Báo cáo " Chế định thẩm phán vị thành niên trong Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp "

pdf
Số trang Báo cáo " Chế định thẩm phán vị thành niên trong Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp " 6 Cỡ tệp Báo cáo " Chế định thẩm phán vị thành niên trong Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp " 168 KB Lượt tải Báo cáo " Chế định thẩm phán vị thành niên trong Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp " 0 Lượt đọc Báo cáo " Chế định thẩm phán vị thành niên trong Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp " 1
Đánh giá Báo cáo " Chế định thẩm phán vị thành niên trong Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp "
4.1 ( 4 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

Nhµ n−íc vµ ph¸p luËt n−íc ngoµi ThS. TrÇn V¨n Dòng * T rong luật hình sự và luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp, chế định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên luôn gắn liền với chế định thẩm phán vị thành niên (Juge des enfants). Đây là thẩm phán chuyên giải quyết những vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện từ khâu điều tra, xét xử cho đến khâu thi hành bản án hình sự. Tính độc đáo của chế định thẩm phán vị thành niên trong luật hình sự và luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp thể hiện ở chỗ nó vừa có thẩm quyền điều tra, lại vừa có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa luật hình sự và luật tố tụng hình sự của Pháp với luật hình sự và tố tụng hình sự của nhiều quốc gia khác đồng thời cũng tạo nên khá nhiều tranh cãi xung quanh sự công minh của vị thẩm phán này trong quá trình tố tụng hình sự 1. Thẩm phán vị thành niên quy tụ hai chức năng: Chức năng điều tra và chức năng xét xử vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện Ở Pháp, quan điểm hình thành riêng hệ thống các cơ quan tư pháp, chịu trách nhiệm điều tra, truy tố và xét xử những vụ án do người chưa thành niên thực hiện đã xuất hiện từ cuối thế kỉ thứ XIX nhưng phải đến những năm đầu của thế kỉ XX thì toà án vị 54 thành niên - chế định pháp lí hình sự chuyên biệt đầu tiên chịu trách nhiệm về các vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện mới chính thức ra đời.(1) Tuy nhiên, sự hiện diện của hệ thống tòa án chuyên biệt này chưa đủ để thực hiện cái gọi là «hình thành một hệ thống các cơ quan chuyên biệt». Hơn ba mươi năm sau đó, thẩm phán vị thành niên - một chế định tố tụng hình sự của Pháp mới xuất hiện. Sự ra đời của chế định thẩm phán vị thành niên đánh dấu sự hoàn thiện cơ bản hệ thống các cơ quan tư pháp hình sự về người chưa thành niên phạm tội ở Pháp đồng thời nó phản ánh hoàn cảnh nước Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ II.(2) Thẩm phán vị thành niên là thẩm phán của toà án có thẩm quyền rộng (Tribunal de grande instance), họ là những thẩm phán có kinh nghiệm, được lựa chọn và đào tạo theo chế độ riêng và được Tổng thống bổ nhiệm trong nhiệm kì ba năm trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ tư pháp (Garde de sceaux – ministre de la justice), sau khi đã có ý kiến của Hội đồng thẩm phán tối cao.(3) Địa vị pháp lí của thẩm phán vị thành niên được thể hiện ở hai chức năng có tính chất chuyên biệt sau: * Giảng viên Khoa luật hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội t¹p chÝ luËt häc sè 5/2008 Nhµ n−íc vµ ph¸p luËt n−íc ngoµi a. Chức năng điều tra Ở Việt Nam, không có thẩm phán điều tra. Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự phần lớn thuộc về cơ quan điều tra Bộ công an. Người thực hiện công tác điều tra gọi là điều tra viên và khi nói đến thẩm phán là nói đến chức năng xét xử thuộc toà án. Ở Pháp, việc điều tra vụ án hình sự thuộc về thẩm phán điều tra. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện thẩm phán vị thành niên, đối với những vụ án do người chưa thành niên thực hiện, Điều 8 Sắc lệnh số 45-174 ngày 2/2/1945 quy định thẩm phán vị thành niên thực hiện tất cả các biện pháp điều tra có hiệu quả nhằm tìm ra sự thật của vụ án; những đặc điểm liên quan đến nhân cách của người chưa thành niên phạm tội cũng như có quyền áp dụng các biện pháp giáo dục có tính chất riêng biệt đối với người đó. Bên cạnh đó, luật hình sự và luật tố tụng Cộng hoà Pháp còn nhấn mạnh các hoạt động điều tra của thẩm phán vị thành niên còn nhằm làm rõ các đặc điểm thuộc về nhân cách của người phạm tội, bởi vì chính các yếu tố thuộc về nhân cách này sẽ là cơ sở cho các phán quyết kế tiếp của chính thẩm phán vị thành niên trong quá trình xử lí vụ án. Ví dụ: Sau khi kết thúc điều tra, căn cứ vào kết quả điều tra, thẩm phán vị thành niên sẽ quyết định hình thức xét xử người chưa thành niên theo hình thức xử tại phòng làm việc (Chambre conseil) hay mở phiên tòa công khai (l’Audience). Việc lựa chọn và quyết định hình thức xét xử nào phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố nhân thân của người phạm tội. t¹p chÝ luËt häc sè 5/2008 Trong giai đoạn điều tra, để có thể thu thập các tình tiết thuộc về nhân thân, ngoài việc xét hỏi trực tiếp, thẩm phán vị thành niên có thể thực hiện công tác điều tra thông qua cơ quan trợ giúp giáo dục bên cạnh toà án (Service éducatif auprès du tribunal SEAT). Điều đặc biệt là, luật cho phép : «Trong trường hợp khẩn cấp, thẩm phán vị thành niên còn có thể hỏi trực tiếp về tình trạng gia đình hoặc hoàn cảnh cá nhân của người chưa thành niên mà không cần tuân thủ các quy định được quy định tại điều 114 Bộ luật tố tụng hình sự».(4) Ngoài ra, thẩm phán vị thành niên còn phải tự mình tiến hành các hoạt động điều tra như tìm hiểu điều kiện sống của người chưa thành niên, những điểm cơ bản về quá khứ của người chưa thành niên cũng như về thái độ trong học tập, quan hệ với bạn bè và những người xung quanh. Họ có quyền yêu cầu kiểm tra về y tế, về tâm lí đối với người chưa thành niên. Đồng thời quyết định giao người chưa thành niên cho gia đình, người thân thích hoặc cũng có thể quyết định đưa người chưa thành niên vào các trung tâm tiếp nhận người chưa thành niên trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra nếu xét thấy cần thiết. Cũng cần phải thấy rằng việc phân định thẩm quyền điều tra giữa thẩm phán điều tra và thẩm phán vị thành niên trong luật hình sự Cộng hòa Pháp đối với những vụ án do người chưa thành niên thực hiện trong nhiều trường hợp chưa được rõ ràng. Ngoài những vụ án nghiêm trọng (crime), thẩm quyền điều tra trong mọi trường hợp thuộc về thẩm phán điều tra, đối với những vụ khinh tội 55 Nhµ n−íc vµ ph¸p luËt n−íc ngoµi (délit) hoặc tội vi cảnh (contravention) ở mức độ 5(5) thì cả hai thẩm phán (thẩm phán điều tra và thẩm phán vị thành niên) đều có quyền tiến hành các biện pháp điều tra. Sự phân định thẩm quyền trong những trường hợp này không được thể hiện trực tiếp trong luật mà được thực hiện thông qua sự lựa chọn của công tố viên (Procureur). b. Chức năng xét xử Khi tiến hành các hoạt động điều tra, Thẩm phán vị thành niên có thể ra một trong các quyết định sau đây: + Đình chỉ điều tra (Classé sans – suite); + Chuyển hồ sơ cho thẩm phán điều tra nếu phát hiện vụ án không thuộc thẩm quyền để thẩm phán điều tra tiếp tục điều tra theo thẩm quyền; + Chuyển hồ sơ đến toà án vị thành niên để tiến hành xét xử theo hình thức tập thể, công khai bằng phiên toà mà bản thân thẩm phán vị thành niên là chủ toạ phiên toà; + Quyết định để lại xét xử theo thủ tục giản đơn «juge unique». Như vậy, hoạt động xét xử của thẩm phán vị thành niên được tiến hành theo hai phương thức, đó là tiến hành xét xử theo hình thức giản đơn (juge unique) hoặc là tiến hành xét xử tập thể dưới hình thức toà án vị thành niên (Tribunal pour enfants). Căn cứ để phân biệt hai hình thức xét xử này là tính chất phức tạp của vụ án và những hình phạt hoặc biện pháp dự kiến áp dụng. Điều đó có nghĩa là thông thường, đối