trúc bị động rất phổ biến trong các ngôn ngữ thiên chủ ngữ, còn ở những ngôn ngữ thiên chủ đề thì bị động thường vắng mặt hoặc ít gặp. Nếu xuất hiện, nó thường mang một nghĩa đặc biệt, giống như bị động nghịch cảnh (adversity) trong tiếng Nhật. Dựa vào ý kiến của Ch.N. Li và S.A. Thompson (1976) một số tác giả (Nguyễn Thị Ảnh 2000, Cao Xuân Hạo 2001) cũng cho rằng tiếng Việt không có thái bị động, do đó không có câu bị động. Theo các tác giả, tiếng Anh và các thứ tiếng Châu Âu khác là những ngôn ngữ "thiên chủ ngữ", còn tiếng Việt có đủ những thuộc tính của một ngôn ngữ "thiên chủ đề", vì thế rất khó có thể có cấu trúc bị động. Những tác giả ủng hộ quan điểm tiếng Việt không có dạng bị động và câu bị động còn dựa trên quan niệm rằng các động từ bị và được là những động từ ngoại động chính danh, nên không thể coi chúng là dấu hiệu ngữ pháp biểu hiện quan hệ bị động. Nguyễn Kim Thản (1977) cho rằng các động từ bị, được là những động từ độc lập đóng vai trò chính trong bộ phận vị ngữ của câu chứ không phải là hư từ biểu thị dạng bị động của động từ. Về ý nghĩa, được có nghĩa như tiếp nhận hoặc chịu đựng một cách thích thú, còn bị biểu thị ý nghĩa chịu 1 đựng một sự không may (chết, thất bại, v.v.) hay cũng có thể nói rằng biểu thị trạng thái rủi ro của chủ thể. Về đặc điểm ngữ pháp, khác với bị và được trong tiếng Hán hiện đại, bị và được trong tiếng Việt vẫn còn được dùng như một thực từ chân chính, có khả năng kết hợp rất phong phú. Từ đó, Nguyễn Kim Thản đã đi đến kết luận rằng: trong tiếng Việt hiện đại "xét về mặt lịch sử cũng như thực tế thì ý nghĩa của những động từ này (bị và được - N.H.C) vẫn giữ nguyên vẹn trong mỗi trường hợp, đặc điểm ngữ pháp của nó trước sau vẫn là đặc điểm của một động từ độc lập chứ không phải là đặc điểm của một hư từ, còn những thành phần đứng sau nó đều là bổ ngữ của nó cả.” Nói cách khác Nguyễn Kim Thản không công nhận bi/ được là dấu hiệu của dạng bị động của động từ tiếng Việt và động từ tiếng Việt không có dạng bị động. Quan điểm của Nguyễn Kim Thản đuợc Nguyễn Minh Thuyết (1986,1998) ủng hộ và làm sáng rõ thêm. Tuy nhiên, dù không thừa nhận tiếngViệt có dạng bị động như các ngôn ngữ châu Âu, nhưng cả hai tác giả đều cho rằng tiếng Việt có cách biểu hiện ý nghĩa bị động riêng của mình, đó là cách biểu hiện bằng cấu trúc cú pháp (Nguyễn Kim Thản) hay phương tiện từ vựng (Nguyễn Minh Thuyết). Theo Nguyễn Thị Ảnh (2000), thái bị động với tư cách là một phạm trù ngữ pháp được biểu đạt bằng các phuơng tiện hình thái học bắt buộc tuyệt đối chỉ có ở các ngôn ngữ “thiên chủ ngữ”, còn tiếng Việt là một ngôn ngữ “thiên chủ đề” thì ý nghĩa bị động không có một hình thức biểu đạt riêng như thế. Để khẳng định tiếng Việt không có thái bị động với tư cách là một phạm trù ngữ pháp, tác giả đã đưa ra nhiều ví dụ chứng minh rằng được, bị là những vị từ ngoại động chính danh chứ không phải là các hư từ đánh dấu "thái bị động". Quan niệm này cũng nhận được sự đồng tình của Cao Xuân Hạo (2002). 2.1.2 Quan niệm thừa nhận tiếng Việt có câu bị động Ngược với quan niệm trên, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng trong tiếng Việt mặc dù không có phạm trù bị động với tư cách là một phạm trù hình thái học nhưng vẫn có cấu trúc bị động hay câu bị động. Nguyễn Phú Phong (1976) thừa nhận "bị động" như là một phạm trù ngữ pháp tách biệt trong tiếng Việt. Ông biện luận rằng có thể xác lập một cặp câu chủ động - bị động tiếng Việt tương ứng về mặt chuyển dịch với cặp câu chủ động - bị động trong tiếng Pháp, và chỉ rõ mối quan hệ hình thức giữa các thành phần của mỗi cặp câu trong những thuật ngữ chung. Ông cũng cho được, bị, do là những trợ từ bị động. Hoàng Trọng Phiến (1980) quan niệm “trong tiếng Việt phương thức đối lập bị động và chủ động không phải bằng con đường ngữ pháp thuần tuý mà bằng con đường từ vựng - ngữ pháp”. Theo tác giả, quan hệ cú pháp trong câu bị động tiếng Việt