25 năm theo dòng kinh tế việt nam: phần 2

pdf
Số trang 25 năm theo dòng kinh tế việt nam: phần 2 57 Cỡ tệp 25 năm theo dòng kinh tế việt nam: phần 2 752 KB Lượt tải 25 năm theo dòng kinh tế việt nam: phần 2 2 Lượt đọc 25 năm theo dòng kinh tế việt nam: phần 2 41
Đánh giá 25 năm theo dòng kinh tế việt nam: phần 2
4.3 ( 6 lượt)
Nhấn vào bên dưới để tải tài liệu
Đang xem trước 10 trên tổng 57 trang, để tải xuống xem đầy đủ hãy nhấn vào bên trên
Chủ đề liên quan

Nội dung

Chương III: HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG CẢI TỔ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM (I) (1990) Những ý định cải tổ hệ thống ngân hàng đã bắt đầu manh nha từ năm 1986, với tư tưởng chỉ đạo được nêu trong báo cáo chính trị của Đại hội 6 như sau: “Bên cạnh nhiệm vụ quản lý lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cần xây dựng hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế”. Vào tháng 6 năm 1987, ông Lữ Minh Châu - Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (ngày nay gọi là Thống đốc), một chức vụ tương đương bộ trưởng trong Hội đồng Bộ trưởng, đã đặt hàng Nhóm Thứ Sáu nghiên cứu đổi mới hệ thống ngân hàng, với trọng tâm là việc tách rời hệ thống ngân hàng một cấp hiện nay thành hai cấp, cấp quản lý thuộc Ngân hàng Nhà nước và cấp kinh doanh gồm những ngân hàng chuyên doanh và thương mại có trụ sở tại các trung tâm vùng kinh tế hay các tỉnh, thành phố, đồng thời tách rời hai nhiệm vụ trước nay vẫn được Ngân hàng Nhà nước kiêm nhiệm, nhiệm vụ của một Ngân hàng Trung ương và nhiệm vụ của một Kho bạc Trung ương. Tháng 10 năm 1987, một ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Ngân hàng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, sau này được đổi tên là Sài Gòn Công thương Ngân hàng để tránh trùng tên với một ngân hàng quốc doanh ra đời sau đó, Ngân hàng Công thương Việt Nam. Ngân hàng cổ phần đầu tiên, với số vốn khiêm tốn là 650 triệu đồng (khoảng 1,2 triệu USD), đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của các cơ sở kinh tế tư doanh và những người gởi tiền từ khu vực gia đình do một trong những ưu điểm vượt trội của ngân hàng - vào thời điểm đó - là không thực hiện quản lý tiền mặt đối với doanh nghiệp và không hạn chế việc rút tiền mặt từ tài khoản tiền gởi hay tài khoản tiết kiệm. Sự ra đời của Sài Gòn Công thương Ngân hàng đã mở đầu cho việc xuất hiện lần lượt nhiều ngân hàng cổ phần khác hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, một số ngân hàng là kết quả hợp nhất các hợp tác xã tín dụng sống sót sau thời kỳ đổ bể tín dụng. Tháng 8 năm 1989, Chính phủ (lúc đó còn gọi là Hội đồng Bộ trưởng) quyết định xúc tiến việc đổi mới toàn diện hệ thống Ngân hàng Việt Nam và xây dựng pháp lệnh ngân hàng. Hội đồng Bộ trưởng thống nhất giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thành lập tổ chuyên gia nghiên cứu dự án cải tổ do Ông Cao Sĩ Kiêm đứng đầu. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề rất mới, cần được nghiên cứu khách quan, khoa học từ nhiều phía, nên Hội đồng Bộ trưởng cũng quyết định thành lập một tổ chuyên gia gồm các chuyên viên trong và ngoài ngành ngân hàng song song nghiên cứu vấn đề này. Ông Phan Văn Tiệm - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước được chỉ định làm tổ trưởng. Đến giữa tháng 10/1989 đề cương đã được mỗi tổ chuẩn bị xong bước đầu và bắt đầu thảo luận song song tại hai tổ. Trọng tâm của việc cải tổ là tách biệt hai chức năng ngân hàng và ngân sách của Ngân hàng Nhà nước và xây dựng hệ thống ngân hàng hai cấp, gồm Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý hệ thống ngân hàng và thực hiện chính sách tiền tệ với tư cách Ngân hàng Trung ương, và một hệ thống các tổ chức tín dụng bao gồm các ngân hàng thương mại (quốc doanh và cổ phần), các hợp tác xã tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… có chức năng kinh doanh tiền tệ. Việc tập trung cả hai chức năng quản lý và kinh doanh tiền tệ vào Ngân hàng Nhà nước lúc đó được so sánh hình tượng như một trọng tài kiêm nhiệm vai trò cầu thủ “vừa đá bóng vừa thổi còi” trên sân bóng, một nghịch lý cần chấm dứt để cho hệ thống ngân hàng có thể phục vụ tốt hơn lợi ích của người gởi tiền và doanh nghiệp. Những khái niệm mới như định chế Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, quy định dự trữ tối thiểu bắt buộc như một công cụ quản lý khối tiền tệ thay cho cơ chế quản lý tiền mặt vừa cứng nhắc vừa không hiệu quả, cơ chế thị trường tiền tệ liên ngân hàng thông qua đó Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp lãi suất để điều tiết tín dụng và khối tiền tệ thay cho kế hoạch cung ứng tiền duy ý chí trước đây… đã được đưa ra thảo luận và nhận