với những vụ phạm tội vi cảnh ở mức độ 5, những vụ kinh tội (délit), nếu tính chất vụ việc không phức tạp và biện pháp áp dụng chỉ là những biện pháp có tính chất giáo dục thì thẩm 56 phán vị thành niên sẽ tiến hành xét xử theo hình thức giản đơn, ngược lại thì sẽ tiến hành xét xử tập thể. Ngoài ra, cũng theo Điều 8 Sắc lệnh ngày 2/9/1945, đối với những vụ án mà có mức hình phạt dự kiến cao hơn hoặc bằng 7 năm tù thì thẩm quyền thuộc về toà án vị thành niên. Toà án vị thành niên tiến hành hoạt động xét xử như toà án thông thường. Tuy nhiên, điều đặc biệt so với phiên toà hình sự xét xử vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện ở Việt Nam ở chỗ thẩm phán chủ toạ có quyền cho phép bị cáo vắng mặt một phần hoặc toàn bộ trong quá trình xét xử. Trong trường hợp này, quyền lợi của bị cáo sẽ được đảm bảo và được đại diện bởi luật sư hoặc người đại diện. Bên cạnh đó, thẩm phán chủ tọa cũng có quyền hạn chế sự tham gia của những người không liên quan. Ngoài ra, Sắc lệnh còn quy định rất cụ thể các điều kiện công bố các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án như băng ghi âm, ghi hình;(6) việc công bố bản án, họ tên thật của bị cáo đều được quy định theo hướng có lợi cho người chưa thành niên. Các quy định này được lí giải từ góc độ lợi ích của người chưa thành niên là nhằm tạo điều kiện cho họ có sự phát triển bình thường sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc các biện pháp mà toà án áp dụng, tránh được những ảnh hưởng tâm lí không cần thiết cho sự phát triển về sau này của họ. 2. Thẩm quyền của thẩm phán vị thành niên a. Thẩm quyền của thẩm phán vị thành niên trong quá trình điều tra Với tư cách là người tiến hành các hoạt t¹p chÝ luËt häc sè 5/2008 Nhµ n−íc vµ ph¸p luËt n−íc ngoµi động điều tra, thẩm phán vị thành niên có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: Biện pháp hạn chế sự tự do đi lại; hạn chế một số quyền. Thẩm phán vị thành niên cũng có quyền áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam. Đây là những biện pháp có tính chất tước tự do trong một khoảng thời gian nhất định. b. Thẩm quyền của thẩm phán vị thành niên trong giai đoạn xét xử Như chúng tôi đã trình bày ở trên, việc lựa chọn biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên cũng ảnh hưởng ngay đến việc lựa chọn hình thức xét xử. Với hai chức năng: Chức năng điều tra và chức năng xét xử, hoạt động của thẩm phán vị thành niên luôn phải đảm bảo hai yếu tố, đó là giáo dục và trấn áp, trong đó yếu tố giáo dục được đặt lên hàng đầu. - Hình thức xét xử giản đơn (juge unique): Hình thức này không mở phiên toà công khai mà tiến hành xét xử tại phòng làm việc (chambre de conseil). Ở hình thức này, các biện pháp mà thẩm phán vị thành niên áp dụng chỉ là những biện pháp có tính chất giáo dục. Thẩm phán vị thành niên có quyền tuyên bố không phạm tội (nếu hành vi không cấu thành tội phạm) hoặc là tuyên miễn hình phạt và các biện pháp khác (nếu thiệt hại do hành vi phạm tội đã được khắc phục); áp dụng hình phạt cảnh cáo; áp dụng biện pháp giao người chưa thành niên phạm tội cho cha mẹ hoặc người đỡ đầu; áp dụng biện pháp đặt người phạm tội dưới chế độ bảo vệ tư pháp hoặc đưa người phạm tội vào trung tâm giáo dục.(7) - Hình thức xét xử tập thể (toà án vị t¹p chÝ luËt häc sè 5/2008 thành niên): Xuất phát từ thẩm quyền xét xử nên ngoài những biện pháp - hình phạt có tính chất giáo dục, toà án vị thành niên còn có thể áp dụng những biện pháp sau đây: Theo Điều 15 Sắc lệnh số 45 - 174 ngày 2/2/1945, những biện pháp phòng ngừa có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội gồm: + Giao lại cho cha mẹ hoặc người đỡ đầu; đưa vào trung tâm giáo dục hay dạy nghề; + Đưa vào trung tâm y tế - giáo dục; đặt dưới sự trợ giúp tư pháp hoặc đưa vào các cơ sở riêng biệt dành cho trẻ em phạm tội ở độ tuổi học sinh. Đối với người phạm tội là trẻ vị thành niên dưới 10 tuổi, toà án