được biểu hiện như sau: - Bổ ngữ đối tượng trong câu chủ động trở thành chủ ngữ trong câu bị động tương ứng. - Vị ngữ bao gồm các từ bị, được, do kèm theo động từ ngoại động. - Chủ thể ở câu chủ động không bắt buộc phải xuất hiện trong câu bị động tương ứng. Theo đó, tiếng Việt có các dạng biến đổi câu bị động từ câu chủ động dưới đây: (1a) D1 Đ D2 : Mẹ chiều con gái. → (1b) D2 Đp D1 Đ: Con gái được mẹ chiều. (2a) D1 Đ D2 D3: Mẹ tặng con gái quyển sách. → (2b) D2 Đp D1 Đ D3: Con gái được mẹ tặng quyển sách. (2c) D3 Đp D1 Đ D2: Quyển sách được (do) mẹ tặng con gái. (3a) D1 Đ (D2 Đ2): Thầy bảo các em làm việc này. → (3b) (D2Đ2) Đp D1 Đ: Các em làm việc này do thầy bảo. (Hoàng Trọng Phiến 1980: 166 – 167) 2 Lê Xuân Thại (1989) cũng tán đồng một quan điểm tương tự, khi cho rằng tiếng Việt mặc dù không có các câu bị động hoàn toàn giống như câu bị động trong các ngôn ngữ châu Âu nhưng cũng có loại câu có thể gọi là câu bị động với những đặc điểm sau: - Chủ ngữ của câu biểu thị đối tượng hành động chứ không phải là chủ thể hành động. - Vị ngữ của câu bị động do các động từ bị, được đảm nhận. - Sau vị ngữ là một cụm chủ - vị. Ví dụ: (4) Em học sinh này được cô giáo khen. (5) Thành phố Vinh bị máy bay giặc tàn phá. Ngoài ra, tác giả cũng thừa nhận các câu bị động có những biến thể vắng bị/ được, kiểu: (6) Bữa cơm đã dọn ra. (7) Ngôi nhà này xây bằng gạch. Diệp Quang Ban và Nguyễn Thị Thuận (2000) cũng bênh vực cho sự tồn tại của câu bị động trong tiếng Việt. Theo hai tác giả, dạng (thái) bị động trong tiếng Việt không phải là dạng của động từ mà là dạng của một kiến trúc riêng với những đặc trưng ngữ pháp và ngữ nghĩa xác định. Các tác giả lập luận rằng động từ trong tiếng Việt không biến hình từ, mà phạm trù dạng bị động theo cách hiểu của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Ấn - Âu thì gắn liền với dạng thức biến hình của động từ trong các ngôn ngữ có biến hình từ. Kết luận hiển nhiên là động từ tiếng Việt, nếu theo cách nhìn hình thái học đó, thì không thể có dạng bị động. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng việc xem xét dạng bị động như vậy mới chỉ là kết luận về hình thái của động từ, chứ không phải nói về phạm trù ý nghĩa của thái bị động và cách biểu hiện ngữ pháp tính của nó trong tiếng Việt. Phạm trù dạng bị động của tiếng Việt theo họ vẫn có đủ tư cách một phạm trù ngữ pháp với điều kiện "bắt buộc" của ngữ pháp là sự có mặt của ý nghĩa ngữ pháp phải được thể hiện (đánh dấu) bằng phương tiện hình thức theo lối ngữ pháp, nghĩa là hoặc bằng phụ tố, hoặc bằng hư từ, trật tự từ hay các phương thức ngữ pháp khác, và những phương thức ngữ pháp đó có thể được dùng tách riêng hoặc dùng phối hợp với nhau. Theo đó, các tác giả đã xác định đặc điểm của kết cấu bị động tiếng Việt như sau: - Phương thức ngữ pháp thích hợp với việc diễn đạt ý nghĩa ngữ pháp bị động trong tiếng Việt là hư từ và trật tự từ. - Tính chất của động từ tham gia kết cấu bị động là động từ ngoại động và có quan hệ nghĩa với thực thể nêu ở danh từ làm chủ ngữ của toàn câu, đứng trước từ bị, được. - Cấu trúc nghĩa của câu bị động: + Các vai nghĩa có khả năng tham gia vào chức vụ chủ ngữ ngữ pháp của câu bị động là thể đối tượng, thể tiếp nhận, thể đích, thể được lợi , thể bị hại, thể vị trí. + Loại hình sự thể của câu bị động là hành động với hai đặc trưng [+động] và [+chủ ý]. - Xét về mặt cú pháp, câu bị động là câu có hai kết cấu chủ vị, kiểu: C- V [C –V]. Tóm lại, theo hai tác giả dạng bị động trong tiếng Việt không phải là dạng của động từ, mà là dạng của một kiến trúc riêng với những đặc trưng ngữ pháp và ngữ nghĩa xác định. 2.2 Thảo luận thêm về câu bị động trong tiếng Việt 2.2.1 Tiếng Việt có câu bị động không? Các điểm luận trên đây cho thấy để chứng minh sự tồn tại của cấu trúc bị động trong tiếng Việt cần làm rõ ba loại ý kiến sau đây: - Tiếng Việt không có các phạm trù hình thái học do đó không có cấu