được sự đồng thuận của cả hai tổ. Tuy nhiên, đối với đề nghị xác lập vị thế độc lập của Ngân hàng Nhà nước đối với Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ, nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho rằng bước đi như thế là quá nhanh và chưa thích hợp với tình hình và điều kiện lúc đó, nên quyết định tiếp tục đặt Ngân hàng Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Về việc thiết lập định chế Hội đồng quản trị Ngân hàng Nhà nước và thay đổi danh xưng của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, thay vì gọi là Tổng giám đốc (dễ gây lầm lẫn là người đứng đầu một ngân hàng thương mại) thì sẽ gọi là Thống Đốc cho phù hợp với cách gọi của đại đa số các nước thì được sự ủng hộ của người chỉ đạo cải tổ hệ thống ngân hàng là Ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và sau đó được đưa vào nội dung của Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo đầu tiên của hai Pháp lệnh được viết xong vào cuối tháng 10/1989 (gồm 2 bản dự thảo, một cho Ngân hàng Nhà nước và một cho các tổ chức tín dụng), được trình bày trực tiếp trước cho Ông Võ Văn Kiệt và được ông chấp thuận cho mang ra thảo luận ở hai tổ nghiên cứu. Những cuộc thảo luận về dự thảo pháp lệnh rất sôi nổi, hào hứng, ngày càng có nhiều chuyên gia được mời hoặc tình nguyện tham gia góp ý hoàn chỉnh. Tháng 3/1990, Hội đồng Bộ trưởng quyết định cử một đoàn gồm các ông Nguyễn Thiệu, Lê Văn Tư, Huỳnh Bửu Sơn đi Pháp, Singapore và Thái Lan với sự tài trợ của hai ngân hàng Pháp là IndoSuez và BFCE. Mục đích chuyến đi là tham khảo ý kiến các giới ngân hàng tại các nước đó về đề án cải tổ và hai dự thảo pháp lệnh ngân hàng, rút ngắn quá trình phê chuẩn hai dự thảo pháp lệnh… Chuyến đi Singapore không thành vì đoàn không được cấp chiếu khán vào Singapore do quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore còn băng giá vì vấn đề chiến tranh tại Campuchia. Tuy nhiên, chuyến đi Pháp và Thái Lan đã thành công ngoài dự tính. Các giới chức ngân hàng Pháp cũng như Thái Lan đều đánh giá cao đề án và hai dự thảo pháp lệnh ngân hàng và hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cải cách hệ thống ngân hàng, cho đó là một bước đi cần thiết và phù hợp. Đặc biệt, Ngân hàng Pháp quốc (Banque de France - Ngân hàng Trung ương của Pháp) đã cử hẳn một nhóm chuyên gia đến làm việc với đoàn và sau này, một thành viên của họ, ông Chaise - Tổng Thanh tra Ngân hàng Pháp trở thành Cố vấn cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm. Cũng nhân chuyến đi đó, đoàn đã tranh thủ gặp ông Berth, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Pháp, trao cho ông hai bản dự thảo pháp lệnh và đề nghị IMF cho ý kiến. IMF đánh giá cao hai dự thảo này và ngay sau đó, trong một thời gian chưa đầy 2 tuần, đã có một bản góp ý quan trọng gửi Chính phủ Việt Nam và cử sang Hà Nội một đoàn chuyên gia để giải thích và ủng hộ những điều khoản tiến bộ trong dự thảo hai pháp lệnh. Từ đó về sau, việc hỗ trợ đổi mới ngân hàng Việt Nam đã thành mối quan tâm thường xuyên của IMF và World Bank (Ngân hàng Thế giới). Chính nhờ tầm nhìn xa và sự chỉ đạo mạnh dạn, nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ, mà trực tiếp là của Ông Võ Văn Kiệt, hai dự thảo pháp lệnh ngân hàng đã được hoàn chỉnh trong một thời gian kỷ lục và được Chủ tịch nước Võ Chí Công ký ban hành vào tháng 5/1990 (có hiệu lực từ tháng 10/1990). Hai pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức Tín dụng có đầy đủ những yếu tố của hai bộ luật về tiền tệ, ngân hàng đầu tiên của nước ta trong thời kỳ Đổi mới. Sau này, vào năm 1995, trên cơ sở hai pháp lệnh, Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng Luật Ngân hàng. Hai pháp lệnh chính là cơ sở pháp lý ban đầu làm nền tảng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành và phát triển trong cơ chế thị trường. Các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lần lượt sinh sôi nẩy nở trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Hệ thống ngân hàng nước ta đã sẵn sàng hội nhập với thị trường tiền tệ quốc tế. Các hợp tác xã tín dụng thành thị và nông thôn ra đời, góp phần cải thiện dòng vốn phục vụ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và nông dân. Ngân hàng Nhà nước cũng dần dần hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ trọng yếu của mình và cùng với hệ thống ngân hàng xây dựng một nền móng vững chắc để hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng, đóng góp xứng đáng vào thành tích ổn định và phát triển kinh tế trong thời kỳ đầu của Đổi Mới và Mở Cửa. VÌ SAO HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM CHƯA CÓ SÉC CÁ NHÂN? (1994) Các nhà phân tích kinh tế phương Tây ngày