vị thành niên có thể tuyên một hay nhiều biện pháp có tính chất giáo dục - phòng ngừa (sanctions éducatives) sau: Tịch thu vật dùng để phạm tội hoặc do phạm tội mà có mà người đó đang tàng trữ hay sở hữu; cấm xuất hiện tại nơi mà hành vi phạm tội đã được thực hiện trong thời gian không quá 1 năm trừ trường hợp đó là nơi sinh sống; cấm gặp gỡ tiếp xúc trong thời hạn không quá một năm với nạn nhân; với những đồng phạm; thực hiện các biện pháp có tính chất giúp đỡ, sửa chữa; buộc phải theo những lớp học thực hành nghề nghiệp. Đối với những người phạm tội 13 tuổi, các biện pháp có thể áp dụng là: Giao lại cho cha mẹ hoặc người thân; đưa vào trung tâm giáo dục hoặc đào tạo nghề; đưa vào trung tâm y tế; đưa vào trung tâm giáo dục - cải tạo. Đối với những người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi, khoản 2 Điều 20 Sắc lệnh số 45 - 174 quy định: Toà án vị thành niên có thể áp dụng hình phạt tước tự do đối với người 57 Nhµ n−íc vµ ph¸p luËt n−íc ngoµi phạm tội từ 13 tuổi trở lên đến 18 tuổi. Mức hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội không vượt quá ½ mức phạt tù mà luật quy định. Nếu hình phạt quy định là tù chung thân thì hình phạt cao nhất được tuyên không vượt quá 20 năm tù. c. Thẩm quyền của thẩm phán vị thành niên trong quá trình chấp hành hình phạt Trong luật hình sự, luật tố tụng hình sự Việt Nam, các quy định liên quan đến việc chấp hành hình phạt gồm: Thời hiệu thi hành bản án, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, án treo… Nhìn chung, các biện pháp này đều tập trung vào việc đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh hình phạt đã tuyên. Các chế định này có đề cập ít nhiều yếu tố tích cực cải tạo, tiến bộ của người bị kết án. Sự khác biệt của người bị kết án là người chưa thành niên so với người đã thành niên trong quá trình chấp hành hình phạt là quy định giảm thời hạn để xét giảm mức hình phạt, có nghĩa là: Đối với người chưa thành niên thời gian để xét giảm sớm hơn với mức giảm nhiều hơn.(8) Mặt khác, các quy định về đào tạo nghề trong các trại cải tạo hiện nay cũng chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa người chưa thành niên và đã thành niên. Có chăng chỉ là những quy định về đào tạo nghề rất chung và dường như chưa đủ để có thể giúp người chấp hành án tái hoà nhập cộng đồng được dễ dàng. Trong luật hình sự và luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp, ngoài việc tổ chức các hoạt động giáo dục đào tạo nghề trong hệ 58 thống các trại cải tạo (Administration pénitentiaire), các quy định liên quan đến quá trình tái hoà nhập cộng đồng như: Giảm một phần thời hạn chấp hành hình phạt có điều kiện; thực hiện chế độ bán tự do (Mise en régime de semie – liberté); thực hiện việc trả tự do có theo dõi giám sát (Mise en liberté surveillé); đặt dưới chế độ kiểm soát bằng các thiết bị điện tử là những «công cụ pháp lí» không thể thiếu nhằm nâng cao hiệu quả của hình phạt. Ở Việt Nam, thẩm phán đã xét xử vụ án không có thẩm quyền trong việc xét giảm, tạm hoãn việc chấp hành hình phạt của người phạm tội. Các quyết định liên quan đến quá trình chấp hành án được ban hành bởi cơ quan thi hành án hình sự và ban quản lí trại giam và việc xét giảm hình phạt được thực hiện dưới hình thức tập thể, theo định kì hàng năm. Ở Pháp, theo quy định tại khoản 9 Điều 20 Sắc lệnh số 45 - 174 ngày 2/2/1945 được sửa đối bổ sung bởi luật ngày 3/08/2002: Trường hợp người chưa thành niên từ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án và bị tuyên phạt hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo có thử thách thì thẩm phán vị thành niên tại nơi mà người bị kết án sinh sống sẽ thực hiện các quyền của thẩm phán thi hành án (theo các Điều 739, 741 - 2 của Bộ luật tố tụng hình sự cho đến khi hết thời gian thử thách. Thẩm phán vị thành niên có quyền chấm dứt việc cho hưởng án treo trong trường hợp người bị kết án vi phạm