trúc bị động. 3 - Tiếng Việt là một ngôn ngữ “thiên chủ đề” nên không có cấu trúc “bị động”, hoặc bị động không phải là hiện tượng cú pháp cần xem xét. - Được/ bị không phải là hư từ (trợ động từ), mà có vai trò như các động từ tình thái hay động từ thực nên không thể là dấu hiệu đánh dấu quan hệ bị động. a) Về loại ý kiến thứ nhất, chúng tôi đã trình bày rõ trong các mục trước rằng không nên đồng nhất “dạng bị động” với tư cách là một phạm trù hình thái học với cấu trúc bị động. Ý kiến này cũng đã được nhiều tác giả đề cập đến từ những góc độ khác nhau (Nguyễn Kim Thản 1977, Hoàng Trọng Phiến 1980, Lê Xuân Thại 1989, Diệp Quang Ban và Nguyễn Thị Thuận 2000). Các chứng cứ về câu bị động trong các ngôn ngữ khác cũng cho thấy, dạng của động từ chỉ là một trong nhiều phương thức mã hoá về mặt hình thái - cú pháp các bình diện ngữ nghĩa - chức năng khác nhau của phạm trù bị động. Nếu tuyệt đối hoá tiêu chí hình thái học, thì ngay cả trong những ngôn ngữ như tiếng Anh hay tiếng Pháp, phạm trù bị động cũng không đáp ứng đầy đủ tiêu chí khắt khe này. Vì vậy có thể kết luận rằng việc tiếng Việt không biểu hiện ý nghĩa bị động bằng các phương tiện hình thái học, và vì vậy không có dạng bị động như một phạm trù hình thái học, không có nghĩa là tiếng Việt không có cấu trúc bị động hay câu bị động, xét trên phương diện cú pháp . Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở mục 2 khi bàn về đặc điểm cú pháp của câu bị động tiếng Việt. b) Về loại ý kiến thứ hai cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ “thiên chủ đề” và (chứ không phải "thiên chủ ngữ") do đó không có cấu trúc bị động, chúng tôi thấy cần thiết phải thảo luận thêm. Trước hết, cần phải nhắc lại ý kiến của Li và Thompson rằng hai chức năng chủ đề (topic: cái mà câu đề cập đến ) và chủ ngữ (subject: chủ thể của hành động hay quan hệ do vị ngữ biểu thị) không hề loại trừ nhau theo kiểu "trong các ngôn ngữ thiên chủ đề người ta không nhận diện được chủ ngữ, hay các ngôn ngữ thiên chủ ngữ thì không có chủ đề", cũng như không hề loại trừ nhau trong phần lớn các trường hợp phân tích cấu trúc câu. Thực sự, thì ngay trong một ngôn ngữ được coi là "thiên chủ đề" điển hình như tiếng Hán, sự miêu tả của Li và Thompson trong một công trình sau đó (1981) cũng cho thấy các câu có chủ ngữ (trùng hoặc không trùng với chủ đề) vẫn chiếm ưu thế so với các câu chỉ có chủ đề (mà không có chủ ngữ), trong đó đa số các câu có chủ ngữ trùng với chủ đề. Nếu vận dụng cả hai chức năng chủ đề và chủ ngữ theo cách hiểu của Li và Thompson vào việc phân tích cấu trúc câu tiếngViệt, chúng ta cũng sẽ thấy các câu có chủ ngữ trùng với chủ đề sẽ chiếm một tỷ lệ không nhỏ (đặc biệt là với trường hợp có vị ngữ là một động từ ngoại động). Một khi sự có mặt của chủ ngữ vẫn phổ biến như vậy, và phần lớn các cấu trúc ngoại động vẫn có chủ ngữ (có thể trùng hay không trùng với chủ đề) thì không có lý gì hiện tượng bị động lại không có mặt hoặc không đáng được chú ý. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng Ch. N. Li và S. A. Thompson không hoàn toàn loại trừ sự có mặt của hiện tượng bị động trong các ngôn ngữ thiên chủ đề mà chỉ cho rằng nó không phải là phạm trù bị động điển hình, tức không phải là phạm trù bị động "thuần tuý hình thái" như trong các ngôn ngữ Ấn Âu. Do đặc trưng loại hình của tiếng Việt, các hiện tượng ngữ pháp nói chung và phạm trù bị động nói riêng trong tiếng Việt không có dấu hiệu hình thức rõ ràng như trong các ngôn ngữ biến hình. Trong một công trình nghiên cứu của mình, Dyvik (1984) đã đi đến kết luận rằng, nếu thừa nhận "chủ ngữ" như một phạm trù ngữ pháp trong tiếng Việt thì chúng ta thấy rằng nó không rõ ràng bằng chủ ngữ trong các ngôn ngữ châu Âu. Nghĩa là các thuộc tính ngữ pháp cho phép chúng ta tách được chủ ngữ ra trừu tượng hơn. Tương tự như chủ ngữ, "bị động" cũng chỉ được tách ra nhờ những tiêu chí khá "trừu tượng". Nói cách