nay khi đề cập đến tiến bộ trong hệ thống thanh toán nền kinh tế của họ, thường dùng thuật ngữ checkless society - có nghĩa là một xã hội không có séc (chi phiếu), không dùng séc. Việc sử dụng thuật ngữ này cho thấy sự thay đổi cơ bản về chất trong quan hệ thanh toán: những đồng tiền bằng nhựa, những thẻ thanh toán điện tử đang thay thế dần tiền giấy và séc, làm cho việc thanh toán được thực hiện nhanh hơn, chính xác hơn, an toàn hơn, đỡ cồng kềnh hơn và nhất là ít tốn kém hơn. Xã hội của chúng ta hiện nay cũng là một checkless society, nhưng không phải vì chúng ta đã có tiền nhựa hay tiền điện tử mà vì hệ thống ngân hàng của chúng ta chưa phổ biến được phương tiện thanh toán này. Đây là điều làm ngạc nhiên đến ngỡ ngàng không ít những người muốn tìn hiểu về nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán giữa các cá nhân, giữa cá nhân và các đơn vị kinh tế với tất cả những bất tiện của nó, trên nền của sự thiếu thốn triền miên về nguồn vốn thanh toán trong toàn xã hội. Và cội rễ của tình trạng thiếu vốn thanh toán không gì khác hơn là việc sử dụng phổ biến tiền mặt như phương tiện thanh toán duy nhất của cá nhân. Hãy làm một cuộc so sánh giữa hai xã hội, một sử dụng hoàn toàn séc và một sử dụng hoàn toàn tiền mặt. Nếu quy định về dự trữ tối thiểu bắt buộc đều là 10% cho cả hai hệ thống ngân hàng và tổng giá trị thanh toán ở một thời điểm nhất định của hai nền kinh tế là ngang nhau - những yếu tố khác - như vòng quay tiền tệ cũng ngang bằng, thì lượng tiền mặt cần cho xã hội thứ hai sẽ gấp 10 lần xã hội thứ nhất. Chỉ riêng yếu tố đó cũng đã thấy việc không thể sử dụng séc đã gây ra tốn kém như thế nào về mặt in ấn tiền giấy và những phí tổn khác có liên quan đến việc thanh toán bằng tiền mặt. Chưa kể đến một vấn đề quan trọng khác. Mỗi cá nhân đều giữ tiền trong một thời gian lâu hay mau trước khi chi tiêu. Số tiền mặt đó nhân với thời gian giữ tiền mặt bình quân trong xã hội, nhân với toàn thể các cá nhân tham gia vào quá trình thanh toán trong thời gian đó của xã hội sẽ là một con số rất lớn. Con số đó chính là nguồn vốn thanh toán bị bất động ở một xã hội xài tiền mặt. Ở xã hội sử dụng séc, không có sự bất động vốn nói trên, mọi đồng tiền trong hệ thống ngân hàng đều rất hoạt động, chúng không nằm yên, lúc nào chúng cũng lưu chuyển và tạo ra lợi nhuận cho xã hội. Như vậy, việc phổ biến phương tiện sử dụng séc là quyền lợi trước hết của xã hội. Để quyền lợi này được đảm bảo, phải có sự hưởng ứng của mọi cá nhân, mọi đơn vị kinh tế. Và sự hưởng ứng này chỉ có được khi nào mọi người thấy rằng sử dụng séc tiện lợi hơn, đỡ phiền hà hơn, ít tốn kém hơn và ít mất thời gian hơn. Hệ thống ngân hàng phải cung ứng được những tiện ích đó. Những quy định hạn chế các lạm dụng phải nhằm mục tiêu làm cho các tiện ích đó được cung cấp tốt hơn, an toàn hơn, bảo vệ cho người trả séc lẫn người nhận séc mà không làm mất đi các tiện lợi cần thiết. Việc cho phép cá nhân mở tài khoản séc được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định từ cuối năm 1993, nhưng đến nay mới chỉ triển khai thí điểm tại Hà Nội và chỉ nhận được một sự hưởng ứng hạn chế. Giới Ngân hàng cho rằng các quy định về mở tài khoản séc cá nhân của NHNN nặng về mặt triệt tiêu các lạm dụng nhưng ít quan tâm đến việc tạo tiện lợi cho người sử dụng séc, do đó không khuyến khích người ta sử dụng séc. Ngoài việc quy định lãi suất của tài khoản séc cá nhân thấp hơn phân nửa lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn, còn có ràng buộc như người sử dụng séc phải đến nhờ ngân hàng thực hiện nghiệp vụ bảo chi nếu chi trả một khoản tiền vượt quá năm triệu đồng. Đặc biệt còn có quy định là người chủ tài khoản séc cá nhân không được ủy quyền cho đệ tam nhân sử dụng tài khoản của mình, tước mất một hành vi pháp lý quan trọng và là một tiện ích cần thiết của một cá nhân với tư cách chủ tài khoản. Mặc khác, hệ thống thanh toán bù trừ séc cá nhân cũng chưa được NHNN triển khai rộng rãi trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng thương mại còn than phiền về sự can thiệp quá sâu của NHNN như việc buộc họ phải in các tập séc theo mẫu thống nhất do NHNN quy định. Thật ra, tờ séc thể hiện lệnh của người chủ tài khoản cần có nội dung rõ ràng của một lệnh trả tiền, có chữ ký đích thực của ông ta là đủ để yêu cầu ngân hàng nhận mở tài khoản séc phải thực hiện lệnh đó. Các ngân hàng in tập séc cho khách hàng là để phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách hàng, giảm bớt chi phí, thời gian, phiền hà cho họ trong việc viết lệnh. Luật thương mại các nước đều quy định những yếu tố pháp lý căn bản cấu thành một tờ séc mà không hề ràng buộc một mẫu séc thống nhất. Những quy định