điều kiện thử thách mà toà án đã áp dụng. Thẩm phán vị thành niên, căn cứ vào nhân thân của người bị kết án cũng như thái độ của người t¹p chÝ luËt häc sè 5/2008 Nhµ n−íc vµ ph¸p luËt n−íc ngoµi bị kết án, có quyền áp dụng bổ sung các biện pháp (các nghĩa vụ) được quy định tại các Điều 16, 19 của Sắc lệnh số 45 - 174 ngày 2/2/1945. Các biện pháp này có thể được thay đổi thường xuyên trong suốt thời gian chấp hành hình phạt. Họ còn có thể quyết định đưa người chưa thành niên bị kết án vào các trung tâm giáo dục theo quy định tại Điều 33 của Sắc lệnh này. Như vậy, chế định về thẩm phán vị thành niên không phải là chế định mới nhưng nghiên cứu chế định này một cách có hệ thống trong sự so sánh với hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các quy định trong luật hình sự và tố tụng hình sự là vấn đề còn chưa được đề cập nhiều trong các sách báo pháp lí. Nghiên cứu chế định này trong luật hình sự và luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp cho chúng ta thấy vai trò to lớn của thẩm phán vị thành niên trong quá trình điều tra, xét xử và cải tạo giáo dục người chưa thành niên. Vai trò đó được thể hiện không những từ giai đoạn điều tra, xét xử mà còn đến giai đoạn thi hành án, điều đó thể hiện quan điểm của các nhà lập pháp của Cộng hoà Pháp muốn đặt nhiều kì vọng hơn vào thẩm phán vị thành niên và chế định thẩm phán vị thành niên được đánh giá như là phát minh của Pháp những năm 40 của thế kỉ trước. Còn nhiều vấn đề cần phải bàn về tính công minh trong hoạt động của thẩm phán vị thành niên nhưng rõ ràng vai trò của thẩm phán vị thành niên trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng là không thể phủ nhận. Sự phong phú của các biện pháp có tính chất giáo dục được áp dụng với người chưa thành niên, các chế định liên quan đến t¹p chÝ luËt häc sè 5/2008 quá trình chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng của người bị kết án, xu hướng áp dụng càng nhiều các biện pháp có tính cứng rắn trong thời gian gần đây ở Pháp có thể giúp các nhà nghiên cứu, các nhà lập pháp Việt Nam trong việc tìm hướng đi cho các thiết chế trong luật hình sự và luật tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên ở Việt Nam bởi vì đó là yêu cầu bức thiết, nhất là khi Việt Nam là một trong các quốc gia đi đầu đã phê chuẩn các công ước quốc tế về quyền trẻ em./. (1). Toà án vị thành niên lần đầu tiên xuất hiện ở Pháp năm 1912 (xem: Luật ngày 12/07/1912). (2).Xem: Lời nói đầu của Sắc lệnh số 45-174 ngày 2/2/1945 Cộng hoà Pháp (Exposé des motifs de l’Ordonnance du 2 février 1945). (3).Xem: Sắc lệnh số 58-1270 ngày 22/12/1958 và Luật số 94-101 ngày 5/1/1994 Cộng hoà Pháp. (4). Xem: Điều 114 Bộ luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp. (5). Trong luật hình sự Cộng hoà Pháp, tội phạm được chia thành 3 loại: Trọng tội (crime); khinh tội (delit); và tội vi cảnh (contravention). Đối với tội vi cảnh, căn cứ vào mức độ nguy hiểm và mức hình phạt có thể áp dụng, các nhà lập pháp của Pháp lại chia tội vi cảnh thành 5 mức độ (5 bậc) khác nhau. Người phạm tội vi cảnh có thể bị áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền và hình phạt bổ sung. Căn cứ vào mức phạt tiền, tội vi cảnh bậc 1 có mức phạt tiền từ 38 euro trở lên; tội vi cảnh bậc 2 có mức phạt tiền từ 150 euro trở lên; tội vi cảnh bậc 3 có mức phạt tiền từ 450 euro đến trở lên; tội vi cảnh bậc 4 có mức phạt tiền từ 750 euro trở lên; tội vi cảnh bậc 5 có mức phạt tiền từ 1500 euro trở lên. (6). Đó có thể là bất kể phòng nào thuộc toà án mà ở đó diễn ra phiên toà không có tính chất công khai. Sự có mặt của công tố viên, luật sư là bắt buộc (définition – lexique juridique). (7).Xem: Khoản 1 Điều 8 Sắc lệnh số 45 - 174 ngày 2/9/1945, được sửa đổi bởi Luật số 96 - 585 ngày 1/7/1996. (8).Xem: Điều 76 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999. 59
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.