khác, cả “chủ ngữ” và “bị động” đều xuất hiện trong tiếng Việt tuy rằng chúng không được rõ ràng như các phạm trù tương tự trong các ngôn ngữ châu Âu. 4 c) Về loại ý kiến thứ ba đề cập đến vai trò ngữ pháp và ý nghĩa của hai từ được và bị, chúng tôi cho rằng việc các từ này đóng vai trò quan trọng về mặt ngữ pháp và phần nào còn ý nghĩa từ vựng không hề loại trừ chức năng là phương tiện đánh dấu quan hệ bị động của chúng, nếu nhìn nhận vấn đề dưới góc độ ngữ pháp hoá. - Về mặt ngữ pháp, bằng nhiều lập luận khác nhau, Nguyễn Kim Thản (1977), Nguyễn Minh Thuyết (1976), Nguyễn Thị Ảnh (2000) và Cao Xuân Hạo (2001) cho rằng được/ bị không phải là hư từ có chức năng đánh dấu quan hệ bị động mà có vai trò ngữ pháp như một động từ tình thái, thậm chí là một động từ thực làm trung tâm của vị ngữ. Ngược lại, Dyvik (1984) đã cố gắng chứng minh rằng hai từ được và bị đang mất dần vai trò trung tâm để trở thành một trợ động từ có chức năng bị động hoá trên con đường ngữ pháp hoá. Đồng ý với kiến giải của Dyvik, nhưng chúng tôi cho rằng, thậm chí nếu được/ bị vẫn đóng vai trò là trung tâm ngữ pháp của vị ngữ như đã được một số tác giả chứng minh, thì điều đó cũng không hề ngăn cản các từ này hành chức như một dấu hiệu đánh dấu quan hệ bị động. Có thể liên hệ với tình hình tương tự của các trợ động từ trong vị ngữ bị động của tiếng Anh (to be) tiếng Pháp (être) hay tiếng Nga (byt'). Một trợ động từ to be chẳng hạn, xét về mặt ý nghĩa hầu như không có giá trị gì trong việc hình thành nên nghĩa trạng thái bị động vốn do hình thái của động từ (phân từ quá khứ) đảm nhiệm, nhưng xét về mặt ngữ pháp, nó chính là trung tâm của vị ngữ bị động. Bằng chứng là trợ động từ to be, chứ không phải là phân từ quá khứ, có sự biến đổi hình thái theo ngôi, số phù hợp với chủ ngữ. Như vậy, xét về phương diện ngữ pháp, trợ động từ to be không có gì khác biệt với một vị từ thực làm trung tâm của vị ngữ. Nhưng điều đó cũng không hề ngăn cản nó hoạt động như một chỉ tố bị động. - Về mặt ngữ nghĩa, quả thật các từ bị/được vẫn còn mang ý nghĩa “ hưởng thụ” hay “chịu đựng”. Tuy nhiên ngay cả đặc tính ngữ nghĩa này cũng không ngăn cản khả năng làm chỉ tố đánh dấu quan hệ bị động nếu ta đặt bị/ được trong bối cảnh của quá trình ngữ pháp hoá. Trong bài viết “Quá trình hình thành thế đối lập giữa ba từ "được, bị, phải” Nguyễn Tài Cẩn (1978) đã cho rằng "bị" đã chuyển từ cương vị một hình vị sang cương vị một từ, chuyển từ địa hạt từ vựng sang địa hạt ngữ pháp, vì thế việc "bị" có thể chuyển từ mô hình cấu tạo từ sang mô hình cấu tạo từ tổ là một việc làm không có gì khó khăn lắm. Đinh Văn Đức (1986: 118 - 119) đã giải thích rõ thêm về quá trình ngữ pháp hoá của các từ bị/được và mối quan hệ giữa ý nghĩa ngữ pháp bị động và ý nghĩa tình thái của các từ này như sau: “Trong số các động từ tiếng Việt có một nhóm những động từ kiểu như: cần, muốn, có thể, toan, định, dám, bị, được, ... rõ ràng là những động từ trống nghĩa. Ở chúng các ý nghĩa từ vựng là rất ít, chúng đã được ngữ pháp hoá nhưng lại chưa trở thành những hư từ thật sự, những động từ này có nội hàm rất hẹp nên ngoại diên phải rộng - chúng luôn luôn có thành tố phụ đi kèm... Trong khi diễn đạt các ý nghĩa: yêu cầu (cần), khả năng (có thể), ý định (toan, định, dám), nguyện vọng (mong, muốn), quan hệ bị động (bị, được)... các động từ này được sử dụng hoàn toàn theo cách đánh giá của người nói đối với thực tại. Đó là một quan hệ thể hiện nhận thức chủ quan: khi ta nói: "Tôi được khen" hay "Tôi bị phạt" thì các từ được, bị một mặt là phương tiện diễn đạt ý nghĩa ngữ pháp bị động nhưng bị động ở đây có thể được hiểu theo sắc thái “may” “rủi”, mà “may” hay “rủi” là theo nhận thức và đánh giá của người nói. Do đó bị và được cũng lâm thời trở thành những từ tình thái...”