hiện nay của NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản séc là rất chặt chẽ, nhưng e rằng sự chặt chẽ đó có thể ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu phổ cập việc sử dụng séc trong dân chúng. Và nếu xã hội vẫn chưa thể sử dụng séc thay thế tiền mặt, xã hội đó sẽ mất đi nhiều lợi ích lớn lao về thời gian, về vốn liếng cần thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế. Nên chăng có một sự phân định rõ ràng giữa vai trò kỹ thuật nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng với vai trò của luật pháp quy định và bảo đảm các nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng séc cùng người thụ hưởng séc. Ngân hàng, với chức năng của mình, cần tạo ra các tiện ích, thuận lợi đủ sức hấn dẫn cho mọi người hưởng ứng việc sử dụng séc, thu hẹp phạm vi thanh toán bằng tiền mặt. Về mặt pháp lý, một luật hay pháp lệnh về séc cần được ban hành sớm để chế tài những hành vi lạm dụng như việc ký séc không tiền bảo chứng, điều mà hệ thống ngân hàng thường e ngại. Sự phối hợp giữa chức năng của ngân hàng và luật lệ về chi phiếu là điều kiện quyết định giúp phổ biến rộng rãi hơn, an toàn hơn việc sử dụng séc cá nhân trong xã hội. Tháng 4/1994 NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI: THỬ THÁCH ĐANG ĐẾN GẦN (1994) Ngày 14 tháng 7 tới đây, cũng là ngày Quốc khánh của Cộng hòa Pháp, IndoSuez - một ngân hàng lớn vào bậc nhất nhì ở Pháp và có mối quan hệ lâu đời với Việt Nam sẽ chính thức khai trương hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Indo Suez sẽ là ngân hàng nước ngoài đầu tiên bước vào cánh cửa mở rộng của thị trường tiền tệ, tín dụng Việt Nam, theo sau đó sẽ là hàng loạt các ngân hàng nước ngoài khác, trước mắt là sáu ngân hàng đã được cấp giấy phép hoạt động. Họ đều là những ngân hàng lớn, có tầm cơ quốc tế. Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài chắc chắn sẽ làm biến đổi sâu sắc hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Những kỹ thuật ngân hàng mới sẽ được đưa vào cùng với tác phong quản lý, cung cách làm ăn, mối quan hệ giao tiếp với khách hàng hoàn toàn đổi khác. Hoạt động tiển tệ, ngân hàng sẽ trở nên phong phú, đa dạng hơn, hiện đại hơn và một không khí cạnh tranh dồn dập, sôi động, không cưỡng lại được sẽ cuốn hút các ngân hàng trong nước, quốc doanh cũng như cổ phần, vào cuộc chạy đua bắt buộc. Và trong cuộc chạy đua marathon nhằm chiếm lĩnh vị trí số một trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ, các ngân hàng Việt Nam non trẻ, chưa kịp chuẩn bị đầy đủ cho cuộc thử sức này sẽ rất chật vật mới có thể chen vai cùng các đồng nghiệp hùng mạnh và có lợi thế hơn hẳn. Trước hết là ưu thế về vốn. Mỗi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều có một số vốn tối thiểu theo quy định là 15 triệu đô-la Mỹ, như vậy, chỉ riêng sáu ngân hàng được phép hoạt động đã có một số vốn tổng cộng lên đến 90 triệu USD, tương đương với một ngàn tỷ đồng Việt Nam, lớn hơn tổng số vốn pháp định của toàn bộ các ngân hàng trong nước. Theo pháp lệnh ngân hàng, huy động tiền gửi của các ngân hàng này, trên lý thuyết, lên đến mức 20 ngàn tỷ đồng. Đây là con số vượt xa tổng số tiền gửi hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Sự ràng buộc về mức vốn tối thiểu của các ngân hàng nước ngoài trước đây tưởng chừng như một nút chặn, nay trở thành một thế mạnh tài chính áp đảo trên thị trường tiền tệ tín dụng trong nước. Thêm vào đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hưởng một cơ chế tương đối rộng rãi, một cơ chế mà số ngân hàng trong nước được hưởng có thể đếm trên đầu ngón tay. Căn cứ trên sự hoạt động của Indo Suez, chúng ta thấy rằng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngân hàng toàn diện, kinh doanh cả ngoại tệ lẫn tiền đồng. Đây là một chính sách thoáng nếu so với các nước trong vùng. Đài Loan chẳng hạn, những năm gần đây, họ mới cho giảm số hạn chế các ngân hàng nước ngoài bước khỏi ngưỡng cửa offshore banking (hoạt động ngân hàng ngoại biên) được thiết lập trong suốt mấy mươi năm trong thời kỳ phát triển, để bảo vệ các ngân hàng bản xứ. Thái Lan thì chỉ cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Bangkok, không được phép mở chi nhánh ở bất cứ nơi nào. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có một ưu thế không thể chối cãi, là khả năng thu hút những chuyên viên giỏi nhất về ngân hàng hay là về bất cứ lĩnh vực nào khác mà họ thấy cần. Với mức lương trả có thể gấp 10 lần mức lương trung bình của một ngân hàng trong nước, họ chỉ cần một thời gian ngắn là có thể tập trung trong tay những cán bộ ưu tú để xây dựng bộ máy. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị này của các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng Việt Nam đã thực sự cảm thấy sức ép đang đè nặng về mặt nhân sự. Tình trạng chảy máu chất xám không chỉ từ khu vực ngân hàng mà còn từ nhiều khu vực khác là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, để kiện toàn đội ngũ, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài có thể gửi nhân viên Việt Nam của họ ra học tập, huấn luyện trong hệ thống mạng lưới của họ đặt tại Hồng Kông, Singapore chẳng hạn. Mặt tích cực của việc này là Việt Nam sẽ nhanh chóng có được một đội ngũ chuyên viên ngân hàng tinh nhuệ, nhưng mắc khác đó sẽ là bài toán hóc búa đặt ra cho các ngân hàng Việt Nam trong nỗ lực duy trì tiềm lực nhân sự của mình để có thể tồn tại và phát triển lâu dài. Các ngân hàng nước ngoài còn có một lợi điểm khác mà các ngân hàng trong nước chỉ có thể mơ ước. Họ bước vào thị trường tiền tệ, tín dụng Việt Nam với tư cách là một ngân hàng mới tinh khôi, lành mạnh, đầy năng lực khi các ngân hàng trong nước, quốc doanh, cổ phần, kể cả các ngân hàng mới thành lập trên cơ sở các hợp tác xã tín dụng trước đây đều phải trải qua một cơn bão táo tín dụng mà hay những hậu quả nghiêm trọng còn lại của nó vẫn chưa được khắc phục. Không bị thúc đẩy bởi hoàn cảnh, các ngân hàng nước ngoài sẽ thong thả chờ cho sóng yên gió lặng, thong thả chọn lựa những khách hàng tin cậy nhất, chọn lĩnh vực thuận lợi nhất để triển khai các hoạt động của mình. Họ còn có ưu thế vượt trội về mặt kỹ thuật. Khi thời cơ thuận tiện, họ sẽ lần lượt đưa vào thị trường Việt Nam những kỹ thuật ngân hàng mới, những công cụ thanh toán hiện đại, những dịch vụ có thể thỏa mãn mọi yêu cầu của khách hàng. Trong khi đó, do thiếu vốn, thiếu cơ sở kỹ thuật cần thiết, các ngân hàng của chúng ta, tuy cố gắng tối đa, có lẽ không phải đi sau họ chỉ một bước mà là nhiều bước. Vị trí chủ đạo trên thị trường, cuối cùng sẽ thuộc về kẻ nào nắm trong tay chiếc chìa khóa của kỹ thuật và công nghệ. Với chỗ dựa là mạng lưới bao trùm khắp nơi trên thế giới và với uy tín quốc tế sẵn có, các ngân hàng nước ngoài sẽ nhanh chóng trở thành những nhà vô địch trên lĩnh vực thanh toán đối ngoại. Họ sẽ dễ dàng lôi kéo về mình các nghiệp vụ thanh toán xuất nhập khẩu, nhất là nhập khẩu, do những điều kiện thuận lợi mà họ thừa khả năng tạo ra cho khách hàng. Mỗi ngân hàng còn là một nơi thu hút các nguồn tài trợ của chính phủ họ cho Việt Nam và các khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước họ. Cuối cùng, nhưng không phải là kém quan trọng, các ngân hàng nước ngoài còn được những ưu đãi luật định dành cho các nhà đầu tư. Trong khi ngân hàng trong nước phải chịu áp lực nặng nề của thuế, trong đó có loại thuế bất hợp lý như thuế doanh thu, thì các ngân hàng nước ngoài được sự ưu đãi của luật đầu tư, sẽ được miễn thuế trong ba năm đầu. Cùng với các lợi điểm khác, ưu thế này cũng cố thêm một cách vững chắc vị trí của các ngân hàng nước ngoài trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ là thiếu soát nếu không đề cập đến những hạn chế mà ngân hàng nước ngoài gặp phải trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển của họ. Hạn chế thứ nhất bắt nguồn từ tính thận trọng cố hữu của các ngân hàng. Khác với các nhà kinh doanh khác, nhà ngân hàng thường tự nhận mình là người bảo thủ và họ tự hào khi nói lên điều đó. Do vậy, các ngân hàng nước ngoài sẽ rất dè dặt không mở rộng ngay quan hệ tín dụng giữa họ và khách hàng Việt Nam và sự lựa chọn khắt khe đến lạnh lùng cùng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của họ sẽ sớm là nản lòng các công ty, xí nghiệp Việt Nam muốn thiết lập quan hệ. Mặt khác, đối với họ, thị trường tiền tệ tín dụng ở đây vẫn còn nhiều bất trắc và họ sẽ không vội vã tham gia vào thị trường này, ngay cả khi họ đã được phép kinh doanh tiền đồng. Tình trạng lãi suất chưa ổn định, độ tin cậy của khách hàng chưa cao, sự mâu thuẫn chưa khắc phục giữa giá mua và giá bán đồng vốn, sự “cẳng thẳng” tiềm ẩn của tiền mặt… đều là những trở ngại mà họ chưa thấy cần thiết phải đương đầu. Cái giá phải trả trong trường hợp này sẽ khá cao so với lợi ích mang lại. Các ngân hàng nước ngoài cũng chưa có kinh nghiệm tại chỗ và mặc dù một số lớn trong họ đã thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ mấy năm nay, vẫn có nhiều vấn đề thực tế thị trường mà họ chưa hiểu nổi và cần có thời gian để tìm hiểu. Tuy nhiên, như đã nói, các ngân hàng nước ngoài không hề vội vã, thời gian rõ ràng đang đứng về phía họ. Còn đối với các ngân hàng trong nước, điều cốt tử là phải tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi này để làm một cuộc thoát xác. Các ngân hàng Việt Nam, như những con đò thô sơ bỗng một sáng đẹp trời thấy bên cạnh mình những chiếc phà to lớn, xinh đẹp, bóng loáng, mới tinh. Người lái đò buộc phải vội vã lo sơn phết, vá víu lại con đò của mình, cố gắng mua thêm một cái máy đuôi tôm và nở một nụ cười chưa quen thuộc để chiêu đãi khách hàng như một nỗ lực sống còn trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng, khắc nghiệt của cơ chế thị trường còn quá mới mẻ. Còn lâu những đợt sóng phía sau những chiếc phà đó mới nhận chìm được những con đò của chúng ta, nhưng chắc chắn chúng sẽ gây không ít khó khăn cho những con đò nhỏ đang chở khẳm những gánh nặng nợ nần. Mong rằng các con đò của chúng ta sẽ mau chóng lớn mạnh thành những chiếc phà hiện đại để cùng với những ngân hàng nước ngoài, biến hệ thống ngân hàng Việt Nam thành một mũi nhọn cho phát triển. Nhưng trước hết, các ngân hàng Việt Nam cần được sự hỗ trợ, một sự hỗ trợ khẩn cấp, tích cực và có hiệu quả từ phía ngân hàng mẹ, Ngân hàng Nhà nước. TÌNH HÌNH HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM THỜI ĐIỂM 1995-1996 Nếu xem thời điểm ban hành hai Pháp lệnh ngân hàng khởi đầu công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng là cột mốc khởi đầu công cuộc cải tổ hệ thống Ngân hàng Việt Nam, cho đến nay hệ thống ngân hàng trẻ trung này của chúng ta mới được hơn năm tuổi. Thời gian tuy không dài, nhưng sự thay da đổi thịt để trưởng thành rất rõ nét. Cải tổ đã làm một cuộc phẩu thuật lớn. Cặp đôi song sinh được tách ra và nhờ đó mỗi người đã lớn lên theo cách riêng của mình. Ngân hàng Nhà nước, với tư cách một Ngân hàng Trung ương, giữ vai trò quản lý, điều hành hệ thống ngân hàng, chăm lo sức khỏe của nền tiền tệ, đang ngày càng hoàn thiện các chức năng và các công cụ quản lý. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại đang phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, ngoài bốn ngân hàng quốc doanh có mặt ngay từ đầu, hệ thống được sự tham gia rộng rãi của trên 40 ngân hàng cổ phần, bốn ngân hàng liên doanh, 19 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hai công ty tài chính, 69 hợp tác xã tín dụng và 153 quỹ tín dụng nhân dân (chưa kể trên 60 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài). Mặc dù các ngân hàng quốc doanh vẫn tiếp tục giữ vị trí áp đảo với tổng tài sản có chiếm 87% của toàn hệ thống, tình trạng độc quyền ngân hàng đã chấm dứt, một môi trường cạnh tranh được hình thành và đang là động lực thúc đẩy các ngân hàng trong nước tự cải thiện mình về mọi mặt để tồn tại và tiến về phía trước. Mối quan hệ giữa ngân hàng và các đơn vị kinh tế trở nên bình đẳng và sòng phẳng hơn, ngày nay, các ngân hàng đang phải tích cực tranh thủ và “o bế” khách hàng của mình nhiều hơn là điều ngược lại. Ở đâu trong cơ chế thị trường, khách hàng, cuối cùng, cũng là vua. Nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội được thu hút nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng. Quả tim của nền kinh tế bây giờ đây đang phục hồi dần chức năng của nó là hút và bơm nguồn máu cần thiết để nuôi dưỡng các tế bào của cơ thể, mà không phải chỉ là một số con kênh hạn hẹp được thiết lập nhằm phân phối nguồn vốn bao cấp từ ngân sách đến khu vực kinh tế quốc doanh như trước đây. Hệ thống ngân hàng đổi mới đã đóng góp phần xứng đáng của mình vào các thành tựu kinh tế trong thời gian qua. Trước hết, nó giúp nền kinh tế vượt qua cơn khủng hoảng tài chính của những năm 1990 - 1991. Sau đó, từ 1993 đến 1995, cũng chính hệ thống ngân hàng đổi mới đã góp phần không nhỏ trong việc cả nước thực hiện kỳ tích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ba năm liền lên trên 8%/năm, gấp đôi so với những năm trước đó. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, sản xuất kinh doanh trong cả hai khu vực quốc doanh và tư doanh đều phát triển, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm sau tăng nhiều hơn năm trước để đạt đến đỉnh cao 17,8 tỷ đô-la vào cuối năm 1995. Trong mỗi thành tích đó đều có sự góp sức ít nhiều của hệ thống ngân hàng được đổi mới của chúng ta. Khi quả tim lấy lại nhịp đập lành mạnh của nó, cơ thể kinh tế cũng bình phục và khỏe mạnh hơn trước. Tuy nhiên, những thành tích đáng kích lệ vừa kể không làm chúng ta quên một thực tế là hệ thống ngân hàng của chúng ta còn rất non trẻ và cần phải làm nhiều điều để giúp nó lớn mạnh, thực sự giữ vai trò trụ cột trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Trong một báo cáo năm 1995, Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng Việt Nam là một nước “thiếu ngân hàng”, có tỷ lệ số ngân hàng (và chi nhánh) trên đầu người dân thấp nhất so với các nước khác trong ASEAN và do đó tỷ lệ khối tiền tệ M3 (gồm tiền mặt lưu hành và các tài khoản tiền gởi trong hệ thống ngân hàng) so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ bằng 23%, một tỷ lệ thấp hơn các nước trong khu vực và các nước có nền kinh tế chuyển đổi khác. Chức năng thanh toán của hệ thống ngân hàng chưa được phát huy đúng mức, dẫn đến tình trạng thanh toán tiền mặt còn rất lớn ngoài hệ thống ngân hàng, nhu cầu tiền mặt trong xã hội lên cao, thể hiện qua tỷ trọng tiền mặt lưu hành trên khối tiền tệ đạt đến con số kỷ lục 43%. Tỷ lệ này ở các nước ASEAN khác chỉ là 10%. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng tỷ lệ tiền mặt lưu hành cao “Phản ánh sự thiếu tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng”, xuất phát từ “sự bất cập của hệ thống thanh toán và thiếu các dịch vụ ngân hàng phục vụ cho cá nhân”. Nhưng điều nghịch lý là tuy tỉ trọng tiền mặt lưu hành cao, khối lượng tiền mặt lưu hành vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiền mặt trong một xã hội mà các hoạt động giao dịch thanh toán bằng tiền mặt phát triển theo cấp số nhân, dẫn đến hậu quả là người dân - nhất là tại các thành thị - phải đồng thời “xài” cả đồng đô-la Mỹ trong các cuộc giao dịch giá trị cao. Lượng đô-la mặt lưu hành hiện nay, theo một ước lượng không chính thức, xấp xỉ với giá trị lượng tiền đồng Việt Nam trong lưu thông. Khối lượng thanh toán quá lớn bằng tiền mặt - đô-la - ngoài hệ thống ngân hàng đã làm mất đi một nguồn vốn thanh toán quan trọng của hệ thống, mà chính nguồn vốn này mới là chỗ trông cậy thiết yếu của các ngân hàng để họ có thể phát huy vai trò tài trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh thường nhật. Lãi suất tiết kiệm quá cao đã biến nguồn tiết kiệm thành một thứ thức ăn khó nuốt và việc tiếp nhận nguồn vốn này, đối với một số ngân hàng, không khác gì hành động “uống thuốc độc để giải khát”. Sự sống còn của các ngân hàng tùy thuộc vào khả năng tìm kiếm khách hàng sẵn sàng vay với một mức lãi suất cao hơn, có nghĩa là với một rủi ro cao hơn. Đây là một nỗ lực đầy khó khăn của các ngân hàng vì không dễ gì thuyết phục một đơn vị kinh tế lành mạnh và có tính toán chấp nhận vay với lãi suất cao, trong khi những kẻ dễ dàng chịu vay với giá cao thì không có gì đảm bảo rằng họ là những khách hàng có tính toán và lành mạnh. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam, nhất là các ngân hàng vừa và nhỏ, phải sống bằng nguồn - vốn - giá - cao là tiền gởi tiết kiệm. Để tìm được “cửa sinh”, họ buộc phải giảm kỳ hạn tiết kiệm để giảm lãi suất. Thay vì nhận tiết kiệm kỳ hạn một năm và phải trả lãi 24%/năm, các ngân hàng giảm xuống sáu tháng để chỉ phải trả 20,4%/năm (1,7% tháng) và nay thì một số ngân hàng chỉ chấp nhận tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn ba tháng lãi suất 1,4% tháng, tức 16,8%/năm. Điều này có nghĩa là nguồn vốn huy động của các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng trở nên ngắn hạn, hoạt động tín dụng của họ cũng trở nên ngắn hạn. Với lãi suất cao và nguồn vốn huy động ngắn hạn, vai trò của ngân hàng Việt Nam trong việc tài trợ trung và dài hạn nhằm phát triển sản xuất nội địa ngày càng trở nên rất lu mờ. Nhưng nếu các ngân hàng trong nước không đủ sức đảm đương việc tài trợ các dự án đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam, ai sẽ thay thế họ? Câu trả lời rất hiển nhiên: các ngân hàng nước ngoài và họ sẽ tài trợ bằng đồng đô-la. Trận địa đang được ta bỏ trống nhưng họ không vội vã lấn chiếm. Thời gian ở về phía họ, họ sẽ chờ đợi để có một môi trường thuận lợi nhất, thời điểm thích hợp nhất, dự án hiệu quả nhất và khách hàng tốt nhất để lấy quyết định. Tài trợ dự án, đó là phân khúc thị trường mà các ngân hàng Việt Nam đang phải bước ra và không biết đến chừng nào mới có thể quay trở lại. Trong mớ bòng bong của những vấn đề phức tạp, Ngân hàng Thế giới nhận định rằng đầu mối của giải pháp là phải nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống thanh toán của các ngân hàng. Phúc trình của Ngân hàng Thế giới nhận xét: “Các ngân hàng bản xứ cần được tăng cường đáng kể về mặt chế định để đương đầu với những thách thức của một thị trường đang được cởi trói. Sự thiếu thốn hiện nay về các quy định quản lý nghiệp vụ ngân hàng hiện đại là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc nghiêm trọng trong hệ thống thanh toán. Ngân hàng Thế giới hiện đã sẵn sàng tài trợ 49 triệu đô-la cho dự án hiện đại hóa hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước bảo trợ với mục tiêu là “tăng cường uy tín của hệ thống ngân hàng Việt Nam và tạo điều kiện phát triển một khu vực ngân hàng hiện đại đủ khả năng phục vụ các yêu cầu của một nền kinh tế đang tăng trưởng”. Một hệ thống thanh toán hiện đại có thể giúp các ngân hàng mở rộng mạng lưới tiếp xúc của họ đến tận các doanh nghiệp, đến từng cá nhân. Nhưng quan trọng hơn, các ngân hàng phải được tạo điều kiện để cung ứng những phương tiện thanh toán ngày càng tiện lợi hơn nhằm phục vụ các nhu cầu đa dạng của người dân. Quả là chậm nếu đến đầu năm 1996, séc cá nhân mới được lưu hành trên thực tế. Rõ ràng các quy định về séc cần chú trọng nhiều hơn đến lợi ích của người thụ hưởng séc và sự tiện lợi của việc sử dụng séc, mới có thể nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Mặt khác, thương phiếu, hối phiếu, lệnh phiếu… nếu được đưa vào trong quan hệ giao dịch thanh toán giữa các đơn vị kinh tế sẽ giúp khắc phục tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau đang làm kiệt quệ nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phát huy vai trò ngân hàng trong việc tài trợ thanh toán và khai thông dòng chảy đồng vốn. Ngân hàng là một ngành công nghiệp, sự tồn tại và phát triển của nó tùy thuộc vào khả năng của chính nó tạo ra nhiều sản phẩm ngân hàng mới với chất lượng ngày càng cao hơn. Cần mạnh dạn tháo gỡ những ràng buộc để thúc đẩy sự năng động sáng tạo công nghiệp của các ngân hàng Việt Nam. Sẽ không có phát triển công nghệ ngân hàng, nếu mỗi ngân hàng không tự thấy, trước hết, mình là một đơn vị công nghiệp. Một hệ thống thanh toán tốt sẽ giúp hệ thống ngân hàng tích tụ nguồn vốn thanh toán lớn lao và đó là điều kiện căn bản cho việc hình thành thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Nhưng muốn cho thị trường tiền tệ hoạt động tốt, làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển thị trường vốn, biện pháp tháo gỡ những ràng buộc pháp lý (deregulation) trên lãnh vực lãi suất cũng rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước không cần phải ấn định lãi suất tiền gửi và cho vay, dù là ấn định mức trần hay mức sàn, chính các ngân hàng thương mại sẽ làm công việc đó đối với khách hàng của mình, bằng cách dựa trên lãi suất cơ bản là lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Về phần mình Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát các biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ thông qua các hoạt động mua bán của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường cũng như định hướng tín dụng của các ngân hàng thương mại bằng lãi suất tái chiết khấu hay tái cấp vốn. Một chuyên gia về ngân hàng đã nhận xét: “Sự giải tỏa về mặt tài chính dưới hình thức hủy bỏ mức lãi suất trần là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển thị trường chứng khoán”. Nhiều điều phải làm để cải thiện môi trường ngân hàng, nhưng còn nhiều việc phải làm hơn nhằm tăng cường sinh lực và sức mạnh của các ngân hàng Việt Nam, giúp họ có thể trụ lại trong môi trường đó. Vấn đề nợ khê động của các ngân hàng vẫn còn là vấn đề ray rứt, bức xúc mà chủ trương thanh toán công nợ giai đoạn II hầu như hoàn toàn bế tắc trong việc tìm ra giải pháp. Và nếu phải tiếp tục mang nặng nợ nần, các ngân hàng khó có thể tiến nhanh về phía trước. Thuế cũng là một vấn đề cần lưu ý. Thuế doanh thu ngân hàng đã được bãi bỏ, nhưng mức thuế thu nhập 45% đánh trên các ngân hàng Việt Nam cao gần gấp đôi mức thuế thu nhập 25% đánh trên các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang làm sút giảm tiềm lực cạnh tranh của các ngân hàng trong nước. Về phần mình, các ngân hàng thương mại cũng phải có chiến lược phát triển thích hợp, khi nền kinh tế nước ta hội nhập vào khu vực và phải chấp nhận một sự cạnh tranh quyết liệt về mọi mặt. Các ngân hàng quốc doanh cần được hưởng một cơ chế rộng rãi hơn trong việc sử dụng lợi nhuận để dự phòng rủi ro, tăng vốn, cải tiến công nghệ và nâng cao mức phúc lợi cho nhân viên. Các ngân hàng cổ phần cần tự chế trong việc phân phối lợi nhuận, theo đuổi chính sách đúng đắn là giảm tỷ lệ cổ tức hiện tại để tăng nguồn vốn đầu tư cho một tương lai phát triển, như mở rộng mạng lưới hoạt động, tiếp thu công nghệ mới, xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp. Mặt khác, trong cơn sóng gió của cơ chế thị trường, các con thuyền nhỏ bắt buộc phải liên kết thành con tàu lớn, vững chắc hơn. Cần có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phép sự sáp nhập các ngân hàng một cách suôn sẻ, không gây xáo trộn trong hệ thống. Chỉ còn 5 năm nữa là kết thúc thế kỷ 20. Năm năm đó, đối với nước ta có ý nghĩa quyết định. Đó là thời kỳ lấy đà cho nền kinh tế tăng tốc và cất cánh. Hệ thống ngân hàng Việt Nam, với tư cách là nguồn dự trữ và cung ứng nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế, phải thực hiện những tiến bộ vượt bực để có thể hoàn tất vai trò của mình là động lực cho nền kinh tế cất cánh. Tháng 12/1995
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.