. Chúng tôi cho rằng việc các từ được, bị trong khi hành chức như những hư từ vẫn còn giữ lại những nét nghĩa từ vựng ban đầu là một hiện tượng bình thường của quá trình ngữ pháp hoá. Hiện tượng này có thể được giải thích bằng nguyên tắc lưu dấu vết (Persistence), một nguyên tắc của quá trình ngữ pháp hoá, do Hopper (1991) đề xuất, như sau: "Khi một dạng thức trải qua quá trình ngữ pháp hoá từ một dạng thức từ vựng thành một dạng thức ngữ pháp thì trong chừng mực các thuộc tính ngữ 5 pháp mà nó có được đó, có thể thấy dấu vết của ý nghĩa từ vựng ban đầu, những thuộc tính từ vựng còn lưu dấu vết này có thể được phản ánh trong những hạn chế về khả năng kết hợp ngữ pháp của nó”. (Dẫn theo Nguyễn Văn Hiệp 2001) Những phân tích trên đây cho thấy, không có gì đáng ngạc nhiên nếu như hai từ bị và được trong khi đóng vai trò như là các trợ động từ biểu thị quan hệ bị động, vẫn có thái độ cú pháp như một vị từ thực (làm trung tâm của vị ngữ) và vẫn lưu giữ nghĩa từ vựng ban đầu của chúng (bị mang nét nghĩa chịu thiệt và được mang nét nghĩa hưởng lợi). Theo Keenan (1985: 257 –261), trong các ngôn ngữ có kiểu bị động "phân tích tính" (periphrastic passive), ít nhất có 4 loại động từ sau đây được sử dụng như những trợ động từ đánh dấu vị ngữ bị động (i) các động từ quan hệ (kiểu như be của tiếng Anh, byt' tiếng Nga, être của tiếng Pháp...), (ii) các động từ tiếp nhận (kiểu bị động với get của tiếng Anh), (iii) các động từ vận động (ví dụ động từ gayee của tiếng Hindi), và (iv) các động từ tiếp thụ hay chịu đựng (như được/bị trong tiếng Việt). Rõ ràng, việc tiếng Việt dùng các vị từ tình thái được/bị trong chức năng là các trợ động từ biểu hiện ý nghĩa bị động không phải là một ngoại lệ. Từ những luận điểm trên đây, chúng tôi nhận thấy rằng: Xét về mặt lý luận cũng như tư liệu thực tế, chúng ta có đủ cơ sở để nói đến sự có mặt của các câu bị động trong tiếng Việt. 2.2.2 Nhận diện câu bị động tiếng Việt Như đã trình bày ở trên, có nhiều quan niệm khác nhau về câu bị động trong tiếng Việt. Ngay trong số những tác giả thừa nhận tiếng Việt có câu bị động, thì tiêu chí nhận diện câu bị động của họ cũng khác nhau. Chúng tôi cho rằng, cũng như trong các ngôn ngữ khác, câu bị động trong tiếng Việt được coi là có quan hệ cải biến với các câu chủ động tương ứng, mặc dù không phải câu chủ động nào cũng chuyển được thành câu bị động. Dĩ nhiên, các phép cải biến cú pháp đó phải thoả mãn các điều kiện về nghĩa học và dung học của câu bị động như đã nói ở trên (mục 1.4) Xét về mặt hình thức, một câu bị động điển hình của tiếng Việt có thể được nhận diện và phân biệt với các chủ động dựa trên các tiêu chí sau: a) Chủ ngữ (N2) của câu bị động là bổ ngữ của các chủ động tương ứng. Tuỳ từng trường hợp, đó có thể là bổ ngữ chỉ bị thể, nhận thể, đích đến hoặc vị trí (x. thêm Diệp Quang Ban, Nguyễn Thị Thuận 2000). b) Vị ngữ (V) trong câu bị động tiếng Việt được cấu tạo trực tiếp từ vị ngữ của câu chủ động tương ứng bằng cách thêm trợ động từ được/bị vào trước động từ ngoại động. c) Bổ ngữ (N1) của câu bị động chính là chủ ngữ trong câu chủ động tương ứng. Bổ ngữ này thường bị tỉnh lược (trong câu bị động không có bổ ngữ tác thể). Nếu không bị tỉnh lược thì nó thể chuyển vị trí đến trước V (trong câu bị động có bổ ngữ tác thể không có giới từ) hoặc ở vị trí sau V với điều kiện phải có thêm giới từ bởi (trong câu bị động có bổ ngữ tác thể giới từ). Có thể khái quát quá trình chuyển đổi một câu chủ động -ngoại động của tiếng Việt thành các kiểu câu bị động tương ứng như sau: N1 V N2 (Câu chủ động) N2 được/bị V (Câu bị động phi tác thể) N2 được/bị N1 V (Câu bị động có bổ ngữ tác thể không giới từ) N2 được bị V bởi N1 (Câu bị động có bổ ngữ tác thể có giới từ) Dưới đây là một số ví dụ minh hoạ cho các kiểu câu bị động trên: N2 được/bị V (8) Căn phòng được ngăn làm hai. 6 (9) Tôi được cử làm thư ký của hội nghị. (10) Của cải bị tịch thu sạch. (11) Nó bị lôi ra ngoài. N2 được/bị N1 V (12) Ý kiến của tôi được cả tổ lái tán thành. (13) Jô được ông chủ sắm cho một cái lồng rất đẹp. (14) Thuyền bị bão đánh dạt vào bờ. (15) Anh bị người ta bịp rồi. N2 được/bị V bởi N1 (16) Đền được xây dựng từ năm 1959 đến năm 1968 bởi Hội Phủ Giầy tương tế. (17) Tính thống nhất hài hoà bên trong của hệ thống pháp luật được quyết định bởi tính thống nhất của hệ thống kinh tế, chế độ chính trị -xã hội của một quốc gia. (18) Tiếng con chim sơn ca bị át đi bởi tiếng còi tàu rúc. (19) Màu cỏ úa đang bị đẩy lui bởi các dòng chữ xanh đen. Như vậy xét về hình thức của câu bị động, phương tiện chủ yếu để biểu hiện quan hệ bị động trong tiếng Việt là sử dụng trật tự từ và các từ được và bị có chức năng như hư từ. Nếu đối chiếu câu bị động của tiếng Việt với câu bị động trong các ngôn ngữ thuộc loại hình khác khác, từ các ngôn ngữ tổng hợp tính cao như tiếng Hy Lạp, tiếng Nga, đến các ngôn ngữ ít tổng hợp tính hơn như tiếng Anh, ta thấy việc tiếng Việt một ngôn ngữ phân tích tính điển hình chỉ dùng các phương tiện thuần tuý cú pháp là hư từ và trật tự từ để biểu hiện quan hệ bị động cũng phù hợp với quy luật chung về sự khác biệt loại hình giữa các ngôn ngữ. Sự khác biệt này được trình bày trong bảng sau: Kiểu bị động Tổng hợp tính Phân Tích Tính Phương thức ngữ pháp biểu hiện quan hệ bị động Hình thái (của từ) (Thuần tuý hình thái) Ngôn ngữ Hy Lạp Hình thái + Hư từ + Trật tự từ (Hình thái - cú pháp) Nga Hư từ + Trật tự từ (Thuần tuý cú pháp) Việt Anh Ví dụ Epaideusamen (Tôi dạy) > Epaideuthemen (Tôi được dạy dỗ) Rabotcie stroili dom. > Dom stroilsa rabochimi. Rabotchie postroili dom. > Dom byl postroen rabotchimi. Workers built the house. > The house was build by workers. Công nhân đã xây dựng ngôi nhà. > Ngôi nhà đã được công nhân xây dựng. 2.2.3 Phân biệt câu bị động với một số kiểu câu khác Cần phân biệt các kiểu câu bị động tiếng Việt được nhận diện theo những tiêu chí trên đây với một số kiểu câu tương tự với chúng về mặt hình thức hay ý nghĩa nhưng không phải là câu bị động. a) Phân biệt với kiểu câu chủ động –ngoại động N1 được/ bị V Kiểu câu N1 được/ bị V là kiểu câu chủ động có chủ ngữ N1 thể hiện chủ thể (tác thể, hành thể) của sự tình do V biểu thị, trong đó V có thể là một động từ nội động (Tôi bị ngã. Nó được nghỉ) hoặc động từ ngoại động (Tôi bị nghe lời phàn nàn. Nó được xem phim). Kiểu câu N2 được/ bị V là kiểu câu bị động có chủ ngữ N2 biểu thị vai nghĩa phi chủ thể (đối thể, bị thể, nhận thể…), với V là một động từ ngoại động (Tôi bị mắng. Nó được khen). Ở kiểu câu thứ 7 hai này, thể từ N1 biểu thị tác thể có thể xuất hiện trước V hoặc không. Điều đáng lưu ý là, khi N1 vắng mặt, kiểu câu bị động N2 được/ bị V (20b, 21b) sẽ có cấu trúc bề mặt giống với kiểu câu chủ động N1 được/ bị V (20a, 21a): (20a) Tôi bị ngã. (20b) Tôi bị mắng. (21a) Nó được xem phim. (21b) Nó được tặng giấy khen. Một số nhà nghiên cứu dựa vào đặc điểm này để coi các câu N2 được/ bị V (như 20b, 21b) cũng là câu chủ động như các câu N1 được/ bị V (20a, 21a) chứ không phải là câu bị động. Tuy nhiên, theo chúng tôi, hai kiểu câu trên chỉ giống nhau ở hình thức bề mặt nhưng khác nhau ở cấu trúc bề sâu: các câu (20a), (21a) có chủ ngữ trùng với chủ thể (quá trình); còn các câu (20b), (21b) có chủ ngữ trùng với đối thể (hành động). Có thể dùng phép cải biến bằng cách thêm một thể từ biểu thị vai nghĩa chủ thể vào trước V để phân biệt hai kiểu cấu trúc này: (20a) Tôi bị ngã. > Tôi bị mẹ ngã. (-) (20b) Tôi bị mắng. > Tôi bị mẹ mắng. (+) (21a) Nó được xem phim. > Nó được nhà trường xem phim. (-) (21b) Nó được tặng giấy khen. > Nó được nhà trường tặng giấy khen. (+) Kết quả cho thấy các câu (20a), (21a) không chấp nhận việc thêm vào trước V một thể từ (mẹ, nhà trường) biểu thị vai nghĩa tác thể, còn với các câu (20b), (21b) việc thêm thể từ biểu thị chủ thể vào trước V không làm thay đổi nghĩa mà chỉ làm rõ thêm ý nghĩa của câu mà thôi. Dựa vào kết quả cải biến này, có thể kết luận các câu N1 được/ bị V (20a, 21a) và N2 được/ bị V (20b, 21b) là những kiểu câu khác nhau: Các câu đầu là kiểu câu chủ động có ý nghĩa tiếp thụ (chủ động về mặt ngữ pháp nhưng bị động về mặt ngữ nghĩa), còn các sau là kiểu câu bị động điển hình (bị động cả về ngữ pháp và ngữ nghĩa). b) Phân biệt với kiểu câu chủ động N2 do N1 V Một số tác giả coi các câu kiểu “Hàng này do xí nghiệp chúng tôi sản xuất” cũng là câu bị động (Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Phú Phong). Theo chúng tôi, kiểu câu này không phải là câu bị động vì những lý do sau: -Thứ nhất, “do” ở cấu trúc này không có chức năng như được/bị trong câu bị động. Bằng chứng là do không thể độc lập kết hợp với động từ để cấu tạo vị ngữ bị động. Chẳng hạn, chúng ta không thể nói: (22) * Hàng này do cung cấp. Nói cách khác do luôn được sử dụng gắn liền với sự có mặt của chủ ngữ tác thể trước động từ vị ngữ. - Thứ hai, khả năng làm chủ ngữ ở câu có mô hình N2 do N1 V của các bổ ngữ trong câu chủ động rất hạn chế. Chỉ có bổ ngữ trực tiếp mới xuất hiện ở vị trí N2 còn các loại bổ ngữ khác (như bổ ngữ nhận thể, công cụ...) bị loại trừ. Chẳng hạn chúng ta không thể chuyển đổi: (23) Tôi viết thư cho Nam. * Nam do tôi viết thư cho. c) Phân biệt với kiểu câu phi ngoại động (de-transitive) N2 - V Câu có mô hình N2 - V là kiểu câu có một thể từ (thường là danh từ) phi tác thể đứng ở đầu câu (N2 chỉ đối thể, nhận thể, công cụ ...) và sau nó là một vị từ (V) có ý nghĩa gốc biểu thị một hoạt động ngoại động hay một hoạt động chuyển tác, thường có các phụ từ, phụ ngữ đi kèm , ví dụ: 8 (24) Cửa mở rồi. (25) Cầu đang xây. (26) Nhà cửa cuốn sạch. Nhiều tác giả coi một số câu N2 - V trên đây có thể là câu bị động (Nguyễn Kim Thản 1977, Lê Xuân Thại 1994) Tuy nhiên, nếu xét kỹ tất cả các câu có cấu trúc N2 - V như những ví dụ trên đây, chúng tôi thấy rất khó xác định chúng là cấu trúc chủ động hay bị động. Thoạt nhìn các ví dụ trên đây có vẻ là câu bị động vì không cần sự có mặt của được, bị, câu vẫn có thể được hiểu có ý nghĩa bị động. Nhưng nếu chúng ta thực hiện các phép cải biến: - Thêm vào trước V một thể từ N [+ hữu sinh], tất cả câu trên đều mất đi ý nghĩa bị động, hay nói cách khác là có ý nghĩa chủ động. Chẳng hạn: (24a) Cửa mở rồi. > Cửa mẹ mở rồi. (25a) Cầu đang xây. > Cầu thợ đang xây. (26a) Nhà cửa cuốn sạch > Nhà cửa lũ cuốn sạch. CÂU N2 - V > CÂU CHỦ ĐỘNG Trong các câu mới tạo thành, các thể từ cửa, cầu, nhà có thể chuyển từ chức năng chủ ngữ sang chức năng là khởi ngữ của câu. - Mặt khác nếu thêm được/ bị vào sau N2 thì các câu trên sẽ trở thành bị động chính danh: (24b) Cửa mở rồi. > Cửa được mở rồi. (25b) Cầu đang xây. > Cầu đang được xây. (26b) Nhà cửa cuốn sạch. > Nhà cửa bị cuốn sạch. CÂU N2 - V CÂU BỊ ĐỘNG Các khả năng cải biến trên đây gợi ý rằng cấu trúc N2 - V có thể là một cấu trúc trung gian giữa cấu trúc bị động và cấu trúc chủ động chứ chưa phải là cấu trúc bị động điển hình. Chúng tôi gọi đây là kiểu cấu trúc phi ngoại động (x. Nguyễn Hồng Cổn 2004). *** Trên đây chúng tôi đã điểm luận lại một số vấn đề lý thuyết liên quan đến dạng bị động và câu bị động trong các lý thuyết ngữ pháp và bàn thêm về câu bị động trong tiếng Việt. Kết quả từ nhiều công trình nghiên cứu cho thấy dạng bị động nói chung và câu bị động trong các ngôn ngữ nói riêng khá giống nhau về mặt cấu trúc ngữ nghĩa nhưng khác biệt nhau về đặc điểm hình thái-cú pháp. Tuy nhiên sự khác biệt về mặt hình thức (hình thái –cú pháp) của dạng/câu bị động trong các ngôn ngữ không đi ra ngoài quy luật chung là phản ánh các đặc trưng loại hình của ngôn ngữ đó: Ở các ngôn ngữ tổng hợp tính cao (như tiếng Hy Lạp, tiếng La tinh), ý nghĩa bị động chủ yếu được biểu hiện bằng hình thái từ, và vì vậy dạng bị động thường được coi là một một phạm trù hình thái học thuần tuý. Ngược lại, ở các ngôn ngữ ít tổng hợp tính hơn (như tiếng Anh), ý nghĩa bị động được biểu hiện bằng sự kết hợp giữa các hình thái từ với các phương tiện cú pháp như hư từ và trật tự từ, tương ứng bị động được coi là một phạm trù hình thái-cú pháp. Còn trong các ngôn ngữ phân tích tính điển hình như tiếng Việt, ý nghĩa bị động chủ yếu được biểu hiện bằng hư từ và trật tự từ, và bị động có dáng dấp của một phạm trù thuần tuý cú pháp. Từ cách nhìn đó, chúng tôi cho rằng mặc dù trong tiếng Việt không tồn tại dạng bị động với tư cách là một phạm trù hình thái học thuần tuý, nhưng ý nghĩa bị động với tư cách là một loại ý nghĩa ngữ pháp (đối lập với ý nghĩa chủ động-ngoại động) vẫn được biểu hiện bằng các phương tiện ngữ pháp nhất định là hư từ và trật tự từ, và vì vậy tiếng Việt vẫn có các cấu trúc bị động và câu bị động. 9 TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH 1. Asher, R.E., The Encyclopedia of Language and Linguistics, Pergamon Press, New York, 1994. 2. Bùi Thị Diên, Câu bị động tiếng Anh và các kết cấu tương đương trong tiếng Việt, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học KHXH – NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. 3. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng (quyển I), Nxb KHXH, TP Hồ Chí Minh, 1991. 4. Cao Xuân Hạo, Hai phép tính cộng và trừ trong ngôn ngữ học, T/c Ngôn ngữ, số 10/2001. 5. Chomsky N., Syntactic Structure, Mouton & Co, Hague, 1957 6. Chosmky N., Explanatory Models in Linguistics. In "Logic Methodology and Philosophy of Sience", Standford University Press, Philadelphia, 1962. 7. Chomsky N., Aspects of the Theory of Syntax, M.I.T Press, Cambridge, 1965 8. Diệp Quang Ban, Ngữ Pháp tiếng Việt (tập hai), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992. 9. Diệp Quang Ban - Nguyễn Thị Thuận, Lại bàn về vấn đề câu bị động trong tiếng Việt. T/c ngôn ngữ, Số 7/ 2000. 10. Dik, S.C., Functional Grammar, Foris Publications, Dordrecht, 1978. 11. Dixon R.M.W., A new approach to English Grammar on sematic Principples, Clarendon Publisher, Oxford 1992 12. Downing, A. and Lock, P., A university course in English grammar, Phoenix ELT, Britain, 1995. 13. Dyvik, H.J.J., Subject or topic in Vietnamese? University of Bergen, Norway, 1984. 14. Đinh Văn Đức, Ngữ pháp tiếng Việt - Từ loại, Nxb ĐH &THCN, Hà Nội, 1986. 15. Givón, T., Syntax: a functional - typological introduction (Vol. II), John Benjamins publishing company, Amsterdam/Philadenphia, 1990, 16. Hoàng Trọng Phiến, Ngữ pháp tiếng Việt: Câu. Nxb ĐH & THCN, Hà Nội, 1980. 17. Kacala, J., Sloveso a sémantická struktura vety, Veda Vydavatelstvo, Bratislava, 1989. 18. Keenan E. L., Passive in the world's languages, in "Language typology and language desciption", T. Shopen (ed), vol I, Cambridge University Press, Cambridge, 1985. 19. Krystal, D., Dictionary of Linguistics and Phonetics, Blackwell Publishers, 1997. 20. Lê Xuân Thại, Câu chủ - vị tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội, 1994. 21. Li Ch.N. & Thompson S.A., Subject and Topic: a new typology of language, Academic Press, New York –Sanfrancisco –London, 1976. 22. Li Ch.N. & Thompson S.A., Madarin Chinese: A Funtional Reference Grammar, University California Press, Berkely - Los Angeles – London, 1981. 23. Nguyễn Hồng Cổn, Các kiểu cấu trúc phi ngoại động trong tiếng Việt, T/c Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 2/2004. 24. Nguyễn Kim Thản, Ngữ pháp tiếng Việt (tập II), Nxb KHXH, Hà Nội, 1964. 25. Nguyễn Kim Thản, Động từ trong tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977 26. Nguyễn Minh Thuyết, Vai trò của "được", "bị" trong câu bị động tiếng Việt. Trong "Những vấn đề các ngôn ngữ Phương Đông", Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 1986. 27. Nguyễn Minh Thuyết - Nguyễn Văn Hiệp, Lý thuyết thành phần câu và thanh phần câu tiếng Việt, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1998. 28. Nguyễn Thị Ảnh, Tiếng Việt có thái bị động không?, T/c Ngôn ngữ, số 5/ 2000. 10
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.